Lưu trữ

ĐỨC PHANXICÔ : KHÔNG ĐƯỢC LOẠI BỎ BẤT KỲ MẠNG SỐNG NÀO

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 1st, 2024. Posted in Học thuyết xã hộiLuân lýNhân bảnTâm linhThế GiớiTruyền giáoTý Linh

Thứ Sáu, ngày 29/11/2024, trong khi tiếp phái đoàn từ khoa nha khoa của Đại học Napoli “Frederick II”, Đức Phanxicô đã nhắc lại ba nguyên tắc của lời thề Hippocrate: không làm hại, chăm sóc và chữa lành. Ngài cảnh báo các bác sĩ chống lại nguy cơ bỏ bê phẩm giá con người bằng cách “làm theo lợi ích của thị trường và ý thức hệ, thay vì cống hiến hết mình cho lợi ích của cuộc sống sơ sinh, cuộc sống đau khổ, cuộc sống nghèo khổ”.

Trong phòng Công nghị Hồng y ở Vatican, khoảng 80 bác sĩ, nha sĩ và giáo sư từ Đại học Naples đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào sáng thứ Sáu ngày 29 tháng 11.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha trước tiên lưu ý đến ngày kỷ niệm thành lập Trường Đại học, “thực tế đã tám trăm năm trôi qua kể từ khi thành lập Đại học Napoli”. Thật vậy, vào tháng 6 năm 1224, Hoàng đế Frederick II đã ra lệnh thành lập trường học ở thành phố Napoli. Người đồng thời là vua của Sicily đã đặt tên mình cho một trong những trường đại học lâu đời nhất trên thế giới vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.

Tiếp đến, Đức Phanxicô đã lấy lại truyền thống y học lâu đời, từ Hippocrate người Hy Lạp đến bác sĩ Scribonius, người Rôma, dựa trên ba nguyên tắc: “đầu tiên là không làm hại, tiếp đến là chăm sóc, cuối cùng là chữa lành” (primum non nocere, secundum cavere, tertium sanare). Theo Đức Thánh Cha, một “chương trình tốt vẫn còn mang tính thời sự”.

Không làm hại, chăm sóc, chữa lành

Đối với Đức Thánh Cha, nguyên tắc đầu tiên, “không làm hại”, tuân theo “tính hiện thực lành mạnh”: “không gây thêm tổn hại và đau khổ cho những gì bệnh nhân đang trải qua rồi”. Ví dụ, điều này cũng áp dụng cho việc bám riết điều trị, vốn “không phải là biểu hiện của y khoa và sự chăm sóc thực sự thích hợp và thuận lợi cho người bệnh”, Đức cha Vincenzo Paglia, chủ tịch Hàn lâm viện Giáo hoàng về sự sống, nhấn mạnh như thế, nhân dịp phát hành “Tiểu Từ vựng về việc chấm dứt sự sống” vào tháng 8 năm 2024.

Tiếp đến, dựa vào hình ảnh người Samaritanô nhân hậu, người tìm thấy một người đàn ông nằm trên mặt đất, đưa anh ta đến một quán trọ để anh ta được chăm sóc, Đức Thánh Cha đảm bảo rằng “chăm sóc là hành động truyền giáo tuyệt vời nhất”. Ngài khuyến khích các bác sĩ và giáo sư làm điều đó “với “phong cách của Thiên Chúa”: gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng”, cách duy nhất để chăm sóc “toàn bộ con người, chứ không chỉ một bộ phận”. Đức Phanxicô đảm bảo rằng khi một phần phổi của ngài bị cắt bỏ, lúc ngài khoảng hai mươi tuổi, thứ mang lại cho ngài sức mạnh lớn nhất không phải là thuốc men, mà là “bàn tay của các y tá, những người sau khi tiêm thuốc đã nắm lấy tay [ngài]”.

Nguyên tắc thứ ba, chữa lành, cho phép Đức Thánh Cha so sánh hình ảnh Chúa Giêsu và hình ảnh các bác sĩ. Ngài nhấn mạnh : “Anh chị em có thể giống như Chúa Giêsu, Đấng đã chữa lành mọi bệnh tật cho con người. Hãy hạnh phúc vì những điều tốt đẹp được thực hiện cho những người đau khổ”.

“Lợi ích của thị trường và ý thức hệ”

Khi Nghị viện Anh thảo luận về dự luật về việc chấm dứt sự sống vào ngày 29 tháng 11 mà nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo phản đối, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo nguy cơ xem nhẹ phẩm giá con người, vốn là điều bình đẳng đối với tất cả mọi người”.

Nếu không tôn trọng phẩm giá này, y học có thể lạc lối trong “lợi ích của thị trường và trong ý thức hệ”, “thay vì cống hiến hết mình cho lợi ích của cuộc sống sơ sinh, cuộc sống đau khổ, cuộc sống nghèo khổ”.

Bởi vì ơn gọi của bác sĩ là chữa lành bệnh tật, luôn chữa lành, không được loại bỏ bất kỳ mạng sống nào”. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta phải đồng hành [những người vào giai đoạn cuối cuộc đời] cho đến cuối cùng”.

Tý Linh

(theo Jean-Benoît Harel –  Vatican News)

Tags: 

Trackback from your site.

Related Articles

Back to top button