Lưu trữ

DÂN CHÚA
ĐỢI CHỜ & HY VỌNG
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
1. Dẫn nhập
“Hy Vọng” là giờ phút Dân Chúa đợi chờ Tân Giáo Hoàng. Mười bảy ngày sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời, 135 hồng y cử tri sẽ họp từ ngày 7 tháng Năm, 2025 để bầu ra Người kế vị thứ 267 của Thánh Phêrô . Giáo Hội và thế giới đang ở một thời khắc quan trọng. Một thời khắc vừa thánh thiêng vừa đầy cảm xúc: lo âu, hy vọng, chờ đợi. Trong những khoảnh khắc chờ đợi như thế, chúng ta tự hỏi: Chúa có ở với chúng ta không? Chúng ta có tin Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt các Hồng y? Hy vọng rằng ngay cả khi chúng ta không thấy, Chúa vẫn hành động, vì sự trung tín tuyệt đối của Thiên Chúa. Hãy cầu nguyện, hãy tin tưởng và hy vọng. Chính trong giờ phút chờ đợi này, Thiên Chúa đang chuẩn bị một món quà lớn cho Giáo Hội. Khi tôi không thấy Chúa, tôi vẫn tin Ngài đang ở đó và đang dẫn dắt, vì Giáo Hội là của Chúa Kitô. Chúng ta tin tưởng, yêu mến! Và xác tín: “Thiên Chúa không bao giờ bỏ chúng ta! Như một người, mơ thấy mình đang đi dọc theo bãi biển với Chúa. Trong suốt chuyến đi, có bốn vết chân được để lại, hai là của người đó và hai là của Chúa. Nhưng trong những thời điểm khó khăn nhất, khi anh cảm thấy đau khổ, chỉ có hai vết chân duy nhất. Anh nói với Chúa: “Chúa ơi, tại sao trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời con, khi con cần Chúa nhất, Chúa lại bỏ con và chỉ để lại mình con?” Chúa mỉm cười và trả lời: “Con yêu quý, lúc con gặp khó khăn và đau khổ, chính là lúc Ta bế con trong tay, không để con phải bước đi một mình. Vết chân duy nhất đó chính là của Ta vì Ta mang con vượt qua gian nan.” Sau đây, tôi xin chia sẻ: Dân Chúa – đợi chờ và Hy vọng.
2. Nhận thức
Trước hết, Mô-sê, cảm thấy rất hoang mang và sợ hãi, khi nghe tiếng Chúa gọi và được giao nhiệm vụ đi cứu dân Israel. Ông tự hỏi tại sao Chúa lại chọn ông, vì ông không phải là một người lãnh đạo có đủ khả năng để đối diện với Pharaon, vua Ai Cập. Ông cũng lo lắng về người dân Israel sẽ không tin ông và cũng không tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong lúc ấy, Chúa đã trấn an Mô-sê và hứa với Mô-sê: “Đừng sợ, Ta ở với con và bảo vệ con”. Đây là một trong những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của Mô-sê và là một thông điệp mạnh mẽ về sự hiện diện và bảo vệ của Thiên Chúa. Lời này xảy ra khi Mô-sê gặp Thiên Chúa trong đám lửa trên núi Horeb, khi Chúa gọi ông để thực hiện sứ mệnh giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Thiên Chúa luôn ở bên và bảo vệ chúng ta: Lời này không chỉ dành cho Mô-sê mà còn là một thông điệp phổ quát về sự hiện diện liên tục của Thiên Chúa trong cuộc sống của mỗi người. Dù chúng ta gặp phải khó khăn, thử thách hay sợ hãi, Thiên Chúa luôn ở bên cạnh và sẽ bảo vệ chúng ta. Đó là lời hứa về sự an ủi và hỗ trợ vô điều kiện. Đừng sợ hãi khi thực hiện sứ mệnh: Mô-sê lo lắng về khả năng của mình và cảm thấy không đủ sức để thực hiện sứ mệnh mà Thiên Chúa giao. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã trấn an ông rằng không phải dựa vào sức mạnh riêng của mình mà là dựa vào sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Khi chúng ta được Thiên Chúa gọi, chúng ta không cần phải sợ hãi, vì Ngài luôn cung cấp cho chúng ta những gì cần thiết để thực hiện sứ mệnh của mình. Sự hiện diện của Thiên Chúa là lý do để vượt qua nỗi sợ hãi: Câu nói này nhắc nhở chúng ta rằng nỗi sợ hãi và lo lắng sẽ tan biến khi chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa luôn ở cùng và đồng hành với chúng ta. Sự hiện diện của Thiên Chúa là điều quan trọng nhất giúp chúng ta có sức mạnh để vượt qua mọi thử thách. Bài học cho chúng ta: Lời hứa của Chúa với Mô-sê là một lời hứa dành cho tất cả chúng ta. Khi gặp khó khăn, khi cảm thấy không đủ khả năng để làm điều gì đó, chúng ta có thể tin rằng Thiên Chúa sẽ ở bên, Ngài sẽ bảo vệ và dẫn dắt chúng ta. Đừng sợ, bởi vì sự sợ hãi sẽ chỉ làm chúng ta yếu đuối, còn khi chúng ta tin tưởng vào sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta có thể đối mặt với bất kỳ thử thách nào trong cuộc sống.
