Đức Thánh Cha tiếp Ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh
Vatican News
Mở đầu cuộc gặp gỡ, Đại sứ Cộng hòa Cipro cạnh Tòa Thánh, ông George Poulides, Niên trưởng đoàn ngoại giao, đã đại diện mọi người chúc mừng Đức Thánh Cha nhân dịp đầu năm mới và nhắc đến những hoạt động của ngài đã mang lại những hướng đi cho cộng đồng các dân nước.
Trong diễn văn đáp lời, Đức Thánh Cha nhắc đến những phát triển trong các quan hệ ngoại giao của Tòa Thánh trong năm qua với các nước, đặc biệt việc ký hiệp định bổ sung thứ hai cho hiệp định về quy chế pháp lý của Giáo hội Công giáo tại Burkina Faso, hiệp ước song phương với Cộng hòa Séc về một số vấn đề pháp lý, và Thoả thuận Tạm thời giữa Tòa Thánh-Trung Quốc về bổ nhiệm Giám mục.
Cách riêng, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn chính phủ Ý vì các hoạt động chuẩn bị cho Năm Thánh. Theo ngài, nhờ công việc không ngừng của nhiều người mà hôm nay dân thành Roma, khách hành hương và khách du lịch có thể tận hưởng vẻ đẹp của thành phố muôn thuở. Ngài cũng gửi lời cám ơn đến các lực lượng cảnh sát, bảo vệ dân sự, cơ quan y tế và các tình nguyện viên, mỗi ngày làm việc hết sức để đảm bảo an toàn cho Năm Thánh.
Năm mới khởi đầu với những bất ổn
Đức Thánh Cha nhận xét về tình hình thế giới với những bất ổn xảy ra đầu năm, đó là sự tái diễn các hành động khủng bố ở Magdeburg của Đức và ở New Orleans của Hoa Kỳ. Ngày nay, mọi người phải sống trong bối cảnh xã hội ngày càng phân cực, với cảm giác lo sợ và không tin tưởng người khác và tương lai. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn bởi việc tạo ra và loan tin giả, bóp méo sự thật và lương tâm, khơi dậy nhận thức sai lầm về thực tế và tạo ra bầu khí nghi ngờ kích động hận thù, gây nguy hiểm cho sự an toàn của người dân và ảnh hưởng đến sự chung sống và sự ổn định của toàn quốc gia. Những ví dụ bi thảm về điều này là các cuộc tấn công nhắm vào Thủ tướng Slovakia và Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ.
Mong ước của Đức Thánh Cha
Trước thực trạng thế giới như vậy, Đức Thánh Cha bày tỏ mong ước năm mới và cũng là Năm Thánh này có thể là cơ hội để tất cả mọi người, Kitô hữu và không Kitô hữu, suy nghĩ lại các mối liên hệ để vượt qua tư duy đối đầu và thay vào đó là tư duy gặp gỡ, để thời gian tới mọi người không phải sống trong sự tuyệt vọng, nhưng như những người hành hương hy vọng trên một hành trình dấn thân xây dựng một tương lai hoà bình.
Mặt khác, trước mối đe doạ ngày càng rõ của chiến tranh thế giới, ơn gọi ngoại giao là khuyến khích đối thoại với tất cả, gồm cả những người được xem là “không dễ chịu” và những người không cho là hợp pháp để đàm phán. Đây là cách duy nhất để phá vỡ xiềng xích hận thù và trả thù đang giam cầm, và để tháo gỡ ích kỷ, kiêu ngạo con người.
Ngoại giao hy vọng
Với những suy xét này và khởi đi từ những lời của ngôn sứ Isaia, được Chúa Giêsu nhận cho chính mình trong hội đường Nazareth vào lúc bắt đầu cuộc đời công khai: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi… sai tôi đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa” (Is 61,1-2a), Đức Thánh Cha nói rằng ngài muốn trình bày với các đại sứ một số điểm của ngoại giao hy vọng mà tất cả đều được kêu gọi thực hiện. Nói chung, ngài muốn nhấn mạnh một số trách nhiệm mà mỗi lãnh đạo chính trị cần ghi nhớ trong khi thi hành nhiệm vụ, vốn phải hướng đến việc xây dựng công ích và sự phát triển con người toàn diện.
