CÁC VẠ GIÁO LUẬT, SỰ BẤT HỢP LUẬT VÀ NGĂN TRỞ – NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý DÀNH CHO LINH MỤC GIẢI TỘI
25/12/2024
Lời mở đầu
Với sự kiện Năm Thánh sắp tới, trước hết là với tư cách những tín hữu, sau đó là tư cách của các Linh mục, như những “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng” và Dân Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, chúng ta lại một lần nữa được mời gọi để suy ngẫm về một trong những khía cạnh không thể tránh được của sự yếu đuối nơi con người, dù đã được cứu chuộc và thánh hiến bởi ân sủng Bí tích Rửa Tội: tội lỗi như một sự kiện không chỉ mang tính cá nhân mà cũng mang tính Giáo Hội nữa. Cụ thể hơn, chúng ta tự chất vấn chính mình trong việc xử lý tội lỗi khi Giáo Hội nhận ra đó là một sự phạm pháp (theo Giáo luật).
Trong bài viết này, tôi muốn cố gắng đưa ra một đóng góp ngắn gọn và ít mang tính kỹ thuật hơn so với những gì đã đề xuất trong quá khứ, những bài viết mà tôi xin trích dẫn để những ai cần tìm hiểu sâu hơn có thể tham khảo. Tôi vẫn tin rằng một Linh mục giải tội tốt không thể hoàn toàn không quan tâm đến, ngoài sự nhạy bén cá nhân đối với ngôn ngữ pháp lý, mà còn với những suy tư chuyên sâu về vấn đề này. Mục tiêu của tôi là thu hút sự chú ý và khuyến khích một sự tìm hiểu cá nhân về các lĩnh vực trong Giáo luật, đồng thời mở rộng cho những ai không phải là “người trong ngành”, cân nhắc những nhu cầu mục vụ cùng với những yếu tố kỹ thuật.
Trong bài chia sẻ này, tôi sẽ bắt đầu, như đã được yêu cầu, bằng việc khám phá việc sử dụng hình phạt chữa trị (hay cũng gọi là dược hình) (sanzioni medicinali) đối với tín hữu (sự áp dụng và trên hết là tha thứ), sau đó chuyển sang phân tích sự bất hợp luật (irrregolarità) và những ngăn trở (impedimenti) đối với việc lãnh nhận và thực thi các Bí Tích Truyền Chức Thánh.
Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng trước khi bắt đầu suy tư, cần phải ý thức và tự do làm mới lại sự gắn kết trong đức tin với quyền năng của Lòng Thương Xót Thiên Chúa – điều này áp dụng cho tất cả, dù là người tiếp nhận, người thực thi hay người giải thích luật – đặc biệt là trong đời sống Bí tích.
Chúng ta có thực sự đủ ý thức rằng khía cạnh hết sức tế nhị này đòi hỏi một sự quan tâm đặc biệt, nhằm tránh những “can thiệp vượt thẩm quyền” không phù hợp và nguy hiểm không? Thực vậy, việc quan tâm đến “sức khỏe” của Thân Thể Giáo Hội, đặc biệt là trong việc xử lý và sửa chữa những tổn thương bất công gây ra, thường (và nên như vậy!) chỉ thuộc phạm vi của sự chăm sóc mục vụ thông thường, vốn chủ yếu sử dụng các phương tiện luân lý và/hoặc Bí tích.
Tuy nhiên, có những tình huống mà Thẩm quyền Giáo Hội phải can thiệp vào những hành động thực sự là phạm pháp, những hành động này tự bản chất làm tổn hại, thậm chí là tổn thương nghiêm trọng đối với sự hài hòa hữu hình của Thân Thể Giáo Hội, quyền lợi của cá nhân, đặc biệt là của người tín hữu; hoặc làm tổn hại những giá trị thiêng liêng và luân lý quan trọng đối với Giáo Hội. Những hành động này, mặc dù có thể bị coi là tội lỗi từ quan điểm luân lý, cần phải được tách biệt rõ ràng với những “tội lỗi đơn thuần” (semplici), nếu có thể nói như vậy: vì chúng là vi phạm cụ thể các quy định của Thiên Chúa và/hoặc các quy định giáo luật, được bảo vệ bởi các hình phạt pháp lý, cụ thể là hình sự, do Đấng làm luật Giáo Hội quy định (xem ví dụ các điều 1315, khoản 1 và 1399). Những hành động này đòi hỏi một can thiệp cụ thể và khác biệt, vì chúng vượt ra ngoài chỉ là chiều kích thiêng liêng hay luân lý, xâm nhập vào lĩnh vực pháp lý và Giáo luật.
Trong một bối cảnh mà chúng ta thấy sự gia tăng (hoặc ít nhất là nhận thức về sự gia tăng này đã được phóng đại và làm nổi bật qua các phương tiện truyền thông) của những hành vi sai trái và tội lỗi, thường không được nhận thức là như vậy ngay cả trong cộng đồng tín hữu, điều quan trọng là Giáo Hội cần đánh giá lại một cách cẩn thận, một lần nữa, liệu và trong phạm vi nào việc áp dụng các biện pháp trừng phạt hiện nay có thực sự là giải pháp thích hợp để đối phó với sự suy thoái đạo đức và thiếu sót trong hành động của các tín hữu đã được rửa tội. Trong việc này, kinh nghiệm của các Linh mục giải tội và phản hồi (feedback) từ họ nhận được sẽ là một điểm tham chiếu quan trọng[1]. Việc ghi nhận sự gia tăng trong việc áp dụng các biện pháp chế tài hình sự – một xu hướng trong hai thập kỷ qua, được thúc đẩy bởi các quyết định của các Triều đại Giáo hoàng gần đây, đặc biệt liên quan đến việc cải cách Quyển VI của Bộ Giáo luật – cần được cân nhắc cùng với nhu cầu coi các biện pháp này như một giải pháp cuối cùng trong việc quản trị cộng đoàn Giáo Hội, đồng thời đề cao các biện pháp bảo vệ và đảm bảo vốn là đặc trưng của luật hình sự trong Giáo Hội.
Bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào tháng 11 năm 2019 tại Đại hội Quốc tế lần thứ 20 của Hiệp hội Luật Hình sự Quốc tế (AIDP)[2] – một hội nghị là biểu hiện của hiệp hội khoa học lâu đời nhất thế giới với các luật gia chuyên gia trong lĩnh vực hình sự – đã đưa ra những gợi ý quý giá cho các suy nghĩ đặc biệt liên quan đến lĩnh vực Giáo Hội, và đặc biệt là các vấn đề Giáo luật, đặc biệt khi ngài kêu gọi cộng đồng pháp lý quốc tế cố gắng để áp dụng và giải thích luật hình sự theo cách không chỉ nhằm trừng phạt, mà còn hướng tới một công lý phục hồi, có khả năng hòa giải và sửa chữa.
Điều này không phải là một điều mới mẻ, rõ ràng rằng: công lý phục hồi là một khái niệm quen thuộc trong giáo lý Giáo Hội và nó ăn sâu vào truyền thống của Giáo Hội, như được thể hiện qua việc áp dụng hình phạt chữa trị (dược hình) (pene medicinali) trong Giáo luật, nhằm mục đích cải hối tội nhân, và đó chính là đối tượng đầu tiên trong phần thảo luận của chúng ta.
Lý thuyết cơ bản của hình phạt trong Giáo Hội dựa trên những nguyên lý tuyệt vời của việc bảo vệ sự toàn vẹn của Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô và sự hiệp thông trong công lý, với mục tiêu cứu chuộc và cứu rỗi toàn diện con người: hành động này bao gồm cả tội nhân và những người đã bị tổn thương, trực tiếp hoặc gián tiếp, bởi những hành động bất công làm tổn hại đến những tài sản có giá trị pháp lý.
Công lý phục hồi (hay “công lý mang tính tái thiết”), như Đức Giáo Hoàng gợi ý, đặt con người làm trung tâm hành động của mình, dù đó là nạn nhân hay người chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội, với mục tiêu khôi phục những mối quan hệ nhân bản và xã hội đã bị tổn hại bởi tội ác. Tầm nhìn này đòi hỏi một sự thay đổi triệt để về mô hình, đặt trọng tâm nơi con người của Chúa Giêsu, đặc biệt là trong sự phục sinh của Ngài, làm nền tảng cho sự hòa giải giữa Thiên Chúa và con người. Điều này có vẻ hiển nhiên đối với chúng ta là những người có đức tin, nhưng thực tế không phải vậy. Hình phạt trong Giáo luật không bao giờ có thể là mục đích tự thân, mà chỉ có thể được biện minh như một công cụ của công lý theo quan điểm Kitô giáo, luôn phải hướng đến việc cứu chuộc và phục hồi phẩm giá làm con của người tín hữu[3].
Vì có tác động mạnh mẽ đối với tín hữu và các quyền lợi cơ bản của họ, việc áp dụng thẩm quyền hình sự không thể thiếu phản ánh giáo huấn Tin Mừng. Mục tiêu chính của hoạt động mục vụ nên là giải thoát tín hữu khỏi những gánh nặng, đặc biệt là những gánh nặng mang tính pháp lý, đang cản trở họ trên con đường hoán cải và một đời sống mới trong Chúa Kitô.
Cám dỗ hướng tới một nền công lý mang tính trừng phạt hoặc hữu dụng về mặt xã hội và biểu tượng, khi được coi là kiểu mẫu “ngăn ngừa điều xấu” (apotropaica), luôn hiện diện: đó là một mô hình cần phải nhường chỗ cho công lý mang tính phục hồi, nơi mà đối thoại, tha thứ[4] và hòa giải trở thành các yếu tố trung tâm. Mô hình thứ hai này cần ưu tiên, đặc biệt trong thực hành cụ thể, người tín hữu và phẩm giá của họ cần được tôn trọng, phù hợp với các nguyên tắc về bác ái và ưu tiên con người, vốn là nền tảng đối với Giáo Hội. Và ngay cả người phạm tội cũng là một tín hữu. Công lý mang tính phục hồi nhấn mạnh giá trị của đối thoại và sự gặp gỡ giữa nạn nhân và người phạm tội, đề xuất một hành trình hòa giải, chữa lành và tái hội nhập, có thể mang lại sự thấu hiểu lẫn nhau và sự đền bù không mang tính cơ học hay hình thức đối với tổn hại đã gây ra. Cách tiếp cận này thực sự đòi hỏi một sự thay đổi mô hình trong chính khái niệm về công lý chính thức của Giáo Hội và cách áp dụng nó, cần được vun trồng ngày càng nhiều như một yếu tố của hòa giải và xây dựng lợi ích chung[5]. Điều này dựa trên nguyên tắc diễn giải nền tảng của toàn bộ Luật Giáo Hội Công Giáo chúng ta, đó là: salus animarum, lex suprema in Ecclesia – Cứu rỗi các linh hồn là luật tối thượng trong Giáo Hội.
Tội phạm (delitto) và hình phạt (sanzione): một số điểm bàn về bản chất và phạm vi thẩm quyền cưỡng chế của Giáo Hội
Vì lẽ đó, chúng ta đang di chuyển trong phạm vi rất cụ thể của tội phạm[6] và hình phạt, do đó là các biện pháp quyền lực có tính chất trừng phạt và kỷ luật, những biện pháp này tước bỏ quyền/lợi ích/đặc quyền/v.v… của người phạm tội – người tín hữu được công nhận là như vậy qua một thủ tục hợp pháp[7] – hoặc, ít nghiêm trọng hơn, là việc tước bỏ quyền thực hiện các quyền đó. Để phác thảo một phạm vi tổng quát về vấn đề này, chúng ta có thể nói rõ hơn rằng các hình phạt (và điều này đặc biệt đúng đối với các hình thức chỉ trích, liên quan đến đời sống Bí tích) đối với tín hữu sẽ dẫn đến việc hạn chế/tước bỏ các quyền/đặc quyền, do đó là việc hạn chế/tước bỏ hoàn toàn hoặc một phần quyền lợi từ các tài sản tạm thời và/hoặc tinh thần; thực tế, là việc tước bỏ quyền tự do thực hiện chúng.
Do đó, chỉ những hành vi phạm tội thực sự mới có giá trị trong cuộc thảo luận này, tức là những hành động làm tổn hại đến quyền lợi của con người, đặc biệt là của tín hữu hoặc những tài sản quan trọng của Giáo Hội. Thường thì từ góc độ phán xét luân lý, chúng cũng là những hành động tội lỗi, nhưng cần phải phân biệt rõ ràng chúng với những “tội lỗi đơn thuần”, bởi vì chúng là những tội phạm thực sự, vì hành động này cấu thành một sự vi phạm bên ngoài có thể nhận thấy của các điều luật thuộc Thiên luật hoặc Giáo luật, được bảo vệ bởi các biện pháp bảo vệ hình sự từ phía nhà lập pháp (xem ví dụ điều 1315, khoản 1 và 1399).