Chúa đã hứa với Moisê-người lãnh đạo hiền lành, vì Dân:”Đừng sợ, Ta ở với con và bảo vệ con”.
Rồi, ba nhà đạo đạo sĩ, đến từ phương Đông. Họ là những người nghiên cứu các hiện tượng thiên văn và đã thấy một ngôi sao sáng, dấu hiệu cho sự ra đời của một vị vua mới, Đấng Cứu Thế. Khi ngôi sao dẫn đường cho họ, đã tìm đến Giêrusalem để hỏi về nơi sinh của “vị vua của người Do Thái”. Khi đến nơi, họ thờ lạy Chúa Giêsu và dâng lên Ngài: vàng, hương liệu và mộc dược. Sau khi gặp Chúa Giêsu, họ không trở lại với Hêrôđê như ông đã yêu cầu, mà thay vào đó, họ trở về qua một con đường khác, vì được cảnh báo trong giấc mơ. Hành trình của ba nhà đạo sĩ là một hành trình tìm kiếm chân lý. Dù họ không phải là người Do Thái, nhưng họ vẫn tìm thấy con đường dẫn đến Chúa Giêsu và nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế. Câu chuyện này khẳng định rằng: hy vọng và tìm kiếm sự thật không chỉ dành riêng cho một dân tộc hay một nhóm người nào, mà là điều dành cho tất cả những ai sẵn sàng mở lòng và theo đuổi sự sáng suốt, như ba nhà đạo sĩ đã làm. Câu chuyện khuyến khích mỗi người chúng ta tìm kiếm Chúa Giêsu với trái tim rộng mở và sẵn sàng chấp nhận những chỉ dẫn mà Ngài gửi đến, dù đó là qua những dấu hiệu nhỏ bé hay những cảnh báo trong giấc mơ.
Chính Chúa Giêsu cũng đã từng trải qua giây phút thẳm sâu nhất: ‘Lạy Cha, sao Cha bỏ con?’ Hy vọng Chúa không bỏ rơi con. “Dù người mẹ có quên con, Ta sẽ không quên con.”
Tiếp đến, Công đồng Vatican II và Thượng Hội đồng Giám mục 2023-2024. Đã nhấn mạnh vai trò của hy vọng trong đời sống của giáo hội, nhắc nhở chúng ta rằng dù phải đối mặt với đau khổ và thử thách, Thiên Chúa vẫn luôn đồng hành và không bỏ rơi chúng ta. Công đồng Vatican II: Hy vọng là trung tâm của đời sống Kitô hữu .
Sau là Văn hóa. Trong một thế giới hiện đại, hy vọng không chỉ là một khái niệm tôn giáo, mà còn là một sức mạnh giúp con người vượt qua nghịch cảnh trong xã hội và công nghệ ngày nay.