Mang tin vui cho kẻ nghèo hèn
Trước hết mang tin vui cho kẻ nghèo hèn. Đức Thánh Cha nhận xét chưa bao giờ nhân loại đạt được những tiến bộ, phát triển và giàu có như thời đại hôm nay, nhưng cũng chưa bao giờ con người cảm thấy cô đơn, lạc lối, thích thú cưng hơn là trẻ em như ngày nay. Vì thế, nhu cầu đón nhận tin vui càng trở nên cấp thiết. Tin vui này Thiên Chúa ban cho nhân loại trong đêm Giáng sinh. Mọi người, cả những người không phải là Kitô hữu đều có thể trở thành người mang niềm hy vọng và sự thật.
Mặt khác, con người được ban cho một khát khao bẩm sinh về sự thật. Nhưng thời nay, với các phương tiện truyền thông hiện đại và trí tuệ nhân tạo, dường như việc phủ nhận sự thật luôn chiếm ưu thế. Vì thế, một ngoại giao hy vọng trước hết là một ngoại giao của sự thật. Nơi nào thiếu mối liên kết giữa thực tế, sự thật và kiến thức, thì nơi đó nhân loại không còn có thể nói và hiểu nhau nữa, vì thiếu nền tảng của một ngôn ngữ chung, như ở câu chuyện Tháp Babel trong Kinh Thánh. Truyền thông, đối thoại và dấn thân vì công ích đòi hỏi thiện chí và tuân thủ một ngôn ngữ chung. Điều này đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực ngoại giao.
Băng bó những tấm lòng tan nát
Đức Thánh Cha đi đến điểm thứ hai: một ngoại giao hy vọng cũng là một ngoại giao của sự tha thứ. Ngài mong muốn trong Năm Thánh 2025, tất cả Cộng đồng quốc tế nỗ lực trước hết chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu ở Ucraina đã diễn ra trong ba năm và gây ra nhiều nạn nhân. Một số dấu hiệu khích lệ đã xuất hiện ở phía chân trời, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để xây dựng các điều kiện cho một nền hoà bình công bằng và lâu dài, cũng như chữa lành những vết thương do cuộc xâm lược gây ra.
Đồng thời, ngài nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn và thả các con tin Israel ở Gaza, nơi mà tình hình nhân đạo rất nghiêm trọng, và yêu cầu làm sao để người Palestine nhận được mọi viện trợ cần thiết. Ngài hy vọng người Israel và Palestine có thể tái xây dựng những cây cầu đối thoại và tin tưởng nhau, để các thế hệ tương lai có thể sống cạnh nhau trong hoà bình.
Cũng liên quan đến chiến tranh, Đức Thánh Cha lưu ý các loại vũ khí ngày càng tinh vi và huỷ diệt. Ngài kêu gọi sử dụng tiền mua vũ khí để thành lập quỹ toàn cầu xoá đói và phát triển các nước nghèo.
Về việc dân thường và cơ sở hạ tầng bị tấn công, ngài hy vọng Năm Thánh này sẽ là thời điểm thuận tiện để cộng đồng quốc tế làm việc tích cực để đảm bảo quyền con người không phải hy sinh trước các đòi hỏi quân sự.
Ngoài Ucraina, Israel, Palestine, Đức Thánh Cha còn nhắc đến những nơi chiến tranh và xung đột đang tàn phá đời sống người dân: Châu Phi: Sudan, Sahel, Sừng châu Phi, Mozambique, Haiti; Châu Á với Myanmar; Châu Mỹ Latinh với Venezuela, Bolivia, Colombia và Nicaragua.
