ĐẠI LỘ MỚI
GIÁO DÂN
VỊ TRÍ TRUNG TÂM
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
Dẫn nhập
Vị trí trung tâm của người giáo dân được đề cập sau Thượng Hội đồng Giám mục 2023-2024 không chỉ lý thuyết, mà là một định hướng cụ thể, nhằm đưa giáo dân vào trọng tâm sứ vụ của Giáo hội thuộc ngàn năm thứ Ba. Để biến định hướng này thành hiện thực, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa vị trí trung tâm. Giáo dân cần làm gì để thể hiện vị trí trung tâm? Giáo hội có thể làm gì để đặt giáo dân ở vị trí trung tâm? Sau đây tôi xin chia sẻ về: Đại lộ mới, Giáo dân vị trí trung tâm.
Nhận thức
- Ý nghĩa vị trí trung tâm
Vị trí trung tâm của người giáo dân trong Giáo hội được xây dựng trên nền tảng thần học: nhờ Bí tích Rửa tội, chính Chúa Giêsu trực tiếp trao ban sứ vụ: tư tế, ngôn sứ và vương đế; và giáo huấn của Công đồng Vatican II, đặc biệt qua Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân). Công đồng khẳng định rằng tất cả mọi người trong Giáo hội, dù là giáo sĩ hay giáo dân, đều có cùng phẩm giá và ơn gọi chung để nên thánh (Lumen Gentium, số 39). Các văn kiện và giáo huấn của Giáo hội công nhận vai trò riêng của người giáo dân trong việc “thánh hóa trần gian từ bên trong.” Christifideles Laici (1988): Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng người giáo dân là “những tác nhân chính của việc tân Phúc Âm hóa.” Sau Thượng Hội đồng Giám mục 2023-2024, vị trí trung tâm của người giáo dân được làm nổi bật hơn nữa. Một số điểm nhấn chính có thể minh chứng cho vai trò trung tâm này: Người giáo dân trong Giáo hội hiệp hành, Hiệp thông: không chỉ là thành viên thụ động mà còn là những người bình đẳng và đồng trách nhiệm, tích cực trong việc xây dựng Giáo hội. Điều này bao gồm cả vai trò trong việc đóng góp ý kiến, thảo luận và đưa ra những quyết định mang tính hiệp hành, tham gia vào đời sống mục vụ, từ việc cử hành phụng vụ đến các hoạt động truyền giáo và xã hội. Người giáo dân đóng vai trò trung tâm trong việc loan báo Tin Mừng và xây dựng xã hội công bằng, bác ái. Họ mang Tin Mừng vào gia đình, nơi làm việc, chính trị, văn hóa và giáo dục, nơi mà các giáo sĩ khó tiếp cận. Người giáo dân là “muối men trong bột” (Mt 13,33), giúp Giáo hội hiện diện giữa đời sống xã hội. Thượng Hội đồng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh thế giới hôm nay, sứ mạng của Giáo hội không thể thành công nếu thiếu sự tham gia tích cực và sáng tạo của người giáo dân. Vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc thúc đẩy sự đổi mới. Người giáo dân, qua ơn Chúa Thánh Thần, trở thành những “chứng nhân hy vọng,” mang sự sống động của Thần Khí vào mọi góc cạnh của đời sống xã hội và Giáo hội.
- Giáo dân cần làm gì để thể hiện vị trí trung tâm?
2.1. “Đặt Chúa Kitô trở lại trung tâm”. Đào luyện đời sống đức tin-cá vị. Công đồng Nixêa, khẳng định: Chúa Giêsu, cho chúng ta biết khuôn mặt của Thiên Chúa và đồng thời, khuôn mặt của con người, khi khám phá ra chúng ta là con trong Chúa Con và anh em ở giữa chúng ta. Một tình huynh đệ bắt nguồn từ Chúa Kitô trở thành một nhiệm vụ đạo đức cơ bản đối với chúng ta. Văn kiện này có thể rất quý giá, trong Năm Thánh, để nuôi dưỡng và đào sâu đức tin của các tín hữu, và khởi đi từ hình ảnh Chúa Giêsu, cũng để đưa ra những đường hướng và suy tư hữu ích cho một mô hình văn hóa và xã hội mới, được lấy cảm hứng từ nhân tính của Chúa Kitô.
Đặt Chúa Kitô trở lại trung tâm có nghĩa là làm sống lại niềm hy vọng này, và thần học được mời gọi thực hiện điều này, bằng một công việc liên tục và khôn ngoan, trong cuộc đối thoại với tất cả các kiến thức qua việc chầu Thánh thể, đón nhận Chúa Thánh Thần, đúc luyện đức tin-cá vị.
Công đồng Vatican II và đặt trọng tâm vào Chúa Kitô. Tất cả các tài liệu chính yếu của Công đồng đều quy tụ về Chúa Kitô như là trung tâm: Hiến chế tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium): Xác định rằng Giáo hội là Thân Thể của Chúa Kitô và được mời gọi tiếp tục sứ mạng của Ngài trong thế giới. Giáo hội tồn tại để làm chứng cho Chúa Kitô và dẫn đưa nhân loại đến sự cứu độ trong Ngài. Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes): Công bố rằng Chúa Kitô là câu trả lời cho mọi khát vọng sâu xa của con người, trong mọi hoàn cảnh của lịch sử. Chúa Kitô mặc khải về con người cho chính con người, chỉ ra giá trị đích thực của đời sống con người. Hiến chế tín lý về Mạc khải của Thiên Chúa (Dei Verbum): Tuyên bố rằng Chúa Kitô là Lời Thiên Chúa sống động, qua Ngài Thiên Chúa mạc khải trọn vẹn chính mình. Lý do Vatican II tập trung vào Chúa Kitô: Canh tân Giáo hội. Công đồng muốn Giáo hội trở về với nguồn cội của mình, chính là Chúa Kitô, để đổi mới đời sống, phụng vụ và sứ vụ. Đối thoại với thế giới: Chúa Kitô được trình bày như là Đấng đồng hành với nhân loại trong mọi thời đại, là ánh sáng soi đường cho mọi nền văn hóa, tư tưởng và khủng hoảng. Làm chứng cho Tin Mừng: Nhấn mạnh rằng Chúa Kitô không chỉ là trung tâm của Giáo hội mà còn là trung tâm của lịch sử và vũ trụ.
Đức Phanxicô đã tiếp kiến, hôm 28/11/2024, các tham dự viên Đại hội toàn thể của Ủy ban Thần học Quốc tế, Ngài đã mời gọi các thành viên của Ủy ban “đặt Chúa Kitô trở lại trung tâm” và “phát triển một nền thần học về tính hiệp hành”. Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong nhiều bài giảng, Tông huấn và Thông điệp, không ngừng nhắc nhở Giáo hội rằng Chúa Kitô phải là trung tâm của đời sống Kitô hữu và sứ vụ truyền giáo. Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu.” Ngài kêu gọi Giáo hội phải trở thành một “Giáo hội đi ra,” đưa Chúa Kitô đến với mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ, bị gạt ra ngoài lề. Thông điệp Laudato Si’ (2015): Chúa Kitô được trình bày như trung tâm của công trình tạo dựng, Đấng mời gọi con người sống hài hòa với thiên nhiên và với nhau. Thượng Hội đồng Giám mục 2023-2024: Đức Giáo hoàng nhấn mạnh rằng Thánh Thần là sự hài hòa, nhưng Chúa Kitô là trung tâm, Đấng mà Giáo hội phải quy tụ xung quanh. Lý do Đức Phanxicô tập trung vào Chúa Kitô hôm nay: Khủng hoảng đức tin hiện đại: Trong thời đại mà nhiều người rời xa Giáo hội hoặc đánh mất đức tin, Đức Phanxicô muốn mời gọi các tín hữu quay trở lại gặp gỡ Chúa Kitô như nguồn sống, nguồn niềm vui đích thực. Giáo hội cần đổi mới: Giống Vatican II, Đức Phanxicô nhận thấy Giáo hội phải trở về với trung tâm là Chúa Kitô để canh tân đời sống và sứ vụ. Sứ mạng loan báo Tin Mừng: Chúa Kitô là “Tin Mừng sống động” mà Giáo hội phải mang đến cho thế giới, đặc biệt trong các bối cảnh nghèo khổ, bất công và chia rẽ.
Những ảnh hưởng tới đời sống Giáo hội hôm nay
Lấy Chúa Kitô làm trung tâm của mọi hoạt động: Giáo hội được mời gọi sống một đời sống quy hướng về Chúa Kitô trong phụng vụ, giảng dạy và truyền giáo. Đức tin không chỉ là tuân giữ các luật lệ, mà là một mối tương quan cá nhân với Chúa Kitô. Và “Truyền bá hương thơm tình yêu của Chúa Kitô”. Và Trong Người, là con người trọn vẹn và hoàn toàn là Thiên Chúa, chúng ta được hiệp nhất với Thiên Chúa. Người mang theo hương thơm của cả thần tính và nhân tính.
Do đó, như chúng ta nghe thấy trong Phúc âm của Thánh Gioan, chúng ta phải mang theo hương thơm ngọt ngào của sự hiện diện của Người, trở thành những chứng nhân trung thành của Người để thế gian có thể tin[1].
