BÀI GIẢNG MÙA VỌNG, MỞ LÒNG NGẠC NHIÊN THÁN PHỤC TRƯỚC SỰ MỚI MẺ CỦA THIÊN CHÚChuyển ngữ: Tý Linh
10/12/2024
Sự ngạc nhiên thán phục trước sự mới mẻ của Thiên Chúa, trước mầu nhiệm Nhập Thể, là “chuyển động đầu tiên của con tim thức tỉnh” để lên đường hướng tới Lễ Giáng Sinh của Chúa “và bước qua cánh cửa Năm Thánh với niềm hy vọng sống động”. Một sự ngạc nhiên giống như của Đức Maria, sau lời loan báo của thiên thần Gabriel, Mẹ “đã để mình được thu hút một cách hết sức tự nhiên” bởi kế hoạch của Thiên Chúa và muốn “tham gia vào kế hoạch đó một cách tự do và có ý thức”. Nhưng để làm được điều này, trước tiên cần phải nới lỏng sự cứng nhắc của trái tim, nói “không” với mọi thứ có nguy cơ nhốt và đè nặng chúng ta: sợ hãi, cam chịu, hoài nghi. Chỉ như thế “chúng ta mới có thể nhìn mọi sự bằng ánh mắt mới, nhận ra những hạt giống Tin Mừng đã hiện diện trong thực tại”, sẵn sàng mang niềm hy vọng của Thiên Chúa đến cho thế giới. Đây là lời mời được đưa ra cho Đức Thánh Cha và các thành viên của Giáo triều vào sáng thứ Sáu tuần này bởi vị giảng thuyết mới của Phủ Giáo hoàng trong bài giảng đầu tiên của Mùa Vọng. Ba bài suy niệm của ngài sẽ tập trung vào “những cánh cửa của hy vọng. Hướng tới việc khai mạc Năm Thánh qua lời ngôn sứ của Lễ Giáng Sinh”.
Mở cửa
Sau vài lời cám ơn vị tiền nhiệm, Cha Raniero Cantalmessa, người rao giảng “niềm vui và ánh sáng Tin Mừng” cho Toà Thánh trong 44 năm, Cha Roberto Pasolini mời gọi chúng ta mở “Cánh cửa cho sự ngạc nhiên thán phục”, chủ đề được chọn cho bài giảng đầu tiên của ngài, trước tiên băng cách lắng nghe tiếng nói của các ngôn sứ, tiếp đến là “sự can đảm không đồng thuận” của Elisabeth, và cuối cùng là “sự khiêm nhường gắn bó” của Đức Maria. Các ngôn sứ, những người “biết cách hiểu sâu sắc ý nghĩa của các biến cố lịch sử”, chỉ ra cho chúng ta thách đố phải đối mặt trong Mùa Vọng, đó là “nhận thức được sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa trong lịch sử và đánh thức sự ngạc nhiên thán phục của chúng ta về những gì không những Ngài có thể làm được, mà trên hết, Ngài còn muốn thực hiện trong cuộc sống của chúng ta và trong lịch sử thế giới”.
Tiếng nói của các vị tiên tri: cảnh báo rồi mở ra niềm hy vọng
Lưu ý rằng, trong thời gian này, phụng vụ cho chúng ta lắng nghe nhiều bản văn ngôn sứ, nhà giảng thuyết nhấn mạnh rằng tiếng nói của họ không bao giờ có thể khiến chúng ta thờ ơ, bởi vì, như Giêrêmia nói, nó tạo ra trong chúng ta hai tác dụng: cảnh báo và mở ra niềm hy vọng, bởi vì “Thiên Chúa tái khẳng định sự trung tín trong tình yêu của Ngài và ban cho con người một cơ hội mới”.
Khó khăn để tin vào ánh sáng mới
Đây là những lời mà chúng ta thấy đặc biệt khó nghe, “khi tiếng Chúa tìm cách mở lại những kênh hy vọng”, bởi vì “đón nhận một tin mừng không phải là điều dễ dàng, nhất là khi thực tại từ lâu đã bị đánh dấu bởi đau khổ, thất vọng và bất an. Cám dỗ tin rằng không có gì mới có thể xảy ra thường xuyên len lỏi vào tâm hồn chúng ta.” Tuy nhiên, những tiếng nói như của ngôn sứ Isaia nói với chúng ta “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?”, đạt tới chúng ta ngay tại đây, “ở nơi đâu chúng ta bị cám dỗ tin rằng thực tại có thể không còn mang lại cho chúng ta những ánh sáng mới”. Do đó, thách thức là đánh thức lại “sự ngạc nhiên thán phục” trước những gì Thiên Chúa mong muốn “hoàn thành một lần nữa trong cuộc sống của chúng ta và trong lịch sử thế giới”.
