LẠM DỤNG TÌNH DỤC TRẺ EM: MỘT NHẬN ĐỊNH TRÊN PHƯƠNG DIỆN Y HỌC, XÃ HỘI, LUÂN LÝ VÀ MỤC VỤ CÔNG GIÁO
26/11/2024
I. LẠM DỤNG TÌNH DỤC TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
1. Hiện trạng và vấn đề
Ngày 16/2/2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phê chuẩn quyết định của Bộ Giáo lý Đức tin (BGLĐT), ra lệnh trục xuất Theodore McCarrick khỏi hàng giáo sĩ. Ông McCarrick nguyên là một Hồng y và Tổng Giám mục của tổng giáo phận Washington, một nhân vật đầy thế giá trong Giáo hội, trong giới ngoại giao và chính trị tại Hoa Kỳ, cũng như trên thế giới[1].
Cách nay hơn 20 năm, Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ đã bị tai tiếng tồi tệ về lạm dụng tình dục. Giáo hội Công giáo tại Úc hiện nay cũng đang đối mặt với khủng hoảng do các vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em. Vụ án ấu dâm gây ồn ào nhất nước Úc, linh mục Gerald Ridsdale, bị bắt giam vào năm 1994 vì lạm dụng tình dục 9 bé trai, và có thể ông sẽ còn ở tù cho đến tháng 4/2019.[2] Cuối năm 2017, Ủy ban điều tra hoàng gia tại Úc đã đưa một số đề nghị mà Giáo hội Công giáo không thể chấp nhận, như buộc các cha giải tội phải tố cáo các vụ lạm dụng tình dục trẻ em mà các vị biết được trong tòa giải tội; bãi bỏ luật độc thân giáo sĩ. Mùa Chay năm 2018, các Giám mục Úc đã gửi một sứ điệp cho cộng đồng Công giáo nước này, mời gọi các tín hữu dành bốn ngày ăn chay đền tội vì tội ác lạm dụng tình dục trẻ em và cầu nguyện cho các nạn nhân được chữa lành.[3]
Sau Hoa Kỳ, Úc, thì một số trường hợp lạm dụng tình dục của giáo sĩ được báo cáo tại Chile, Ireland, New Zealand, Canada, và đây đó ở Châu Âu, Châu Mỹ La Tinh và Á châu.[4] Một thẩm phán của tòa Rota, là tòa phúc thẩm cao nhất của hệ thống tư pháp Vatican, Đức ông Pietro Amenta, 55 tuổi, đã bị cảnh sát Ý bắt giam sau một sự việc xảy ra vào tháng 3/2017, một sự kiện mà ở Việt Nam có thể chưa cấu thành tội phạm tình dục: Amenta bị cáo buộc sờ mó một thanh niên trong một khu chợ ở Rôma. Anh này đã báo cáo với cảnh sát bắt giữ Amenta. Ông Amenta đã nhận tội trước một phiên tòa hình sự ở Ý và phải nhận một bản án một năm tù treo và hai tháng tù giam vì tội lạm dụng tình dục và sở hữu sách báo khiêu dâm trẻ em.[5]
Thật “làm tan vỡ trái tim con người”! Như thế, không chỉ một số linh mục, tu sĩ lạm dụng tình dục, mà cả một số ít Giám mục và hàng giáo sĩ cấp cao của Giáo hội cũng phạm tội ác kinh khủng này nữa! Các nạn nhân, giới truyền thông, cách chính đáng đã yêu cầu phải trừng phạt các giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em và một số vị lãnh đạo trong hàng giáo phẩm đã có các sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết một số vụ lạm dụng tình dục.[6]
Tháng 7/2017, Đức Hồng y George Pell, hàng giáo sĩ cao nhất của Úc và là nhà cố vấn cấp cao của Đức Giáo hoàng Phanxicô, đã bị cáo buộc tội lạm dụng tình dục của chính ngài và tội không giải quyết đúng đắn các sai phạm lạm dụng tình dục của một số linh mục dưới quyền của ngài, và đã khiến vị hồng y phải ra toà án ở Úc. Tuy Đức Hồng y George Pell khẳng định sự vô tội của mình[7], và nhiều yếu tố khách quan cũng cho thấy điều ngài phạm tội là rất không thuyết phục,[8] nhưng hình ảnh của một trong những nhân vật uy quyền nhất trong Giáo hội đứng trước vành móng ngựa với giới truyền thông vây quanh thì vẫn gây hoang mang cho các tín hữu. Phán quyết “có tội” được công bố vào ngày 26/2/2019 đối với Đức Hồng y George Pell biểu trưng cho một biến cố đầu tiên trong lịch sử của Giáo hội Công giáo trong các tương giao với nhà nước hiện đại: một tòa án thế tục đã kết án một vị hồng y lạm dụng tình dục đối với trẻ vị thành niên, và vị hồng y sẽ phải ở tù của nhà nước Úc! Đây là một tai họa không riêng đối với Giáo hội Úc, mà còn đối với Giáo Hội toàn cầu, và nó phải được đặt trong bối cảnh của một chiến dịch làm tắt tiếng nói phê phán xã hội của Giáo hội.[9]
Bức tranh vẽ ra trên đây mang một màu xám buồn và hạ thấp tính khả tín của Giáo hội. Dù sao đây vẫn là một thực tế mà Giáo hội phải can đảm đối mặt, tìm ra phương thế dài hạn và ngắn hạn giải quyết, đền bù cho các nạn nhân, kỷ luật kẻ phạm tội, và ngăn ngừa tội phạm tương lai. Và điều cơ bản, như Tông huấn Pastores dabo vobis (Những mục tử như lòng mong ước) của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cũng như các huấn thị của các bộ thẩm quyền của Tòa Thánh chỉ ra, đòi hỏi gia tăng một sự phân định đúng đắn ơn gọi tu trì và một việc huấn luyện nhân bản và thiêng liêng trưởng thành, lành mạnh, thấm nhuần đức khiết tịnh của các ứng viên linh mục, tu sĩ. Các vị đào tạo cần giúp ứng viên linh mục và tu sĩ, và cả chính các nhà đào tạo bản thân là giáo sĩ, ý thức về những trách nhiệm gắn liền với tình phụ tử thiêng liêng của chính mình, của người giáo sĩ, linh mục.
Tuy nhiên, cũng có một số linh mục, giáo sĩ đã bị vu oan lạm dụng tình dục. Chẳng hạn, cha Hermann Geissler, giám chức làm việc tại BGLĐT trong 25 năm, bị cựu nữ tu Doris Reisigner Wagner tố cáo rằng cha dụ dỗ bà về tình dục trong tòa giải tội. Ngày 29/1/2019, Đức Hồng y Francisco Luis Ladaria, Tổng trưởng BGLĐT đã nhận đơn từ chức của cha Geissler khỏi BGLĐT để tránh thiệt hại cho BGLĐT cũng như của Hội dòng. Không để BGLĐT xét xử trường hợp này như thường lệ, Đức Thánh cha Phanxicô đã ủy nhiệm cho Tòa án Tối cao Tòa thánh tiến hành thủ tục tố tụng hành chánh. Sau cuộc điều tra chiếu theo giáo luật điều 1717, Hội đồng gồm 5 thẩm phán của Tòa án Tối cao Tòa thánh thông báo vào ngày 17/5/2019 rằng cha Hermann Geissler vô tội. Một vụ khác, cha Adam Stanislaw Kuszaj đã bị một thiếu niên 16 tuổi vu cáo lạm dụng tình dục vào năm 2011. Giáo quyền đã cấm cha Kuszaj thi hành tác vụ linh mục và cha bị trục xuất khỏi dòng. Cha cũng bị tòa dân sự kết án 6 tháng tù treo. Tám năm sau, ngày 13/2/2019 cha được minh oan nhờ các bạn bè của nguyên cáo cho biết cậu ta đã thêu dệt chuyện để trả thù cá nhân. Khi cha bị kết án, tin tức được phương tiện truyền thông loan truyền rộng rãi. Nhưng khi cha được minh oan, có mấy ai đính chính cho người bị oan? [10]
Thực tế, biến cố đau thương này của nhiều Giáo hội địa phương, và Giáo hội toàn cầu, trở thành cơ hội cho những người thù hằn Giáo hội nắm lấy thời cơ. Bằng cách xuyên tạc và thổi phồng những sự kiện, những người này tìm cách tấn công Giáo hội ở những gì trọng yếu nhất, hy vọng sẽ phá hoại uy tín Giáo hội, và thậm chí làm suy tàn sức sống Giáo hội.[11]
Một khía cạnh khác về việc xử lý tố cáo tội phạm, lá Thư công bố ngày 11/4/2018 của Đức Phanxicô, Ngài rất khiêm nhượng, đã nhìn nhận và xin lỗi về việc Ngài đã mắc sai lầm trong việc xử lý vụ lạm dụng tình dục ở Giáo hội Chile.[12] Các sự kiện cho thấy việc xử lý các trường hợp giáo sĩ lạm dụng tình dục đòi hỏi một tiến trình phân định thật nghiêm túc, khoa học, và bình tâm lắng nghe nhiều phía, không chủ quan. Những chuẩn mực về sự thật, trung thực và công bằng phải được áp dụng cho các nạn nhân cũng như người bị tố cáo và người có tội, cho xã hội và cho Giáo hội.
2. Tỉ lệ sai phạm
Có nhiều báo cáo khác nhau. Theo một báo cáo, từ năm 2001 tới 2010, Tòa Thánh đã xem xét các cáo buộc liên quan tới 3.000 linh mục xảy ra trong vòng 50 năm.[13] Trong hai năm 2011-2012, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã miễn chức gần 400 linh mục vì lạm dụng tình dục trẻ em. Theo thống kê của Giáo hội năm 2012, có khoảng 2% kẻ lạm dụng tình dục trong số khoảng 414.000 linh mục Công giáo trên toàn thế giới[14]. Tại Hoa Kỳ, theo vài nghiên cứu đáng tin cậy, từ năm 1950 tới năm 2002, có 958 linh mục bị tố cáo phạm tội ấu dâm trong tổng số 109.000 linh mục (tức khoảng gần 1%), nhưng bị kết án thì dưới 100 (tức khoảng 0,1%). Trong một tuyên bố vào ngày 10/3/2010, cha Federico Lombardi, lúc bấy giờ là phát ngôn viên của Tòa Thánh, thông báo trường hợp của nước Áo, cùng thời gian trên, các kết án ấu dâm người của Giáo hội là 17, trong khi ở bên ngoài, con số lên tới 510[15]. Các con số đó cho thấy khuynh hướng người ta thổi phồng các vụ tội phạm liên quan tới Giáo hội. Đối với độ tin cậy trong các tư liệu mà các phương tiện truyền thông đang lan truyền về việc lạm dụng tình dục trong Giáo hội, Gerard van den Aardweg, một chuyên gia trị liệu về đồng tính luyến ái và các vấn nạn vợ chồng, cho rằng chân lý nằm ở quãng giữa. Nghĩa là, trong quá khứ, có việc làm giảm nhẹ hay che đậy nhiều vụ nghiêm trọng. Ngược lại, ngày nay tin tức giáo sĩ lạm dụng tình dục do các phương tiện truyền thông tung ra nhiều lúc mang tính cường điệu, lẫn lộn tin đồn hơn là sự kiện thực tế.[16]
3. Thái độ của Giáo quyền
Những tổn thương lạm dụng tình dục đã và đang xảy ra đó đây do hàng giáo sĩ khiến Giáo quyền đã và đang nỗ lực nghiêm khắc kỷ luật và tìm kiếm các biện pháp thích ứng để sửa chữa, uốn nắn và thanh lọc một cách triệt để, và tìm cách bảo vệ trẻ em, thiếu niên khỏi nạn lạm dụng tình dục. Đức Bênêđictô XVI khi còn đương nhiệm đã nhiều lần nói đến chính sách hoàn toàn không khoan dung (zero tolerance) đối với tệ nạn ấu dâm.Trong các suy niệm đi đàng Thánh Giá năm 2005, Đức Hồng y Ratzinger lúc ấy cho người ta thấy rõ nhu cầu phải thanh lọc Giáo hội từ bên trong.[17]
Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Em Trong Giáo Hội tại Roma diễn ra trong các ngày 21-24/2/2019 do Đức Thánh cha Phanxicô chủ sự tập họp 114 vị Chủ tịch của các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới, 14 nhà lãnh đạo của các Giáo hội Công giáo Đông phương, 15 vị bản quyền không thuộc về các Hội Đồng Giám Mục, 12 Bề trên tổng quyền các dòng nam, 10 vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, và 5 vị là thành viên của Hội đồng Hồng Y Cố vấn[18]. Ngay liền sau cuộc hội nghị, các bộ sở thuộc Giáo Triều Rôma đã có cuộc họp liên bộ tại Vatican để chuẩn bị cho những bước cụ thể thi hành các đường hướng đã đưa ra trong Hội nghị[19]. Ngày 9/5/2019, Toà Thánh đã công bố Tự sắc “Vos estis lux mundi” (Các con là ánh sáng thế gian) của Đức Thánh cha Phanxicô. Tự sắc này thiết lập những quy định nhằm giải quyết vấn nạn giáo sĩ tu sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, cũng như nạn bạo hành, lạm dụng các nữ tu… Tự sắc có hiệu lực trong toàn Giáo hội từ ngày 1/6/ 2019 với thời gian thử nghiệm 3 năm.