Công bố tự do cho nô lệ
Về công bố tự do cho các nô lệ, Đức Thánh Cha nói: “Hai ngàn năm Kitô giáo đã đóng góp loại bỏ chế độ nô lệ khỏi mọi hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hình thức nô lệ”.
Ngài liệt kê những hình thức đó: Trong lao động với điều kiện làm việc vô nhân đạo. Phải làm sao để lao động thực sự mang lại phẩm giá và phát triển cho con người; Tình trạng nô lệ khủng khiếp của nghiện ma tuý, đặc biệt ảnh hưởng đến người trẻ. Không thể chấp nhận được khi chứng kiến nhiều cuộc đời, gia đình và đất nước bị huỷ hoại bởi tai hoạ này; Nô lệ của hoạt động buôn người, hình thức nô lệ khủng khiếp nhất. Ngoại giao hy vọng là ngoại giao của tự do, đòi hỏi cam kết chung của cộng đồng quốc tế loại bỏ hình thức thương mại khốn khổ này.
Về điểm này, Đức Thánh Cha còn đề cập đến hiện tượng di cư, mà theo ngài vẫn còn bị bao phủ bởi một đám mây đen ngờ vực, thay vì được coi là một nguồn tăng trưởng. Điều quan trọng nữa là phải giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc di chuyển, để việc rời khỏi nhà của một người nhằm tìm một nhà khác là một lựa chọn chứ không phải là một “nghĩa vụ sinh tồn”. Trong cái nhìn này, ngài tin rằng một cam kết chung để đầu tư vào hợp tác phát triển là điều cần thiết, để giúp xóa bỏ một số nguyên nhân khiến người dân di cư.
Công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm
Đức Thánh Cha nói đến điểm cuối cùng: Công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm. Ngài nhắc lại Năm Thánh là thời gian thuận tiện để thực hành công lý, tha nợ và ân xá cho các tù nhân, bãi bỏ án tử hình. Theo ngài, không có khoản nợ nào cho phép ai đó, kể cả nhà nước, đòi hỏi mạng sống của người khác. Mặt khác, chúng ta không thể quên rằng theo một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều là tù nhân, bởi vì tất cả chúng ta đều là những người mắc nợ: nợ Thiên Chúa, người khác và cả Trái đất thân yêu của chúng ta.
Với cái nhìn này, Đức Thánh Cha kêu gọi các quốc gia giàu có tha nợ cho những quốc gia không bao giờ có thể trả được. Đó không chỉ là một hành động liên đới hay cao thượng, nhưng trên hết là công lý.
Về phần Giáo hội, ngài nhấn mạnh, Tòa Thánh sẵn sàng đồng hành với tiến trình này với ý thức rằng không có biên giới hay rào cản nào, chính trị hay xã hội, mà chúng ta có thể che giấu đằng sau.
Đức Thánh Cha kết thúc: “Theo quan điểm Kitô giáo, Năm Thánh là thời gian ân sủng. Và tôi ước mong năm 2025 này thực sự là một năm ân sủng, giàu sự thật, tha thứ, tự do, công lý và hòa bình! Niềm hy vọng được chứa đựng trong trái tim mỗi người như một niềm khao khát và chờ đợi sự tốt lành, và mỗi người chúng ta được mời gọi làm cho niềm hy vọng đó lan toả xung quanh chúng ta. Đây là lời chúc chân thành nhất gửi tới quý vị, các Đại sứ thân mến, tới gia đình, các chính phủ và những dân tộc mà các quý vị đại diện: cầu mong niềm hy vọng nảy nở trong trái tim chúng ta, và thời đại của chúng ta tìm thấy hòa bình đáng mong muốn”.
Sau bài diễn văn dài, Đức Thánh Cha bắt tay chào thăm tất cả các vị đại sứ hiện diện.