Lưu trữPhanxicô

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI 2025

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI 2025

Written by xbvn on Tháng Một 24th, 2025. Posted in Cồ Ngọc HảiHọc thuyết xã hộiLuân lýNhân bảnThế Giới

Với sứ điệp gởi cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới, diễn ra tại Davos-Klosters (Thụy Sĩ), 20-24 tháng 1 năm 2025, Đức Phanxicô mong muốn rằng Trí tuệ nhân tạo (AI) không được hy sinh nhân phẩm để đạt được hiệu quả. AI có thể giúp con người thể hiện ơn gọi của mình, nhưng hãy cẩn thận đừng phụ thuộc nó vào “mô hình kỹ trị” và vi phạm phẩm giá con người. Đức Thánh Cha kêu gọi các chính phủ và doanh nghiệp hành động có trách nhiệm.

Dưới đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha, ngày 23/1/2025:

Chủ đề của hội nghị thường niên năm nay của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, “Hợp tác vì Kỷ Nguyên Trí Tuệ”, mang đến một cơ hội tốt để suy nghĩ về Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) như một công cụ không chỉ dành cho sự hợp tác nhưng còn gắn kết mọi người lại với nhau.

Truyền thống Ki-tô giáo xem món quà trí tuệ như một khía cạnh thiết yếu của con người vốn được tạo dựng ‘theo hình ảnh Thiên Chúa’. Đồng thời, Giáo hội Công giáo luôn là người tán thành và ủng hộ sự phát triển của khoa học, công nghệ, nghệ thuật, và những hình thức nỗ lực khác của con người, nhìn nhận chúng như là những lĩnh vực ‘cộng tác của con người với Thiên Chúa trong việc hoàn thiện công trình tạo dựng hữu hình’ (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, 378).

AI nhằm mục đích bắt chước trí thông minh của con người đã thiết kế ra nó, vì thế cũng đặt ra một loạt những câu hỏi và thách đố độc đáo. Không giống như những phát minh nhân loại khác, AI được rèn luyện dựa trên thành quả của óc sáng tạo con người, vốn cho phép nó phát sinh ra những giả tượng mới với một mức kỹ năng và tốc độ thường sánh với hoặc vượt trên những khả năng con người, làm dấy lên những mỗi lo ngại nguy cấp về ảnh hưởng của nó trên vai trò của nhân loại trong thế giới. Hơn nữa, những kết quả mà AI có thể đem lại gần như không thể phân biệt được với những kết quả của con người, đặt ra những câu hỏi về hiệu quả của nó đối với cuộc khủng hoảng sự thật đang không ngừng gia tăng trên diễn đàn chung. Không những vậy, công nghệ này được thiết kế để học biết và đưa ra những chọn lựa nào đó một cách tự chủ, thích nghi với những hoàn cảnh mới và đưa ra những câu trả lời mà các lập trình viên không biết trước được, vì thế đặt ra những câu hỏi căn bản về trách nhiệm đạo đức, sự an toàn của con người, và các tác động rộng hơn của những phát triển này đối với xã hội.

Trong khi AI thật sự là một thành tựu công nghệ phi thường có khả năng bắt chước một số sản phẩm liên quan đến trí tuệ con người, thì công nghệ này đã “đưa ra những chọn lựa kỹ thuật giữa một vài khả năng dựa trên các tiêu chí được xác định rõ ràng hoặc những suy luận thống kê. Tuy nhiên, con người không chỉ lựa chọn, nhưng trong lòng họ còn có khả năng quyết định” (Bài phát biểu tại Phiên họp G7 về Trí tuệ nhân tạo, Borgo Egnazia (Puglia) 14/6/2024).

Thật vậy, việc sử dụng từ ‘trí tuệ’ liên kết với AI là một cách hiểu sai, khi mà AI không phải là một hình thức nhân tạo của trí tuệ con người, nhưng chỉ là một sản phẩm của nó. Khi được sử dụng đúng đắn, AI trợ giúp con người chu toàn ơn gọi của mình, trong tự do và trách nhiệm.

Cũng như mọi hoạt động khác của con người và sự phát triển công nghệ, AI phải hướng đến con người và trở thành một phần của những nỗ lực nhằm đạt đến ‘một nền công lý cao vượt hơn, một tình huynh đệ rộng lớn hơn và một trật tự nhân đạo hơn trong các tương quan xã hội’, vốn có ‘giá trị hơn những tiến bộ trong lĩnh vực kỹ thuật’ (Gaudium et Spes, 35; x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, 2293).

Tuy vậy, vẫn còn mối nguy cơ rằng AI sẽ được sử dụng để thúc đẩy ‘mô hình kỹ trị’, vốn coi mọi vấn đề của thế giới đều có thể giải quyết được chỉ bằng các phương tiện công nghệ. Trong mô hình này, nhân phẩm và tình huynh đệ thường bị hạ thấp trong quá trình theo đuổi hiệu quả, như thể thực tại, lòng tốt và sự thật vốn bắt nguồn từ sức mạnh kinh tế và công nghệ. Thế nhưng, nhân phẩm không bao giờ được xâm phạm vì mục đích hiệu quả. Những phát triển công nghệ không cải thiện cuộc sống cho mọi người, nhưng thay vào đó tạo nên hoặc làm trầm trọng hơn những bất bình đẳng và xung đột, thì không thể được gọi là sự tiến bộ đích thực. Vì lẽ này, AI nên được đưa vào để phục vụ sự phát triển lành mạnh hơn, nhân văn hơn, xã hội hơn, và toàn diện hơn.

Sự tiến bộ được đánh dấu bằng sự ra đời của AI kêu gọi tái khám phá tầm quan trọng của cộng đồng và cam kết đổi mới với trong việc chăm sóc ngôi nhà chung mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta. Để điều hướng những mối phức tạp của AI, các chính phủ và doanh nghiệp phải thực hiện thẩm định và cảnh giác đúng đắn. Họ phải đánh giá nghiêm túc các ứng dụng riêng lẻ của AI trong những bối cảnh cụ thể để xác định xem những ích lợi của nó liệu có làm thăng tiến nhân phẩm, ơn gọi của con người, và công ích hay không. Cũng như với nhiều công nghệ, ảnh hưởng của các cách sử dụng AI khác nhau không phải lúc nào cũng đoán trước được ngay từ khi chúng bắt đầu. Khi ứng dụng AI và tác động xã hội của nó trở nên rõ ràng hơn theo thời gian, thì các phản ứng phù hợp nên được thực hiện ở mọi cấp độ xã hội, theo nguyên tắc bổ trợ, với người dùng cá nhân, gia đình, xã hội dân sự, tập đoàn, cơ quan, chính phủ, và các tổ chức quốc tế làm việc ở những cấp độ phù hợp của họ để đảm bảo rằng AI hướng đến lợi ích của tất cả mọi người. Ngày nay, có những thách đố và cơ hội không nhỏ khi AI được đặt trong khuôn khổ trí tuệ tương quan, nơi mà mọi người chia sẻ trách nhiệm vì hạnh phúc toàn diện của người khác.

Với những tâm tình này, tôi gửi những lời cầu chúc tốt đẹp cho các cuộc thảo luận của Diễn đàn, và tôi sẵn lòng cầu xin phúc lành của Chúa xuống trên tất cả mọi người đang tham dự.

———————————————-

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Related Articles

Back to top button