II. LẠM DỤNG TÌNH DỤC TRẺ EM TRONG XÃ HỘI
Hiện chưa có một nghiên cứu thống kê nào cho biết chính xác tỉ lệ lạm dụng tình dục ở trẻ em do chưa có một định nghĩa rõ ràng thống nhất về lạm dụng tình dục trẻ em, cũng như nhiều nạn nhân không khai báo bởi nhiều lý do khác nhau.[20] Tuy nhiên theo các chuyên gia thì đây là một hiện tượng đang tăng dần, đáng lo ngại và cũng là một vấn đề pháp lý, tâm lý xã hội nghiêm trọng tại nhiều nước.[21] Theo Báo cáo công bố ngày 1/11/2017 của UNICEF, trên thế giới, khoảng 15 triệu trẻ em gái độ tuổi 15-19 từng bị ép tham gia hành vi tình dục hay quan hệ tình dục. Chỉ 1% trẻ em gái từng bị bạo lực tình dục nói rằng các em đã tìm đến các dịch vụ chuyên nghiệp để được giúp đỡ. Tại 28 quốc gia có dữ liệu, khoảng 90% trẻ em gái từng bị ép quan hệ tình dục khai rằng thủ phạm của vụ xâm hại đầu tiên là người quen của các em.[22]
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Hình sự Việt Nam, từ năm 2014 đến 2016, đã phát hiện 4.147 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong cả nước; riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã phát hiện 696 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Nạn nhân chủ yếu là trẻ em gái (chiếm trên 80%). Trong đó, số trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm 28,2% và số trẻ em bỏ học, sống lang thang, bị xâm hại tình dục chiếm 11,6%.[23] Đáng chú ý, 93% thủ phạm có mối quan hệ quen biết với nạn nhân, trong đó 47% kẻ xâm hại là họ hàng, người trong gia đình nạn nhân.[24] Đặc biệt, gần đây có tình trạng các đối tượng là người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, du lịch đã có hành vi xâm hại tình dục trẻ em, kể cả đối với trẻ em trai.[25]
Tại Việt Nam, trước đây lứa tuổi trẻ bị xâm hại thường là 13- 18 tuổi thì nay xuất hiện nhiều vụ ở lứa tuổi 5-13. Trên thế giới, theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống Bạo hành trẻ em (NSPCC), độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Tỉ lệ bé gái bị xâm hại khoảng 1/4, cao hơn trẻ em nam, tỉ lệ 1/6. Vấn nạn này có xu hướng gia tăng đối với trẻ em. Thật ra, con số nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì những hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em chỉ khi mang tính hình sự mới bị phát hiện, xử lý.[26]
Ngoài ra, một nghiên cứu do Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa công bố khiến nhiều người giật mình: giáo dục và y tế là hai ngành, vốn được xem là “bậc thầy” của xã hội, thầy thuốc và thầy giáo, lại bị xếp vào nhóm có khả năng quấy rối tình dục xảy ra cao nhất.[27] Những ngày cuối năm 2018, dư luận bàng hoàng về sự việc thầy hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thanh Sơn tại tỉnh Phú Thọ bị tố lạm dụng nhiều học sinh nam.[28] Càng đau lòng hơn, khi nghe những học sinh này kể về hành vi đồi bại của người mà hàng ngày các em vẫn gọi là thầy. Mới đây, ngày 27/4/2019 báo chí đưa tin thầy giáo Việt Anh, dạy toán, tỉnh Lào Cai, đã làm một học trò lớp 8 của mình mang thai sau nhiều lần quan hệ tình dục với em.[29] Ngày 24/5/2019, kỹ thuật viên chụp X-quang tên Mùa A Ch của Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Nhai bị tố cáo đã hiếp dâm bé N 13 tuổi trong quá trình chụp phim.[30] Một vụ nghiêm trọng khác, ngày 24/5/2019, Tòa án Nhân dân thành phố Cần Thơ đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt hai anh em ruột Hồ Văn Đil (28 tuổi) mức án 18 năm tù và Hồ Tuấn Hùng, (39 tuổi), mức án 8 năm tù về tội hiếp dâm cháu ruột 14 tuổi.[31]
Như thế, tội phạm ấu dâm không chỉ liên quan đến Giáo hội Công giáo, mà còn là vấn đề toàn cầu, hiện nay ở Việt Nam cũng đang là một vấn đề “nhức nhối” của xã hội. Tệ nạn này tác động đến nhiều hạng người và nhiều nghề nghiệp; nó mang nhiều bộ mặt. Đây là một dấu hiệu báo động khác về sự đánh mất các giá trị nền tảng, như là tình yêu, phẩm giá con người- đặc biệt phẩm giá của các trẻ vị thành niên, và ý nghĩa tích cực của tính dục, sự chiếm lĩnh của chủ nghĩa khoái lạc… Vì vậy, điều cấp thiết là mọi người phải chú ý đầy đủ đến lời của Đức Bênêđictô XVI nói với các giám mục Ireland hồi tháng 10-2006: “Hãy thiết lập sự thật về những gì đã xảy ra trong quá khứ, hãy vận dụng mọi biện pháp để phòng ngừa trong tương lai, hãy bảo đảm rằng các nguyên tắc công bình phải được tôn trọng, và trên hết, hãy chữa lành các nạn nhân và tất cả những ai đã bị ảnh hưởng bởi các tội ác bất thường ấy”.
III. VÀI ĐỊNH NGHĨA VÀ HIỂU BIẾT
Như đã nói trên, cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về lạm dụng tình dục nói chung và lạm dụng tình dục trẻ em. Bài viết, rất khiêm nhượng, giới thiệu vài định nghĩa, vài hiểu biết để chúng ta có khái niệm rõ ràng hơn và hữu ích cho việc xử lý, phòng ngừa tệ nạn lạm dụng tình dục.
1. Lạm dụng tình dục (sexual abuse)
Lạm dụng tình dục là chỉ đến việc sử dụng những người thiếu khả năng hoặc ý chí để bảo vệ chính họ (một đứa trẻ, người khuyết tật về tâm thần hay thể lý…) để làm các hành vi tình dục bởi một người chịu trách nhiệm chăm sóc cho những người đó, hay bởi người trưởng thành. Hành vi lạm dụng tình dục có thể thay đổi từ việc sờ mó bộ phận sinh dục, tiếp xúc miệng-bộ phận sinh dục, giao hợp bằng ngón tay, hay thật sự giao hợp qua đường sinh dục hoặc hậu môn. Lạm dụng tình dục không chỉ giới hạn vào các tiếp xúc cơ thể mà còn bao gồm cả những hành vi không tiếp xúc như khoe bộ phận sinh dục, rình xem trộm hoặc sử dụng hình ảnh khiêu dâm người khác, cho trẻ em xem hình ảnh khiêu dâm.[32]
Một phạm trù nghiêm trọng đặc biệt của lạm dụng tình dục là ấu dâm khi nạn nhân bị lạm dụng là trẻ em.
2. Ấu dâm (Pedophilia)
Trong Giáo hội, khái niệm giáo sĩ “lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên” phải phù hợp với định nghĩa tại khoản 6 của Tự sắc Sacramentorum Sanctitatis Tutela (SST, Bảo vệ sự thánh thiện của các Bí tích): “tội phạm điều răn thứ sáu do một giáo sĩ vi phạm với một trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi”.
Tại Việt Nam, Luật trẻ em năm 2016, sửa đổi bổ sung năm 2018 đã đưa ra khái niệm xâm hại tình dục trẻ em tại Điều 4, điểm 8:
“Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức”.[33]
Lạm dụng tình dục trẻ em có thể chia thành hai loại tùy theo hình thức:[34]
Lạm dụng tình dục qua tiếp xúc và không tiếp xúc (contact abuse and non-contact abuse).
Lạm dụng tình dục qua tiếp xúc khi mà kẻ lạm dụng có các hành vi tiếp xúc thể lý với đứa trẻ, bao gồm cả giao hợp thực sự. Có thể kể:
– Sờ chạm vào các chỗ nhạy cảm, bộ phận sinh dục của trẻ khi trẻ có mặc quần áo hay không nhằm thoả mãn dục vọng.
– Đặt một vật hay một bộ phận cơ thể như ngón tay, lưỡi hoặc dương vật vào trong miệng, âm đạo hay hậu môn của trẻ.
– Cưỡng ép hay khuyến khích đứa trẻ tham gia vào hành vi tình dục.
– Dụ dỗ hay cưỡng ép trẻ cởi quần áo, bắt trẻ sờ vào bộ phận sinh dục tội phạm để nhằm thoả mãn dục vọng.
– Buộc đứa trẻ chơi các trò chơi mang tính chất gợi dục.
Lạm dụng tình dục trẻ em không tiếp xúc, bao gồm:
– Cho đứa trẻ xem sách báo, phim ảnh khiêu dâm.
– Cố ý cho đứa trẻ thấy bộ phận sinh dục của người lớn.
– Chụp ảnh đứa trẻ trong các tư thế gợi dục.
– Khuyến khích đứa trẻ xem hoặc nghe các hành động gợi dục.
– Dụ dỗ đứa trẻ cởi áo quần.
Vài hiểu biết y khoa về ấu dâm
Hội Tâm Thần Hoa Kỳ (The American Psychiatric Association, APA) đã bao gồm ấu dâm vào trong danh sách các rối loạn tâm thần trong sách Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (DSM) từ năm 1968.
Một cách chặt chẽ, ấu dâm là một người có khuynh hướng tình dục vững bền đối với trẻ em chưa hoặc mới dậy thì, khoảng dưới 14 tuổi. Người bệnh tìm được sự hưng phấn tình dục nhìn thấy trẻ em khỏa thân, được sờ mó hoặc tìm cách đụng chạm. Theo tài liệu tình dục học thì ấu dâm hay được định nghĩa là bản năng hay ham muốn tình dục mạnh mẽ và liên tục. Trong tiếng Anh gọi ấu dâm là childporn hoặc pedophilia, paedophilia. Người bệnh phải có tuổi ít nhất là 16 và lớn hơn trẻ bị hại ít nhất 5 tuổi.