Những hành vi phạm tội có một bản chất đặc trưng của chúng, vì chúng ảnh hưởng đến tài sản và sự năng động của sự hiệp thông trong Giáo Hội hữu hình theo những cách khác với các hành động (chỉ thuần túy có thể gọi là) tội lỗi, và vì thế yêu cầu một can thiệp chính thức và cụ thể[8] từ phía Cơ quan có thẩm quyền của Giáo Hội[9] so với việc can thiệp bình thường mà chúng ta đã đề cập ở trên.
Can thiệp này có thể diễn ra trong tòa ngoài hoặc trong tòa trong và luôn liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau[10]. Trong bối cảnh hình sự, rõ ràng thẩm quyền của Giáo Hội là độc nhất, thể hiện không chỉ trong phạm vi công cộng và bên ngoài, nơi mà quyền tài phán cưỡng chế-hình sự của nhà nước hoạt động, mà còn trong tòa trong. Chính trong tòa trong, ta thấy rõ đặc trưng năng quyền quản trị của Giáo Hội (điều 129), là biểu hiện của một chức năng giải thoát đúng nghĩa, dựa trên trách nhiệm của lương tâm cá nhân. Việc thực hiện quyền quản trị[11] này được thể hiện qua các hành động pháp lý bí mật, có nghĩa là không công khai, khác biệt với các bí tích (như việc xưng tội và tha thứ bí tích, là biểu hiện của năng quyền bí tích của chức tư tế)[12].
Sự phức tạp của bản chất con người và sự năng động của lương tâm thực sự đòi hỏi một số hành vi bên ngoài, có thể được nhận thấy và cảm nhận bởi cộng đoàn Giáo Hội, có thể mang lại một ý nghĩa không chỉ luân lý mà còn cả pháp lý, đặc biệt là trong bối cảnh hình sự. Những hành vi này có thể trở thành đối tượng của các hình phạt không chỉ qua một quy trình pháp lý chính thức mà còn không cần phải có một việc thực hiện cụ thể và trực tiếp quyền tài phán bên ngoài, mà thay vào đó, chủ yếu dựa vào các quy định pháp lý chung liên quan trực tiếp đến lương tâm cá nhân của tín hữu, ràng buộc họ trong một chiều kích nội tâm và sâu sắc cá nhân. Một ví dụ là các hình phạt tiền kết (latae sententiae), sẽ được bàn thêm chi tiết trong phần dưới đây.
Trong hoàn cảnh này, có thể nói lương tâm của tín hữu chính là người xét xử, giữ phán xét trong một phạm vi riêng tư, kín đáo và sâu kín, mà không cần phải xuất hiện trong phạm vi công cộng. Trong tòa trong, thường thì chính người vi phạm sẽ tự tiết lộ, thường là qua việc Xưng tội Bí tích. Điều này giải thích sự quan tâm đặc biệt của các Linh mục giải tội đối với những trường hợp này, vì vấn đề vẫn nằm trong phạm vi tòa trong, không phải là đối tượng kiểm tra qua các hành động có giá trị pháp lý quan trọng hoặc bằng chứng hợp pháp bên ngoài. Linh mục giải tội, ngoài việc quản lý Bí tích Hòa giải, cũng nắm giữ một thẩm quyền pháp lý đặc biệt của Giáo Hội. Ngài không chỉ tha thứ tội lỗi nhân danh Thiên Chúa và Giáo Hội mà trong những trường hợp đặc biệt, ngài cũng có thể thu hồi các hình phạt hình sự hoặc ban ân xá đối với các luật lệ của Giáo Hội.
Sự phân biệt vừa nêu rõ hai chức năng của chức vụ Linh mục: khả năng xóa bỏ hình phạt Giáo luật, một hành động pháp lý chỉ được trao cho những người có năng quyền này, khác với khả năng Bí tích Tha tội, được trao cho tất cả các Linh mục trong Thánh lễ Truyền chức.
Trong phạm vi tòa trong, tín hữu có thể bị áp dụng các hình phạt, và như sẽ được trình bày sau, cũng có thể gặp phải các ngăn trở hoặc bất hợp luật. Những vấn đề này không hoàn toàn thuộc về phạm vi hình sự, nhưng liên quan đến tính hợp pháp của việc tiếp nhận các Bí tích Truyền Chức Thánh và việc thực hiện hợp pháp chúng. Những vấn đề liên quan đến các ngăn trở và bất hợp luật này sẽ được xem xét một cách ngắn gọn ở cuối phần thảo luận.
Phân loại các hình phạt trong Giáo Hội – các vạ
Như một điểm khởi đầu, cần nhấn mạnh rằng các linh mục phải liên tục dấn thân vào “sứ vụ hòa giải”, như được chỉ ra trong 2 Cor 5, 20-21, và rằng Giáo Hội ưu tiên các công cụ mục vụ để giải quyết những hành vi sai lệch của tín hữu, vì chúng có khả năng mang lại cách tiếp cận thận trọng và cá vị hơn, mặc dù có thể dường như ít nhanh chóng hoặc mạnh mẽ hơn.
Sứ vụ hòa giải đòi hỏi một cách tiếp cận chín chắn và ý thức đối với khía cạnh hình phạt của Giáo Hội, đặc biệt trong bối cảnh tòa trong, và bao gồm cả bản chất của các hình phạt lẫn quá trình áp dụng chúng. Mặc dù thoạt nhìn, đây có thể là một vấn đề về các thủ tục chính thức xa rời sự chăm sóc mục vụ, nhưng thực tế, nó rất quan trọng để đảm bảo rằng các biện pháp hình phạt là thực sự phù hợp và hiệu quả. Nhận thức này giúp cụ thể hóa khái niệm salus animarum (sự cứu rỗi linh hồn) như nguyên lý giải thích tối cao của luật trong Giáo Hội, như được nhấn mạnh trong điều khoản cuối cùng của Bộ Giáo luật (điều 1752), tránh các cách giải thích nông cạn hoặc giản lược.
Các hình phạt hình sự truyền thống được phân biệt thành các dược hình (vạ) và hình phạt “trả thù”, thuật ngữ được sử dụng trong Bộ luật Pio-Benedictino. Cho đến nay, điều 1312 vẫn khẳng định sự phân biệt cơ bản này giữa các dược hình hoặc vạ[13] (pene medicinali o censure) (khoản 1, mục 1: sự vạ tuyệt thông, vạ ngưng chức và vạ đình chỉ) và thục hình (hình phạt đền bù) (pene espiatorie) (khoản 1, mục 2). Định nghĩa về “vạ” trong Bộ luật Pio-Benedictino được đưa ra trong điều 2241, khoản 1: “Censura est poena qua homo baptizatus, delinquens et contumax, quibusdam bonis spiritualibus vel spiritualibus adnexis privatur, donec, a contumacia recedens, absolvatur – Vạ là hình phạt mà qua đó một người đã chịu Phép Rửa, phạm tội và cố tình ngoan cố, bị tước một số quyền lợi thiêng liêng hoặc các quyền lợi gắn liền với sự thiêng liêng, cho đến khi họ từ bỏ sự ngoan cố và được tháo giải.” Một khái niệm vẫn hữu ích, trong trường hợp không có định nghĩa cụ thể về luật. Từ Công Đồng Latêranô IV năm 1215, các vạ được xác định rõ ràng là ba hình phạt duy nhất, có mặt trong Bộ Giáo luật Latinh: vạ tuyệt thông (scomunica) (điều 1331), vạ cấm chế (hay ngưng chức) (interdetto) (điều 1332), và vạ huyền chức (hay đình chỉ) (sospensione) (điều 1333-1334). Hai hình phạt đầu tiên chủ yếu liên quan đến việc cấm nhận và/hoặc cử hành các Bí tích. Vạ huyền chức, vốn trước đây chỉ dành cho các giáo sĩ[14], chủ yếu cấm thực hiện các hành vi thể hiện năng quyền của chức thánh hoặc thẩm quyền quản trị, cũng như các quyền hoặc chức năng liên quan đến nhiệm vụ.
Sự phân biệt giữa hai loại hình phạt Giáo luật nằm ở mục đích khác nhau của chúng, dù đặc điểm này không phải là duy nhất. Vạ nhằm hướng đến việc sửa đổi người vi phạm và có thể được mô tả, theo thuật ngữ đã trở nên quen thuộc, là mang mục đích phòng ngừa đặc biệt (finalità special-preventiva[15]): điều này có nghĩa là chúng nhắm đến việc kích thích sự thay đổi trong hành vi của người phạm tội. Ngược lại, thục hình[16] (hình phạt đền bù) tập trung vào việc đền tội, tức là sửa chữa thiệt hại do hành động phạm tội gây ra và khôi phục lại công lý, cũng như bù đắp những gương xấu đã gây ra cho cộng đoàn Giáo Hội. Loại hình phạt này tuân theo một nguyên tắc biện minh mà người ta có thể gọi là mang tính chất bồi thường và phòng ngừa chung (retributivo e general-preventivo).
Sự khác biệt giữa các hình phạt này cũng thể hiện trong thời gian áp dụng chúng[17]. Các vạ hay dược hình gắn liền với thái độ chủ quan của người phạm tội và, vì lý do này, thường được áp dụng trong một khoảng thời gian không xác định, tức là cho đến khi người phạm tội được sửa đổi[18]. Ngược lại, các thục hình có thể được xác định trong một khoảng thời gian xác định, không xác định hoặc thậm chí vĩnh viễn, tùy theo quy định của điều 1336, khoản 1, và điều này không phụ thuộc vào thái độ chủ quan của người vi phạm.
Theo tinh thần cải cách được thúc đẩy bởi Công Đồng Vatican II, nguyên tắc rằng các hình phạt Giáo luật chủ yếu nên là loại hình phạt hậu kết (ferendae sententiae), tức là được áp dụng và gỡ bỏ thông qua một thủ tục cụ thể của tòa ngoài, đã được duy trì. Tuy nhiên, việc thiết lập các hình phạt tiền kết (latae sententiae) hay tự động, vốn ban đầu được hiểu là dược hình (medicinale) và nay, trong một phạm vi hạn chế, cũng có thể là thục hình, vẫn được bảo lưu cho những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng[19]. Các hình phạt tiền kết vẫn là một trụ cột của pháp luật Giáo Hội Latinh[20], mặc dù có ý kiến của một số nhà giải thích[21] đã nêu ra sự nghi ngờ, nhằm giới hạn hiệu quả của các hình phạt này chỉ trong tòa ngoài, nơi chỉ cung cấp các bảo đảm cho việc thực thi quyền lực một cách chính xác và có trách nhiệm, làm cho nó trở thành không gian “tự nhiên” cho các hành động quản lý Giáo Hội mang tính chất trấn áp.
Sự khác biệt về mục đích giữa các hình phạt latae sententiae và ferendae sententiae vẫn tồn tại trong chế độ pháp lý riêng biệt của chúng. Giáo luật khuyến khích sự điều độ trong việc thiết lập tất cả các hình phạt, như được chỉ ra trong điều 1317, nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng chúng chỉ khi thật sự cần thiết cho lợi ích của kỷ luật Giáo Hội, và đặc biệt đối với các hình phạt tiền kết, như được quy định trong điều 1318, vì tính nghiêm trọng và tác động tự động, không phân biệt đối tượng của chúng đối với người vi phạm, trái ngược với các hình phạt hậu kết, cơ chế áp dụng của chúng cho phép đánh giá chính xác và phù hợp với tình huống.
Áp dụng các hình phạt và chủ thể có quyền bãi bỏ chúng
Khi đi vào chi tiết hơn về các quy định liên quan đến các vạ, việc thành lập gần một nghìn năm của các Kinh sĩ giải tội (Canonici Penitenzieri) tại các nhà thờ Chính Tòa hoặc các nhà thờ có cộng đoàn kinh sĩ (và nếu không có, thì do Linh mục được Giám mục ủy thác) chứng tỏ mối liên hệ giữa vấn đề hình phạt này và vị trí của tòa giải tội.
Linh mục giải tội thực thi và áp dụng quyền bính của Giáo Hội trong việc hòa giải và sử dụng lòng thương xót không chỉ trong việc thực thi năng quyền bí tích của chức thánh, mà còn trong quyền tài phán của Giáo Hội trong tòa trong. Trong bối cảnh này, điều 508 của Bộ Giáo luật quy định rằng các Linh mục giải tội có quyền không thể ủy thác, theo nhiệm vụ của mình, để tha tội trong tòa án bí tích đối với các hình phạt tiền kết chưa được tuyên bố[22] và không thuộc quyền của Tòa Thánh. Do đó, cần phải làm rõ phạm vi của sự dành riêng này.