Câu chuyện nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp này kể về Pandora- người phụ nữ đầu tiên trên thế giới, được các thần tạo ra. Mặc dù được cảnh báo không mở chiếc hộp, Pandora vì tò mò đã mở nó, giải phóng mọi loại tai họa, bệnh tật, và đau khổ lên thế gian. Tuy nhiên, khi tất cả mọi thứ đã thoát ra ngoài, Pandora phát hiện ra một điều cuối cùng trong hộp: hy vọng. Đây là bài học lớn về hy vọng trong cuộc sống: dù gặp phải nhiều khó khăn và thử thách, hy vọng vẫn là điều cuối cùng giúp con người vươn lên và vượt qua mọi khổ đau. Hy vọng là sức mạnh mang lại sự kiên trì và niềm tin vào ngày mai.
Đặc điểm
Sự bình an, không phải là sự vắng mặt của khổ đau, mà là khả năng giữ gìn hy vọng và bình tĩnh trước mọi nghịch cảnh. Một câu chuyện khác, kể về một thiền sư và học trò của ông, người đã mất hết niềm tin vào cuộc sống vì gặp quá nhiều khó khăn. Thiền sư bảo anh đi khắp thế giới, tìm một nơi mà người dân chưa bao giờ trải qua đau khổ, nỗi buồn hay bất công. Anh học trò đi rất lâu, nhưng cuối cùng nhận ra rằng khắp nơi đều có những nỗi đau, sự bất công, và những thử thách. Trở về, anh học được bài học rằng: “Dù cuộc sống đầy khó khăn, hy vọng là việc tìm thấy sự bình an trong chính mình và trong những điều đơn giản”.
Câu chuyện bức tranh: Bình an. Một ngày kia, một vị vua mở cuộc thi vẽ tranh, với chủ đề: “Bình an”. Rất nhiều họa sĩ tham gia. Những bức tranh tuyệt đẹp được gửi đến: cánh đồng vàng óng dưới nắng, hồ nước phẳng lặng, bầu trời xanh biếc…Nhưng… nhà vua đã không chọn những bức tranh ấy. Bức tranh đoạt giải nhất là một bức tranh lạ lùng: Trời thì đen kịt, sấm sét vang rền.
Mưa to gió lớn, sóng nước đập vào vách đá. Nhưng… trong một khe đá nhỏ, có một con chim mẹ đang dang đôi cánh ấp ủ những chú chim non, bình thản giữa bão tố.
Nhà vua giải thích: “Bình an không phải là nơi không có bão tố. Bình an là chính trái tim an tĩnh ngay giữa những bão tố.”
Áp dụng
1. Hy vọng trong đời sống cá nhân: Một người có thể gặp phải những thử thách cá nhân lớn, như sự mất mát người thân, thất bại trong công việc, hoặc cảm giác cô đơn. Tuy nhiên, thông qua việc cầu nguyện, tìm kiếm sự trợ giúp từ cộng đoàn, hoặc tìm lại niềm vui trong các mối quan hệ gia đình và bạn bè, người đó có thể tái tạo hy vọng và tiếp tục vững bước.
2. Trong gia đình: Một gia đình đang trải qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, thay vì thất vọng và buông xuôi, họ nuôi dưỡng hy vọng bằng cách duy trì sự kiên nhẫn và chăm sóc nhau. Hy vọng trong việc giáo dục con cái: Cha mẹ có thể gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con cái, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện đại, với những thách thức về học hành, công nghệ, và ảnh hưởng từ bên ngoài. Tuy nhiên, bằng cách kiên định với các giá trị đạo đức, dạy cho con cái hy vọng vào một tương lai tươi sáng, cha mẹ giúp con cái biết rằng dù cuộc sống có khó khăn, thì Thiên Chúa luôn đồng hành và hy vọng luôn mở ra con đường phía trước.
3. Trong cộng đoàn: Một cộng đoàn giáo xứ có thể đối mặt với những khó khăn. Ví dụ, các sinh hoạt như cầu nguyện chung, lớp học Kinh Thánh, hay các buổi chia sẻ về đức tin giúp mọi người nhận ra rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi họ. Khi một thành viên trong cộng đoàn gặp khó khăn (về sức khỏe, gia đình, hoặc công việc), những người khác có thể đến bên cạnh, cầu nguyện và hỗ trợ tinh thần, giúp họ tìm lại niềm hy vọng vào sự chăm sóc của Thiên Chúa.