Không phải tất cả những người bệnh ấu dâm đều có hành vi lạm dụng tình dục với trẻ em (số này rất ít). Ngược lại, có rất nhiều trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em nhưng không phải là người có khuynh hướng ấu dâm.
Kẻ lạm dụng tình dục trẻ em (child sexual abuse) được định nghĩa bằng các hành vi của họ, còn bệnh ấu dâm được định nghĩa bằng khuynh hướng tình dục, ước muốn của họ. Một số kẻ khuynh hướng ấu dâm kìm hãm không tiếp xúc tình dục với bất cứ trẻ em nào trong suốt đời sống. Nhưng không rõ tỉ lệ số người như thế nào, thường rất ít. Thực tế những kẻ ấu dâm bị kết án là những kẻ đã làm hành vi tình dục với trẻ em.[35] Như vậy khuynh hướng ấu dâm là một loại bệnh lý, người có khuynh hướng ấu dâm là một bệnh nhân; còn hành vi ấu dâm là một tội, người làm hành vi ấu dâm là một tội phạm.
Nguyên nhân gây ra ấu dâm
Hiện nay nguyên nhân gây ra ấu dâm vẫn chưa biết chính xác. Gần đây giới chuyên môn chú ý đến các rối loạn về tâm lý. Một số bác sĩ cho rằng các nhân tố tính cách có ảnh hưởng đến bệnh nhân bao gồm các vấn đề về sự gắn bó hoặc phụ thuộc vào gia cảnh bất thường như cha mẹ là người lạm dụng. Bị lạm dụng khi còn nhỏ cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây ra ấu dâm. Tuy nhiên, con số này là không nhiều và cũng không chắc chắn sẽ dẫn tới bệnh ấu dâm. Từ năm 2002, một số nghiên cứu về yếu tố sinh học gây ra bệnh ấu dâm được tiến hành. Các yếu tố được nghiên cứu và giả thuyết đưa ra chẳng hạn như:
– Chỉ số IQ và trí nhớ kém;
– Ít chất trắng trong não bộ hơn;
– Các vấn đề trong não bộ.
Trong số các yếu tố trên, các vấn đề về não bộ được đồng tình nhiều nhất. Ở người bình thường, khi nhìn thấy trẻ em, não bộ tự phát ra sóng thần kinh làm trỗi dậy bản năng bảo vệ và che chở. Tuy nhiên ở người bệnh ấu dâm, các cảm xúc này bị nhiễu và não bộ làm cho người bệnh cảm thấy có hứng thú tình dục.[36]
Sự lệch lạc trong nhu cầu tình dục khiến người bệnh khó điều khiển được hành vi. Khuynh hướng ấu dâm thường được người bệnh tự phát hiện khi qua khỏi tuổi dậy thì, khi khuynh hướng tình dục của họ vẫn tập trung vào đối tượng trẻ em mà không có hứng thú với người cùng trang lứa. Người bệnh thường cảm thấy sợ hãi vì cảm xúc của mình. Sự kỳ thị của xã hội làm người bệnh trốn tránh khỏi xã hội và cảm thấy khó tiếp xúc với người khác. Đây cũng là một lý do khiến người bệnh tìm tiếp xúc trẻ em vì trẻ em dễ gần, chưa biết tự bảo vệ và không phán xét như người lớn.[37]
Người bệnh nhận ra sở thích của mình là sai trái và biết rằng nếu họ hành động để thỏa mãn nhu cầu thì sẽ phạm pháp. Vì vậy, người bệnh có thể cố gắng kiểm soát bản thân và tìm cách an toàn để thỏa mãn ham muốn tình dục. Một số trường hợp có hành động bạo hành trẻ em thường có bệnh tâm thần khác, như lo âu, trầm cảm nặng, rối loạn tâm trạng và lạm dụng chất kích thích.[38]
Phải chăng những kẻ khuynh hướng ấu dâm chỉ bị hấp dẫn tình dục hướng về trẻ em? Thực tế một số kẻ khuynh hướng ấu dâm có thể bị hấp dẫn tình dục hướng về người lớn lẫn trẻ em. Nhưng thật khó biết tần suất thông thường như thế nào. Bởi vì phần lớn các nghiên cứu về ấu dâm đều dựa vào những người đã bị bắt vì thực hiện hành vi lạm dụng tình dục trẻ em. Người phạm tội xâm phạm tình dục trẻ em chưa chắc là người luôn có một ham muốn tình dục mạnh mẽ ở trẻ em độ tuổi trước dậy thì.
Về mặt xã hội: Ấu dâm không phải là vấn đề mới mẻ. Nó đã tồn tại với xã hội loài người từ thời nguyên thủy. Do các định kiến xã hội thay đổi, trẻ em dưới 17 tuổi tại đa số các nước được cho là chưa đủ ý thức để quyết định về các hành vi tình dục. Do đó nếu người trên 18 tuổi có hành vi tình dục với trẻ em dưới 17 tuổi là phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em. Nhiều khi trẻ em không hiểu những gì đang xảy ra cho chúng là lạm dụng. Chúng có thể ngay cả không hiểu rằng điều đó là sai trái. Hay chúng có thể sợ hãi không dám nói ra vì bị đe dọa.[39]Nạn nhân có thể ở nhiều độ tuổi, từ trẻ sơ sinh cho đến tuổi vị thành niên. Nạn nhân bao gồm cả bé trai và bé gái. Suy nghĩ tội lạm dụng tình dục thường chỉ xảy ra ở bé gái khiến các bé trai trở thành “miếng mồi” cho những người có bệnh ấu dâm.[40]
Điều trị người bệnh ấu dâm
Ấu dâm là một bệnh “mạn tính”. Việc điều trị nên tập trung vào thay đổi hành vi trong thời gian dài. Liệu pháp điều trị là theo dõi và đoán trước các trường hợp có thể xảy ra hành động sai lầm để phòng tránh. Ngoài ra, các nhóm điều trị và bác sĩ tâm lý luôn được chỉ định để giúp người bệnh. Mặc dù phần lớn các chuyên gia không nghĩ rằng khuynh hướng ấu dâm là có thể chữa trị được, nhưng các liệu pháp điều trị có thể giúp những người có khuynh hướng ấu dâm làm chủ được cảm xúc của họ và không thực hiện bằng hành vi.
Theo một số bác sĩ, các bệnh nhân ấu dâm có nguy cơ cao thực hiện hành vi ấu dâm có thể được dùng thuốc, hóa chất, để giảm thúc bách tình dục. Các thuốc này bao gồm medroxyprogesterone acetate. Thuốc làm giảm testosterone và các chất ức chế tái hấp thu serotonin cũng có thể được sử dụng. Đồng thời bệnh nhân cần điều trị các bệnh như nghiện rượu hoặc nghiện chất kích thích nếu có.[41]
Trong tác phẩm “Pope Benedict XVI and the Sexual Abuse Crisis: Working for Reform and Renewal” (Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và Cuộc Khủng Hoảng Lạm Dụng Tình Dục: Việc Cải Tổ Và Canh Tân) do nhà Our Sunday Visitor xuất bản năm 2010, hai tác giả Matthew Bunson và Gregory Erlandson cho biết chỉ vào khoảng 6% các vụ tường trình về lạm dụng tình dục thực sự thuộc loại ấu dâm đúng nghĩa, là loại mà khoa lâm sàng định nghĩa là việc lạm dụng tình dục các trẻ em trước tuổi dậy thì.
Theo hai ông, về phạm trù lâm sàng (clinical), thì một trong các khía cạnh khó khăn nhất của việc đối phó với vấn đề lạm dụng tình dục là nhu cầu phải đào sâu nhận thức của chúng ta về nạn ấu dâm. Dù phân tâm học đã biết nạn ấu dâm về phương diện lâm sàng từ hơn một thế kỷ nay, nhưng mãi tới thập niên 1950, ngành chuyên môn này mới chính thức nhận diện ra nó và mãi tới năm 1980, các nhà chuyên môn về tâm thần mới ấn định được các thông số chẩn bệnh của nó. Từ đó, các nhà lâm sàng đã phân biệt ba loại nạn nhân: tiền dậy thì, dậy thì và tiền trưởng thành (young adult).
Theo hai tác giả này, điều chủ yếu là các vị có thẩm quyền trong Giáo Hội phải hiểu rõ mọi khía cạnh của vấn đề này để có thể xử lý nó một cách hữu hiệu và toàn diện và đưa ra các cơ chế thích đáng để ngăn ngừa nó trong tương lai. Cần ghi nhận các nhóm tuổi khác nhau nơi các nạn nhân và dùng các hạn từ chính xác cho các hình thức bệnh lý khác nhau: trẻ em dưới 10 tuổi, dậy thì 10 tới 14 tuổi, và tiền trưởng thành (14 tới 17 tuổi). Khi ấn định được nhóm tuổi nào dễ trở thành nạn nhân của việc lạm dụng tình dục, ta sẽ chú ý nhiều hơn để tìm ra các nguyên do và khai triển ra các quy định cũng như biện pháp để bảo vệ các em. Các nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy phần lớn các vụ lạm dụng tình dục liên hệ tới nhóm tuổi từ 10 tới 14, là nhóm tuổi của các em giúp lễ. Hai tác giả cũng nhấn mạnh rằng bất cứ ai có ý đồ sử dụng các số thống kê để chứng tỏ rằng đây không phải là một vấn đề nghiêm trọng hay ít ra cũng có những giảm khinh đều đã đọc sai tính nghiêm trọng của tội phạm và của tội lỗi này, và do đó, càng làm hại các nạn nhân, gia đình của họ và cả Giáo hội nữa.
Tỉ lệ giới tính: Hầu hết người có xu hướng ấu dâm là nam giới, nhưng cũng có trường hợp người bệnh là nữ giới. Tuy nhiên chưa có con số chính xác vì đa số những người bệnh đều lẩn tránh và khó phát hiện. Một ví dụ về tội phạm nữ, ở Hoa Kỳ, tòa án tuyên phạt tù giam cô giáo Mary Katherine Schmitz 35 tuổi, dù đã có chồng con nhưng cô vẫn trúng “tiếng sét ái tình” với Vili Fualaau, một cậu học sinh 12 tuổi lớp 6 và nhiều lần quan hệ tình dục với em.[42]
Những người phạm tội, đa số là đàn ông trưởng thành, có khuynh hướng bệnh hoạn là thích có các hành vi tình dục với những đứa bé sơ sinh, hay những trẻ em dưới 10 tuổi. Trẻ em nam thường dễ trở thành nạn nhân của những kẻ ấu dâm này hơn là trẻ em gái.
Thủ phạm thường gặp nhất là những thành viên trong gia đình hoặc những người quen biết (bạn bè của gia đình, hàng xóm, người trông trẻ…) theo các nghiên cứu về các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em. Trường hợp trẻ em bị lạm dụng tình dục do người lạ mặt chỉ chiếm khoảng 10%. Trong số này, những người bị mắc ấu dâm chỉ chiếm thiểu số.
Hậu quả tâm lý trên trẻ bị hại[43]
Theo Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, những trẻ bị lạm dụng tình dục sẽ có bị lệch lạc về mặt nhân cách, được biểu hiện bằng hành vi lệch lạc về mặt tính dục (đối với trẻ chưa dậy thì) và lệch lạc tình dục (đối với người trưởng thành). Các hành vi lệch lạc tình dục thường là quan hệ đồng giới, lạm dụng đồ vật (dùng đồ vật để có hành vi tình dục), lạm dụng nhìn trộm… Những người thực hiện các hành vi này, khi không làm thì cảm thấy lo lắng, bồn chồn, nhưng khi thực hiện được rồi lại có mặc cảm tội lỗi.
Những người có hành vi lệch lạc giới tính sẽ bị ảnh hưởng đến tính cách, cản trở sự phát triển về tâm hồn. Hầu hết những người bị lệch lạc tình dục đều mang mặc cảm, tự ti. Trong gia đình, thì họ không đáp ứng sự kỳ vọng của người thân. Khi không được gia đình chấp nhận, những đứa trẻ này sẽ cảm thấy cô đơn, lạc lõng.