2.2. Tham gia vào đời sống Giáo hội. Đại hội thường lệ của Thượng Hội đồng Giám mục đã dành một điểm trong Tài liệu chung kết cho nhiệm vụ của thần học, trong bối cảnh “các đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ cho sứ mạng”; và Đại hội bày tỏ mong muốn này: “Đại hội mời gọi các tổ chức thần học tiếp tục nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ và đào sâu ý nghĩa của tính hiệp hành” (số 67): Phát triển một nền thần học về tính hiệp hành. Đây là tầm nhìn của Thánh Phaolô VI vào cuối Công đồng, khi ngài thành lập Ban Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục. Trong gần 60 năm, nền thần học hiệp hành này đã phát triển từng chút một và ngày nay chúng ta có thể nói rằng nó đã trưởng thành. Ngày nay, chúng ta không thể nghĩ đến việc mục vụ mà không có chiều kích hiệp hành này. Vì vậy, ngoài đặc tính trung tâm của Chúa Kitô, tôi muốn mời gọi anh chị em cũng hãy lưu ý đến chiều kích giáo hội học, để phát triển tốt hơn mục đích truyền giáo của tính hiệp hành và sự tham gia của toàn thể Dân Thiên Chúa trong sự đa dạng của các nền văn hóa và truyền thống của mình. Tôi có thể nói rằng đã đến lúc phải thực hiện một bước can đảm: phát triển một nền thần học về tính hiệp hành, một suy tư thần học vốn giúp đỡ, khuyến khích và đồng hành với tiến trình hiệp hành, cho một giai đoạn truyền giáo mới, sáng tạo và táo bạo hơn, được truyền cảm hứng từ Kerygma và bao hàm tất cả các thành phần của Giáo hội.
Thực tiễn mục vụ
Các giáo xứ ngày càng trao quyền cho giáo dân tham gia vào các hội đồng mục vụ, hội đồng tài chính và các tổ chức từ thiện. Nhiều phong trào giáo dân, như Focolare, Cursillo, và Canh tân Đặc sủng, cho thấy khả năng đổi mới Giáo hội từ cấp cơ sở, thông qua sự lãnh đạo và cống hiến của giáo dân. Đảm nhận các vai trò lãnh đạo và quản lý, đóng góp vào quyết định chung. Chủ động tổ chức và phát triển các nhóm cầu nguyện, học hỏi giáo lý, và hoạt động bác ái. Người giáo dân ngày nay đang đóng vai trò lớn trong việc đối diện với các vấn đề toàn cầu như môi trường (Laudato Si’), tình bằng hữu, công bằng xã hội (Fratelli Tutti), và ứng dụng công nghệ, đặc biệt AI, vào đời sống Giáo hội và xã hội. Với sự đào tạo và hỗ trợ đúng mức, giáo dân không chỉ đóng vai trò phụ thuộc mà còn trở thành những nhà lãnh đạo trong Giáo hội.
- Giáo hội có thể làm gì để đặt giáo dân ở vị trí trung tâm?
Các chương trình huấn luyện về thần học, kỹ năng lãnh đạo, và quản trị mục vụ dành riêng cho giáo dân. Tổ chức các khóa học ngắn hạn về kỹ năng xây dựng cộng đồng và đối thoại liên văn hóa, liên tôn. Thành lập các nhóm linh hướng giúp giáo dân phân định ơn gọi và vai trò trong Giáo hội. Giáo dân cần được đào tạo để hiểu rõ vai trò của mình và đảm nhận trách nhiệm một cách hiệu quả. Sau đó, Giáo hội cần giao cho giáo dân các vị trí lãnh đạo trong các hội đồng mục vụ, không chỉ là “tham vấn”. Bảo đảm mọi cấp độ Giáo hội (giáo xứ, giáo phận, quốc gia) có sự tham gia thực chất của giáo dân. Giáo sĩ cần khuyến khích giáo dân phát triển ơn gọi lãnh đạo, tránh tâm lý “cha truyền, con thụ.” Tạo không gian để giáo dân được lắng nghe và chia sẻ ý kiến một cách bình đẳng. Linh mục và tu sĩ cần đóng vai trò đồng hành, hỗ trợ giáo dân thực hiện sứ vụ thay vì kiểm soát. Giáo dân cần chủ động trong các sáng kiến truyền giáo, từ thiện và bảo vệ môi trường. Khuyến khích giáo dân khai thác công nghệ số và AI để phục vụ sứ vụ truyền giáo, tổ chức các sự kiện, và lan tỏa Tin Mừng trên không gian mạng. Giáo dân được mời gọi lãnh đạo các tổ chức và phong trào trong Giáo hội, từ Hội đồng Giáo xứ đến các hội đoàn Công giáo tiến hành. Giáo dân đóng vai trò cầu nối giữa Giáo hội và xã hội, đặc biệt trong việc bảo vệ công lý, hòa bình, và phát triển toàn diện con người. Tạo môi trường lắng nghe và đối thoại, trong đó mọi thành phần Dân Chúa đều có tiếng nói. Đảm bảo rằng các sáng kiến hiệp hành không dừng lại ở cấp thảo luận, mà được thực thi trong thực tế.