Để làm rõ phạm vi của việc dành quyền miễn giảm hình phạt cho Tòa Thánh trong một số trường hợp (cần làm rõ rằng chính tội lỗi chứ không phải là hình phạt được dành riêng cho Tòa Thánh… và quyền miễn giảm này phải được hiểu theo nghĩa chặt chẽ, điều 1354, khoản 3), cần lưu ý ngay rằng đây không phải là một quy định mang tính tuyệt đối: chẳng hạn, trong các trường hợp khẩn cấp hoặc nguy tử. Trong trường hợp có sự dành quyền và do đó chuyển giao vụ việc lên Tòa Thánh, cơ quan xử lý các trường hợp tại tòa ngoài (foro esterno) là Bộ Giáo Lý Đức tin, hoặc có thể là Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Các Tích; đối với tòa trong (foro interno), cơ quan xử lý là Tòa Ân Giải Tối Cao[23].
Một trong những trường hợp này, có tổng cộng sáu trường hợp và tất cả đều bị vạ tuyệt thông, được quy định trong điều 1370, khoản 1 của Bộ Giáo Luật, và liên quan đến “người nào sử dụng bạo lực thể xác chống lại Đức Giáo Hoàng”. Trường hợp thứ hai của vạ tuyệt thông tiền kết được quy định ngay phía sau, tại điều 1379, khoản 3[24], liên quan đến “người nào đã dám truyền chức thánh cho một người nữ, thì người đó và cả người nữ mà đã dám lãnh nhận chức thánh”. Sau đó, một trường hợp khác được tìm thấy trong điều 1382, khoản 1: hình phạt này áp dụng cho “người nào ném bỏ Mình Máu Thánh Chúa, hoặc lấy và giữ với mục đích phạm thánh”, và do đó “chịu vạ tuyệt thông tiền kết (scomunica latae sententiae) dành riêng cho Tòa Thánh”.
Ngoài ra, có một vạ tuyệt thông tiền kết dành riêng cho Tòa Thánh đối với Linh mục tha tội cho “người đồng phạm trong tội lỗi chống lại điều răn thứ sáu“, hoặc chính xác hơn, nếu Linh mục tha tội, vì sự tha tội này là vô hiệu trừ khi được ban trong tình huống nguy hiểm đến tính mạng, cho người mà Linh mục đã có quan hệ tình dục (các điều 1384 và 977). Một trường hợp khác thuộc về hình phạt này là Linh mục “vi phạm ấn tín bí tích” (điều 1386, khoản 1); một trường hợp khác liên quan đến Giám mục “không có sự ủy quyền của Đức Giáo Hoàng” trong việc truyền chức cho một Giám mục khác: cả hai, người truyền chức và người nhận chức, “sẽ chịu vạ tuyệt thông tiền kết dành riêng cho Toàn Thánh” (điều 1387).
Các tội phạm bị trừng phạt bằng hình phạt tiền kết khác
Các tội phạm khác chịu hình phạt bởi hình phạt tiền kết (censure latae sententiae) đối với vạ tuyệt thông (ví dụ: phá thai chủ động, người phiên dịch trong Bí tích Giải tội để lộ bí mật phạm tội của hối nhân), đối với vạ cấm chế hoặc vạ huyền chức (bạo lực chống lại Giám mục, cử hành Bí tích Thánh Thể hoặc Bí Tích Giải tội một cách bất hợp pháp, mưu toan kết hôn của giáo sĩ (attentato matrimonio del chierico), tố cáo sai về hành vi xúi giục phạm điều răn thứ sáu (falsa denuncia di sollecitazione), v.v.) luôn có thể được tha vạ bởi Đấng Bản quyền hoặc Linh mục được trao quyền thích hợp (xem rõ hơn tại điều 1355).
Chúng ta chuyển từ quyền tha vạ trong các trường hợp dành riêng cho Tòa Thánh sang vấn đề chung về các chủ thể được phép tha các hình phạt Giáo luật.
Các Kinh sĩ giải tội (điều 508) của các nhà thờ Chính Tòa và nhà thờ cộng đoàn kinh sĩ (chiesa collegiale), những người có quyền này không thể ủy thác và là những người đầu tiên trong nhiệm vụ được ủy thác có thể tha tội trong tòa án bí tích đối với các hình phạt tiền kết chưa được tuyên bố và không được dành riêng cho Tông Tòa. Cũng vậy, các Linh mục Tuyên úy tại các nhà tù, bệnh viện và các tàu thủy, những người cũng có quyền tương tự (điều 566 §2). Tại Roma, còn có các linh mục giải tội tại bốn Đại Vương Cung Thánh Đường[25] và các Linh mục thuộc Tòa Ân Giải Tội Tối Cao.
Hơn nữa, tất cả các Nhà thừa sai của lòng thương xót, khoảng 550 người, đã được Đức Thánh Cha bổ nhiệm trong Năm Thánh gần đây (năm 2016) và hiện vẫn tiếp tục sứ vụ.
Ngoài ra, trong trường hợp trong Bí tích Giải tội, bất kỳ Giám mục nào – và thậm chí cả Giám mục sở tại đối với các tín hữu của mình, những người ở trong lãnh thổ của mình hoặc những người đã phạm tội – có thể tha tất cả các hình phạt tiền kết (bao gồm cả thục hình) chưa được tuyên bố và không dành riêng, miễn là chúng được thiết lập bằng luật (xem điều 1355, khoản 2) chứ không phải bằng mệnh lệnh.
Cũng cần lưu ý rằng bất kỳ Linh mục[26] nào cũng có thể tha tội trong trường hợp một tín hữu đang ở trong tình huống nguy hiểm đến tính mạng; trong trường hợp này, Linh mục có thể tha tội hợp lệ và hợp pháp cho tín hữu, giải thoát họ khỏi mọi hình phạt được dành riêng hoặc không dành riêng, đã tuyên bố hay chưa tuyên bố, cả ferendae sententiae hay latae sententiae (điều 976)[27].
Điều đặc biệt cần lưu ý là điều 1357, khoản 1, quy định về “trường hợp khẩn cấp” (casus urgentior)[28], có thể áp dụng cho tất cả các Linh mục giải tội.
Về nguyên tắc, trong trường hợp này, “năng quyền tha hình phạt trong tòa trong được dự liệu không phải vì đặc tính đặc thù của chủ thể thực hiện việc tha hình phạt, mà là vì nhu cầu chăm sóc lợi ích của các tín hữu trong một hoàn cảnh đặc biệt, đó là trường hợp khẩn cấp nhất: tình trạng tội lỗi và sự ngăn cản do hình phạt quy định khiến người tín hữu không thể lãnh nhận các Bí tích. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tín hữu đến mức họ, sau khi đã ăn năn, cảm thấy khó khăn khi phải chờ đợi trong thời gian cần thiết để nhận được sự giải miễn hình phạt trong tòa ngoài. Cụ thể, điều khoản luật này nhằm vượt qua mâu thuẫn có thể xảy ra giữa sự sẵn sàng ăn năn của tín hữu, cùng với ước muốn lãnh nhận sự tha thứ bí tích, và lệnh cấm lãnh nhận các bí tích do hình phạt Giáo luật quy định…”[29].
Do đó, khi các hình phạt theo luật hoặc mệnh lệnh là vạ tuyệt thông và vạ cấm chế[30] tiền kết (latae sententiae), ngay cả khi các tình huống bị trừng phạt là công khai hoặc được dành riêng cho các cơ quan của Tòa Thánh, Linh mục giải tội đối diện với tín hữu cảm thấy việc phải chịu hình phạt là quá nặng nề[31] (durum sit) sẽ có quyền tha vạ trong tòa trong của bí tích. Quyền này, được gọi là quyền tha vạ trong “trường hợp khẩn cấp”, được công nhận cho mọi Linh mục giải tội, miễn là các hình phạt trên (hai vạ trên) chưa được tuyên bố, nhằm duy trì sự phân biệt giữa hai tòa án: tòa trong và tòa ngoài. Điều 1357, khoản 2 quy định rằng Linh mục tha tội phải yêu cầu tín hữu thực hiện bốn nghĩa vụ[32], đặc biệt là việc yêu cầu cơ quan cấp trên xác nhận việc tha vạ đã được thực hiện. Việc yêu cầu cơ quan cấp trên là bắt buộc và nếu không thực hiện sẽ bị trừng phạt bằng việc tái phạm cùng một hình phạt đã được tha[33].
Không có việc thu hồi hình phạt đã áp đặt, mà chỉ là sự nới lỏng tạm thời các hình phạt pháp lý, luôn trong sự tôn trọng lợi ích tối thượng là sự cứu rỗi các linh hồn, mỗi khi trong Giáo Hội xuất hiện mong muốn không từ chối cho các tín hữu những trợ giúp cần thiết, đặc biệt khi họ rơi vào những tình huống ngoại tại mà họ không có trách nhiệm, thậm chí có thể không hề hay biết, những tình huống này có thể làm tổn hại đến sự cứu rỗi linh hồn họ. Nguyên tắc này được áp dụng một cách cụ thể khi một vạ tiền kết tác động đến thừa tác viên chức thánh, người mà các tín hữu hợp pháp yêu cầu chăm sóc mục vụ, đặc biệt là việc lãnh nhận các Bí tích. Trong trường hợp này, những cấm chỉ đối với việc thi hành tác vụ (prohibitiones), nhất là những cấm chỉ không công khai, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chính các tín hữu. Vì lý do này, luật hiện hành quy định về việc tạm đình chỉ lệnh cấm (prohibitio) áp đặt trên Linh mục, ngăn cản ngài cử hành các Bí tích hoặc việc thánh hóa, hoặc thực hiện các hành vi quản trị, nếu lệnh cấm này xuất phát từ một vạ (điều 1335, khoản 2) hoặc từ một hình phạt thục hồi có tính chất cấm đoán (proibente: xem điều 1338 khoản 3, tham chiếu đến các cấm chỉ tại điều 1336, khoản 3). Điều này được áp dụng trong mọi trường hợp và không giới hạn, nếu liên quan đến nguy cơ tử vong của tín hữu yêu cầu hành vi đó; nhưng cũng áp dụng bất cứ khi nào tín hữu yêu cầu điều đó vì một lý do chính đáng nào đó, trong trường hợp các vạ tiền kết không được công bố.
Tóm tắt về các giới hạn trong việc áp dụng các hình phạt và các tự động trong việc sử dụng hình phạt
Việc làm rõ cho các Linh mục giải tội và những người giải thích luật hình sự Giáo Hội về các giới hạn, cả về mặt khách quan và chủ quan, trong việc áp dụng các hình phạt, đặc biệt là các hình phạt tiền kết, là rất quan trọng, không phải chỉ để làm phức tạp vấn đề. Điều này giúp tránh việc áp đặt các nghĩa vụ không cần thiết cho tín hữu khi họ xưng tội những tội cụ thể: thật sự, việc áp dụng một hình phạt theo quy định chính thức của luật sau khi một hành vi phạm tội xảy ra không phải là một quy trình tự động, mà nó bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan và cá vị.
Tại sao Giáo Hội đặt ra những giới hạn đối với việc thực sự áp đặt hình phạt lên người phạm tội? Thực tế, “khi có hành vi vi phạm công khai, thì trách nhiệm pháp lý được giả định…” (điều 1321, khoản 4); tuy nhiên, không thể xem nhẹ việc tự vấn về sự nhận thức thực sự và sâu xa của tín hữu ăn năn, vượt trên cả việc xác minh nhận thức đó – dù có thể lạnh lùng nhưng mang ý nghĩa pháp lý – được xác định bởi các điều khoản của Giáo luật. Đồng thời, cần xem xét việc họ có thể đã bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nội tại và/hoặc ngoại tại nào đó. Nói rộng hơn, cha giải tội, dưới góc độ của luật hình sự (hơn nữa, nguyên tắc “quilibet innocens censetur donec contrairium probetur – mọi người được coi là vô tội cho đến khi chứng minh ngược lại” cuối cùng cũng đã được làm sáng tỏ, điều 1321, khoản 1), nên đặt mình vào trạng thái nội tâm để tưởng tượng rằng mình đang đối diện với một tội nhân ăn năn, chứ không phải là một người thú nhận tội phạm, một con người chỉ cần đến sự tha thứ cho tội lỗi của mình.
Các hình phạt tiền kết, như đã đề cập, trong các tình huống đặc biệt (được học thuyết phân loại là những tình tiết miễn trừ (scriminanti), giảm khinh (scusanti) hoặc tha hình phạt (esimenti)[34]) được áp dụng ở mức độ giảm đáng kể so với mức được quy định một cách trừu tượng đối với từng trường hợp phạm tội cụ thể, vốn bị xử phạt bằng các hình thức cấm chế. Nói cách khác, ấn tượng chung là cuối cùng các hình phạt này chủ yếu ảnh hưởng đến giáo sĩ hơn là giáo dân, mặc dù hiện nay hình phạt đình chỉ cũng có thể áp dụng cho nhóm tín hữu thứ hai này, do giới hạn trước đây của khoản 1, điều 1333 đã bị loại bỏ. Dù sao đi nữa, Cha giải tội vẫn có trách nhiệm thông báo cho hối nhân, bất kể người đó là ai, nếu người ấy trước đó chưa biết, rằng một số tội lỗi cũng đồng thời là các tội danh với hình phạt theo Giáo luật đi kèm.
Trước hết, nếu không có trách nhiệm nặng nề, do cố ý hoặc do tắc trách (điều 1321, khoản 2), thì không ai có thể bị trừng phạt, ngay cả khi có sự vi phạm bên ngoài luật[35].
Người nào thường xuyên không có khả năng sử dụng lý trí (và không thể bác bỏ dự đoán này chỉ bằng một trạng thái tỉnh táo tạm thời của chính kẻ phạm tội) được coi là không có khả năng phạm tội theo luật (điều 1322), và vì vậy về mặt pháp lý là không thể quy trách nhiệm.
Cũng có khá nhiều trường hợp – và đây chưa phải là danh sách đầy đủ – mà tín hữu không bị trừng phạt, dù về mặt kỹ thuật đã phạm tội và có trách nhiệm về tội đó. Ví dụ: không bị trừng phạt người chưa đủ 16 tuổi; người không biết mình vi phạm một luật hoặc một lệnh truyền do lỗi không phải của họ (lưu ý: không phải không biết rằng luật đó có kèm hình phạt, vì trường hợp này thuộc điều 1324, khoản 1, mục 9; sự thiếu hiểu biết này được coi là tương đương với sự vô ý hoặc sai lầm); người hành động dưới sự ép buộc do bạo lực thể chất hoặc vì một sự việc bất ngờ không thể dự đoán hoặc không thể khắc phục; người hành động vì bị đe dọa nghiêm trọng, ngay cả khi chỉ mang tính chất tương đối, hoặc vì nhu cầu hoặc vì một sự bất tiện nghiêm trọng; cũng như người, không do lỗi của họ, đã sai lầm khi nghĩ rằng có tình huống đó, trừ khi hành động đó tự nó vốn đã xấu xa hoặc gây hại cho các linh hồn (do đó, sự miễn trách này không áp dụng, chẳng hạn, đối với tội phá thai[36] được thực hiện một cách chủ ý); người hành động để tự vệ chính đáng chống lại một kẻ tấn công bất công gây nguy hại cho chính họ hoặc người khác, với điều kiện là việc tự vệ đó được thực hiện ở mức độ vừa phải; người bị mất khả năng sử dụng lý trí, dù chỉ trong một thời điểm, ngoại trừ trường hợp do tình trạng say rượu (điều 1323, các mục 1-7).
Ngược lại, người phạm tội có thể bị trừng phạt, miễn là không liên quan đến các hình phạt tiền kết (latae sententiae) (vì trong trường hợp này, nguyên tắc chung là người phạm tội không bao giờ bị trừng phạt, xem điều 1324, khoản 3[37]… và ở đây, trường hợp tha hình phạt (esimente) được áp dụng, chẳng hạn, trong trường hợp tội phá thai được thực hiện có chủ ý, vì hình phạt trong trường hợp này là tiền kết). Tuy nhiên, hình phạt phải được giảm nhẹ (mitigata) hoặc thậm chí được thay thế (sostituita) bằng một hình thức sám hối, đối với người đã phạm tội trong các hoàn cảnh giảm khinh, được người xét xử vụ việc đánh giá tự do (điều 1324, khoản 2). Và dù danh sách này không đầy đủ, các trường hợp có thể kể đến bao gồm:
– Người chỉ có khả năng sử dụng lý trí một cách không hoàn hảo.
– Một người chưa đủ 18 tuổi nhưng đã đủ 16 tuổi.
– Một người mất khả năng sử dụng lý trí do say rượu hoặc trạng thái rối loạn tâm trí tương tự, mà họ có trách nhiệm về trạng thái này nhưng không cố tình tạo ra để phạm tội hoặc nhằm chuẩn bị tình tiết giảm nhẹ (vì trong trường hợp này, hiện nay, điều đó trở thành tình tiết tăng nặng, xem điều 1326, khoản 1, mục 4).
– Một người hành động vì cơn xúc động mạnh mẽ, nhưng không đến mức ngăn cản hoàn toàn sự suy xét của lý trí và sự đồng thuận của ý chí, với điều kiện cảm xúc đó không bị cố ý kích thích hoặc khuyến khích.
– Một người bị ép buộc bởi sự sợ hãi nghiêm trọng, ngay cả khi chỉ mang tính chất tương đối, hoặc do nhu cầu hoặc do một bất tiện nghiêm trọng; cũng như người do lỗi của mình đã sai lầm khi nghĩ rằng có tình huống như vậy, trong trường hợp hành động đó tự bản chất vốn đã xấu xa hoặc gây hại cho các linh hồn.
– Một người không biết do lỗi của mình rằng luật hoặc lệnh truyền kèm theo hình phạt (và đây là một trường hợp khá phổ biến trong trường hợp phạm tội phá thai có chủ ý).
– Một người hành động mà không có trách nhiệm đầy đủ, miễn là trách nhiệm này vẫn còn ở mức nghiêm trọng.
Tất cả những điều này và những trường hợp khác được chi tiết hóa trong Điều 1324, khoản 1.
Sự bất hợp luật và ngăn trở: một bảo đảm cho Thân Thể Giáo Hội
Giáo Hội luôn coi trọng tính toàn vẹn về luân lý và thiêng liêng của các ứng viên vào các Chức Thánh, một phẩm chất thiết yếu đối với tất cả các thành viên trong Dân Chúa, nhưng đặc biệt quan trọng đối với các vị thừa tác viên, những người cống hiến cho việc phục vụ mục vụ nhân danh Thiên Chúa.
Vì vậy, bên cạnh các tiêu chí chung để nhận vào các Chức Thánh (Điều 1026-1032), chủ yếu nhằm kiểm tra sự tồn tại của các yêu cầu tích cực, Giáo Hội cũng đã ban hành các quy định nhằm loại trừ các yếu tố tiêu cực, thiết lập các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với việc nhận vào các Chức Thánh và cấm việc tiếp cận hay thực thi các Bí tích đối với những tín hữu có cuộc sống, điều kiện cá nhân hoặc hành động trong quá khứ trái ngược rõ ràng với những giá trị Tin Mừng, ngay cả khi đó là các tình huống không được công khai.
Những hạn chế này, phản ánh sự thận trọng và nhằm đảm bảo không có các hành vi hay tình huống nào đi ngược lại phẩm giá và trách nhiệm của thiên chức Linh mục, cũng như có thể cản trở một thừa tác vụ hiệu quả, ngày nay được quy định rõ ràng bởi luật phổ quát[38] (như được nêu trong Bộ Giáo luật, xem điều 1040). Luật này liệt kê một cách chi tiết các trường hợp. Lĩnh vực này cũng thuộc thẩm quyền của Tòa Ân Giải Tối Cao, giới hạn trong các vấn đề thuộc tòa trong.
Sự bất hợp luật và ngăn trở, ít nhất trong tổ chức của Giáo Hội Latinh[39], được phân biệt bởi tính chất vĩnh viễn hay tạm thời (vì ngăn trở là tạm thời), cũng như cơ chế miễn chuẩn của chúng. Cần lưu ý rằng một khi đã được miễn chuẩn một cách tổng quát, sự bất hợp luật và ngăn trở trong việc nhận các Chức Thánh sẽ được coi là đã vượt qua một cách vĩnh viễn và không cần phải xin miễn chuẩn lại trong các cấp bậc tiếp theo[40].
Một số lưu ý chung, hữu ích cho Linh mục giải tội, nhưng không chỉ vậy: a) Cần phải có chứng cứ rõ ràng, xác thực và hợp pháp về sự bất hợp luật hoặc ngăn trở, vì trong trường hợp nghi ngờ, chúng không tồn tại; b) Sự thiếu hiểu biết về sự tồn tại của chúng không miễn chuẩn khỏi việc áp dụng sự ngăn cấm này (như điều 1045 quy định): trong phạm vi này, ngay cả khi có thiện chí cũng không được miễn chuẩn, áp dụng nguyên tắc tại điều 15; c) Áp dụng nguyên tắc giải thích của điều 18, yêu cầu một cách hiểu chặt chẽ[41], giới hạn vào ý nghĩa chính xác và trực tiếp của các từ ngữ được sử dụng.
Người biết về sự bất hợp luật hoặc ngăn trở trong việc nhận các Chức Thánh có nghĩa vụ – đây là một nghĩa vụ luân lý và pháp lý – phải tiết lộ chúng, tốt nhất là trước khi được thụ phong (điều 1043), cho Giám mục có thẩm quyền cấp thư giới thiệu (lettere dimissorie) (hoặc có thể là Giám mục nơi truyền chức), hoặc cho Cha xứ của người được thụ phong.
Cuộc cải cách gần đây của Quyển VI đã giới thiệu nguyên tắc quan trọng trong điều 1388, khoản 2 hiện nay: “Ai nhận các Bí tích Truyền Chức Thánh mà có liên quan đến một hình phạt hay sự bất hợp luật, nếu cố tình giữ im lặng, ngoài những gì được quy định tại điều 1044, khoản 2, mục 1 (các trường hợp ngăn trở trong việc thực thi các Chức Thánh), thì tự động bị đình chỉ Chức Thánh đã lãnh nhận”.
Quy định theo loại hình và miễn chuẩn
Điều 1041, đơn giản hóa quy định trước đây, liệt kê một cách rõ ràng những sự bất hợp luật trong việc nhận các Bí tích Truyền Chức Thánh, có thể được phân loại theo các nhóm sau:
1. Sự rối loạn tâm thần: Không có khả năng thực hiện thừa tác vụ một cách thích hợp do các rối loạn tâm thần nghiêm trọng (được gọi chung là “không bình thường”) hoặc các bệnh lý tâm thần khác, được đánh giá tiêu cực bởi các chuyên gia theo điều 220.
2. Tội phạm nghiêm trọng chống lại đức tin: Người phạm tội bội giáo (apostasia), lạc giáo (eresia) hay ly giáo (scisma), miễn là được cộng đồng tín hữu công nhận như vậy (điều 1330). Người không bị coi là có sự bất hợp luật (vì không có tội) là người đã lớn lên trong một cộng đồng giáo hội không phải Công giáo và sau đó gia nhập cộng đoàn Công Giáo trọn vẹn.
3. Mưu toan kết hôn: Người đã cố gắng kết hôn (vì vậy không áp dụng đối với một mối quan hệ ngoài luồng, dù có thể được công nhận hợp pháp) dù có liên kết trước đó với một mối quan hệ hôn nhân, chức linh mục hay lời khấn công khai về sự độc thân (điều 1088: trong một dòng tu theo nghĩa hẹp, xem luôn điều 18) của chính ứng viên; cũng như trường hợp cố gắng kết hôn với một người phụ nữ đã kết hôn hợp pháp hoặc đã có lời khấn tương tự.
4. Giết người và phá thai có chủ ý: Người đã phạm tội giết người cố ý, hoặc đã gây ra một vụ phá thai, và đã thực hiện hành động này với mục đích đạt được kết quả mong muốn, cũng như những người tham gia tích cực vào hành động này[42]. Các hành động như tự vệ hợp pháp, vô tình hay bất cẩn mà không có ý định giết (dẫu có hành động tội phạm) không bị coi là có sự bất hợp luật.
5. Hủy hoại cơ thể có chủ đích: Người đã gây ra những thương tích nghiêm trọng cho bản thân hoặc người khác một cách có chủ đích (loại trừ các thương tật nhỏ vì lý do văn hóa, tình cờ hay cần thiết cho điều trị y tế) hoặc đã cố gắng tự tử.
6. Thực thi năng quyền Chức Thánh không hợp pháp (và không thành sự): Người đã thực hiện các hành động chức thánh chỉ dành cho những người đã được thụ phong Giám mục hoặc Linh mục (do đó không áp dụng cho chức vụ Phó tế và các chức vụ không phải bí tích, như các hành động quản trị), do thiếu phẩm trật; cũng như trong trường hợp bị cấm thực hiện các hành động này do hình phạt đã được tuyên bố hoặc tuyên kết.