4. Trong xã hội: Trong xã hội hiện đại, có rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải đối mặt, như nghèo đói, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội, hay vấn đề nhân quyền. Mặc dù những vấn đề này có vẻ khó giải quyết, nhưng chính hành động kiên định và sự kiên trì trong công cuộc đấu tranh cho công lý, hòa bình và bảo vệ môi trường chính là cách thức sống hy vọng trong một thế giới đầy thách thức. Cộng đồng có thể duy trì hy vọng khi thấy rằng mỗi hành động tốt đẹp, dù là nhỏ, đều có thể tạo ra sự thay đổi tích cực.
5. Hy vọng trong khoa học và công nghệ: Các nghiên cứu mới về ung thư, sự phát triển của các liệu pháp chữa bệnh, hoặc những tiến bộ trong các lĩnh vực công nghệ như trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo mang lại niềm hy vọng cho nhân loại. Mặc dù có thể gặp phải những thử thách lớn, nhưng hy vọng vào khả năng của con người và khoa học giúp chúng ta tin tưởng vào một tương lai mà các vấn đề hiện tại có thể được giải quyết.
Kết luận
Chúa Giêsu trong Bài diễn từ ly biệt với các môn đệ, trước khi bước vào cuộc Thương Khó: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” . Đây là thứ bình an nội tâm, phát xuất từ niềm tin và sự kết hiệp với Chúa. Bình an này không lệ thuộc vào hoàn cảnh, mà là hoa trái của Thánh Thần . Và sau khi Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ xuống thuyền, đi trước sang bờ bên kia, còn Ngài thì lên núi cầu nguyện một mình. Đêm đó, Chúa Giêsu đi bộ trên mặt nước đến với họ. Các môn đệ hoảng sợ tưởng là ma, nhưng Chúa trấn an: “Hãy yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Thánh Phêrô, với lòng sốt sắng, thưa: “Nếu quả thật là Thầy, xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Thầy.” Chúa Giêsu bảo: “Hãy đến!”. Phêrô bước xuống thuyền, đi trên mặt nước đến với Chúa Giêsu. Nhưng thấy gió thổi mạnh, ông sợ và bắt đầu chìm xuống, ông kêu lên: “Lạy Thầy, xin cứu con!” Chúa Giêsu đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” Khi Thầy trò lên thuyền, gió liền lặng. Phêrô đi trên mặt nước, đến với Chúa Giêsu giữa lúc biển động . Đây là một Bài học rất sâu sắc về đức tin, hy vọng, và ơn cứu độ, nhất là trong những lúc tưởng như tuyệt vọng nhất. Khi kêu lên: “Lạy Thầy, xin cứu con!”, Chúa lập tức đưa tay cứu Phêrô. Hy vọng là giữ mắt hướng về Chúa giữa sóng gió. Hy vọng là dám kêu cầu Chúa, ngay cả lúc cuối cùng. Chúa luôn cứu ta, nhưng cũng dạy ta đức tin vững mạnh. Chúa hiện diện thì bão tố sẽ lặng yên. Hy vọng không phải cuộc đời yên bình, mà là tin chắc: Chúa ở với ta trong mọi sóng gió. Hy vọng Kitô giáo là tin tưởng rằng Chúa ở cùng ta, kể cả trong cơn sóng dữ. Và Chúa cứu ta, không phải vì ta hoàn hảo, nhưng vì ta biết kêu cầu Ngài bằng tất cả lòng tin, dù chỉ là trong giây phút cuối. Và mỗi lần được cứu, Chúa lại nhắc ta: “Hãy tin tưởng hơn, đừng hoài nghi.” Và “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” . Đợi chờ và Hy vọng: Dân Chúa và Thế giới, nhìn thấy khói trắng và tiếng loan báo: “Đã có Giáo hoàng”. /.
Truyền thông TGP/SG và HVCG/VN tháng Tư 2025
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)

Related Articles

Back to top button