Gương của bà Elisabeth và Đức Maria
Để chuẩn bị cho chúng ta lắng nghe những tiếng nói ngôn sứ này, cha Pasolini lấy gương của hai nhân vật nữ, là bà Elizabeth và Đức Trinh Nữ Maria, nơi các ngài được cô đọng hai thái độ cơ bản để tạo sinh trong chúng ta một động lực cứu rỗi: bà Elizabeth đã biết nói “không” đối với tính liên tục bề ngoài của các sự vật và các mối liên kết, trong khi nơi Đức Maria, chúng ta thấy cần phải “biết nói “xin vâng” với sự mới mẻ của Thiên Chúa, bằng cách bày tỏ một sự đồng thuận tự do và vui tươi với ý muốn của Ngài“.
Elisabeth, lòng can đảm không đồng thuận
Trong bài suy niệm của mình, vị giảng thuyết trong Phủ Giáo hoàng vạch lại câu chuyện về bà Elizabeth và chồng bà là ông Dacaria, như được thánh sử Luca mô tả, với vị tư tế già “nghi ngờ trước việc tin tưởng chào đón lời loan báo về một sự kiện đã được mong đợi từ lâu, nhưng có lẽ không còn được xem xét là khả thi nữa”: sự ra đời của một đứa con trai. Vì thiếu đức tin, ông đã bị câm cho đến khi Gioan chịu phép cắt bì, cái tên do thiên thần đặt. Khi bà con họ hàng yêu cầu đặt tên cho đứa trẻ là Dacaria, mẹ đứa trẻ là bà Elisabeth đã can thiệp: “Không, nó sẽ được gọi là Gioan.” Dacaria có nghĩa là “Thiên Chúa nhớ đến”, trong khi Gioan có nghĩa là “Thiên Chúa tỏ lòng thương xót”. Cha Pasolini giải thích, một cái tên “chuyển sự chú ý sang ngày hôm nay” và “gợi ý rằng lịch sử, mặc dù bị ảnh hưởng bởi các di sản của nó, luôn có khả năng vượt qua và mở ra những khả năng mới, nếu có hành động của Thiên Chúa”. Dacaria viết trên một tấm bảng sự đồng thuận của mình với cái tên Gioan và nói lại được.
Khám phá rằng điều tốt nhất vẫn còn chưa đến
Đối với nhà giảng thuyết, phản ứng của bà Elisabeth gợi ý rằng “đôi khi cần thiết phải làm gián đoạn tiến trình của sự việc để mở lòng ra cho sự mới mẻ của Thiên Chúa”. Cha giải thích: “Ngày nay hơn bao giờ hết, vào một thời đại đặc biệt trong lịch sử nhân loại, chúng ta cần tìm lại kiểu nhìn thiêng liêng này về thực tại, trong đó, bên cạnh những bất công nghiêm trọng, chiến tranh và bạo lực đang gây đau khổ ở mọi nơi trên thế giới, những khám phá mới và những con đường giải thoát đầy hứa hẹn xuất hiện”. Thật vậy, tập trung vào hiện tại, “chúng ta vất vả đầu tư vào tương lai và có xu hướng tưởng tượng ngày mai là bản sao của ngày hôm nay”. Trái lại, tiếng “không” của bà Elisabeth, vốn đặt số phận của Gioan vào tay Thiên Chúa, “nhắc nhở chúng ta rằng không có gì và không ai bị điều điều chỉnh chỉ bởi lịch sử và cội rễ của nó, nhưng cũng liên tục được tái điều chỉnh bởi ân sủng của Thiên Chúa”.
Nói không với thói quen để được Thiên Chúa đổi mới
Có rất nhiều tiếng “không” đang chờ được tuyên bố, “không chỉ chống lại sự dữ rõ ràng, mà còn chống lại sự dữ tinh vi vốn là thói quen tiếp tục mọi việc mà không bao giờ có đủ can đảm để suy nghĩ lại chúng một cách nghiêm túc và cùng nhau thực hiện điều đó. Nhưng để tuyên bố những tiếng “không can đảm” này, cần phải tin rằng Thiên Chúa đang hoạt động trong lịch sử và điều tốt đẹp nhất sẽ đến”.
Đức Maria, sự khiêm nhường gắn bó
Cuối cùng, để nói về việc Đức Maria đáp lại lời mời gọi của Chúa, cha Pasolini đọc lại đoạn Tin Mừng về biến cố Truyền Tin, dưới những nét “vốn có thể giúp chúng ta khám phá lại một chút ngạc nhiên thán phục trước mầu nhiệm Nhập Thể”. Cha giải thích rằng nơi thánh Luca, nhiệm vụ của thiên thần Gabriel dường như là “đi vào trái tim Đức Maria, mà không cần phải ép buộc các cánh cửa của sự sẵn sàng ứng trực của Mẹ, bởi vì cuộc đối thoại giữa các ngài phải diễn ra một cách hoàn toàn tự do” và “trong một bầu không khí tin tưởng”, Đức Trinh Nữ được mời gọi hãy vui mừng lên, nghĩa là “nhận ra một điều gì đó đã có sẵn: Chúa ở cùng Mẹ”. Và đó là “ân sủng của Mùa Vọng”, nghĩa là ân sủng của việc “nhận ra rằng có nhiều lý do để vui mừng hơn là lý do để buồn, không phải vì mọi việc đơn giản, nhưng vì Chúa ở cùng chúng ta và mọi thứ vẫn còn có thể xảy ra.”