Điều 1042 xác định các ngăn trở (đơn thuần) trong việc nhận các Chức Thánh. Đặc điểm của chúng là tính tạm thời, vì vậy thường không cần phải có miễn chuẩn riêng biệt, vì chúng mất đi khi nguyên nhân của chúng không còn. Các ngăn trở này có thể được mô tả như sau:
1. Tình trạng hôn nhân: Các ứng viên cho chức Linh mục phải độc thân, ngoại trừ các trường hợp nam giới đã kết hôn (theo quy định Giáo Hội) và ứng cử viên cho chức Phó tế vĩnh viễn (điều 1031, khoản 2).
2. Thực thi các chức vụ hoặc công việc không phù hợp: Điều 285, khoản 3-4 và điều 286 cấm các Linh mục đảm nhận các công việc hoặc chức vụ thế tục có tham gia trực tiếp vào việc thực thi quyền lực dân sự hoặc có mâu thuẫn với tình trạng giáo sĩ của họ. Lệnh này không áp dụng cho các Phó tế vĩnh viễn, như đã nêu trong điều 288. Đối với những người đã thực hiện các công việc này trước khi được thụ phong, họ phải từ bỏ các công việc này, giải thích các hoạt động của mình và giải quyết các nghĩa vụ liên quan trước khi tiến hành thụ phong.
3. Tình trạng tân tòng: Các tân tòng, tức những người đã nhận phép rửa khi trưởng thành (vì vậy khi đã có khả năng lý trí, điều 852, 863; xem thêm điều 762, khoản 1, mục 8 CCEO), thường được coi là cần có một thời gian dài hơn để huấn luyện và trưởng thành trong đức tin trước khi được nhận vào chức Linh mục. Tuy nhiên, Giám mục địa phương có quyền đánh giá xem một tân tòng có “được thử thách đủ” và liệu họ có đủ điều kiện để được nhận thụ phong hay không.
Một tình huống ngăn trở (trong những trường hợp đã được nêu ở trên, trước hết) cũng có thể chỉ xuất hiện sau khi đã được thụ phong, vì vậy luật quy định các trường hợp không chỉ cấm việc nhận mà còn cả việc thực thi các Chức Thánh đã lãnh nhận. Ở đây cũng phân biệt sự bất hợp luật với những ngăn trở ít nghiêm trọng hơn[43].
Cụ thể (điều 1044, khoản 1) có bất hợp luật trong việc thực thi các Chức Thánh đã lãnh nhận đối với người: a) Dù bị cấm do sự bất hợp luật trong việc nhận Chức Thánh, nhưng dù không biết, người đó vẫn đã lãnh nhận (thành sự nhưng không hợp pháp); b) Người đã phạm tội theo điều 1041, khoản 2 (tội bội giáo, lạc giáo hay ly giáo), nếu tội này là công khai[44]; c) Người đã phạm phải các hành động theo điều 1041, các mục 3, 4, 5, 6 (mưu toan kết hôn, giết người cố ý và phá thai, hủy hoại cơ thể và có ý định tự tử, cũng như thực hiện các hành động thể hiện quyền thánh chức của chức Linh mục).
Các ngăn trở và miễn chuẩn đơn thuần trong việc thực thi các Chức Thánh đã lãnh nhận
Điều 1044, khoản 2 quy định các trở ngăn trở giản đối với việc thực thi các Chức Thánh đã lãnh nhận, đối với những người: a) Mặc dù bị ngăn trở trong việc nhận các Chức Thánh, vẫn nhận các Bí tích một cách bất hợp pháp; b) Bị ảnh hưởng bởi bệnh tâm thần hoặc các bệnh lý tâm thần khác theo điều 1041, mục 1, cho đến khi Giám mục, sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia, cho phép thực hiện các Chức Thánh đó.
Sự bất hợp luật và các ngăn trở gia tăng tùy theo nguyên nhân khác nhau của chúng, nhưng không phải do sự lặp lại của cùng một nguyên nhân, trừ khi là sự bất hợp luật do giết người cố ý hoặc phá thai có kết quả: trong trường hợp này, để hợp lệ, yêu cầu miễn chuẩn sự bất hợp luật phải chỉ rõ số lượng tội ác đã thực hiện (điều 1046; 1049, khoản 2).
Về việc loại bỏ những yếu tố ngăn trở việc lãnh nhận hoặc thực thi các Chức Thánh, các ngăn trở (đơn thuần), như đã nói, là tạm thời theo bản chất và vì vậy thường chỉ cần xác nhận sự chấm dứt của nguyên nhân gây ra chúng để chúng hết hiệu lực. Ngược lại, sự bất hợp luật thường chỉ chấm dứt khi có miễn chuẩn. Đặc biệt, sự bất hợp luật phát sinh do những hành động phạm tội nhất định (ex delictu), như lạc giáo/bội đạo/ly giáo hoặc phá thai có chủ đích, sẽ không tự động chấm dứt với việc tha tội (hình phạt tiền kết) liên quan đến tội phạm. Điều này vì sự bất hợp luật đại diện cho một ngăn trở cụ thể ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân liên quan đến khả năng của họ trong việc lãnh nhận các Chức Thánh hoặc thực thi chúng sau khi đã thụ phong. Do đó, để loại bỏ chúng, cần có một miễn chuẩn cụ thể.
Về người có thẩm quyền ban miễn chuẩn, quyền này được dành riêng cho Tòa Thánh đối với tất cả các sự bất hợp luật (để lãnh nhận các Chức Thánh và để thực thi chúng), khi các sự bất hợp luật này có căn cứ trong một sự kiện đã được trình báo trong tòa án (cả tòa án Giáo Hội và dân sự, điều 1047, khoản 1). Ngoài trường hợp này, Tòa Thánh cũng có thẩm quyền ban miễn chuẩn cho sự bất hợp luật trong việc lãnh nhận các Chức Thánh khi liên quan đến các tội bội đạo, lạc giáo và ly giáo, hoặc mưu toan kết hôn, kể cả hôn nhân dân sự, nếu sự kiện là công khai (điều 1047, khoản 2, mục 1); và cũng đối với tội phá thai, cả khi công khai hay kín đáo (điều 1047, khoản 2, mục 2). Tòa Thánh cũng có thẩm quyền ban miễn chuẩn cho sự bất hợp luật trong việc thực thi các Chức Thánh đã lãnh nhận bất hợp pháp do tội mưu toan kết hôn (dù là hôn nhân dân sự), khi sự việc công khai, và tội phá thai, cả khi kín đáo (điều 1047, khoản 3). Cuối cùng, một trường hợp duy nhất của ngăn trở (đơn thuần) trong việc lãnh nhận các Chức Thánh đã được dành riêng cho Tòa Thánh, đó là điều 1042, mục 1, tức là đối với người đàn ông đã kết hôn hợp pháp và hợp lệ (xem điều 1047, khoản 1, mục 3).
Tất cả các trường hợp còn lại của sự bất hợp luật và ngăn trở (trong việc lãnh nhận và thực thi các Chức Thánh đã lãnh nhận) có thể được miễn chuẩn bởi Giám mục địa phương (điều 1047, khoản 4).
Cần lưu ý một số tiêu chí hình thức cần thiết khi trình bày yêu cầu miễn chuẩn sự bất hợp luật hoặc ngăn trở, khi có thẩm quyền của Tòa Thánh. Trong yêu cầu, gửi đến Bộ có thẩm quyền Tông Toà (Tòa Ân Giải Tối Cao cũng có thẩm quyền đối với các trường hợp trong tòa trong), điều quan trọng là liệt kê chi tiết và cụ thể tất cả các yếu tố có liên quan, đặc biệt là trong các trường hợp giết người và phá thai, đối với những trường hợp này cần chỉ rõ từng lần xảy ra (xem điều 1049, khoản 2). Tuy nhiên, nếu có những thiếu sót không cố ý và do thiện chí, miễn chuẩn đã được cấp sẽ áp dụng cho cả những yếu tố không được đề cập, ngoại trừ trong các trường hợp giết người cố ý và phá thai có chủ đích (xem điều 1049, khoản 1), cũng như các tình huống đang trong quá trình tố tụng. Ngược lại, lợi ích này không áp dụng đối với sự bất hợp luật và ngăn trở bị bỏ qua có chủ đích.
Người đã được truyền chức nhưng sau đó bị ràng buộc bởi bất hợp luật vẫn có thể thi hành các Chức Thánh khi việc xin phép từ Giám mục hoặc Bộ thẩm quyền liên quan là điều khách quan rất khó khăn và nặng nề đối với họ (tuy nhiên, chỉ tình trạng ‘khẩn cấp’ (casus urgentior) chung chung được quy định cho các hình phạt theo điều 1357, là không đủ). Ngoài việc phải có sự bất tiện nghiêm trọng để xin phép, trường hợp dẫn đến bất hợp luật phải là bí mật, và các điều kiện khách quan phải gây ra nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng hoặc làm mất danh dự đối với giáo sĩ (điều 1048).
Tuy nhiên, người sử dụng quyền này phải sớm xin phép từ Giám mục hoặc Tòa Ân Giải Tối Cao thông qua Cha giải tội. Hiện nay, khác với trước đây, Cha giải tội không có quyền miễn chuẩn, mà trong trường hợp này chỉ đóng vai trò trung gian đơn thuần – giữ bí mật danh tính và không tiết lộ tên của hối nhân – giữa người xin miễn chuẩn và Bộ thẩm quyền liên quan.
Roma, ngày 4 tháng 3 năm 2024
An Bình, C.Ss.R.
Chuyển dịch từ: http://www.penitenzieria.va/content/dam/penitenzieriaapostolica/eventi/xxxiv-cfi/Tonello.pdf
Mọi đóng góp ý kiến liên quan đến bản dịch xin vui lòng gửi cho người dịch qua địa chỉ email: [email protected]
________
[1] Cơ cấu Giáo Hội nên chống lại sự cám dỗ mang tính thế tục khi sử dụng các hình phạt như một biện pháp răn đe, một chiến lược mà hiệu quả vẫn còn chưa chắc chắn, hoặc tệ hơn nữa, như một công cụ để thỏa mãn các yêu cầu xã hội-văn hóa phổ biến, những yêu cầu này dù có thể hiểu được và thậm chí chính đáng, nhưng nên được đáp ứng không phải thông qua luật hình sự, mà bằng con đường thiêng liêng của sự sám hối và hoán cải cá nhân.
[2] “Cụ thể, thách thức hiện nay đối với mọi chuyên gia luật hình sự là kiểm soát tính phi lý của việc trừng phạt […] Tôi muốn gửi lời mời gọi đến tất cả các bạn, những nhà nghiên cứu luật hình sự, và những ai, với vai trò khác nhau, được kêu gọi thực hiện các chức năng liên quan đến việc áp dụng luật hình sự. Hãy nhớ rằng mục tiêu cơ bản của luật hình sự là bảo vệ các giá trị pháp lý quan trọng nhất đối với cộng đồng; do đó, mọi nhiệm vụ và trách nhiệm trong lĩnh vực này đều có ảnh hưởng công khai và tác động đến cộng đồng. Điều này đòi hỏi và đồng thời bao hàm trách nhiệm lớn hơn đối với người thực thi công lý, dù ở cấp độ nào, từ thẩm phán đến công tố viên văn phòng tòa án […]. Mọi cá nhân được kêu gọi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực này cần luôn nhớ, một mặt, là tôn trọng luật pháp, với sự chú ý và ý thức đạo đức tương xứng với tính nghiêm trọng của các hậu quả. Mặt khác, cần lưu ý rằng luật pháp tự nó không bao giờ có thể đạt được các mục tiêu của chức năng hình sự; việc áp dụng luật phải nhằm mục đích mang lại lợi ích thực sự cho các cá nhân liên quan. Sự điều chỉnh này giữa luật pháp với tính cụ thể của từng trường hợp và từng con người là một nhiệm vụ thiết yếu nhưng khó khăn. Để chức năng tư pháp hình sự không trở thành một cơ chế lạnh lùng và phi nhân cách, cần có những con người cân bằng, có kiến thức, nhưng trên hết là có lòng nhiệt thành – nhiệt thành! – với công lý, ý thức được trách nhiệm nặng nề và nghĩa vụ lớn lao của họ. Chỉ bằng cách đó, luật pháp – bất kỳ luật pháp nào, không chỉ luật hình sự – mới không tồn tại như một mục đích tự thân, mà là phục vụ cho những người liên quan, dù đó là người phạm tội hay nạn nhân bị tổn thương. Đồng thời, bằng cách hoạt động như một công cụ của công lý thực chất chứ không chỉ hình thức, luật hình sự sẽ có thể đảm nhiệm vai trò bảo vệ hiệu quả và thực sự đối với các giá trị pháp lý cốt yếu của cộng đồng. Chúng ta cần hướng đến một nền công lý hình sự mang tính phục hồi. Trong mọi sự phạm pháp, luôn có một bên bị hại và hai mối liên hệ bị tổn thương: mối liên hệ giữa người gây ra tội ác với nạn nhân của họ, và mối liên hệ giữa chính người này với xã hội. Tôi đã nhấn mạnh rằng giữa hình phạt và tội ác tồn tại một sự bất đối xứng, và việc thực hiện một điều ác không thể biện minh cho việc áp đặt một điều ác khác như một phản ứng. Vấn đề là mang lại công lý cho nạn nhân, chứ không phải là tiêu diệt kẻ phạm tội. Trong tầm nhìn Kitô giáo về thế giới, mẫu mực của công lý được thể hiện hoàn hảo trong cuộc đời của Chúa Giêsu, Đấng, sau khi bị đối xử khinh miệt và thậm chí là bạo lực dẫn đến cái chết, cuối cùng, qua sự phục sinh của Ngài, mang đến một thông điệp về hòa bình, tha thứ và hòa giải. […] Các xã hội của chúng ta được mời gọi tiến tới một mô hình công lý dựa trên đối thoại, trên sự gặp gỡ, để nơi nào có thể, các mối liên hệ bị tổn thương bởi tội ác được khôi phục và những thiệt hại gây ra được sửa chữa.”