Kết luận
Vị trí trung tâm của người giáo dân sau Thượng Hội đồng 23-24 không chỉ là một lời kêu gọi mà còn là một đòi hỏi cụ thể. Người giáo dân cần được đào tạo tốt hơn, được trao quyền nhiều hơn, và Giáo hội cần lắng nghe tiếng nói của họ một cách chân thành và hiệu quả. Đây là con đường mà Giáo hội có thể trở thành một “Giáo hội của sự tham gia” và thực sự hiệp hành trong thời đại mới.Top of FormBottom of Form Họ không chỉ là “người thụ hưởng” các ân sủng mà còn là tác nhân chính trong việc xây dựng và phát triển Giáo hội. Họ đóng vai trò cầu nối giữa Giáo hội và thế giới, góp phần thánh hóa các thực tại trần thế thông qua đời sống đức tin và hành động cụ thể. Cần lắng nghe và trao quyền nhiều hơn cho giáo dân trong các hội đồng giáo xứ, giáo phận và quốc gia. Các cơ cấu này không chỉ là “tham khảo,” mà còn có tiếng nói thực sự trong quyết định và định hướng. Trở thành chứng nhân qua lời nói và việc làm, lan tỏa Tin Mừng trong môi trường sống và làm việc. Đối thoại liên văn hóa, liên tôn: Góp phần xây dựng sự hòa hợp trong xã hội, thúc đẩy công lý và hòa bình.
Truyền trông TGP/SG và HVCG/VN tháng Mười Hai 2024
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
Bài đọc bổ sung
Tiếp kiến chung ngày 4/12/2024 – Rao giảng Tin Mừng là rao giảng về Chúa Kitô chứ không phải về chính mình
Trong buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư ngày 4/12/2024, Đức Thánh Cha nói rằng để có thể cộng tác vào hoạt động truyền giáo của Giáo hội, các tín hữu nhớ đến hai nguyên tắc: một là cầu nguyện và hai là chú ý không rao giảng chính mình nhưng là rao giảng về Chúa Giêsu. Nghĩa là, trước khi bắt đầu hoạt động tông đồ, chúng ta cần cầu nguyện, khẩn cầu Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta. Và sứ vụ đó phải tập trung vào Chúa Kitô, chứ không phải vào những mong muốn hay nhu cầu của chúng ta.
Vatican News
Tiếp tục loạt bài giáo lý về tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo hội, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô cùng suy tư về mối liên hệ giữa Chúa Thánh Thần và việc rao giảng Tin Mừng. Ngài nói rằng trong việc rao giảng Kitô giáo có hai yếu tố: nội dung là Tin Mừng; và kênh truyền tải là Chúa Thánh Thần. Cả hai có mối liên hệ chặt chẽ với nhau; nghĩa là, Lời Chúa được truyền lại bằng việc xức dầu của Chúa Thánh Thần.
Do đó, để có thể cộng tác vào hoạt động truyền giáo của Giáo hội, Đức Thánh Cha nhắc các tín hữu nhớ đến hai nguyên tắc: một là cầu nguyện và hai là chú ý không rao giảng chính mình nhưng là rao giảng về Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là, trước khi bắt đầu hoạt động tông đồ, chúng ta cần cầu nguyện, khẩn cầu Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta. Và sứ vụ đó phải tập trung vào Chúa Kitô, chứ không phải vào những mong muốn hay nhu cầu của chúng ta.
Trước khi Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý, cộng đoàn cùng nghe đoạn thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi các tín hữu Côrintô (1 Cr 2,1.4-5):
Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, […] tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.
Sau đó, Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:
Hai yếu tố của việc rao giảng Kitô giáo: Phúc Âm và Chúa Thánh Thần
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Sau khi suy tư về tác động thánh hóa và tác động qua các đặc sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta dành bài giáo lý này nói về một khía cạnh khác: hoạt động loan báo Tin Mừng của Chúa Thánh Thần, nghĩa là vai trò của Người trong việc rao giảng của Giáo hội.
Thư thứ nhất của Thánh Phêrô định nghĩa các tông đồ là “những người loan báo Tin Mừng nhờ Chúa Thánh Thần” (x. 1,12). Trong cách diễn đạt này, chúng ta tìm thấy hai yếu tố cấu thành việc rao giảng của Kitô giáo: nội dung của lời rao giảng, là Tin Mừng, và phương tiện chuyển tải, là Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy nói về hai điều này.
Kerygma – lời loan báo ban đầu: trung tâm của lời rao giảng
Trong Tân Ước, từ “Phúc Âm” có hai ý nghĩa chính. Từ này có thể nói đến từng sách Phúc Âm trong số bốn Phúc Âm theo quy điển: Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan, và theo nghĩa này, Phúc Âm có nghĩa là tin mừng được Chúa Giêsu công bố trong cuộc đời trần thế của Người. Sau khi Chúa Phục Sinh, từ “Phúc Âm” mang ý nghĩa mới là tin mừng về Chúa Giêsu, tức là mầu nhiệm vượt qua, sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Đây là điều mà Thánh Tông Đồ gọi là “Phúc Âm”, khi ngài viết: “Tôi không hổ thẹn về Tin Mừng, vì đó là quyền năng của Thiên Chúa để cứu những ai tin” (Rm 1,16).
Lời rao giảng của Chúa Giêsu và sau đó của các Tông đồ cũng chứa đựng tất cả những bổn phận luân lý phát xuất từ Phúc Âm, bắt đầu từ mười điều răn cho đến điều răn “mới” về tình yêu thương. Nhưng nếu chúng ta không muốn rơi lại vào sai lầm mà Thánh Phaolô đã lên án, đó là đặt luật lệ trên ân sủng và việc làm trên đức tin, thì cần phải luôn bắt đầu lại từ việc loan báo những gì Chúa Kitô đã làm cho chúng ta. Đó là lý do tại sao trong Tông huấn “Evangelii gaudium” (Niềm vui Tin Mừng), tôi đã nhấn mạnh rất nhiều đến điều đầu tiên trong hai điều, tức là kerygma, hay là “lời loan báo”, nền tảng của mọi áp dụng luân lý.
Thực ra, “trong việc dạy giáo lý, lời loan báo đầu tiên hay kerygma có một vai trò cơ bản, phải chiếm vị trí trung tâm của hoạt động rao giảng Tin Mừng và của mọi ý định canh tân Giáo hội. […] Khi chúng ta nói rằng lời loan báo này là “đầu tiên”, điều này không có nghĩa là nó xuất hiện lúc ban đầu và sau đó có thể bị quên đi hoặc bị thay thế bằng những nội dung khác hay hơn. Đây là lời loan báo đầu tiên theo nghĩa chất lượng, bởi vì nó là lời loan báo chính yếu, lời loan báo mà chúng ta phải luôn nghe đi nghe lại bằng nhiều cách khác nhau và chúng ta phải luôn tái công bố trong các bài giáo lý dưới hình thức này hay hình thức khác, trong mọi giai đoạn và mọi thời điểm của nó. […] Chúng ta không nên nghĩ rằng trong việc dạy giáo lý phải bỏ kerygma để chọn một cách đào luyện có vẻ “chắc chắn” hơn. Không có gì chắc chắn hơn, sâu sắc hơn, an toàn hơn, thực chất hơn và khôn ngoan hơn lời loan báo ban đầu này”, nghĩa là kerygma (số 164-165).
Rao giảng dựa vào sự xác thực của Thánh Thần
Đến đây chúng ta đã thấy nội dung của việc rao giảng của Kitô giáo. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải ghi nhớ cách thức loan báo. Phúc Âm phải được rao giảng “nhờ Chúa Thánh Thần” (1Pt 1,12). Giáo Hội phải thực hiện chính xác những gì Chúa Giêsu đã nói khi bắt đầu sứ vụ công khai của Người: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi; vì thế Người đã xức dầu cho tôi và sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo” (Lc 4,18). Rao giảng với sự xức dầu của Chúa Thánh Thần có nghĩa là truyền đạt, cùng với các ý tưởng và đạo lý, đời sống và xác tín đức tin của chúng ta. Nó có nghĩa là không dựa vào “những lời nói thuyết phục của sự khôn ngoan, nhưng vào sự biểu lộ của Thần Khí và quyền năng của Người” (1Cr 2,4), như Thánh Phaolô đã viết.
Cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần
Chúng ta có thể phản đối rằng nói thì dễ, nhưng làm sao có thể áp dụng điều này vào thực tế nếu nó không phụ thuộc vào chúng ta mà phụ thuộc vào việc Chúa Thánh Thần ngự đến? Trên thực tế, có một điều phụ thuộc vào chúng ta, hay đúng hơn là hai điều, và tôi sẽ đề cập ngắn gọn về chúng. Đầu tiên là cầu nguyện. Chúa Thánh Thần đến với những người cầu nguyện, bởi vì Cha trên trời – như đã viết – “ban Chúa Thánh Thần cho những ai cầu xin Người” (Lc 11,13), đặc biệt nếu chúng ta cầu xin Người để loan báo Tin Mừng của Con của Người! Khốn cho việc rao giảng mà không cầu nguyện! Nó sẽ trở thành điều mà Thánh Tông đồ định nghĩa là “thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (x. 1 Cr 13,1).
Rao giảng về Chúa Kitô chứ không rao giảng về mình
Vì vậy, điều đầu tiên phụ thuộc vào chúng ta là cầu nguyện, để Chúa Thánh Thần ngự đến. Điều thứ hai là không muốn rao giảng về chính mình, nhưng là về Chúa Giêsu (x. 2 Cr 4,5). Không cần thiết phải nói dài về điều này, bởi vì bất cứ ai tham gia vào việc truyền giáo đều biết rõ, trên thực tế, không rao giảng chính mình có nghĩa là gì. Tôi giới hạn vào một áp dụng cụ thể của yêu cầu này. Không muốn rao giảng về chính mình cũng có nghĩa là không luôn dành ưu tiên cho các sáng kiến mục vụ do chúng ta khởi xướng và gắn liền với tên tuổi của mình, nhưng sẵn sàng cộng tác, nếu được yêu cầu, trong các sáng kiến cộng đồng, hoặc được ủy thác cho chúng ta, bằng sự vâng phục.
Xin Chúa Thánh Thần giúp đỡ, đồng hành với chúng ta và dạy Giáo hội rao giảng Phúc Âm cho những người nam nữ của thời đại này! Cảm ơn anh chị em!
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
Tân Hồng y Koovakad, người tổ chức các chuyến tông du của ĐTC Phanxicô
Chia sẻ với Vatican News trong cuộc phỏng vấn vào ngày 25/10/2024, Đức tân Hồng y Koovakad thảo luận về đức tin và ơn gọi của ngài, những điều đã bắt nguồn từ thời thơ ấu và tuổi trẻ của ngài ở Ấn Độ, xem đức tin của ngài như “một báu vật của gia đình”. Ngài nói: “Tôi đến từ cộng đồng sôi động này, nơi đức tin được truyền qua nhiều thế hệ như một báu vật của gia đình”. Ngài cho biết rằng ngài thích xem các chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha như những cuộc hành hương của Người kế vị Thánh Phêrô.
Vatican News
Vào chiều thứ Bảy ngày 7/12/2024, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự công nghị trao nhẫn và mũ Hồng y cho 21 Giám mục và linh mục đã được ngài công bố tên sau khi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 6/10 trước đó. Trong số các tân Hồng y có Cha George Jacob Koovakad, người tổ chức các chuyến công du của Đức Thánh Cha, vừa được tấn phong Giám mục ngày 24/11/2024.
Tiểu sử sơ lược
Đức tân Hồng y Koovakad sinh tại Chethipuzha, Ấn Độ, vào ngày 11/8/1973, được thụ phong linh mục ngày 24/7/2004. Ngài bắt đầu phục vụ trong ngành ngoại giao Tòa Thánh từ năm 2006 đến năm 2020, tại Algeria, Hàn Quốc, Iran, Costa Rica và Venezuela. Từ tháng 7/2020 ngài phục vụ tại Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, phụ trách các chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha. Từ ngày 12/9/2021 ngài được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm người tổ chức các chuyến tông du của ngài.
Vào ngày 25/10/2024 ngài được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng giám mục hiệu tòa Nisibis của Công giáo Canđê ở Thổ Nhĩ Kỳ. Lễ tấn phong Giám mục đã được cử hành ngày 24/11/2024 tại nhà thờ Chính tòa Đức Maria của nghi lễ Siro-Malabar ở Changanacherry, bang Kerala miền nam Ấn Độ.
Chia sẻ với Vatican News trong cuộc phỏng vấn vào ngày 25/10/2024, Đức tân Hồng y Koovakad thảo luận về đức tin và ơn gọi của ngài, những điều đã bắt nguồn từ thời thơ ấu và tuổi trẻ của ngài ở Ấn Độ, xem đức tin của ngài như “một báu vật của gia đình”. Ngài nói: “Tôi đến từ cộng đồng sôi động này, nơi đức tin được truyền qua nhiều thế hệ như một báu vật của gia đình”. Ngài cho biết rằng ngài thích xem các chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha như những cuộc hành hương của Người kế vị Thánh Phêrô.
Vị tân Hồng y chia sẻ rằng công việc ngoại giao của ngài trong Giáo hội đã mang lại cho ngài cái nhìn sâu sắc độc đáo và giải thích những gì ngài tin là ưu tiên quan trọng nhất của Giáo hội tại thời điểm này. Sau khi đi khắp thế giới cùng Đức Thánh Cha trong những năm tháng chiến tranh, ngài cũng mô tả những gì ngài tin là công cụ quan trọng nhất để đạt được hòa bình.
Dưới đây là những chia sẻ của Đức tân Hồng y George Jacob Koovakad trong cuộc phỏng vấn ngày 25/10/2024.
** Thưa Đức tân Hồng y, mọi người thường thấy ngài đi cùng Đức Giáo hoàng, nhưng không biết nhiều về ngài. Ngài có thể chia sẻ đôi chút về nơi ngài đến và hành trình trở thành linh mục Công giáo của ngài không?
– Tôi đến từ Kerala, Ấn Độ và thuộc Giáo hội Syro-Malabar, một Giáo hội Đông phương hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo. Thánh Tôma Tông đồ đã mang đến cho chúng tôi đức tin vào thế kỷ thứ nhất.
Vì vậy, tôi đến từ cộng đồng sôi động này, nơi đức tin được truyền qua nhiều thế hệ như một báu vật của gia đình. Tôi lớn lên trong bầu khí được khuyến khích tham dự Thánh lễ hàng ngày và tôi không bao giờ bỏ lỡ giờ cầu nguyện buổi tối hàng ngày với các thành viên trong gia đình.
Chính cuộc sống đức tin này trong gia đình đã giúp tôi khám phá ra ơn gọi linh mục của mình. Ngoài ông bà và cha mẹ, tôi cũng mang ơn chú của tôi, một linh mục tu sĩ.
** Có kinh nghiệm nào trong quá khứ của ngài đã chứng minh là nó hữu ích với ngài trong vai trò này không?
– Khi còn là sinh viên đại học, tôi là một trong những người lãnh đạo của một Hiệp hội Công giáo, và tôi nhớ việc tổ chức các trại lao động cho sinh viên đại học ở những nơi xa xôi trong kỳ nghỉ. Đó là bước dạo đầu cho công việc hiện tại của tôi. Quá trình đào tạo của tôi trong ngành ngoại giao của Giáo hội vô cùng quý giá.
Cựu Tổng giám mục của tôi, Đức Mar Joseph Powathil, đã truyền cho tôi tình yêu sâu sắc đối với Giáo hội. Tôi cũng vào chủng viện với mong muốn giúp đỡ người nghèo, những người mà qua đó chúng ta gặp được sự hiện diện đặc quyền của Chúa Giêsu Kitô.
Tình yêu của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho người nghèo và người bị thiệt thòi luôn đồng điệu với tôi, và chúng tôi chia sẻ quan điểm chung này.
** Ngài thấy đề cử này sẽ tác động như thế nào đến ngài và công việc của ngài trong tương lai?
– Tất nhiên, điều này sẽ mang lại thêm nhiều trách nhiệm. Tin tưởng vào Chúa, Đấng đã xem tôi là người trung thành bằng cách gọi tôi vào chức thánh, tôi tin rằng tôi có thể làm mọi sự thông qua Đấng ban sức mạnh cho tôi, ngay cả trong những điều yếu đuối của tôi. Tôi nghĩ đến những câu này trong [thư Thánh Phaolô gửi] Timothy và tín hữu Philípphê.
Trong vai trò phục vụ Người kế vị Thánh Phêrô bằng cách tổ chức các Chuyến tông du, sự đề cử này sẽ trao cho tôi nhiều thẩm quyền hơn trong việc giải quyết với các nhà chức trách tôn giáo và dân sự cấp cao.
** Những thách đố và niềm vui trong nhiệm vụ của ngài với tư cách là người tổ chức các Chuyến tông du là gì?
– Là một Kitô hữu, niềm vui của tôi không có giới hạn, và chính niềm vui này giúp tôi vượt qua mọi khó khăn phát sinh. Cá nhân tôi thích coi các chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là cuộc hành hương của Người kế vị Thánh Phêrô. Nhìn theo cách này, những trách nhiệm lớn lao được xử lý thông qua lời cầu nguyện và sự hợp tác chặt chẽ và hài hòa với tất cả các cá nhân liên quan.
** Dựa trên kinh nghiệm đi khắp thế giới cùng Đức Thánh Cha, ngài thấy đâu là ưu tiên của Giáo hội ngày nay và đâu là những thách thức lớn nhất của Giáo hội?