Những trẻ bị xâm hại, một cách bất công, thường sẽ phải đối mặt với sự phê phán, tẩy chay của dư luận, vì thế các em rất khó hòa nhập cộng đồng. Nếu hòa nhập được, nhân cách của trẻ cũng sẽ bị biến đổi trong một ngưỡng nhất định nào đó và làm các em khác đi so với những đứa trẻ khác.
Trẻ bị lạm dụng tình dục dưới 7 tuổi có cơ hội can thiệp tâm lý để hòa nhập rất cao, nhưng trên 7 tuổi rất khó hòa nhập. Nhiều trường hợp trẻ trên 7 tuổi rất hợp tác để thực hiện điều trị tâm lý, nhưng sau một thời gian điều trị các em thừa nhận không thể như người bình thường được. Đồng thời phải được gia đình và xã hội chấp nhận, có như thế những đứa trẻ mới có thể sống và phát triển đầy đủ các phẩm chất.
Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con?[44]
Dạy trẻ về an toàn thân thể, các ranh giới thân thể lành mạnh, khích lệ các cuộc trao đổi cởi mở về thân thể, vấn đề tình dục. Vài điều sau có thể hữu ích:
Nói về các bộ phận cơ thể: dạy trẻ biết được tên gọi đúng của các bộ phận cơ thể như dương vật, âm đạo, âm hộ, hậu môn.
Dạy cho trẻ biết thân thể của chúng thuộc về chúng – Nói với chúng về sự khác nhau giữa các sờ chạm an toàn và không an toàn và dạy trẻ rằng chúng có thể nói không đối với các sờ chạm mà chúng cảm thấy sợ hãi hay khó chịu.
Dạy trẻ rằng vài bộ phận cơ thể là rất riêng tư – Nói với trẻ là các bộ đó gọi là riêng tư bởi vì chúng không phải để mọi người nhìn thấy. Chỉ cha mẹ, và bác sĩ với sự hiện diện của cha mẹ là những người có quyền kiểm tra bộ phận sinh dục của con khi có vấn đề.
Dạy trẻ về các ranh giới thân thể – giải thích cho trẻ về các ranh giới thân thể và không được phép cho ai đó sờ vào các bộ phận riêng tư của thân thể trẻ hay không ai có thể bảo chúng sờ vào các bộ phận riêng tư của họ.
Dạy trẻ rằng việc giữ kín về các tiếp xúc thân thể của người lạ là không đúng – hãy nói với trẻ rằng hãy nói lại cho cha mẹ biết nếu có ai đó tiếp xúc thân thể của trẻ và lại bảo trẻ giữ kín điều này.
Dạy cho trẻ biết làm thế nào để thoát khỏi tình huống sợ hãi hay khó chịu – Như là nói thật lớn: “Không” hay “đừng”. Chúng cũng có thể nói với người đó cho ra ngoài và đi tìm một người lớn để nói với họ.
Hãy sử dụng trang mạng an toàn.
Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của mọi người. Im lặng trước lạm dụng tình dục trẻ em là một tội ác.
Việc chụp và đăng ảnh, video khỏa thân của con mình lên mạng là một trong những hành động khiêu khích với những người bị bệnh ấu dâm. Vì vậy các bậc cha mẹ hãy ngừng việc làm đó ngay hôm nay. 70% nạn nhân của lạm dụng tình dục xuất phát từ người nhà. Vậy nên, ngoài cha mẹ, và một vài người thân nhất trong nhà có thể tin tưởng được, đừng tùy tiện giao con cho ai.
Trên hết, hãy tôn trọng quyền cá nhân của con. Hãy lắng nghe con nói, theo sát hoạt động của con và đừng bao giờ mất cảnh giác trước bất kỳ ai. Song song với các giải pháp từ công nghệ nhằm tạo ra một không gian mạng an toàn cho con trẻ, cha mẹ cũng cần dành nhiều thời gian cho con, quan tâm đến con nhiều hơn để nhận biết những dấu hiệu bất thường từ trẻ và có can thiệp, điều chỉnh kịp thời.
3. Vài khái niệm khác liên quan đến sai phạm về tình dục
Khai thác tình dục (sexual exploitation)
Là phản bội sự tin cậy trong tương quan nghề nghiệp bằng cách sử dụng sức mạnh thể lý hay quyền lực cá nhân nghề nghiệp để phát triển một tương quan lãng mạn với một người vốn đang dưới quyền của mình hoặc sử dụng người đó cho sự kích thích hoặc thỏa mãn tình dục của riêng mình. Các hành động khai thác tình dục có thể nhiều mức độ, từ giao hợp thật sự, sờ vào những vùng dễ bị kích thích, hôn áo quần hoặc hôn thân mật, ôm chặt, cởi quần áo, dùng những lời nói gợi ý cho quan hệ tình dục và hẹn hò trong quá trình của tương quan nghề nghiệp.
Quấy rối tình dục (sexual harassment)
Là một hình thức quấy nhiễu mà đặc biệt là hướng về giới tính của người bị quấy rối.[45] Quấy rối tình dục thường là dùng quyền lực của mình để ép buộc người khác vào những liên hệ tình dục ngoài ý muốn. Nó cũng bao gồm tạo nên một môi trường làm việc tấn công, đe dọa qua những lời, hành động thể lý liên hệ đến tình dục. Nhưng quấy rối tình dục đôi khi khó nhận ra hơn vì nó có thể che đậy bằng chọc đùa cho vui mà thôi. Quấy rối tình dục nhằm gây tổn thương danh dự và nhân phẩm của cả nam hoặc nữ giới.
Tuy nạn nhân của các trường hợp quấy rối tình dục thường nghe thấy trên báo đài phần lớn là nữ. Nhưng thực tế, cả nam và nữ đều có thể bị quấy rối. Quấy rối tình dục cũng không giới hạn độ tuổi. Người lớn đôi khi có thể quấy rối tình dục những người trẻ và cũng có trường hợp những người ở độ tuổi teen quấy rối người lớn tuổi hơn. Tuy nhiên, trường hợp này là rất hiếm. Dù vậy, đa số trường hợp quấy rối tình dục xảy ra với những người trong độ tuổi teen hầu hết đều do những người ở cùng độ tuổi của họ gây ra.
Những hành vi nào được xem là quấy rối tình dục?
Một vài chuyên gia kể ra các hành vi sau có thể xem là quấy rối tình dục:
– Đùa giỡn, bình luận về vấn đề tình dục hay có những cử chỉ nhạy cảm đối với hoặc về một ai đó.
– Lan truyền tin đồn tình dục (bằng lời nói trực tiếp, tin nhắn hay trên mạng).
– Viết thông tin liên lạc của người khác trên tường buồng tắm hoặc ở những nơi công cộng khác nhằm mục đích xấu.
– Cho ai đó thấy những hình ảnh hoặc video về tình dục không thích hợp.
– Yêu cầu ai đó gửi hình ảnh khỏa thân.
– Đăng những bình luận, hình ảnh và video về tình dục trên mạng xã hội như Facebook, hoặc gửi những tin nhắn có nội dung tình dục không phù hợp;
– Đưa ra những bình luận hoặc yêu cầu về tình dục khi giả vờ là một người khác trên mạng internet.
– Sờ, nắm hay véo ai đó theo cách cố tình sàm sỡ.
– Kéo quần áo của ai đó và cố tình chạm vào cơ thể họ một cách khiếm nhã.
– Ép ai đó hẹn hò với mình hết lần này đến lần khác cho dù người đó đã từ chối.
Bạo hành tình dục
Bạo hành tình dục là dùng bạo lực hoặc cưỡng chế để có được bất kỳ hành vi tình dục, hành vi buôn bán người để phục vụ mại dâm hoặc hành vi tình dục không phù hợp với giới tính người đó, bất kể mối quan hệ với nạn nhân ra sao. Đây được coi là một trong những vi phạm nhân quyền đau thương, và phổ biến nhất. Mặc dù phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng nhiều hơn, bạo lực tình dục có thể xảy ra với bất cứ ai ở mọi lứa tuổi. Nó có thể do cha mẹ, người bảo hộ, chăm sóc, người quen và người lạ, cũng như các đối tác thân mật gây ra. Nó là một hành động thường xuyên nhằm mục đích thể hiện quyền lực và sự thống trị đối với nạn nhân[46]
Sờ chạm tốt, sờ chạm mơ hồ và sờ chạm xấu (Good touch, confusing touch, bad touch)[47]
Trong sứ vụ tông đồ, nhiều người tìm được bảo đảm cho các hành vi sờ chạm trong sứ vụ của Chúa Giêsu. Sờ chạm là một dấu ấn của sứ vụ chữa lành của Ngài. Nhưng Chúa Giêsu sống trong một văn hóa khác và thời đại thật xa chúng ta. Mỗi văn hóa tạo nên quy luật riêng của nó về cách thức diễn tả chính chúng ta. Trong khi chúng ta có bổn phận trung thành tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu, chúng ta phải thực hành nó một cách thích hợp với thời đại chúng ta. Bầu khí của những tai tiếng tình dục ở một số Giáo Hội địa phương không khuyến khích chúng ta sử dụng những hành vi sờ chạm trong thi hành sứ vụ, hay phải rất thận trọng trong các hành vi tiếp xúc.
Một số mục tử áp dụng như sau:
– Không tự ý đụng chạm vào một đứa bé khi không có cha hoặc mẹ bé hoặc người nhà ở đó. Không để bé ngồi trên đùi mình.
– Không tự ý ôm ai, đặc biệt trong văn phòng riêng. Chỉ có thể sờ chạm ở đầu, vai, hoặc cánh tay, bàn tay.
– Khi một mục tử nam ở cùng một phụ nữ trong phòng thì mở cửa, hoặc dùng cửa sổ không có màn để người ngoài có thể trông thấy tuy sự riêng tư của cuộc đối thoại vẫn được bảo đảm.
Tuy nhiên vấn đề này cũng chưa xác định rõ ràng. Đúng là thật dễ dàng để vượt rào cản để đi từ một sờ chạm tốt lành tích cực của chăm sóc mục vụ sang một sờ chạm mơ hồ lầm lẫn, hay một sờ chạm xấu.
Sờ chạm tốt: một hành động được đón nhận như khuyến khích, nâng đỡ.
Sờ chạm mơ hồ: làm người nhận cái sờ chạm đó cảm giác không thoải mái, một chút mơ hồ.
Sờ chạm xấu: được đón nhận như điều khiển, làm sợ hãi.
Chúng ta cần khôn ngoan để kiểm soát bản năng và những điều thực hành sứ vụ đòi hỏi. Việc đánh giá tốt, mơ hồ hay xấu không tùy thuộc ý định của người sờ chạm, nó phụ thuộc chính yếu vào theo cách nào nó được đón nhận. Và lưu ý: điều này cũng rất chủ quan tùy theo cảm tình của người nhận đối với vị mục tử, tuy cùng một kiểu sờ chạm: thương thì thấy vui , thậm chí thích thú, lúc này cần thận trọng kẻo vượt bức rào tình cảm; hoặc nếu không thương, có thể nghĩ không tốt. Một nguyên tắc là: “Trong tương quan bất bình đẳng quyền lực, quan điểm và phán đoán của người có quyền lực yếu hơn phải được cho ưu tiên”. Thận trọng là một nhân đức rất cần thiết để quyết định sờ chạm hay không. Một yếu tố quan trọng can thiệp vào là di sản văn hóa của mỗi địa phương.
Người mục tử, tông đồ phải thừa nhận giá trị và tự do của mỗi người và tự kỷ luật đủ để kiểm soát những xung động tình dục của chúng ta. Tai hại mà một người mục tử có thể gây ra là vô kể. Chúng ta phải cảnh giác duy trì những ranh giới tình dục rõ ràng.