[3] Việc không ngừng tái cấu trúc Luật hình sự, kể cả trong Giáo Hội, theo quan điểm này – như được chứng minh qua một số điểm trong cuộc cải cách gần đây của Quyển VI – không chỉ liên quan đến chức năng tái giáo dục/phục hồi của hình phạt mà còn bao hàm một sự suy tư sâu sắc về các lý do biện minh cho sự tồn tại của chính luật hình sự trong Giáo Hội. Điều này định hướng luật đến những mục tiêu ngày càng nhân văn và mang tính xây dựng hơn, thực sự phù hợp với giới răn yêu thương huynh đệ và hoa trái của sự sống đời đời mà mỗi người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội được mời gọi để sinh hoa kết trái (Ga 15, 9-17).
[4] Trong bài phát biểu với các tham dự viên của Khóa học XXXII về tòa trong của Tòa Ân Giải Tối Cao (Penitenzieria Apostolica) vào tháng 3 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một lời gợi ý thú vị: “Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, với một cách diễn đạt khác thường, tôi đã nói rằng “tha thứ là một quyền con người”. Tất cả chúng ta đều có quyền được tha thứ. Tất cả. Thực tế, đó là điều mà trái tim mỗi con người khao khát sâu sắc nhất, vì cuối cùng, được tha thứ có nghĩa là được yêu thương vì chính những gì chúng ta là, mặc dù chúng ta có những giới hạn và tội lỗi. Và tha thứ là một ‘quyền’ theo nghĩa là Thiên Chúa, trong mầu nhiệm Phục sinh của Đức Kitô, đã ban tặng nó một cách toàn vẹn và không thể thay đổi cho mỗi người sẵn sàng đón nhận nó, với trái tim khiêm nhường và ăn năn. Khi chúng ta, những người giải tội, rộng lượng ban phát sự tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta hợp tác trong việc chữa lành cho con người và thế giới; chúng ta hợp tác vào việc thực hiện tình yêu và hòa bình mà mỗi trái tim con người khao khát mạnh mẽ; với sự tha thứ, chúng ta đóng góp, xin cho phép tôi dùng từ này, vào một ‘sinh thái’ thiêng liêng của thế giới.” Trong lời khẳng định mạnh mẽ và đầy khích lệ này, Đức Thánh Cha đã kết hợp, trong một sự mâu thuẫn tuyệt vời, quyền và Ân sủng, bổn phận và tự do tuyệt đối.
[5] Theo nghĩa này, không phải là một sự mạo hiểm khi công nhận trong luật giáo hội một trong những công cụ truyền giảng Phúc Âm mà Giáo Hội thường xuyên sử dụng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong bài phát biểu với các tham dự viên của Khóa đào tạo cho các Nhân viên Pháp lý (do Tòa án Rota Roma tổ chức) vào ngày 18 tháng 2 năm 2023: “… không có luật mà không có việc truyền giảng Phúc Âm, và cũng không có việc truyền giảng Phúc Âm mà không có luật.”
[6] Nói cách khác, là hành động bất hợp pháp có ý định, do đó là hành vi cố ý hoặc ít nhất là do sự bất cẩn, dẫn đến một thiệt hại đáng kể và có thể xác định đối với một quyền/tình trạng/tài sản thuộc về Giáo Hội được bảo vệ về mặt pháp lý và, cụ thể, được bảo vệ bởi cơ quan có thẩm quyền với một hình phạt có tính chất hình sự. Xem Điều 1321: đề cập đến “vi phạm bên ngoài của luật hoặc điều răn […] có thể quy trách nhiệm nghiêm trọng do sự cố ý hoặc sự bất cẩn”.
[7] Và không phải qua những con đường ngoài tố tụng khó có thể xảy ra, nếu không phải là bán tố tụng hoặc thậm chí chỉ thuần túy qua phương tiện truyền thông, thao túng những thông tin về tội phạm có thật hoặc bị nghi ngờ. Đây là những hành động ngoại lệ đối với đời sống và đức tin Kitô giáo, chúng ngăn cản mọi bảo đảm tố tụng chân chính và làm gia tăng những bất công nghiêm trọng.
[8] Đây không chỉ là một can thiệp có tính chất cưỡng chế hoặc trừng phạt, vì nó luôn phải hướng tới việc khôi phục lại công lý và sự hối cải của người phạm tội, nếu có thể. “Thực vậy, khi đối diện với những hành động phạm tội, hoạt động của các Mục tử nhắm đến cả những người là nạn nhân của những hành vi đó, cũng như đối với những kẻ phạm tội, vì họ cũng có quyền được giúp đỡ để hiểu rõ sai lầm của mình và có thể sửa chữa, không bao giờ cảm thấy bị loại trừ hay tệ hơn là bị bỏ rơi bởi cộng đoàn Giáo Hội. Và đây là một động lực không ngừng trong đời sống của Giáo Hội, bí tích cứu độ phổ quát, nơi sự kết hợp liên tục và mầu nhiệm của mysterium iniquitatis (mầu nhiệm tội lỗi) và mysterium pietatis (mầu nhiệm lòng thương xót) có những ảnh hưởng tương tự trong chiều kích pháp lý của Giáo Hội, bao gồm cả hình sự, với tư cách là cộng đoàn hữu hình” (Davide Cito, La dichiarazione delle censure penali e il bene comune, trong J.I. ARRIETA (chủ biên), “Discrezionalità e discernimento nel governo della Chiesa”, Venezia 2008, tr. 247-259).
[9] Quyền tài phán (potestà di giurisdizione) của Giáo Hội cũng được thể hiện trong hành động có tính chất hình sự, điều này cần được hiểu luôn trong khuôn khổ rộng hơn được vạch ra bởi điều 392 (xem Lumen Gentium 27 và Christus Dominus 16).
[10] Mục tiêu chính của hành động của Giáo Hội là sự cứu rỗi cá nhân, trong các cấp độ sâu sắc và thống nhất mà theo truyền thống Kinh Thánh cấu thành (tinh thần, tâm lý và thể chất); điều này được thực hiện trong sự hài hòa sống động của toàn thể thân thể Giáo Hội. Những mục tiêu này có sự liên kết chặt chẽ với nhau, vì vậy, các can thiệp có tính chất kỷ luật không chỉ giới hạn trong việc bảo vệ lợi ích chung, trật tự công cộng, khôi phục công lý hoặc bồi thường cho những thiệt hại không công bằng, mặc dù công nhận tầm quan trọng của những giá trị này.
[11] Việc giải quyết tranh cãi về giáo lý liên quan đến bản chất của quyền bính Giáo Hội và do đó mối quan hệ giữa năng quyền thánh chức và thẩm quyền xét xử nằm ngoài phạm vi của bối cảnh này.
[12] Phạm vi “hiệu quả ẩn” của Giáo luật, được gọi chính xác là “tòa trong”, có sự khác biệt với “tòa ngoài” ở chỗ tính chất riêng tư của nó, trong khi Giáo luật tại “tòa ngoài” thể hiện công khai và rõ ràng các tác động và năng quyền của mình. Việc kiểm tra và áp dụng Giáo luật tại tòa ngoài phải tuân theo các thủ tục pháp lý chính thức (ví dụ, yêu cầu chứng cứ), khác với tòa trong.
[13] Vạ tuyệt thông (scomunica) (excommunicatio maior theo Giáo luật Đông Phương) kéo theo, với hiệu lực không thể phân chia (nghĩa là không thể thay đổi tùy ý người áp dụng hình phạt), sự mất đi sự hiệp thông của các tín hữu (communio fidelium) trong chiều kích pháp lý và hữu hình, mang tính xã hội, và tìm thấy nền tảng sâu xa nhất trong sự rạn nứt của sự hiệp thông thần học (communione teologica). Đối với các hệ quả của vạ tuyệt thông tiền kết (scomunica latae sententiae) khi không có tuyên bố chính thức, khác biệt (theo điều 1331, khoản 1) so với vạ tuyệt thông hậu kết (scomunica ferendae sententiae) áp dụng qua phán quyết tư pháp hoặc vạ tiền kết được tuyên bố, điều này bổ sung các hiệu quả được liệt kê ở, khoản 2 của điều 1331.
Vạ cấm chế (interdetto) là một hình thức vạ (censura) có thể chia nhỏ hiệu lực (điều 1332, khoản 2), bao gồm một số hệ quả của vạ tuyệt thông, nhưng chỉ giới hạn trong việc tham gia đời sống bí tích và các hành vi phụng vụ của Giáo Hội (điều 1332, khoản 1 đề cập đến các khoản 1-4 của điều 1331, khoản 1). Về nguyên tắc, nó không kéo theo việc cấm đảm nhận các chức vụ hoặc nhiệm vụ trong Giáo Hội, bởi không giống như vạ tuyệt thông, nó không dẫn đến mất sự hiệp thông với Giáo hội. Tuy nhiên, điều 1332, khoản 2 hiện nay quy định rằng luật hoặc lệnh truyền cũng có thể áp đặt các hạn chế đối với những “quyền cá nhân” khác của tín hữu. Vạ cấm chế không tồn tại trong Giáo luật Đông Phương. Thay vào đó, các Giáo hội Đông Phương có hình thức gọi là excommunicatio minor (vạ tuyệt thông nhỏ), với các hiệu quả tương tự như vạ cấm chế (điều 1431 Bộ Giáo luật Đông Phương – C.C.E.O.).
Cuối cùng, loại vạ thứ ba là vạ huyền chức (sospensione), với hiệu lực luôn có thể phân chia và hiện nay không còn giới hạn chỉ áp dụng cho giáo sĩ, như trước đây. Có bốn hình thức chính của vạ huyền chức (xem điều 1333, khoản 1), và với mỗi hình thức, văn bản pháp lý áp đặt hình phạt này có thể xác định lệnh cấm toàn bộ hoặc một phần đối với: a) thực hiện các hành vi liên quan đến quyền hành chức thánh; b) thực hiện các hành vi liên quan đến quyền cai quản (thường là với hiệu lực bất hợp pháp, chứ không phải vô hiệu, điều 1333, khoản 2); c) thực hiện các quyền hoặc chức năng gắn liền với một chức vụ (nếu là chức vụ của Cha xứ hoặc Giám mục bản quyền, cần lưu ý rằng vạ huyền chức cũng dẫn đến vô hiệu khi cử hành hôn phối: điều 1109); d) thực hiện các hành vi và chức năng liên quan đến cả ba trường hợp trên.
Cũng như các trường hợp trước, có sự khác biệt về hiệu lực nếu hình phạt là tiền kết chưa được tuyên bố (xem điều 1335, khoản 2) hoặc hình phạt hậu kết hoặc đã được tuyên bố.
[14] Trước năm 2021, điều này còn được giới hạn, nhưng trong điều 1333 hiện tại, giới hạn này đã bị bãi bỏ. Ngày nay, ngày càng có nhiều người không thuộc hàng giáo sĩ, như tu sĩ hoặc giáo dân, đảm nhận các chức năng phụng vụ, nắm giữ các chức vụ trong Giáo Hội hoặc đảm nhận những vai trò tích cực và mang tính thể chế trong phạm vi Giáo Hội.