– Thay vì dựa vào những thành tựu trong quá khứ, Giáo hội phải công bố Tin mừng cứu độ. Như Đức Thánh Cha liên tục nhắc nhở chúng ta, Giáo hội phải vượt ra khỏi biên giới của mình và vươn tới những người đang cần, bằng cách dựa vào sức mạnh của Đấng đã trở nên yếu đuối để chúng ta có thể mạnh mẽ.
Thách đố lớn nhất có hai mặt. Đầu tiên, chúng ta phải nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trong anh chị em đồng loại và phục vụ họ. Thứ hai, chúng ta phải nhận biết rằng Thiên Chúa đã giao phó cho mỗi người chúng ta một trách nhiệm quý giá để quản lý vũ trụ vật chất và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.
** Trong các chuyến đi của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô luôn nhấn mạnh đến nhu cầu hòa bình. Ngài thấy điều gì là thiết yếu để đạt được hòa bình trong thế giới đang bị chiến tranh tàn phá này?
– Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả mọi người thúc đẩy văn hóa quan tâm bằng cách trở thành những nhà vô địch của tình huynh đệ. Theo nghĩa này, trong thế giới đang bị chiến tranh tàn phá ngày nay và để có một tương lai hòa bình, đối thoại và tình bạn là nền tảng cơ bản. Do đó, ngay cả khi đối mặt với cám dỗ tuyệt vọng, các Kitô hữu vẫn phải là những người có hy vọng.
** Là thành viên của Hồng y đoàn, ngài sẽ đại diện cho Ấn Độ, một quốc gia lớn với một cộng đồng Công giáo nhỏ nhưng nhiệt thành. Giáo hội tại Ấn Độ có thể đóng góp gì cho Giáo hội hoàn vũ?
– Ấn Độ có nhiều điều để cống hiến cho thế giới, và đặc biệt, truyền thống khoan dung của đất nước này trong lịch sử đã trở thành hình mẫu cho thế giới. Hơn nữa, điều cũng hữu ích mà chúng ta cần lưu ý là văn hóa Ấn Độ về cơ bản là văn hóa tâm linh và truyền tải niềm tin rằng hòa bình là điều có thể trong mọi tầng lớp xã hội, miễn là có sự tôn trọng lẫn nhau và đối thoại can đảm.
** Trong tất cả các chuyến đi mà ngài đã thực hiện với Đức Thánh Cha, có chuyến đi nào nổi bật nhất trong ký ức của ngài không?
– Mỗi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đều độc đáo theo cách riêng của nó. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là sức lôi cuốn của Đức Thánh Cha, điều đánh động sâu sắc những người xung quanh ngài. Ngài lấy năng lượng từ việc ở giữa những người nhỏ bé và thấp kém.
Bất cứ khi nào ngài đến thăm những nơi khác nhau, không phải đám đông thu hút sự chú ý của ngài mà là những người yếu đuối và dễ bị tổn thương. Một người nghèo ngồi xe lăn hay một đứa trẻ bị mắc kẹt là những người lọt vào mắt ngài.
Tương tự như vậy, ánh mắt của Đức Thánh Cha, rất đồng điệu với người nghèo và người yếu đuối, cách nào đó cũng tìm thấy tôi! Ngoài ra, Đức Thánh Cha rất giản dị. Ngài thường nói đùa và thoải mái với những người xung quanh. Sự ấm áp và khiêm nhường của Đức Thánh Cha luôn hiển hiện rõ ràng, và ngài khuyến khích chúng ta cũng như vậy.
** Ngài có muốn nói thêm điều gì nữa không?
– “Truyền bá hương thơm tình yêu của Chúa Kitô”, lời trong thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô là phương châm mà tôi chọn. Bất cứ điều gì chúng ta tỏa ra đều phải tuôn chảy từ Chúa Giêsu.
Chúng ta được kêu gọi truyền bá hương thơm tình yêu của vị Mục tử Nhân Lành, Đấng biết tên từng con chiên của Người. Trong Người, là con người trọn vẹn và hoàn toàn là Thiên Chúa, chúng ta được hiệp nhất với Thiên Chúa. Người mang theo hương thơm của cả thần tính và nhân tính.
Do đó, như chúng ta nghe thấy trong Phúc âm của Thánh Gioan, chúng ta phải mang theo hương thơm ngọt ngào của sự hiện diện của Người, trở thành những chứng nhân trung thành của Người để thế gian có thể tin.
[1] Đức tân Hồng y Koovakad, Vatican News trong cuộc phỏng vấn vào ngày 25/10/2024