Lưu trữPhanxicô

LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2024: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2024: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 27th, 2024. Posted in Cồ Ngọc HảiTâm linhThế Giới

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu là niềm hy vọng không làm thất vọng của thế giới, và niềm hy vọng Kitô giáo không tương thích với sự lười biếng và yêu cầu mỗi người “trở thành những người hành hương tìm kiếm sự thật” và mang niềm hy vọng vào trong những tình cảnh khác nhau của cuộc sống.

Thiên Thần của Chúa, ngập tràn trong ánh sáng, chiếu soi bóng đêm và mang lại tin vui cho các mục đồng: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2, 10-11). Trời mở ra trên trái đất giữa sự kinh ngạc của kẻ nghèo hèn và tiếng hát của các thiên thần. Thiên Chúa đã trở nên một trong chúng ta để làm cho chúng ta nên giống như Người; Thiên Chúa đã xuống để nâng chúng ta lên và phục hồi chúng ta trong vòng tay của Chúa Cha.

Anh chị em thân mến, đây chính là niềm hy vọng của chúng ta. Thiên Chúa là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Sự cao cả vô song đã làm cho Người trở nên bé nhỏ; ánh sáng thần thiêng đã chiếu soi giữa bóng tối của thế giới chúng ta; vinh quang thiên quốc đã xuất hiện trên địa cầu. Và bằng cách nào? Một hài nhi bé nhỏ. Nếu Thiên Chúa có thể viếng thăm chúng ta, ngay cả khi cõi lòng chúng ta xem ra như máng cỏ thấp hèn, thì chúng ta có thể chân thành nói: Niềm hy vọng không chết đi; niềm hy vọng đang sống và nó ấp ủ đời sống chúng ta mãi mãi. Niềm hy vọng không làm thất vọng!

Thưa anh chị em, với việc mở Cửa Thánh, chúng ta đã khai mạc một Năm Thánh mới, và mỗi người chúng ta có thể bước vào mầu nhiệm của biến cố đặc biệt này. Tối hôm nay, cánh cửa hy vọng đã mở rộng cho thế giới. Đêm nay, Thiên Chúa ngỏ với từng người chúng ta và nói: đó cũng là niềm hy vọng dành cho chúng con! Đó chính là niềm hy vọng dành cho mỗi một chúng ta. Và thưa anh chị em, đừng quên rằng Thiên Chúa thứ tha mọi sự, Người luôn luôn tha thứ. Đừng quên điều này, đó chính là cách nhận hiểu niềm hy vọng vào Chúa.

Để nhận lãnh món quà này, chúng ta được mời gọi lên đường với sự kinh ngạc của các mục đồng trong cánh đồng Bêlem. Tin Mừng nói với chúng ta rằng, khi đã nghe lời tiên báo của thiên thần, họ “hối hả ra đi” (Lc 2, 16). Cũng vậy, ‘với sự hối hả’, chúng ta cũng được mời gọi tìm lại niềm hy vọng đã mất, làm mới lại niềm hy vọng đó trong lòng chúng ta, và rắc gieo mầm hy vọng giữa cảnh lạnh lẽo của thời đại và thế giới chúng ta. Và có rất nhiều sự hoang tàn vào thời điểm này. Chúng ta nghĩ về các cuộc chiến tranh, về những đứa trẻ bị bắn, những quả bom ở trường học và bệnh viện. Đừng trì hoãn, đừng do dự, nhưng hãy để mình được Tin Mừng lôi kéo.

Với sự hối hả, chúng ta hãy lên đường để nhìn ngắm Chúa được sinh hạ cho chúng ta, để tâm hồn chúng ta trở nên vui mừng và chăm chú, sẵn sàng gặp Người và rồi mang niềm hy vọng cho cách thế chúng ta sống đời sống thường ngày của mình. Và đây là nhiệm vụ của chúng ta: mang niềm hy vọng vào trong những tình cảnh khác nhau của cuộc sống. Vì niềm hy vọng Ki-tô giáo không phải là ‘cái kết có hậu’ như trong phim mà chúng ta đợi chờ cách thụ động, nhưng hơn hết, niềm hy vọng là lời hứa, lời hứa của Chúa, được đón nhận ở đây và bây giờ trong thế giới đau khổ và thở than của chúng ta. Đó là lời hiệu triệu không chậm trễ, không trở lại với những thói quen cố hữu của chúng ta, hoặc không đắm mình trong tính xoàng xĩnh hoặc biếng nhác. Niềm hy vọng mời gọi chúng ta – như Thánh Augustin đã nói – hãy lật đổ những thứ sai trái và tìm cho được sự can đảm để thay đổi chúng. Niềm hy vọng gọi mời chúng ta trở thành những người hành hương tìm kiếm sự thật, những người ước mơ chẳng khi nào mỏi mệt, những người nam người nữ mở lòng để được ước mơ của Thiên Chúa biến đổi, đó là ước mơ về một thế giới mới nơi mà hoà bình và công lý ngự trị.

Chúng ta hãy học bài học từ các mục đồng. Niềm hy vọng được hạ sinh đêm nay không khoan hồng cho sự dửng dưng của tính tự mãn hoặc sự thờ ơ của những người bằng lòng với sự an nhàn của riêng mình – và rất nhiều người trong chúng ta đang có nguy cơ trở nên quá thoải mái; niềm hy vọng không chấp nhận sự thận trọng giả tạo của những ai từ chối dự phần vào vì sợ phạm phải sai lầm, hoặc của những ai chỉ nghĩ về chính mình. Niềm hy vọng không tương hợp với sự tách biệt của những người từ chối lên tiếng chống lại điều xấu xa và những bất công gây nên thiệt hại cho người nghèo. Trái lại, niềm hy vọng Ki-tô giáo trong khi mời gọi chúng ta kiên nhẫn đợi chờ Vương Quốc lớn mạnh và lan toả, thì cũng đòi hỏi chúng ta, ngay cả bây giờ, trở nên dũng cảm, đầy trách nhiệm, và không chỉ vậy nhưng còn tỏ lòng trắc ẩn, trong niềm mong chờ lời hứa của Chúa được thực hiện. Và ở đây, có lẽ sẽ tốt cho chúng ta để tự hỏi về lòng trắc ẩn: Tôi có lòng trắc ẩn không? Tôi có thể chịu đựng được không? Chúng ta hãy suy tư về điều này.

Khi suy tư về cách thức mà chúng ta thường làm cho mình thích nghi với thế giới và phù hợp với lối suy nghĩ của nó, một linh mục tốt lành và là nhà văn đã cầu nguyện những lời này trong đêm Giáng Sinh: “Lạy Chúa, con xin Chúa một chút phiền muộn, một chút bồn chồn, một chút tiếc nuối. Vào dịp Giáng Sinh, con muốn thấy mình không thoả mãn. Hạnh phúc nhưng không thoả lòng. Hạnh phúc vì những gì Chúa đã làm, bất mãn bởi sự thiếu đáp trả của con. Xin hãy lấy đi khỏi con tính tự mãn và giấu vài ngọn gai dưới đống cỏ khô nơi máng cỏ quá đầy ắp của chúng con. Xin đổ đầy nơi chúng con lòng khát khao điều gì đó lớn lao hơn” (a. pronzato, La novena di Natale). Niềm khao khát điều gì đó lớn lao hơn. Đừng đứng yên. Chúng ta đừng quên rằng dòng nước tĩnh là nơi đầu tiên trở nên ứ đọng.

Niềm hy vọng Ki-tô giáo đích thực là ‘một điều gì đó lớn lao hơn’, vốn thúc bách chúng ta lên đường ‘vội vã’. Như các môn đệ của Chúa, chúng ta được kêu gọi tìm thấy niềm hy vọng lớn lao hơn nơi Người, và rồi, không chậm trễ, mang theo mình niềm hy vọng đó, như những người hành hương của ánh sáng giữa bóng tối của thế gian này.

Anh chị em quý mến, đây là Năm Thánh. Đây là mùa hy vọng mà chúng ta được mời gọi tái khám phá niềm vui gặp gỡ Chúa. Năm Thánh kêu gọi chúng ta đổi mới tâm linh và dấn thân vào việc biến đổi thế giới, để năm này có thể thật sự trở nên thời gian vui mừng. Một năm thánh cho mẹ Trái Đất của chúng ta, bị biến dạng bởi sự trục lợi, một thời gian năm thánh cho những quốc gia nghèo khó hơn bị những món nợ bất công đè nặng; một thời gian năm thánh cho hết thảy những ai đang chịu tù đày bởi các hình thức nô lệ cũ và mới.

Tất cả chúng ta đã nhận được món quà và nhiệm vụ mang lại niềm hy vọng đến bất cứ nơi nào hy vọng bị đánh mất, những cuộc đời tan vỡ, những hứa hẹn không được giữ, những ước mơ bị tiêu tan và những cõi lòng bị nghịch cảnh xâm chiếm. Chúng ta được kêu gọi mang niềm hy vọng đến cho những người mỏi mệt chẳng còn chút sức lực nào để tiếp tục, những người cô đơn bị đè nặng bởi nỗi đắng cay của lầm lỗi, và tất cả những ai đang tan nát cõi lòng. Mang niềm hy vọng cho những ngày tháng dài buồn thảm của các tù nhân, cho những nơi lạnh lẽo và ảm đạm của người nghèo, và cho hết cả những nơi bị tàn phá bởi chiến tranh và bạo lực. Mang lại niềm hy vọng ở đó, gieo rắc niềm hy vọng ở đó.

Năm Thánh giờ đây đã mở ra để tất cả mọi người có thể đón nhận niềm hy vọng, hy vọng của Tin Mừng, hy vọng của tình yêu và hy vọng của tha thứ.

Khi chúng ta chiêm ngắm máng cỏ, khi chúng ta nhìn vào đó và thấy được tình yêu dịu hiền của Thiên Chúa nơi khuôn mặt của Hài Nhi Giê-su, chúng ta hãy tự hỏi: “Lòng chúng ta có chất chứa niềm mong đợi không? Niềm hy vọng này có tìm được chỗ ở đó không? …Khi chúng ta chiêm ngắm sự ân cần đầy yêu thương của Thiên Chúa, Đấng vượt thắng mọi hoài nghi và sợ hãi của chúng ta, chúng ta cũng hãy chiêm ngắm vẻ huy hoàng của niềm hy vọng đang đợi chờ chúng ta… Ước gì ánh nhìn hy vọng này chiếu sáng lối đi của chúng ta mỗi ngày” (c. m. martini, Christmas Homily, 1980).

Thưa anh chị em, đêm nay, ‘cửa thánh’ của trái tim Chúa mở ra trước mắt anh chị em. Đức Giê-su, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, được hạ sinh cho anh chị em, cho tôi, cho chúng ta, cho mọi người nam cũng như nữ. Và hãy nhớ rằng với Người, niềm vui sẽ triển nở; với Người, cuộc sống sẽ thay đổi; với Người, niềm hy vọng không làm thất vọng.

——————————–

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: 

Related Articles

Back to top button