[15] Bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng dành cho các tham dự viên của Phiên họp Toàn thể Hội đồng Giáo Hoàng về Văn bản Luật, ngày 21 tháng 2 năm 2020, trích dẫn: “Mục đích sửa chữa nhằm khôi phục, trong mức độ có thể, các điều kiện trước khi xảy ra vi phạm đã làm xáo trộn sự hiệp thông. Thực tế, mọi hành vi phạm tội đều ảnh hưởng đến toàn thể Giáo Hội, sự hiệp thông của Giáo Hội đã bị vi phạm bởi người cố ý phá hoại nó qua hành vi của mình. Mục tiêu khôi phục cá nhân nhấn mạnh rằng hình phạt Giáo luật không chỉ là một công cụ mang tính cưỡng chế, mà còn mang tính chất trị liệu rõ rệt. Cuối cùng, nó là một phương tiện tích cực để thực hiện Nước Trời, để tái thiết sự công bằng trong cộng đoàn các tín hữu, những người được kêu gọi sống sự thánh hóa cá nhân và cộng đồng.”
[16] Không còn được gọi là “hình phạt mang tính trừng phạt” (vendicative), như trong Bộ Giáo luật Piô-Bênêdictô, vì với Bộ Giáo luật hiện hành, chúng ta đã từ bỏ cách phân loại đó và trở lại với một thuật ngữ có nguồn gốc từ Thánh Augustinô, dựa trên De Civitate Dei. Hiện nay, điều 1336 phân chia hình phạt thành các loại: mệnh lệnh buộc phải thi hành (ingiunzione) (khoản 2), cấm đoán (proibizione) (khoản 3: chỉ những hình phạt này, theo điều 1338, khoản 4, thông thường có thể là latae sententiae; từ đó suy ra các hình phạt khác là ferendae sententiae; ngoài ra, các hình phạt này không bao giờ kèm theo hình phạt vô hiệu (sub poena nullitatis), điều 1338, khoản 5) và tước bỏ (privazione) (khoản 4), cùng với hình phạt sa thải khỏi hàng giáo sĩ (dimissione dallo stato clericale) (khoản 5).
Trong quá trình chỉnh sửa Sách VI của Bộ Giáo luật, đã có một nỗ lực đáng kể nhằm hợp lý hóa và tổ chức lại một cách hệ thống, dẫn đến điều 1336 hiện tại, dù vậy vẫn chưa tạo ra một danh sách hoàn toàn đầy đủ. Thực tế, các hình phạt khác vẫn có thể được quy định, trong một số giới hạn, bởi những ai có quyền lập pháp, như được nêu trong các điều 1312, khoản 2 và 1336, khoản 1. Tuy nhiên, hình phạt sa thải khỏi hàng giáo sĩ vẫn là một ngoại lệ, không thể được áp đặt bởi “nhà lập pháp cấp dưới” (Legislatore inferiore), như được quy định tại điều 1317. Thuật ngữ này, được đưa vào trong phiên bản mới của Sách VI, chỉ bất kỳ thẩm quyền lập pháp Giáo Hội nào ngoài Đức Giáo Hoàng hoặc Tông Tòa, theo quy định tại điều 361.
[17] Nhưng không chỉ vậy: sự phân biệt giữa các vạ (censura) và các hình thức chế tài Giáo luật khác được nhấn mạnh thêm khi xem xét, chẳng hạn, quyền được tha vạ khi người vi phạm chứng tỏ sự cải thiện thực sự. Theo điều 1358 §1, việc tha vạ không thể bị từ chối, nhấn mạnh rằng nhà chức trách Giáo Hội không có quyền tùy ý trong việc ban hành sự tha bổng này. Tuy nhiên, điều luật cũng quy định rằng nhà chức trách thực hiện việc tháo bỏ hình phạt sửa phạt có thể, trong bối cảnh đó, đưa ra các lời cảnh báo phù hợp được hướng dẫn bởi sự quan tâm mục vụ hoặc áp dụng một biện pháp chế tài hay một việc sám hối, như được nêu trong điều 1358, khoản 2.
[18] Người vi phạm cần phải “từ bỏ sự cứng đầu” (recedere dalla contumacia), một thuật ngữ kỹ thuật được giải thích rõ ràng trong điều 1347, khoản 2: điều này không chỉ bao gồm sự ăn năn chân thành mà còn – ít nhất – sẵn sàng sửa chữa thiệt hại và gương mù gương xấu đã gây ra. Thật vậy, để kích hoạt mối liên kết tự động giữa hành vi có giá trị pháp lý trong Giáo luật – tội lỗi mà luật định nghĩa là tội phạm – và việc áp dụng hình phạt, điều đặc trưng cho các hình phạt tiền kết, cần phải xác minh điều được gọi là sự cứng đầu (contumacia) của người vi phạm.
Trong bối cảnh này, sự cứng đầu nghĩa là, trước tiên, người vi phạm nhận thức được rằng hành vi của mình không chỉ là một tội lỗi mà còn là một tội phạm theo Giáo luật. Thứ hai, người đó hành động mà không có những hoàn cảnh có thể làm giảm nhẹ hoặc loại trừ hoàn toàn trách nhiệm của mình.
Người tín hữu, trong lương tâm của mình, không chỉ phải ý thức rằng hành vi của mình là một tội lỗi nghiêm trọng mà còn phải biết rằng Giáo Hội sẽ áp dụng hình phạt Giáo luật đối với hành động đó. Ngoài ra, việc từ bỏ sự cứng đầu còn đòi hỏi, ngoài sự ăn năn, việc chấm dứt hành vi phạm tội, nếu đó là một tội phạm có tính chất kéo dài hoặc được lặp đi lặp lại (tội phạm thường xuyên hoặc kéo dài), chẳng hạn như việc sống chung ngoài hôn nhân của một giáo sĩ: điều 1395 §1.
Chính việc người phạm tội tìm đến Linh mục giải tội và thể hiện sự ăn năn chân thành về tội lỗi của mình là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự cứng đầu đã chấm dứt.
[19] Phần lớn, đây là các vạ (censura). Theo cách sắp xếp mới của Quyển VI, tham khảo điều 1338, khoản 4, chỉ những thục hình (pene espiatorie) được liệt kê tại khoản 3 của điều 1336 mới có thể là hình phạt tiền kết.
[20] Điểm này phân biệt hệ thống Giáo luật Latinh với các Giáo Hội Đông Phương: thật vậy, hình thức các hình phạt tiền kết luôn nằm ngoài phạm vi của luật pháp các Giáo Hội này. Thay vào đó, họ biết đến hình thức gọi là “các tội được dành riêng,” (peccati riservati) tham khảo các điều 727 và tiếp theo trong C.C.E.O. (điều này không còn tồn tại trong Giáo luật Latinh): trong đó, một số tội nhất định vẫn được dành riêng cho Tòa Thánh và do đó cho Tòa Ân Giải Tối Cao, đặc biệt là vi phạm trực tiếp ấn tín bí tích và việc tha tội cho đồng phạm trong tội chống lại điều răn thứ VI, trong khi tội phá thai cố ý, với hậu quả đã xảy ra, vẫn được dành riêng cho Giám mục giáo phận.
[21] Tuy nhiên, như Davide Cito đã nhận xét một cách sâu sắc trong đóng góp học thuật được đề cập ở trên:
“[hệ thống pháp lý của các hình phạt latae sententiae] từ một phía không làm gì khác ngoài việc củng cố tất cả những băn khoăn được đưa ra trong quá trình sửa đổi Bộ Giáo luật liên quan đến hiệu quả của các hình phạt latae sententiae không được tuyên bố, mà cuối cùng tôi không nghĩ rằng chúng vượt qua vai trò đơn thuần là một biện pháp răn đe; và từ phía khác, việc tuyên bố các hình phạt latae sententiae cũng không khác biệt nhiều so với việc áp đặt các hình phạt ferendae sententiae, bởi vì cả hai về cơ bản đều có chung lý do, quy trình và hiệu quả. Vì vậy, suy tư về sự khôn ngoan mục vụ (prudentia pastoralis) liên quan đến việc tuyên bố các hình phạt latae sententiae thực chất là suy tư về việc thực thi quyền tài phán hình sự trong Giáo Hội, vốn phải luôn tránh nguy cơ rơi vào hai thái cực gây tổn hại như nhau đối với cộng đồng Giáo Hội:
– Một mặt, là sự thụ động không chính đáng, coi luật hình sự là một yếu tố gần như xa lạ với đời sống bác ái và hiệp thông trong Dân Chúa, điều này có thể dẫn đến sự thờ ơ trước những tội lỗi công khai và gây gương xấu, vốn bị Bộ Giáo luật trừng phạt bằng các hình phạt latae sententiae, nhưng việc không tuyên bố chúng khiến hình phạt chỉ có tác dụng rất hạn chế;
– Mặt khác, là một thái độ đối lập, coi công cụ pháp lý hình sự như một cách nhanh chóng và gần như là giải pháp duy nhất để đảm bảo kỷ luật Giáo Hội và, đôi khi, nhằm bảo vệ hình ảnh của Giáo Hội trước truyền thông đại chúng…”
[22] Về việc tuyên bố bởi quyền bính Giáo Hội có thẩm quyền, quy định chính thức hiện hành của các điều 1342, khoản 1 và, đặc biệt, điều 1341, yêu cầu phải khởi xướng một quy trình xét xử hoặc hành chính để tuyên bố (promovere debet) hình phạt tiền kết trong tất cả các trường hợp mà việc sử dụng các phương tiện mục vụ hoặc tiền pháp lý không đảm bảo được sự tái lập công lý (bao gồm cả việc bồi thường thiệt hại), việc sửa đổi hành vi của người phạm lỗi và việc khắc phục tai tiếng. Việc tuyên bố một hình phạt latae sententiae thông qua một quy trình đặc biệt thuộc tòa ngoài (foro externo) thực sự đáp ứng nhu cầu mục vụ nhằm ngăn ngừa những tổn hại tinh thần đối với các tín hữu. Ví dụ, điều này có thể khắc phục sự bối rối của họ trước một hành vi lệch lạc mà đáng lẽ phải được xử phạt nhưng lại không như vậy; đồng thời góp phần giảm thiểu tai tiếng. Việc tuyên bố, theo cách này, làm cho điều trước đây chỉ thuộc về tòa trong (foro interno) trở thành tòa ngoài (foro externo), vì lợi ích của các tín hữu.
Để tiến hành, trước hết, cần phải có một lý do mục vụ cân xứng, nhằm cân bằng với quyền của mọi tín hữu được bảo vệ danh thơm tiếng tốt của họ, điều này cũng bảo vệ tòa trong (điều khoản 220). Ngoài ra, cần lưu ý rằng việc tuyên bố này cũng chịu ảnh hưởng bởi tất cả các lý do miễn trừ, biện hộ hoặc loại trừ trách nhiệm – như sẽ được đề cập sau – những lý do này ngăn cản tín hữu bị chịu hình phạt latae sententiae.
[23] Rất hữu ích, đối với việc xây dựng thực tiễn của đơn khiếu nại, là đóng góp của Đức Giám mục Krzysztof Nykiel, “Il Foro interno e le materie di competenza della Penitenzieria Apostolica”(Tòa trong và các vấn đề thuộc thẩm quyền của Tòa Ân Giải Tối Cao) do Claudio Papale biên tập, trong: “I delitti contro il Sacramento della Penitenza riservati alla Congregazione per la Dottrina della Fede”, (Các tội phạm chống lại Bí tích Sám hối được dành riêng cho Bộ Giáo Lý Đức Tin), Urbaniana Press 2019, 47-49.
[24] Đây là một điểm mới trong Bộ Giáo luật: tội phạm này đã được định hình nhờ một sắc lệnh chung của Bộ Giáo lý Đức tin ngày 19 tháng 12 năm 2007, được công bố vào ngày 30 tháng 5 năm 2008: “Không ảnh hưởng đến quy định của điều 1378 của Bộ Giáo luật, cả người cố ý cử hành truyền chức thánh cho phụ nữ, lẫn người phụ nữ cố ý nhận tác vụ chức thánh, đều chịu vạ tuyệt thông tiền kết, dành riêng cho Tông Tòa giải quyết” (Sắc lệnh chung – Về tội cố ý truyền chức thánh cho phụ nữ, trong AAS 100 (2008) 403).
[25] Bốn Đại Vương Cung Thánh Đường ở Rôma gồm cố: 1) Đại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô; 2) Đại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Lateranô; 3) Đại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả; và 4) Đại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô ngoại thành (chú thích của người dịch).
[26] Ngay cả khi bị ràng buộc bởi hình phạt hay không có năng quyền; và ngay cả trong trường hợp có mặt một linh mục khác đã được chuẩn nhận.