Chân lý và công bình là những phương thế qua đó chúng ta phải khảo sát mọi mặt của tai tiếng hiện nay trong Giáo hội. Những chuẩn mực về ngay thẳng và thành thật phải được áp dụng đồng đều cho các nạn nhân cũng như người bị tố cáo và người có tội, cho đất nước và cho Giáo hội Công giáo.
IV. VÀI NHẬN ĐỊNH
1. Hành vi Ấu dâm là một tội ác
Tội ác ấu dâm được gọi là “tội ác chống lại người yếu đuối nhất”, “một tội khủng khiếp trong mắt Thiên Chúa”, một tội “gây tổn hại cho sự khả tín của Giáo Hội”, là “một thứ thô tục”, như Đức Hồng Y Ratzinger nói đến trong khi Đi đàng thánh giá vào Thứ Sáu Tuần thánh năm 2005, chỉ vài ngày trước khi Ngài được bầu làm Giáo Hoàng.[48]
Sự kết án nghiêm trọng nhất, một căn nguyên cho sự chê trách rõ ràng và không chối cãi, là lời của Chúa Giêsu khi Ngài tự đồng hóa chính mình với các trẻ nhỏ, khẳng định trong Tin Mừng: “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn” (Mt 18, 5-6; Mc 9, 42, Lc 17, 1-2).[49]
2. Mức độ chính xác của các tố cáo tội phạm
Hiện chưa có một định nghĩa rõ ràng thống nhất về lạm dụng tình dục trẻ em, đặc biệt ở Việt Nam, nên việc xử lý, định tội có khó khăn. Chẳng hạn, trong buổi họp báo về vụ việc thầy giáo Minh nghi có hành vi dâm ô với 14 em nữ sinh lớp 5, Ủy Ban Nhân Dân huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã cho rằng chưa đủ bằng chứng khẳng định thầy giáo thực hiện hành vi dâm ô vì thầy này mới chỉ “sờ mông, sờ đùi” các em. Tuy nhiên, khi các phóng viên đặt câu hỏi rằng mông hay đùi các em nữ sinh lớp 5 có phải vùng nhạy cảm hay không thì Phó thủ trưởng cơ quan điều tra huyện Việt Yên cho rằng đó không thuộc trách nhiệm của đơn vị này.[50] Ngoài ra, các luật định của Việt Nam về hiếp dâm trẻ em, thường có quy chiếu nạn nhân là “bé gái”, nên thực tế bỏ sót các nạn nhân là bé trai.[51]
3. Lạm dụng tình dục có thể xảy ra trong xã hội, Giáo hội, với đủ loại ngành nghề, tuổi tác, độc thân hay có vợ chồng, và cả giáo sĩ linh mục
Điều này nói lên được điều gì?
Ảnh hưởng cuộc cách mạng tình dục vào thập niên 1960
Một phúc trình vào ngày 21/7 /2009 của Liên Hiệp Quốc, lưu ý tới con số các trang mạng có bản chất ấu dâm đã gia tăng nhanh chóng trên thế giới: năm 2001 là 261.653, năm 2004 lên tới 480.000. Về nền văn hóa ấu dâm, cuốn “Indagine sulla pedofilia nella Chiesa” (Điều Tra Về Ấu Dâm Trong Giáo Hội) của các tác giả Francesco Agnoli, Massimo Introvigne, Giuliano Guzzo, Luca Volonté và Lorenzo Bertocchi, cho thấy có tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng tình dục, từ năm 1968, luôn cổ vũ một cuộc nổi dậy nhằm phá bỏ mọi cấm kỵ. Văn hóa khiêu dâm lan tràn cũng thuộc cách mạng này. Ngày nay, não trạng ưu thế là sẵn sàng biện minh cho việc tiếp xúc tình dục thuộc mọi hình thức, và là kết quả của thứ tư duy bắt rễ từ những người như De Sade, Freud, Fromm, Reich, Marcuse v.v…, mà có thể mô tả như các người cổ vũ cho việc tôn vinh khoái cảm. Tận gốc rễ, cuộc cách mạng tình dục này nhắm tấn công mọi thứ thẩm quyền, bắt đầu là thẩm quyền của Thiên Chúa, thẩm quyền của Giáo hội. Thật đáng tiếc, cuộc tấn công đó đã xâm nhập và để lại vết nhơ ngay trong lòng Giáo Hội[52].
Các nghiên cứu của nhóm ECPAT (Chấm Dứt Việc Mãi Dâm Trẻ Em, Khiêu Dâm Trẻ Em và Việc Buôn Bán Trẻ Em Cho Các Mục Tiêu Tình Dục) cho biết hiện nay trên thế giới, mỗi năm có tới gần 80 triệu du khách tìm mua dâm. Theo cơ quan Intervita của Ý, hiện có khoảng 10 triệu vị thành niên tham gia “thị trường” này, với lợi tức ước lượng vào khoảng 12 tỷ đô la Mỹ. Cuộc nghiên cứu của Đại Học Parma, do ECPAT thực hiện, đã đưa ra hình tượng loại hình du khách này: trong 90% trường hợp là nam giới tuổi từ 20 tới 40, có giáo dục trung tới đại học, có thu nhập tốt, thường là đã kết hôn; nạn nhân giới nữ thường ở tuổi 11 và 15, và giới nam từ 13 tới 18. Loại hình du lịch trên bị nhiều quốc gia coi là tội phạm, nhưng dù như thế, nó vẫn là một ngành kỹ nghệ nhộn nhịp và chính vì là một kỹ nghệ, nên khó bị ngăn chặn. Dù sao, hiện cũng đang có những nỗ lực nhằm điều tra và hạn chế nền văn hóa tình dục này[53].
Chủ nghĩa tương đối luân lý
Tháng 2/20019 Đức nguyên Bênêđictô Giáo hoàng XVI công bố bức thư về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em và cơn khủng hoảng Hội Thánh Công giáo đang phải đối diện, trong đó Ngài cho thấy một tầm nhìn rộng và sâu nhiều vấn đề đan xen vào nhau và cùng đóng góp vào cơn khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em. Một trong các nguyên nhân trọng yếu mà Đức Bênêđictô XVI cùng nhiều thần học gia uy tín cho rằng một nhãn quan tương đối về luân lý, với hệ quả là “không có bất cứ điều gì được cho là tốt lành tuyệt đối, cũng chẳng có gì là xấu từ nền tảng, chỉ có những phán quyết với giá trị tương đối mà thôi”.[54]
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định mối nguy hiểm này trong thông điệp quan trọng (hiếm hoi) về thần học luân lý nền tảng, Veritatis Splendor (ban hành vào ngày 6/8/1993), để định hướng cho việc nghiên cứu và giảng dạy Thần học luân lý trong Giáo Hội. Tín hữu phải xác tín rằng, “Có những điều tốt không bao giờ thay đổi, có những giá trị không bao giờ được hy sinh dù với lý do gì, kể cả việc bảo tồn mạng sống. Tử đạo là ở đây! Tin vào Thiên Chúa đòi hỏi những gì còn lớn lao hơn sự tồn tại thể xác. Một cuộc sống được mua bằng sự chối từ Thiên Chúa, một cuộc sống xây nền trên dối trá, đó không phải là sống”. Đời sống đức tin và luân lý không tách rời nhau, những lề luật luân lý liên kết chặt chẽ với nguyên lý nền tảng của đức tin, đức tin phải được thể hiện sống động qua những chọn lựa luân lý đúng đắn trong cuộc sống hằng ngày.[55]
Giáo sĩ linh mục vẫn là những con người bình thường với những thúc bách sinh lý cần phải được điều khiển bởi lý trí và ý chí, và có các bệnh lý cần được điều trị. Giáo sĩ linh mục có thể sống khiết tịnh là cậy nhờ ân sủng, tình yêu của Thiên Chúa. Như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định: “Sự thiếu vắng ý thức về Thiên Chúa và về con người tất yếu dẫn đến một chủ nghĩa vật chất thực hành, làm phát sinh chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy lợi, và chủ nghĩa khoái lạc” (EV 23). Bên cạnh đó, việc đào luyện thể lý, tâm linh là một tiến trình diễn ra suốt cuộc đời người tu sĩ để có thể sống trung tín, khiết tịnh.
Một số người dựa vào vụ việc lạm dụng tình dục của một số giáo sĩ để yêu cầu Tòa Thánh bãi bỏ luật độc thân linh mục. Thật ra, lý luận này không thuyết phục. Những ai nghĩ rằng vấn đề hệ ở việc độc thân của linh mục, thì họ phải giải thích tại sao trong hàng giáo sĩ Tin Lành, là những người được phép cưới vợ, hay thậm chí những người đã có vợ, vẫn có phạm tội ác này.[56]
4. Hành vi ấu dâm là trách nhiệm cá nhân thuộc về người đã thực hiện hành vi ấy
Phải đối phó với từng trường hợp riêng lẻ, không nên tổng quát hóa chúng. Có khoảng 500.000 linh mục trên khắp thế giới, và các linh mục bị kiện tụng chiếm một tỉ lệ nhỏ. Và các trường hợp được chứng minh là có thực và cuối cùng bị phạt thì tỉ lệ lại càng nhỏ hơn nữa. Ngoài ra, một số trường hợp nguyên đơn tự ý rút đơn tố cáo không có cơ sở của họ, hay một số linh mục bị tố cáo là lạm dụng tình dục nhưng thực ra sau đó được tòa tuyên trắng án. Tuy nhiên, như Đức Bênêđictô VI và nhiều người khác đồng quan điểm, đã tuyên bố, cũng phải nói rằng ngay cả một linh mục ấu dâm cũng là quá lắm rồi. Ông ấy là linh mục, mà lẽ ra không bao giờ nên là linh mục, và ông ấy nên bị trừng phạt nghiêm ngặt mà không có lý do “nếu”, lý do “và” và lý do “nhưng” gì cả.[57]
5. Có tỉ lệ cao trong hai giới “bậc thầy”, thầy giáo, thầy thuốc, và xảy ra cả trong giới “thầy tu”: Do khoảng cách quyền lực lớn
Theo ý kiến các chuyên viên, mối quan hệ giữa học sinh – thầy/ cô giáo, y tá/bác sĩ – bệnh nhân khoảng cách quyền lực khá lớn. Đó là lý do hai ngành này dễ có trường hợp lạm dụng tình dục. Một trong những hình thức của lạm dụng tình dục là đánh đổi. Ví dụ bác sĩ, thầy cô giáo ở vị thế cao hơn nên lạm dụng quyền của họ để ép buộc bệnh nhân, học sinh quan hệ tình dục.
Trên thực tế, tương quan giao tiếp giữa bác sĩ và người bệnh trong quá trình điều trị rất dễ gây phát sinh một tình cảm vô thức mà nhà phân tâm học Sigmund Freud đã đặt tên là “tình yêu do truyền cảm xúc”, tức giai đoạn mà hành vi hoặc thái độ của bệnh nhân sẽ gợi lên trong cảm xúc của bác sĩ một tình cảm thương mến nào đó và bác sĩ có thể đi vượt giới hạn khi không kiềm chế được cảm xúc này.[58]
Trong mục vụ, vi phạm ranh giới chỉ làm sai lạc tương quan “giao ước” mà đúng ra sẽ nối kết người giáo sĩ với những người mà vị giáo sĩ phục vụ như thừa tác viên. Peterson lý luận rằng điều thực sự dẫn đến vượt ranh giới là vì chúng ta “hoặc lờ đi quyền lực chúng ta có hoặc là làm cho cả hai nên ngang hàng và lờ đi những khác biệt trong tương quan”. Chấp nhận và làm việc với sự khác biệt quyền lực trong tương quan mục vụ là một trong những điểm vượt của sự trưởng thành trong vai trò nghiệp vụ như là một thừa tác viên. Khi người giáo sĩ chấp nhận quyền lực, chúng ta phải kiềm chế những ước muốn, đáp ứng cách nào đó nhu cầu riêng ngoài tương quan mục vụ. Chúng ta phải có ý thức rằng chúng ta ảnh hưởng lên người khác bằng hình ảnh chúng ta là ai, những gì chúng ta làm, và chúng ta làm như thế nào. Chúng ta cần thận trọng đánh giá những tương quan của chúng ta với người khác một cách chân thành, lương thiện, không quanh co.