Sự bồn chồn của Đức Maria
Nhưng trước những lời của thiên thần, “Đức Maria rất bối rối.” Theo cha Pasolini, ít nhất có hai lý do. Lý do thứ nhất là “khi ai đó thể hiện tình yêu của họ với chúng ta, đó luôn là một điều bất ngờ. Tình yêu không phải là một sự kiện hiển nhiên” và “chúng ta cần cảm thấy được công nhận và được chấp nhận đối với những gì chúng ta là”. Lý do thứ hai khiến Đức Maria bối rối là “trái tim của Mẹ cảm thấy đã đến lúc để cho mình được định nghĩa lại hoàn toàn bởi lời Chúa”. Đó là như thể, Mẹ giải thích, “Lời Chúa đang viết trên một tờ giấy trên đó nhiều lời khẳng định khác đã được tích lũy và sắp xếp theo thời gian, không còn chỗ cho một lời khẳng định mới”. Nhưng trong Mùa Vọng, việc chờ đợi và lắng nghe là để “cho phép tiếng nói của Thiên Chúa đi vào trong chúng ta để nói lại với chúng ta rằng chúng ta đang là gì và chúng ta có thể là gì trước mặt Ngài”.
Lời mời gọi về một cuộc sống mới
Cuối cùng, việc kêu gọi một cuộc mang thai bất khả thi theo tiêu chuẩn con người khiến Đức Maria có nguy cơ không được ai hiểu, hoặc thậm chí bị mọi người lên án là một phụ nữ ngoại tình theo những quy định của luật Môsê. Bằng phép ẩn dụ, cha Pasolini giải thích, điều này có nghĩa là “mọi loan báo của Thiên Chúa nhất thiết đặt con người trước sự chết, bởi vì nó chứa đựng lời hứa về một cuộc sống trọn vẹn, hoàn toàn được trao ban cho Thiên Chúa và cho thế giới”. Và nỗi sợ hãi “trước trách nhiệm như vậy” chỉ có thể vượt qua được bằng cách “xem xét vẻ đẹp và sự vĩ đại của những gì đang chờ đợi chúng ta”. Nhưng để mở ra cho tất cả những điều này, nhà giảng thuyết nhấn mạnh, “chúng ta không thể tự giới hạn trong việc nói những lời “xin vâng” mà chúng ta chẳng mất gì và không lấy đi của chúng ta điều gì cả”. Trên thực tế, bất kỳ “quyết định đích thực nào theo Tin Mừng” đều “phải trả giá bằng cả cuộc đời và khiến chúng ta có nguy cơ mất đi những đặc quyền và sự tự tin”. Việc nói “xin vâng” với Thiên Chúa sẽ khiến chúng ta có nguy cơ “chết đi trong sự cân bằng mà chúng ta đã đạt được và trong đó chúng ta cố gắng ở lại”. Tuy nhiên, đó chính là “con đường khiến chúng ta khám phá lại chính mình”.
Tôi đây là nữ tỳ của Chúa
Đối với thiên thần, Đức Trinh Nữ đáp lại bằng “sự ngạc nhiên thánh thiện” của mình, bằng cách hỏi “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Mẹ không muốn hiểu chi tiết kế hoạch của Chúa mà chỉ muốn trở thành một người tham gia tự do và có ý thức vào kế hoạch đó. Và Thiên thần không giải thích cho Mẹ biết Mẹ sẽ sinh ra xác thịt của Con Thiên Chúa như thế nào: Thiên thần chỉ nói với Mẹ rằng Chúa Thánh Thần sẽ là người giữ gìn trung thành của Mẹ. Khi tuyên bố: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”, Đức Maria “tuyên bố tất cả lòng nhiệt thành của mìanh đối với lời kêu gọi mà Mẹ vừa nhận được”. Như thể Mẹ đang nói với thiên thần, “trên thực tế, những gì ngài đề nghị tôi chấp nhận, bây giờ chính tôi là người muốn nó và là người chọn nó”.
Những lời loan báo mà chúng ta nhận được trong cuộc sống
Đối với cha Pasolini, “tất cả những lời loan báo mà chúng ta nhận được trên đường đời chỉ có thể kết thúc như thế này. Khi ánh sáng của Thiên Chúa thành công trong việc cho chúng ta thấy rằng trong nỗi sợ hãi những gì đang chờ đợi chúng ta có sự trung thành của một lời hứa vĩnh cửu, sự ngạc nhiên thán phục nảy sinh trong chúng ta và chúng ta khám phá ra mình có khả năng cuối cùng tuyên bố “này con đây””.
Chuyển ngữ: Tý Linh
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va
Nguồn: xuanbichvietnam.net
TAGS: