ĐẠI LỘ MỚI
ƯỚC NGUYỆN
VỊ GIÁO HOÀNG KẾ TIẾP
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
Lời nguyện
“Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin ban cho Giáo Hội một vị Giáo hoàng theo đúng ý Chúa Thánh Thần, để mưu ích cho Hội Thánh và cho toàn thể nhân loại đang khao khát sự sống, sự thật, tình yêu, hòa bình và thịnh vượng hoàn vũ, của ngàn năm thứ ba, nền văn minh Biển. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con”. Amen./.
Nhận thức
Vai trò của Chúa Thánh Thần
Việc chọn Giáo hoàng là một biến cố vừa mang tính nhân loại vừa mang tính mầu nhiệm. Hồng y đoàn cầu nguyện – phân định – lắng nghe tiếng Chúa trong lặng thinh. Giáo dân cũng cần cầu nguyện – không thụ động – để nâng đỡ và hiệp hành.
Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn Giáo Hội vào chân lý toàn vẹn (Ga 16,13) và luôn hiện diện khi Giáo Hội cầu nguyện và phân định. Chúa chọn Saul và David (1 Sm 16,7). Chúa Giêsu chọn các Tông đồ, đặc biệt là Phêrô, dù ông yếu đuối. Cv 1: Chọn Mathia thay Giuđa – cộng đoàn cầu nguyện, rồi rút thăm. Cv 13: Chúa Thánh Thần phán: “Hãy dành riêng cho Ta Barnaba và Saol.” Vatican II, Lumen Gentium 4 – Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội qua mọi thời. Thượng Hội đồng Giám mục 2023–2024: nhấn mạnh lắng nghe – phân định – hiệp hành, có nghĩa là để Thánh Thần hướng dẫn qua dân Chúa. Cảnh gíac, xã hội hậu hiện đại: con người đề cao “ý riêng” thay vì “ý Chúa”. Công nghệ và AI: làm lu mờ khả năng phân định thiêng liêng. Giáo Hội cần trở lại với cầu nguyện – thinh lặng – hiệp hành, để nghe tiếng Thánh Thần. Cầu nguyện liên lỉ, nhất là trước Thánh Thể – “Ở lại trong tình yêu của Ta” (Ga 15). Phân định cộng đoàn: không quyết định cá nhân, nhưng trong hiệp thông và vâng phục Thánh Thần. Biết đợi chờ: như trong Cv 1 – các Tông đồ cầu nguyện trong phòng tiệc ly, ngày lễ Ngũ tuần để Thánh Thần đến.
Khả năng nghe – lắng: tập luyện khả năng lắng nghe Lời, lắng nghe nhau, lắng nghe thời đại.
Để Chúa Thánh Thần làm chủ. Giáo Hội không chỉ là cơ chế, mà là Thân Thể Chúa Kitô – cần được dưỡng nuôi bởi Thánh Thần. Hãy cầu xin Thánh Thần như Mẹ Maria và các Tông đồ đã làm trong phòng tiệc ly xưa kia: “Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này!”
Thực trạng
Thế giới đang thay đổi rất nhanh, rất mạnh và rất sâu. Trong tình hình biến động như vậy, Giáo Hội cần một người mục tử có tầm nhìn, biết lắng nghe, biết đối thoại và biết dẫn dắt. Mỗi vị Giáo hoàng là một ân huệ đặc biệt Chúa ban cho Giáo Hội ở từng giai đoạn lịch sử. Khi chúng ta nhìn về tương lai, suy tư về vị kế nhiệm Đức Thánh Cha Phanxicô là thao thức mục vụ, là đọc các dấu chỉ thời đại trong ánh sáng Tin Mừng và qua huấn quyền. Vatican II mở ra một cái nhìn mới về Giáo Hội: không chỉ là phẩm trật mà là Dân Thiên Chúa; và Thượng hội đồng 23-24: Giáo hội là “Hiệp hành”, cùng nhau bước đi theo Chúa Kitô. Các vị Giáo hoàng sau đó là những “người canh giữ và triển khai” Công đồng. Như Thánh Gioan Phaolô II: Niềm tin mạnh mẽ, nhân phẩm, tự do. Đức Bênêđictô XVI: Trí tuệ – thần học và bảo vệ đức tin. Đức Phanxicô: Một Giáo hoàng hiệp hành, gần gũi, môi sinh, xã hội. Vị Giáo hoàng kế tiếp sẽ không bắt đầu lại, nhưng sẽ tiếp nối hành trình Công đồng, Thượng hội đồng 23-24 một cách khôn ngoan, sáng tạo và can đảm. Sau đây, tôi xin chia sẻ: Đại lộ mới-Ước nguyện vị Giáo hoàng kế tiếp.
Đức Cố Giáo hoàng Phanxico
Linh đạo
Tinh thần hiền lành và khiêm nhường: Đức Phanxicô luôn nhấn mạnh sự quan trọng của việc sống hiền lành và khiêm nhường. Ngài đặc biệt chú trọng đến những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi trong xã hội, và kêu gọi Giáo hội chú tâm vào việc phục vụ họ. Điều này thể hiện qua việc ngài từ bỏ những tiện nghi của Tòa Thánh, chọn sống giản dị và gần gũi với những người yếu thế. Ngay từ những ngày đầu tiên sau khi được bầu làm Giáo hoàng, Đức Phanxicô đã từ chối các tiện nghi sang trọng của Tòa Thánh. Ngài chọn sống tại nhà khách Casa Santa Marta thay vì Cung điện Giáo hoàng, di chuyển bằng xe ô tô phổ thông và tự tay thanh toán hóa đơn. Ngài cũng thường xuyên gặp gỡ và lắng nghe những người nghèo khổ, người tị nạn, và những người bị xã hội gạt ra ngoài lề.
Mục vụ
Đề cao công lý và hòa bình: Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất chú trọng đến việc xây dựng hòa bình, giải quyết xung đột và bảo vệ công lý. Ngài thường lên tiếng về các vấn đề toàn cầu như bất công xã hội, bảo vệ môi trường, và quyền con người. Ngài cũng thúc đẩy các cuộc đối thoại liên tôn, đặc biệt là với Phật giáo và Hồi giáo, nhằm thúc đẩy hòa bình giữa các tôn giáo. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không ngừng kêu gọi hòa bình và công lý trong các cuộc xung đột toàn cầu. Ngài đã đến thăm các khu vực bị chiến tranh tàn phá, như Cộng hòa Trung Phi và Iraq, để thể hiện sự đoàn kết và khích lệ các nỗ lực hòa bình. Ngài cũng mạnh mẽ lên tiếng về biến đổi khí hậu và bất công xã hội, nhấn mạnh rằng công lý không thể thiếu lòng thương xót.
Truyền giáo
Chủ trương cải cách Giáo hội để loan báo Tin mừng: Đức Phanxicô muốn một Giáo hội gần gũi hơn với dân chúng, không chỉ trong hành động mà còn trong cách thức phục vụ. Ngài đã thúc đẩy nhiều cải cách trong Giáo hội, từ chú trọng đến việc cải cách công tác mục vụ đến việc nâng cao sự tham gia của giáo dân trong công việc của Giáo hội. Đồng thời, ngài cũng khuyến khích sự cởi mở và đối thoại, đồng thời không ngừng kêu gọi sự tự do trong đời sống đức tin.
Những nét đặc trưng này thể hiện một Đức Giáo Hoàng đầy lòng yêu thương, quan tâm đến những vấn đề xã hội và môi trường, cũng như là người tiên phong trong việc cải cách Giáo hội theo hướng gần gũi và sống động. Cải cách Giáo hội và mở rộng vai trò của giáo dân. Trong suốt triều đại của mình, Đức Phanxicô đã thúc đẩy nhiều cải cách quan trọng trong Giáo hội. Ngài đã mở rộng quyền tham gia của phụ nữ trong các vai trò lãnh đạo, cho phép họ đảm nhận các chức vụ như giảng viên và thừa tác viên. Ngài cũng đã công nhận vai trò của các giáo dân trong việc lãnh đạo các cộng đoàn tôn giáo, thể hiện sự tôn trọng và khuyến khích sự tham gia của mọi thành viên trong Giáo hội.
Ước nguyện chân dung vị Giáo hoàng kế tiếp
Việc ước nguyện những đặc trưng của vị Giáo hoàng kế nhiệm không chỉ là chuyện suy đoán tương lai, mà còn là một cách đọc các dấu chỉ thời đại trong ánh sáng đức tin, Thánh Thần và tiến trình hiệp hành hiện nay của Giáo Hội. Dưới đây là một số dự báo mang tính suy tư – không phải tiên đoán – về những đặc trưng có thể có nơi vị Giáo hoàng tương lai, dựa trên: Hướng đi của Giáo Hội từ Công đồng Vatican II đến Thượng Hội đồng Giám mục 2023–2024; các thách đố thời đại: văn hóa, xã hội, môi sinh, kỹ thuật số; sự phát triển của triết học, thần học và mục vụ với tầm nhìn hoàn vũ.
Linh đạo
Một mục tử giàu linh đạo.Vị Giáo hoàng ấy sẽ tái lập trọng tâm về đời sống thiêng liêng, cầu nguyện, chiêm niệm và say mê Thánh Thể. Không bị cuốn theo các vấn đề xã hội-chính trị. Ngài có thể là một nhà thần bí, một người thấm đẫm tinh thần Thánh Phanxicô Assisi, Têrêsa, Gioan Thánh Giá, Charles de Foucauld, Carlo Acutis. Vị Giáo hoàng mới sẽ là một người chiêm niệm giữa thế giới ồn ào. Người giúp phục hồi chiều sâu thiêng liêng cho Giáo Hội với “Đức tin-cá vị” trong thời hậu hiện đại.
Mục vụ
1. Một vị Giáo hoàng “hiệp hành”. Tiếp nối tinh thần của Đức Phanxicô, vị Giáo hoàng tương lai gần như chắc chắn sẽ tiếp tục lối điều hành theo tinh thần hiệp hành: lắng nghe, phân định, đồng trách nhiệm. Ngài có thể nhấn mạnh vai trò của các Hội đồng Giám mục và giáo dân trong việc đồng hành và quyết định mục vụ tại địa phương. Giáo hoàng đến với người nghèo, người di dân, các vùng ngoại vi. Một người mục tử thực sự, sống giữa đàn chiên.
2. Một vị Giáo hoàng hiểu biết về “Ấn độ Châu Á Thái Bình Dương”. Điều này, phản ánh sự dịch chuyển trọng tâm của đời sống đức tin từ các miền Phương Bắc sang các miền Phương Nam, đang phát triển mạnh mẽ.
3. Một nhà lãnh đạo truyền thông và kỹ thuật số. Ngài có thể biết sử dụng và nhất là biết dùng các chuyên gia về truyền thông số trong một không gian Châu lục loan báo Tin Mừng. Sự hiện diện trên nền tảng mạng xã hội không còn là tùy chọn, mà là một yếu tố mục vụ cần thiết, đặc biệt với giới trẻ.
4. Một nhà lãnh đạo, có khả năng cải tổ Giáo luật, tái định hình vai trò giáo dân, phụ nữ và giới trẻ, trong cơ cấu điều hành Giáo Hội. Ngài có thể lập những cơ quan điều hành, do phụ nữ có tố chất và được đào luyện về lãnh đạo.
5. Một nhà lãnh đạo, có khả năng Liên kết các nhà lãnh đạo có uy tín lương tâm. Dù khác chính kiến, tín ngưỡng, quốc tịch, các lãnh đạo mang ý thức lương tâm toàn cầu cần tìm lại nền tảng chung: Phẩm giá con người (Gaudium et Spes, 26). Hòa bình xây trên công lý và chân lý (Pacem in Terris). Hợp tác không chỉ về kinh tế, mà cả về linh đạo và đạo đức.
6. Một nhà lãnh đạo, có khả năng kiến tạo một trật tự thế giới mới. Thế giới đang chờ một cuộc cách mạng văn hóa tinh thần, không chỉ là chính trị. Những cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo đất nước với Đức Thánh cha, là dấu chỉ cho thấy con người đang trở lại với chiều sâu nội tâm, khi không còn đủ sức để sống với “quyền lực trần gian” thuần túy. Sự hiện diện âm thầm của Chúa Thánh Thần có thể đang âm thầm hoạt động qua những “cử chỉ nhân bản và đối thoại khiêm tốn.”
7. Một nhà lãnh đạo, có khả năng xây dựng “Thế giới một linh đạo chung.” Cuộc gặp các vị lãnh đạo, trong ánh sáng Phục Sinh, chính là “hạt giống thiêng liêng” cho một liên minh lãnh đạo toàn cầu có tầm nhìn về chiều sâu, trong tinh thần phục vụ nhân loại, không phải để thống trị thế giới.
8. Một nhà lãnh đạo, có tầm nhìn “Nền văn minh biển” – biểu tượng của giao lưu, kết nối và sự sống. Biển không biên giới – biểu tượng cho một nhân loại không bị chia cắt vì ý thức hệ, chủ nghĩa dân tộc hay lợi ích nhóm. Biển bao dung, linh hoạt – cũng như Giáo hội hiệp hành hôm nay, không thống trị nhưng đồng hành, lắng nghe, thẩm định. Từ truyền thống “thuyền Giáo Hội” vượt qua bao cơn bão (Noe – Tông đồ – Phêrô), ta đi tới một “nền văn minh thuyền vượt biển,” nơi các dân tộc cùng chèo lái vì công ích: Hòa bình và thịnh vượng thật sự. Nó không đến từ tiền bạc hay vũ khí, mà từ sự hoán cải nội tâm và cấu trúc xã hội công bằng. ĐGH Phanxicô luôn nói: “Đừng để toàn cầu hóa biến thành đồng hóa. Hãy giữ gìn sự đa dạng trong hiệp nhất.”
Truyền giáo
1. Một vị Giáo hoàng môi sinh và công bằng xã hội. Sau Laudato Si’; Fratelli Tutti và Laudate Deum, vị kế nhiệm sẽ tiếp tục đưa Giáo Hội vào vai trò tiên tri trong việc bảo vệ môi trường, thăng tiến hòa bình, nhân quyền và phát triển toàn diện con người. Có thể xuất hiện một Tông huấn mới về công bằng xã hội trong thời đại công nghệ sinh học và AI.
2. Một người đối thoại liên tôn và liên văn hóa. Ngài sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện Kitô giáo khiêm tốn giữa thế giới đa nguyên tôn giáo và văn hóa. Đặc biệt, ngài sẽ đối thoại với Hồi giáo, Phật giáo và các truyền thống tâm linh bản địa, mà không để mất căn tính Kitô giáo. Truyền giáo hôm nay là hiện diện sáng tạo trong thế giới số, liên tôn, và môi sinh. Giáo hoàng kế tiếp phải là người ra đi – đến vùng ngoại vi văn hóa, xã hội và tâm linh. Giữa Các tín hữu trẻ, các nhóm dân thiểu số và truyền thông kỹ thuật số.
Kết luận
Vị Giáo hoàng tương lai rất có thể sẽ là: Một mục tử với hương thánh thiện đơn sơ, mang trí tuệ mục vụ sâu sắc và một trái tim đồng cảm với nhân loại hôm nay. Ngài sẽ vừa tiếp nối Đức Phanxicô, vừa mở ra một hướng mới phù hợp với thế kỷ XXI: “Nhân văn hơn, thiêng liêng hơn, công nghệ hóa” nhưng không đánh mất căn tính thiêng liêng. Mang tinh thần đối thoại liên tôn. Biết sống khiêm hạ, hòa nhã theo tinh thần Đông phương. Kết hợp chiều sâu linh đạo và lòng kiên cường giữa bách hại. “Không phải vì ‘châu lục nào xứng đáng hơn’, mà là vì cần một biểu tượng mới cho sự hiệp thông toàn cầu của Giáo Hội.”
“Dự báo là ước nguyện, không phải tiên tri – nhưng để tỉnh thức, cầu nguyện, và chuẩn bị trí lòng. Mỗi người chúng ta đều góp phần vào hình ảnh Giáo Hội ngày mai, bằng sự “thánh thiện, lòng trung thành và tinh thần hiệp hành”./.
Lời nguyện: “Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin ban cho Giáo Hội một vị Giáo hoàng theo đúng ý Chúa Thánh Thần, để mưu ích cho Hội Thánh và cho toàn thể nhân loại đang khao khát sự sống, sự thật, tình yêu, hòa bình và thịnh vượng hoàn vũ, của ngàn năm thứ ba, nền văn minh Biển. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con”. Amen./.
Truyền thông TGP/SG và HVCGVN tháng Tư 2025
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)