6. Có hai con đường để xác định chắc chắn và kết án các linh mục chịu trách nhiệm về tội ấu dâm
Một con đường của Giáo Hội với Giáo luật, và một con đường của quốc gia với luật hình sự. Mỗi con đường là tự trị và độc lập với nhau. Điều này có nghĩa là, dù việc xét xử dân sự có xảy ra hay không, thì Giáo Hội cần phải tiến hành tiến trình theo giáo luật. Vào thời điểm áp dụng hình phạt theo giáo luật, nếu cho rằng người linh mục phạm tội đã bị trừng phạt đúng mức theo tòa án dân sự, thì có thể sẽ rút hình phạt theo giáo luật.[59]
7. Có mối tương quan giữa đồng tính luyến ái và lạm dụng tình dục trẻ em?
Do yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, Đại Học Công Lý Hình Sự John Jay của Đại Học Thành Phố New York (the John Jay College of Criminal Justice at the City University of New York) đã chuẩn bị một báo cáo “Nguyên nhân và Bối cảnh của việc lạm dụng tình dục trẻ vị thanh niên bởi các linh mục Công Giáo tại Hoa Kỳ, 1950-2010.”[60] Các kết quả của nghiên cứu này tác động lên cách thức mà các giám mục, và những người liên quan đến việc huấn luyện linh mục, giải thích các văn kiện Giáo Hội về vấn đề đồng tính luyến ái, quyết định nhận các cá nhân vào chủng viện và sự tiến triển của chủng sinh trong huấn luyện ở đại chủng viện, và sự tăng trưởng tiếp diễn của chủng sinh chuẩn bị cho việc chịu chức.
Theo nghiên cứu The John Jay hiện tượng lạm dụng tình dục trẻ vị thanh niên xảy ra ở cả những người khác giới luyến ái và đồng tính luyến ái, và những lạm dụng này ở cả trẻ nữ và trẻ nam, chủ yếu ở các trẻ nam dậy thì. Kết quả của nghiên cứu John Jay tìm thấy “căn tính” đồng tính luyến ái giải thích không thỏa đáng về việc lạm dụng tình dục trẻ vị thanh niên.[61] Tuy nhiên, theo một số thần học gia và giám mục, thực tế những nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi một số giáo sĩ đa số là trẻ nam, hoặc những người nam đã qua tuổi dậy thì, điều đó đã chứng minh cho thấy khuynh hướng đồng tính luyến ái là một yếu tố nguy hiểm không thể phủ nhận và không thể coi thường được.
V. BIỆN PHÁP VÀ PHƯƠNG HƯỚNG GIẢI QUYẾT CỦA GIÁO QUYỀN[62]
Việc đào sâu các tài liệu của Giáo quyền về vấn đề lạm dụng tình dục của giáo sĩ cần một bài nghiên cứu khác, vài ý tưởng ở đây chỉ phác họa vài điểm quan trọng.
Huấn Thị ngày 16/3/1962, “Crimen Sollicitationis”, được chuẩn y bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII và được ban hành bởi Bộ Thánh Vụ, cơ quan này sau đó trở thành Bộ Giáo Lý Đức Tin. Đó là một tài liệu quan trọng để “hướng dẫn giải quyết” các trường hợp liên quan giáo luật và giải chức thánh đối với các thừa tác viên dính líu đến tội ấu dâm.
Bức thư “Epistula de Delictis Gravioribus” (về các tội ác nghiêm trọng nhất), ký ngày 18/5/ 2001, bởi Hồng Y Joseph Ratzinger Tổng trưởng BGLĐT. Bức thư đó nhằm giúp đưa ra sự áp dụng thực tế cho các luật (“Normae de Gravioribus Delictis”) đã được ban hành trong Tự sắc Sacramentorum sanctitatis tutela (SST, Bảo vệ sự thánh thiện của các Bí tích)công bố ngày 30/4/2001 do Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ấn ký.
Các tài liệu này xử lý với các hành vi tư pháp nội bộ, trên bình diện giáo luật.
Ngày 16/5/2011, BGLĐT đã công bố Thư luân lưu gởi cho các Hội đồng giám mục, liên quan đến những đường hướng chỉ đạo khi phải đối diện với những cuộc lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên từ phía các thành viên của hàng giáo sĩ. Văn kiện nêu rõ Giám mục phải giải quyết một cách thích đáng các trường hợp giáo sĩ trong giáo phận của ngài lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Một việc giải quyết như thế bao gồm sự tiến hành các thủ tục thích hợp nhằm giúp đỡ các nạn nhân bị lạm dụng, và cũng nhằm giáo dục cộng đồng dân Chúa về bảo vệ trẻ vị thành niên. Sau đây là vài điểm chính của Bức Thư này.
a) Các nạn nhân bị lạm dụng tình dục
Giáo Hội, qua giám mục hoặc vị đại diện của ngài, phải sẵn sàng lắng nghe các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời liệu cách giúp họ về tâm lý và tinh thần.
b) Bảo vệ các trẻ vị thành niên
Tại một số quốc gia, nhằm bảo đảm cho trẻ vị thành niên được sống trong “môi trường an toàn”, các chương trình giáo dục và ngăn ngừa đã được khởi xướng ngay trong Giáo Hội. Các chương trình này tìm cách giúp đỡ phụ huynh cũng như những người làm công tác mục vụ và trường học nhận ra những dấu hiệu của sự lạm dụng và có biện pháp thích hợp.
c) Việc đào tạo các linh mục và tu sĩ tương lai
Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố: “Không có chỗ trong hàng ngũ linh mục và đời sống tu trì dành cho những kẻ có thể sẽ làm hại giới trẻ” (Huấn từ trong cuộc tiếp kiến các Hồng y Hoa Kỳ, 23/04/2002, số 3). Vị giáo hoàng kêu gọi các Giám mục, các bề trên thượng cấp và những ai có trách nhiệm đào tạo các linh mục và tu sĩ tương lai, nâng cao tinh thần trách nhiệm. Những chỉ dẫn được đưa ra trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis cũng như hướng dẫn của các Bộ có thẩm quyền của Tòa Thánh đều nhấn mạnh phải bảo đảm phân định đúng đắn ơn gọi cũng như đào tạo các ứng viên có được sự trưởng thành lành mạnh về nhân bản và đời sống thiêng liêng. Ứng viên phải có được lòng quý trọng giá trị của sự khiết tịnh, đời sống độc thân và trách nhiệm của người giáo sĩ đối với tình phụ tử thiêng liêng. Các ứng viên phải hiểu rõ được kỷ luật của Giáo Hội về các vấn đề này. Hơn nữa, cần có sự trao đổi thông tin về những tu sinh chuyển từ chủng viện này sang chủng viện khác, giữa các giáo phận khác nhau hoặc chuyển giữa các Dòng với các giáo phận.
d) Nâng đỡ các linh mục
Giám mục có trách nhiệm coi sóc mọi linh mục của mình như một người cha và người anh. Ngài phải chăm lo việc thường huấn giáo sĩ, nhất là những năm đầu sau khi thụ phong, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện và nâng đỡ nhau trong tình anh em linh mục. Các linh mục cần được thông tin về những thiệt hại gây ra cho các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tình dục, và được biết về trách nhiệm của bản thân về phương diện giáo luật cũng như dân luật. Các linh mục cần học hỏi để nhận ra các dấu hiệu báo động người nào đó đã có hành vi lạm dụng đối với trẻ nhỏ.
e) Hợp tác với chính quyền dân sự
Lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là một tội phạm cả về mặt giáo luật và mặt dân luật. Mặc dù có sự khác biệt về dân luật tại các quốc gia, cần phải tuân theo những quy định của pháp luật dân sự về việc tường trình các tội ác cho nhà chức trách miễn sao không phương hại tòa trong thuộc về bí tích. Hơn nữa, sự hợp tác này liên quan đến các vụ lạm dụng tình dục của giáo sĩ, tu sĩ hoặc giáo dân đang làm việc trong các cơ cấu của Giáo Hội.
Tóm tắt giáo luật hiện hành liên quan đến giáo sĩ phạm tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên[63]
Theo Tự sắc SST, tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi do một giáo sĩ được liệt vào số các tội nặng hơn (delicta graviora) được dành cho Bộ Giáo lý Đức Tin. Thời hiệu cho tội phạm này được ấn định 10 năm kể từ lúc nạn nhân tròn 18 tuổi. Luật của Tự sắc được áp dụng cho giáo sĩ theo nghi lễ La tinh, nghi lễ Đông phương, cho cả giáo sĩ giáo phận và giáo sĩ dòng.
Năm 2003, Đức Hồng y Ratzinger, khi ấy là Bộ trưởng BGLĐT, đã được Đức Gioan-Phaolô II ban cho một số năng quyền đặc biệt để linh hoạt hơn trong việc tiến hành các thủ tục hình sự liên quan đối với các tội nặng hơn này. Các biện pháp gồm có việc sử dụng tố tụng hình sự về hành chính và việc yêu cầu ra khỏi hàng giáo sĩ tự sở quyền (ex officio) trong những trường hợp nghiêm trọng hơn. Hiện nay những năng quyền này được đưa vào trong Tự sắc duyệt lại được Đức Bênêđictô XVI phê chuẩn ngày 21/5/2010. Theo luật mới, trong trường hợp lạm dụng trẻ vị thành niên, thời hiệu được nâng lên 20 năm, tính từ lúc nạn nhân tròn 18 tuổi. Tùy trường hợp, BGLĐT có thể bỏ qua thời hiệu này. Về mặt giáo luật, tội tàng trữ, sở hữu hay phát tán ảnh khiêu dâm trẻ em cũng được nói đến trong Tự sắc duyệt lại này.
Trách nhiệm giải quyết các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trước hết là của các Giám mục hoặc của các Bề trên thượng cấp. Giáo sĩ, tu sĩ bị tố cáo phải được xem là vô tội cho đến khi có bằng chứng ngược lại. Tuy nhiên giám mục có thể hạn chế việc thi hành tác vụ linh mục của người ấy cho đến khi các cáo buộc được làm sáng tỏ. Nếu lời cáo buộc có vẻ là thực, thì Giám mục hay Bề trên thượng cấp hay vị đại diện của các ngài phải tiến hành điều tra sơ bộ, theo khoản 1717 của Bộ Giáo luật, khoản 1468 của Bộ giáo luật cho các Giáo Hội Đông phương và khoản của 16 của Tự sắc SST.
Trừ phi có những lý do nghiêm trọng ngược lại, trước khi vụ án được trình lên BGLĐT, vị giáo sĩ bị cáo buộc phải được báo cho biết về cáo buộc chống lại ngài, và được có cơ hội đáp lại cáo buộc ấy. Sau điều tra sơ bộ, nếu vị linh mục bị vu cáo được làm sáng tỏ là vô tội, cần phải làm tất cả những gì có thể để phục hồi thanh danh cho người ấy. Nếu sau điều tra sơ bộ, xét lời cáo buộc là đáng tin, thì Đấng Bản quyền phải trình cho BGLĐT. Việc điều tra sơ bộ và toàn bộ vụ án phải được thực hiện với sự tôn trọng tính riêng tư và thanh danh của những người có liên quan.