[27] Ràng buộc duy nhất còn lại đối với hối nhân được giải tội trong trường hợp này, khi liên quan đến một hình phạt bị áp đặt hoặc tuyên bố, hoặc được dành riêng cho Tòa Thánh, là phải kháng cáo lên quyền bính cao hơn trong vòng một tháng, sau khi đã qua cơn nguy kịch (điều 1357, khoản 3).
[28] Cụm từ này bắt nguồn từ điều 2254 của Bộ Giáo luật 1917: casus urgentior (trường hợp khẩn cấp).
[29] Như được đề cập trong Bộ Giáo luật chú giải, chú thích tại điều 1357: “Luật Giáo Hội trao cho một số đối tượng đặc biệt quyền tha hình phạt trong tòa trong: vị kinh sĩ giải tội (theo điều 508) và tuyên úy (trong các bệnh viện, nhà tù và các chuyến đi biển: theo điều 566, khoản 2), liên quan đến các hình phạt vạ tuyệt thông tiền kết chưa được tuyên bố và không được dành riêng”.
[30] Điều luật này ngầm loại trừ khả năng áp dụng quyền tha hình phạt đối với hình phạt vạ huyền chức (suspensio), và lý do rõ ràng là vì hình phạt này không ngăn cản việc lãnh nhận các Bí tích và Á Bí tích, do đó không thể viện dẫn cùng một “gánh nặng” đối với lương tâm.
[31] Kinh nghiệm phổ biến hầu như ở mọi nơi là hối nhân cảm nhận được gánh nặng của hành vi tội lỗi của mình; điều ngược lại sẽ rất hiếm gặp. Một Linh mục giải tội có năng lực biết cách hướng dẫn hối nhân, trừ khi lương tâm của họ bị sai lầm một cách không thể khắc phục, để nhận ra và đối diện với ý thức nội tại này.
[32] Bốn nghĩa vụ bao gồm: a) Trong vòng một tháng, hối nhân phải trình lên cấp trên có thẩm quyền hoặc một Linh mục được ban năng quyền để giải án phạt, nếu có thể, qua chính Linh mục giải tội, tuy nhiên, Linh mục này phải luôn bảo đảm không tiết lộ danh tính của hối nhân; b) Tuân theo những chỉ dẫn nhận được từ cấp thẩm quyền; c) Thực hiện việc đền tội xứng hợp, do chính Linh mục giải tội quy định; và cuối cùng d) nếu cần thiết, sửa chữa gương xấu và khắc phục các thiệt hại đã gây ra.
[33] Tuy nhiên, “vì là luật Giáo Hội, nên luật này không buộc phải tuân theo nếu xảy ra và kéo dài trong hơn một tháng những bất tiện nghiêm trọng bên ngoài liên quan đến chính luật đó”. (x. Codice di Diritto Canonico Commentato, chú thích điều 1357, trang 1108.
[34] Các lý do miễn trừ trách nhiệm (scriminanti) được phân biệt rõ ràng bởi giáo thuyết đáng tin cậy nhất với các lý do giảm khinh và tha hình phạt. Thực vậy, các lý do biện minh loại trừ tính trái pháp luật của hành vi và do đó làm cho hình phạt không thể được áp dụng (ví dụ: phòng vệ chính đáng). Những lý do này được áp dụng cho tất cả những ai tham gia vào việc thực hiện hành vi đó (gọi là đồng phạm). Ngược lại, các lý do giảm khinh (scusanti) vẫn giữ nguyên tính trái pháp hoặc tính bất hợp pháp khách quan của hành vi, nhưng chỉ làm mất khả năng khiển trách đối với chủ thể hành động, do đó loại trừ yếu tố lỗi của họ. Những lý do này bao gồm tất cả các tình huống trong đó có yếu tố giảm nhẹ hoặc chủ thể hành động phạm tội do bị ép buộc bởi các áp lực hoặc điều kiện, chẳng hạn như áp lực tâm lý, làm hạn chế ý chí của họ. Do vậy, chủ thể hành động thiếu yếu tố chủ quan cần thiết. Chính vì lý do này, các tình huống như vậy chỉ có hiệu lực đối với chủ thể hành động và không thể tự động áp dụng cho các chủ thể khác có thể đã tham gia vào việc thực hiện hành vi đó. Ví dụ: tình huống của một phụ nữ trong hoàn cảnh cấp bách nghiêm trọng và dưới áp lực tâm lý thực hiện việc phá thai khác với tình huống của bác sĩ đã thực hiện thủ thuật phá thai đó. Cuối cùng, các lý do tha hình phạt (esimenti) bao gồm những tình huống vẫn duy trì tính trái pháp và yếu tố lỗi, nhưng miễn trừ khỏi hình phạt. Sự tồn tại của những giới hạn này đối với việc áp dụng hình phạt được lý giải bằng các lý do liên quan đến sự thích hợp về tính cần thiết hoặc xứng đáng của hình phạt, đồng thời cũng phải xem xét nhu cầu bảo vệ các lợi ích khác được Giáo luật bảo vệ, những lợi ích này có thể bị xâm phạm nếu áp dụng một cách nghiêm ngặt và “mẫn cảm” cơ chế trừng phạt. Ví dụ bao gồm giới hạn tuổi tối thiểu, hoặc hành vi phạm tội là kết quả của việc thực hiện một quyền hay hoàn thành một bổn phận. Những lý do này cũng không thể được tự động áp dụng cho các chủ thể khác có thể đã tham gia vào việc thực hiện hành vi đó.
[35] Cần lưu ý rằng khoản 3 tiếp theo làm rõ quy định trước đó, xác định rằng, theo nguyên tắc, chỉ những vi phạm cố ý (dolosa) mới có giá trị pháp lý; trong khi đó, những vi phạm do thiếu sót sự cẩn trọng cần thiết (colposa) chỉ được xem xét nếu luật hoặc mệnh lệnh quy định rõ ràng. Tuy nhiên, cũng đúng rằng khoản 4 của cùng điều luật quy định rằng có một giả định về tính quy trách nhiệm, một khi đã xảy ra hành vi vi phạm bên ngoài.
[36] Xem Codice di Diritto Canonico Commentato, Milano 2019, ghi chú tại điều 1398, trang 1131-1132: “Phá thai chủ ý, một rối loạn luân lý nghiêm trọng, được định nghĩa là “việc cố ý và trực tiếp sát hại một con người trong giai đoạn đầu của sự sống, từ lúc thụ thai cho đến khi sinh” (Gioan Phaolô II, thông điệp Evangelium Vitae, ngày 25 tháng 3 năm 1995, số 58, trong AAS 87 [1995] 410-522): do đó, bao gồm cả phôi thai (số 60) lẫn thai nhi cho đến thời điểm ngay trước khi sinh. Trong quá trình soạn thảo lại Bộ Giáo luật, ý tưởng đưa ra một định nghĩa về tội này đã bị loại bỏ (xem Comm. 9 [1977] 317), nhưng sau đó cần một giải thích xác thực để làm rõ phạm vi của nó: việc sát hại phải là cố ý (để được coi là tội, cần đánh giá ý thức và mức độ tự do của chủ thể thực hiện phá thai, cũng như các hoàn cảnh có thể đã ảnh hưởng đến quyết định phá thai) và phải thực sự xảy ra, bằng bất kỳ phương tiện nào (trục xuất sớm hoặc can thiệp trong tử cung, miễn là có mối liên hệ nhân quả giữa hành động và việc hủy diệt thai nhi), ở bất kỳ thời điểm nào sau khi thụ thai.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót, trong Tông thư Misericordia et Misera (ngày 20 tháng 11 năm 2016), số 12, mà không bãi bỏ “tội nghiêm trọng” của phá thai, đã ban quyền tha các hình phạt kèm theo tội này ‘cho tất cả các linh mục, nhờ vào thừa tác vụ của họ’ (do đó, áp dụng cho những người hành xử thừa tác vụ hợp pháp trong tòa bí tích, mà không cần viện dẫn đến “trường hợp khẩn cấp” theo điều 1357, và tuân theo các hoàn cảnh đặc biệt của điều 976)”. Xem thêm Hội đồng Giáo Hoàng về các Văn bản Luật, Thư ngày 29 tháng 11 năm 2016, Prot. N. 15675/2016.
Khi kết luận về cấu thành tội phá thai chủ ý, cần nhấn mạnh những tác động mục vụ cụ thể của các quy định pháp luật này: từ những điều đã nêu, có thể đơn giản hóa, dù hơi khái quát, rằng hình phạt tiền kết của điều 1397, khoản 2 (với những cân nhắc bổ sung về sự hiện diện của các tình tiết giảm nhẹ tổng quát hơn) hầu như không bao giờ áp dụng cho:
– Những người dưới 18 tuổi.
– Những ai, bất kể tuổi tác, không ý thức một cách không có lỗi rằng hành vi phá thai là một tội theo Giáo luật, hoặc thậm chí không biết rằng tội này có kèm theo một hình phạt.
– Những người hành động trong trạng thái tâm trí bị xáo trộn đáng kể, ngay cả khi trạng thái đó có thể là do lỗi của họ.
– Những người bị ép buộc bởi nỗi sợ hãi nghiêm trọng, ngay cả khi nỗi sợ này chỉ là tương đối, hoặc do nhu cầu hoặc vì một gánh nặng nghiêm trọng.
[37] Mặc dù ngày nay tác động tha thứ tuyệt đối của đoạn này đã bị giảm bớt bởi cụm từ: “tuy nhiên, có thể áp dụng cho người đó các hình phạt nhẹ hơn, hoặc áp đặt những việc đền tội nhằm mục đích hoán cải hoặc sửa chữa gương xấu”.
[38] Ví dụ, Giáo luật hiện hành đã bãi bỏ các bất hợp luật do nguồn gốc sinh ra và do khuyết tật thể lý: hiện nay, sự phân biệt truyền thống giữa bất hợp luật do thiếu sót (irregularitates ex defectu) và do tội phạm (dilictu) không còn được ghi nhận trong luật tích cực, mà chỉ tồn tại như một khái niệm mang tính học thuyết. Bộ Giáo luật hiện tại phản ánh một truyền thống pháp lý lâu đời, vốn đã trải qua sự phát triển với các quy định chi tiết và phức tạp, nhưng chỉ được đơn giản hóa và làm rõ với các quy định hiện hành được đưa vào khoảng bốn mươi năm trước.
[39] Bộ Giáo luật của các Giáo hội Đông Phương (C.C.E.O.) sử dụng thuật ngữ khác và không phân biệt (điều 762 C.C.E.O.) giữa bất hợp luật và các ngăn trở gọi là đơn thuần; tuy nhiên, kỷ luật này về cơ bản là tương tự. Điểm khác biệt thực sự đáng kể duy nhất là trong luật Đông Phương (điều 986 và 762 §2 C.C.E.O.), có yêu cầu rõ ràng – và có lẽ chính xác hơn – rằng sự kiện pháp lý làm cơ sở cho ngăn trở hoặc bất hợp luật phải liên quan đến một hành động cá nhân được thực hiện sau khi chịu phép rửa tội.
Trong Bộ Giáo luật Latinh không có quy định nào về điều này, tuy nhiên, học thuyết phổ biến thừa nhận rằng – trong trường hợp cơ sở được tìm thấy trong các hành vi thực hiện trước khi chịu phép rửa tội – ít nhất vẫn tồn tại những trường hợp mà tính nghiêm trọng khách quan của hành vi và/hoặc thực tế rằng sự cấm đoán vượt ra ngoài luật Giáo Hội, được bắt nguồn từ luật tự nhiên hoặc luật Thiên Chúa, là yếu tố ngăn trở.
[40] Ví dụ, đối với những gì đã được miễn chuẩn trước khi chịu chức Phó tế, thì không cần xin bất kỳ miễn chuẩn nào khi chịu chức Linh mục (điều 1049, khoản 3).
[41] Thật vậy, các quy định này ảnh hưởng đến việc thực thi một quyền của các tín hữu (chủ yếu là quyền của Giám mục trong việc trao ban các chức Thánh cho những ai ngài nhận thấy được Thiên Chúa thực sự kêu gọi và xứng đáng, hơn là quyền của người chuẩn bị được phong chức, người mà không được công nhận có bất kỳ đòi hỏi nội tại nào đối với việc thụ phong).
[42] Vì vậy, điều này không áp dụng cho những người chỉ giữ một thái độ thụ động.
[43] Rõ ràng, bất hợp luật (cũng như ngăn trở) chỉ tồn tại nếu nó chưa được miễn chuẩn một cách hợp lệ trước khi ban các Chức Thánh.
[44] Vì vậy, điều này phải đã được công khai, hoặc có thể hợp lý và thận trọng suy đoán rằng nó có thể sẽ được công khai trong thời gian ngắn.
TAGS:
TIN LIÊN QUAN