BGLĐT sau khi xem xét, sẽ chỉ ra các bước kế tiếp phải làm, sẽ đưa ra các chỉ dẫn để chắc chắn rằng các biện pháp thích hợp được thực hiện, vừa bảo đảm một xét xử công bình đối với các giáo sĩ bị cáo buộc, với sự tôn trọng quyền biện hộ căn bản của họ, vừa bảo vệ lợi ích của Giáo Hội, bao gồm lợi ích của các nạn nhân. Cần lưu ý rằng việc áp đặt một hình phạt vĩnh viễn, như việc loại khỏi hàng giáo sĩ, thường đòi hỏi một vụ tố tụng tư pháp hình sự. Theo Giáo luật (x. khoản 1342), BGLĐT sẽ đưa ra phán quyết chung cuộc về tội phạm của giáo sĩ và tư cách thi hành thừa tác vụ của giáo sĩ ấy, cũng như việc ra hình phạt vĩnh viễn sau đó (SST, khoản 21, §2).
Các biện pháp giáo luật áp dụng đối với một giáo sĩ bị coi là lạm dụng tình dục một trẻ vị thành niên thường thuộc hai loại: 1) các biện pháp hạn chế triệt để tác vụ công khai hay ít ra cấm bất kỳ tiếp xúc nào với các trẻ vị thành niên. Các biện pháp này có thể gia tăng bằng một điều luật hình sự ; 2) các hình phạt của Giáo Hội, với hình phạt nặng nhất là loại khỏi hàng giáo sĩ. Trong một vài trường hợp, theo yêu cầu của chính vị giáo sĩ, việc miễn chuẩn các bổn phận của hàng giáo sĩ, gồm cả luật độc thân, có thể được chấp thuận vì lợi ích của Giáo Hội (pro bono Ecclesiae).
Bổn phận của Giám mục hay của Bề trên thượng cấp vẫn là bảo đảm công ích bằng cách ấn định sử dụng các biện pháp phòng ngừa nào trong khoản 1722 của Bộ Giáo luật và khoản 1473 của Bộ Giáo luật của các Giáo Hội Đông Phương. Theo điều 19 của Tự sắc SST, một khi bắt đầu cuộc điều tra sơ bộ, bổn phận này phải được thực thi.
Tự sắc “Vos estis lux mundi” (Các con là ánh sáng thế gian) của Đức thánh cha Phanxicô thiết lập những quy định khá cụ thể nhằm giải quyết vấn nạn giáo sĩ tu sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, cũng như nạn bạo hành, lạm dụng các nữ tu.[64]
VI. KẾT
Về hiểu biết y khoa khuynh hướng ấu dâm và hành vi ấu dâm còn cần được nghiên cứu sâu hơn. Trong xã hội và Giáo hội, việc giáo dục giới tính cần được đưa vào chương trình dạy học, dạy giáo lý để các em biết cách bảo vệ chính mình và được chuẩn bị hành trang có thể sống đức khiết tịnh dù sau này các em chọn bậc sống nào.
Trước “cơn bão” giáo sĩ lạm dụng tình dục, mỗi Kitô hữu cần tránh thái độ giận dữ thù hận, thất vọng, khinh miệt coi thường giáo sĩ. Mà tích cực và đúng đắn hơn, thái độ tha thiết muốn cải tổ, tập trung nhiều hơn vào những điều thiết yếu trong đào luyện đời sống thể lý, nhân bản và tâm linh, muốn làm mọi điều đúng đắn trở lại.[65] Giữa bao sóng gió, các linh mục tốt lành vẫn là đa số so với thiểu số phạm tội. Các linh mục thánh thiện là rường cột của Giáo hội, là hiện thân của Đức Kitô đang sống giữa lòng thế giới.
Ngày 21/5/2019, Đức tân Tổng Giám Mục thủ đô Washington, Wilton Daniel Gregory trong bài giảng đầu tiên của thánh lễ nhậm chức, đã mang lại niềm hy vọng cho người tín hữu Hoa Kỳ đang trong cơn khủng hoảng của Giáo hội vì lạm dụng tình dục của giáo sĩ: “Chúng ta đang đứng tại một thời điểm quyết định đối với cộng đoàn đức tin tại địa phương này… Nỗi buồn và sự xấu hổ gần đây của chúng ta không định nghĩa chúng ta; thay vào đó, chúng thúc đẩy và củng cố chúng ta để có thể đối mặt với ngày mai bằng một tinh thần bất khuất. Cùng nhau, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần củng cố chúng ta với ân sủng, sự bền đỗ và quyết tâm mà chỉ có chính Chúa Kitô mới có thể mang đến như một món quà qua sự hiện diện, bình an và lời hứa của Ngài.”[66]
Đức Bênêđictô XVI trong bài viết mới đây 10/4/2019, suy tư về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em, đã nhận định cuộc khủng hoảng do việc hàng giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em khiến cho nhiều linh mục cũng như giáo dân “đặt vấn đề về chính đức tin của Hội Thánh”, do đó “cần phải gửi một sứ điệp mạnh mẽ, tìm kiếm một khởi đầu mới, làm cho Hội Thánh lấy lại tính khả tín như ánh sáng giữa muôn dân và như nguồn lực chống lại những sức mạnh tàn phá”.[67]
Đức Giêsu ý thức hơn khi nào hết quyền lực có thật của quỷ dữ đang tác động trên các môn đệ còn sống ở trần gian. Chính vì thế Ngài khẩn khoản xin Cha gìn giữ họ khỏi Ác thần (Ga 17, 15). “Khi còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ… Con đã canh giữ họ…” (Ga 17, 12). Thánh thiện là thuộc tính của Thiên Chúa, làm cho các môn đệ nên thánh chính là tách biệt họ ra khỏi thế gian, với lối suy nghĩ và hành động, với những giá trị riêng của nó. Thánh hóa môn đệ chính là làm cho họ không thuộc về thế gian nữa, để như Đức Giêsu, họ thuộc về Cha trọn vẹn. “Các con là muối của trái đất, là ánh sáng của thế gian” (Mt 5, 13). Được thánh hóa, được tách khỏi thế gian, chính là để được sai vào lại thế gian. Nếu không được thánh hóa, không thuộc về Chúa, thì khi được sai vào, ta sẽ chẳng biến đổi được thế gian, và sẽ bị nó nuốt chửng.[68]
Đức Giêsu Kitô là mẫu gương người LINH MỤC tuyệt hảo.
Chúa Giê-su nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6).
“Anh em hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29b).
Bản chất tự nguyện của một ơn gọi có nghĩa là linh mục bắt buộc phải tự kỷ luật để đặt lợi ích cá nhân dưới lợi ích giáo dân. Chiều kích siêu việt của một ơn gọi chỉ ra linh mục đại diện cho một điều gì đó hơn nữa: đó là sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự đón nhận, chữa lành, yêu thương. Cái TÂM, ĐỨC của người linh mục phải tỏa sáng. Người linh mục phải là một ĐỨC KITÔ KHÁC.
Sống đời linh mục thật sự là một GIAO ƯỚC với Thiên Chúa
Ý niệm Giao ước trong Kinh Thánh có thể gợi mở cho sự hiểu biết về mô hình giao ước trong các mối tương quan khi thi hành sứ vụ linh mục:
– Đặt Thiên Chúa làm trung tâm các giá trị, điểm quy chiếu cho các hành động. Nhìn các hành động như là đáp lại ân phúc Thiên Chúa và được điều khiển bởi những gì chúng ta biết được về Thiên Chúa.
– Trong giao ước cũng có các ranh giới, nhưng các giới hạn này được giải thích tùy theo sự trung tín yêu thương thúc đẩy. Để biết yêu thương thực sự đòi hỏi những gì trong thi hành sứ vụ, cần có những biện phân luân lý, tầm nhìn, sự nhạy cảm của một con người nhân đức thánh thiện.
– Tôn trọng nhân vị và phẩm giá của mỗi người vì tương quan của mỗi người như một nhân vị với Thiên Chúa. Cách riêng trong bối cảnh Việt Nam, cần nhấn mạnh tôn trọng phẩm giá trẻ em, người phụ nữ, người nữ tu.
– Tình yêu vững bền của Thiên Chúa nhấn mạnh đến tính trung thành, tin cậy, công chính (x.Xh 34,6).
Cách thức thi hành “QUYỀN LỰC” như Chúa Giêsu
Chúa Giêsu không tìm cách phấn đấu cho sự vĩ đại cá nhân, không tìm trở thành trung tâm cho sự chú ý. Con đường lãnh đạo của Chúa Giêsu là “con đường của người tôi tớ”, và mời gọi người ta hoán cải mà không ép buộc họ phải suy nghĩ giống mình. Ngài sử dụng quyền lực để làm cho người khác trở nên vững mạnh, giải phóng con người tự do nội tâm, mở rộng cho mọi người được tham dự vào quyền lực của Ngài. Quyền lực Ngài sử dụng làm triển nở điều thiện, phát huy tính sáng tạo, xây dựng và phục hồi những tương quan đổ vỡ, tha thứ và chữa lành, kiến tạo không gian đón tiếp, làm cho người yếu trở nên mạnh, thách thức những thái độ tìm sự thống trị. Trong cuộc thương khó và cái chết của Ngài, Chúa Giêsu vận dụng duy nhất một loại quyền lực mà Ngài biết- tình yêu Thiên Chúa – quyền lực kiến tạo sự sống, ban tặng sự tha thứ.
Linh mục sống khiết tịnh
Đời sống tính dục là điều sâu xa thuộc về yếu tính con người. Sống khiết tịnh là một thử thách suốt đời người linh mục và cũng là một hồng ân của Thiên Chúa. Người linh mục cần được đào tạo trưởng thành và quân bình thể lý, tâm cảm, thiêng liêng, để có thể sống hài hòa và thăng hoa các nhu cầu cảm xúc, tình cảm… Người linh mục cần bám vào Chúa là nguồn sức mạnh vững bền và niềm an vui đích thực.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 113 (Tháng 7 & 8 năm 2019)
_______
[1] Hannah Brockhaus, “McCarrick laicized by Pope Francis”,<<<<<<<<<Bottom of Form <https://www.catholicnewsagency.com/news/mccarrick-laicized-by- pope-francis-31512>
[2] Joseph C. Pham (Theo The Guardian) “Vị Linh Mục Ấu Dâm Gerald Ridsdale Bị Kết Án 11 Năm Tù Giam Nữa”, < https://masimpress.com/ban-tin/vi-linh-muc-au-dam-gerald-ridsdale-bi-ket-an-11-nam-tu-giam-nua >
[3] Hồng Thủy, “Các Giám mục Úc mời gọi ăn chay đền tội thống hối về nạn lạm dụng tình dục”, <http://vietcatholic.org/News/Html/242366.htm>
[4] “Catholic Church’s sexual abuse”, <http://en.wikipedia.org/wiki/Catholic_ sex_abuse_cases>
[5] John L. Allen, “Ex-Vatican judge takes plea bargain on molestation, child pornography charges”, 20/2/2018, <https://cruxnow.com/vatican/2018/02/20/vatican-judge-takes-plea-bargain-molestation-child-pornography-charges/>
[6] Mark Miravalle, “10 Points to Ponder in Examining the Cloyne Report”, <http:// www.motherofallpeoples.com/2011/08/10-points-to-ponder-in-examining-the- cloyne-report/>
[7] X. Vũ Văn An, “Các chuyên gia luật pháp tin rằng Đức Hồng Y George Pell có cơ thắng cuộc kháng án”, <http://vietcatholic.org/News/Html/249126.htm>
[8] X. Thế Giới Nhìn Từ Vatican, “Video: Cha Roger Landry trong Phái bộ Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc nhận định về bản án bất công của ĐHY Pell”, <http:// vietcatholic.org/News/Home/Article/249540>
[9] Đặng Tự Do, “George Pell: một Ngô Quang Kiệt cô đơn của Úc Châu”, <http://vietcatholic.org/News/Html/249143.htm>
[10] “Acquitted of Polish priest paedophilia after 10 years”, <https://polandin.com/41417335/polish-priest-acquitted-of-paedophilia-after-10-years>
[11] Mark Miravalle, “10 Points to Ponder in Examining the Cloyne Report, A Call for Truth, Justice, Fairness and Decency”,<https://zenit.org/articles/10-points- to-ponder-in-examining-the-cloyne-report/>
[12] X. Vũ Văn An, “Nguyên Văn Lá Thư của Đức Phanxicô xin lỗi về tai tiếng lạm dụng tình dục ở Chile” <http://vietcatholic.org/News/Home/Article/243355> (12/4/2018).
[13] “Những vụ án ấu dâm của giáo sĩ Công giáo Rôma”, <https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%E1%BB%AFng_v%E1%BB%A5_%C3%A1n_%E1%BA %A5u_ d%C3%A2m_c%E1%BB%A7a_gi%C3%A1o_s%C4%A9_C%C3%B4ng_ gi%C3%A1o_R%C3%B4ma>
[14] Báo cáo của Philip Pullella, Editing by Rosalind Russell – Roma (Reuters).
[15]X. Vũ Văn An, “Gốc rễ ấu dâm và Giáo Hội Công Giáo”, <http://vietcatholic.org/News/Home/Article/80604>
[16] X. Vũ Văn An, “Tâm lý học Công Giáo và việc lạm dụng tình dục của giáo sĩ”, <http://vietcatholic.org/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=80672>
[17] Vũ Văn An, “Gốc rễ ấu dâm và Giáo Hội Công Giáo”, <http://vietcatholic.org/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=80604>
[18] “Toàn văn diễn từ bế mạc Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội của Đức Thánh Cha Phanxicô”, J.B. Đặng Minh An dịch, <http://vietcatholic. org/News/Html/249056.htm>
[19] <http://vietcatholic.org/News/Html/249073.htm>
[20] “Hành vi nào được coi là dâm ô đối với trẻ em?”<https://vtv.vn/van-de-hom-nay/hanh-vi-nao-duoc-coi-la-dam-o-doi-voi-tre- em-20190307053852012.htm> (7/3/2019)
[21] “Lạm dụng tình dục trẻ em”, <https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BA%A1m_d%E1%BB%A5ng_t%C3%ACnh_d%E1%BB%A5c_tr%E1%BA%BB_em >
[22] UNICEF, “Kỷ luật bạo lực, xâm hại tình dục và giết người xảy ra với hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới”, <https://www.unicef.org/vietnam/vi/media_27111. html>
[23] Đinh Thương, “Những số liệu báo động về xâm hại tình dục trẻ em”, <https://baomoi.com/nhung-so-lieu-bao-dong-ve-xam-hai-tinh-duc-tre- em/c/22871256.epi
[24] <https://news.zing.vn/con-so-dang-bao-dong-ve-xam-hai-tinh-duc-tre-em-tai- viet-nam-post728356.html>
[25] Đinh Thương, “Những số liệu báo động về xâm hại tình dục trẻ em”.
[26] Đinh Thương, “Những số liệu báo động về xâm hại tình dục trẻ em”.
[27] Thu Hằng, “Giáo dục, y tế là nhóm có quấy rối tình dục cao nhất?” <http:// vn.news.yahoo.com/gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c–y-t%E1%BA%BF- l%C3%A0-nh%C3%B3m-c%C3%B3-qu%E1%BA%A5y-r%E1%BB%91i- t%C3%ACnh-d%E1%BB%A5c-cao-nh%E1%BA%A5t–012605288.html>
[28] Cự giải, “Hiệu trưởng bị tố lạm dụng tình dục nam sinh ở Phú Thọ: Lời kể nghẹn đắng của người mẹ”, <https://baomoi.com/hieu-truong-bi-to-lam-dung- tinh-duc-nam-sinh-o-phu-tho-loi-ke-nghen-dang-cua-nguoi-me/c/29030340. epi> (18/12/2018)
[29] Phương Thế Anh, “Thầy giáo làm nữ sinh lớp 8 mang thai ân hận, chị gái xin lỗi thay em, <https://laodong.vn/xa-hoi/thay-giao-lam-nu-sinh-lop-8-mang- thai-an-han-chi-gai-xin-loi-thay-em-730290.ldo> (27/4/2019).
[30] Cường Ngô, “Vụ nghi xâm hại bé gái ở phòng X-quang: Chụp ngực nhưng bắt cởi quần”, <https://laodong.vn/phap-luat/vu-nghi-xam-hai-be-gai-o-phong-x- quang–chup-nguc-nhung-bat-coi-quan-735318.ldo> (25/5/2019)
[31] Lan Ngọc, “26 năm tù cho hai gã chú ruột hiếp dâm cháu 14 tuổi”, <https://tuoitre.vn/26-nam-tu-cho-hai-chu-ga-ruot-hiep-dam-chau-14- tuoi-20190524110320593.htm>
[32] X. Sexual abuse, <https://en.wikipedia.org/wiki/Sexual_abuse>; Ban biên tập HelloBACSI, “Hiểu đúng về quấy rối tình dục”.
[33] “Quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em”, <https://kiemsat.vn/quy-dinh-cua-phap-luat-viet-nam-lien-quan-den-xam-hai- tinh-duc-tre-em-51393.html> (18/12/2019).
[34] “Sexual abuse, What is sexual abuse”, <https://www.nspcc.org.uk/preventing-abuse/child-abuse-and-neglect/child- sexual-abuse/>; What to look for in adults and children. What is considered child sexual abuse?” <https://www.parentsprotect.co.uk/warning-signs-in-children-and-adults.htm>
[35] Pedophilia, <https://en.wikipedia.org/wiki/Pedophilia> ; Thùy An, “Ấu dâm là gì và Ấu dâm là bệnh hay là tội?”
[36] Thùy An, “Ấu dâm là gì và Ấu dâm là bệnh hay là tội?” <https://tintucvietnam. vn/au-dam-la-gi-va-au-dam-la-benh-hay-la-toi-31498>
[37] Thùy An, “Ấu dâm là gì và Ấu dâm là bệnh hay là tội?”
[38] Thùy An, “Ấu dâm là gì và Ấu dâm là bệnh hay là tội?”
[39] “What is sexual abuse”, <https://www.nspcc.org.uk/preventing-abuse/child- abuse-and-neglect/child-sexual-abuse/>
[40] Thùy An, “Ấu dâm là gì và Ấu dâm là bệnh hay là tội?”
[41] Thùy An, “Ấu dâm là gì và Ấu dâm là bệnh hay là tội?”
[42] “Bê bối cô giáo yêu học trò lớp 6”, <http://vn.news.yahoo.com/b%C3%AA- b%E1%BB%91i-c%C3%B4-gi%C3%A1o-y%C3%AAu-h%E1%BB%8Dc- tr%C3%B2-l%E1%BB%9Bp-051245478.html”,_Theo Bảo An/Pháp luật Việt Nam
[43] C. Mai, L. Diễm, G. Minh, N. Khải, “Trẻ bị lạm dụng, hậu quả nặng nề”, <https:// tuoitre.vn/tre-bi-lam-dung-hau-qua-nang-ne-517184.htm>, (23/10/2012).
[44] “Understanding child sexual abuse” <https://kidshelpline.com.au/parents/ issues/understanding-child-sexual-abuse>
[45] “Quấy rối tình dục” <https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%A5y_r%E1%BB%91i_t%C3%ACnh_d%E1%BB%A5c>
[46] Wikipedia, “Bạo hành tình dục” <https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A 1o_h%C3%A0nh_t%C3%ACnh_d%E1%BB%A5c>
[47] Trần Như Ý Lan, Đạo Đức “Nghề Nghiệp” trong Mục vụ Tông Đồ: Tương Quan và Trách Nhiệm của Người Thi Hành Sứ Vụ Tông Đồ”.
[48] “Pedophilia and the Priesthood”, https://www.catholic.org/featured/headline.php?ID=4632
[49] “Pedophilia and the Priesthood”.
[50] Hành vi nào được coi là dâm ô đối với trẻ em? <https://vtv.vn/van-de-hom-nay/
hanh-vi-nao-duoc-coi-la-dam-o-doi-voi-tre-em-20190307053852012.htm>
[51] “Trẻ bị lạm dụng, hậu quả nặng nề”, <http://tuoitre.vn/Ban-doc/517184/Tre-bi- lam-dung-hau-qua-nang-ne.html> (23/10/2012)
[52] X. Vũ Văn An, “Gốc rễ ấu dâm và Giáo Hội Công Giáo”.
[53] X. Vũ Văn An, “Gốc rễ ấu dâm và Giáo Hội Công Giáo”.
[54] Full text of Benedict XVI essay: ‘The Church and the scandal of sexual abuse’ <https://www.catholicnewsagency.com/news/full-text-of-benedict-xvi-the- church-and-the-scandal-of-sexual-abuse-59639>
[55] Gm Nguyễn Văn Khảm, “Lắng nghe những suy tư của Đức Bênêđictô XVI về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em”, <http://gpphanthiet.com/vi/news/ tuyen-dung/lang-nghe-nhung-suy-tu-cua-duc-benedicto-xvi-ve-van-de-giao- si-lam-dung-tinh-duc-tre-em-1758.html>
[56] Vũ Văn An, “Gốc rễ ấu dâm và Giáo Hội Công Giáo” <http://vietcatholic.org/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=80604>
[57] “Pedophilia and the Priesthood”, <https://www.catholic.org/featured/headline. php?ID=4632>
[58] Tường Nguyên, “‘Hiếp dâm kỹ thuật số’ 32 bệnh nhân, nam bác sĩ lãnh án 10 năm tù”, <https://tuoitre.vn/hiep-dam-ky-thuat-so-32-benh-nhan-nam-bac-si- lanh-an-10-nam-tu-20180630115229538.htm> (30/06/2018).
[59] “Pedophilia and the Priesthood”.
[60] John Jay College of Criminal Justice at the City University of New York, Causes and Contexts of Sexual Abuse of Minors by Catholic Priests in the United States, 1950-2010 (New York: City University of New York, 2011). (Hereafter, John Jay Report.)
[61] John Jay Report, 38, 62, 64, 74, 100, 102, 119.
[62] Bộ Giáo Lý Đức Tin, “Thư Luân lưu về vấn đề lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên”, 16/5/2011.
[63] X. Trần Minh Huy, “Lạm dụng tình dục và các giải pháp” <http://xuanbichvietnam.net/trangchu/cap-nhat-mot-canh-bao-nghiem-trong-lam-dung-tinh-duc-va-cac-giai-phap/>
[64] < https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-thu-tu-sac-vos-estis-lux-mundi-cac-con-la-anh-sang-the-gian–40524 >
[65] Vũ Văn An, “Các tai tiếng lạm dụng không làm nản lòng các linh mục tương lai của Mỹ”, <http://vietcatholic.org/News/Html/250248.htm> (2/5/2019)
[66] “Text of Archbishop Gregory’s homily at his Mass of Installation as the archbishop of Washington”, <https://cathstan.org/news/faith/for-hispanic-catholics-faith-journey-involves-walking-with-mary-and-jesus>
[67] Benedict XVI, “The Church and the scandal of sexual abuse”, <https://www. catholicnewsagency.com/news/full-text-of-benedict-xvi-the-church-and-the- scandal-of-sexual-abuse-59639>
[68] Lm Nguyễn Cao Siêu, “Xin Cha gìn giữ họ (5/6/2019 – Thứ Tư tuần bảy Phục sinh)”, <https://dongten.net/2019/06/04/xin-cha-gin-giu-ho-4-6-2014-thu-tu- tuan-bay-phuc-sinh/>
TAGS: