Lưu trữ

THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI

THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI

Written by xbvn on Tháng Mười Một 23rd, 2024. Posted in Linh mụcLuân lýNhân bảnTâm linhThế GiớiTý Linh

Trong “Thư về việc đổi mới nghiên cứu lịch sử Giáo hội”, được công bố vào thứ Năm ngày 21 tháng 11, Đức Phanxicô nhấn mạnh sự cấp bách đối với ứng viên linh mục trong việc đào sâu “sự nhạy cảm về lịch sử thực sự” và kêu gọi loại bỏ những bóp méo mang tính ý thức hệ được thực hiện đặc biệt bởi các mạng xã hội. Một lời mời gọi đón nhận Giáo hội như một người mẹ và như Giáo hội là, và đồng thời khám phá lại cội nguồn lịch sử của Giáo hội để Giáo hội có thể hiểu rõ hơn mối quan hệ của mình với thế giới đương đại.

Dưới đây là toàn văn bức thư của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến,

Qua thư này, tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ về tầm quan trọng của việc nghiên cứu lịch sử Giáo hội, đặc biệt để giúp các linh mục giải thích thực tế xã hội tốt hơn. Đây là một vấn đề mà tôi muốn thấy được xem xét trong quá trình đào tạo các tân linh mục và các nhân viên mục vụ khác.

Tôi ý thức rõ rằng, trong việc đào tạo các ứng viên linh mục, cần phải chú ý nhiều đến việc nghiên cứu lịch sử Giáo hội. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây đúng hơn là theo hướng mời gọi phát huy sự nhạy cảm thực sự về lịch sử nơi các sinh viên thần học trẻ tuổi. Qua lối diễn đạt này, tôi không chỉ muốn chỉ ra sự hiểu biết sâu xa và chính xác về những thời điểm quan trọng nhất trong hai mươi thế kỷ của Kitô giáo đang ở phía sau chúng ta, mà còn và trên hết là sự xuất hiện của một sự quen thuộc rõ ràng với chiều kích lịch sử đặc thù của con người. Không ai có thể thực sự biết mình là ai và mình muốn trở thành gì mai ngày nếu không nuôi dưỡng mối liên kết gắn kết họ với các thế hệ đi trước. Và điều này không chỉ trên bình diện lịch sử cá nhân, mà còn ở bình diện cộng đồng rộng lớn hơn. Thật vậy, việc nghiên cứu và kể lại lịch sử giúp thắp sáng “ngọn lửa ý thức tập thể”, [1] nếu không thì tất cả những gì còn lại là ký ức cá nhân về những sự kiện gắn liền với lợi ích cá nhân hoặc cảm xúc của họ, mà không có mối liên hệ thực sự nào với cộng đồng nhân loại và Giáo hội mà chúng ta đang sống.

Sự nhạy cảm đúng đắn về lịch sử giúp mỗi chúng ta có được ý thức về phạm vi, ý thức về chừng mực và khả năng hiểu thực tại mà không có những trừu tượng nguy hiểm và phi hiện thực, như thực tại là, chứ không phải như chúng ta tưởng tượng nó hay chúng ta mong muốn nó. Do đó, chúng ta có thể tạo dựng mối quan hệ với thực tại vốn đòi hỏi trách nhiệm đạo đức, chia sẻ và liên đới.

Theo truyền thống truyền khẩu mà tôi không thể xác nhận bằng các nguồn tài liệu viết, một nhà thần học vĩ đại người Pháp đã nói với các sinh viên của mình rằng việc nghiên cứu lịch sử sẽ bảo vệ chúng ta khỏi “nhất tính thuyết về Giáo hội” (monophysisme ecclésiologique), nghĩa là khỏi một quan niệm quá siêu thoát về Giáo hội, một Giáo hội không hiện thực vì không có tì ố hay nếp nhăn. Và chúng ta phải yêu mến Giáo hội như một người mẹ, như Giáo hội là, nếu không chúng ta sẽ không yêu thương Giáo hội chút nào, mà chỉ yêu một bóng ma trong trí tưởng tượng của mình. Lịch sử Giáo hội giúp chúng ta nhìn vào Giáo hội hiện thực để có thể yêu mến Giáo hội này, vốn thực sự tồn tại và đã học hỏi và đang tiếp tục học hỏi từ những sai lầm và sa ngã của mình. Giáo hội này, vốn cũng nhận ra chính mình trong những thời khắc đen tối của mình, trở nên có khả năng hiểu được những vết nhơ và vết thương của thế giới mà Giáo hội đang sống, và nếu Giáo hội cố gắng chữa lành và làm cho thế giới phát triển, thì Giáo hội sẽ làm như vậy theo cùng cách thức mà Giáo hội cố gắng chữa lành bản thân mình và và làm cho mình lớn lên, cho dầu Giáo hội rất thường không thành công.

Đây là một sự điều chỉnh đối với cách tiếp cận khủng khiếp này, vốn khiến chúng ta chỉ hiểu thực tại từ sự bảo vệ đầy hiếu thắng cho chức năng hoặc vai trò của chúng ta. Cách tiếp cận sau cùng này chính là cách mà, như tôi đã chỉ ra trong thông điệp Fratelli tutti, khiến người bị thương trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu bị coi là một sự phiền toái liên quan đến cách tiếp cận cuộc sống của chính anh ta, vì anh ta chỉ là một kẻ dị thường , một người không có một chỗ đứng cụ thể. [2]

Việc giáo dục các ứng viên linh mục về tính nhạy cảm về lịch sử dường như là một điều cần thiết hiển nhiên. Đặc biệt là vì trong thời đại chúng ta, “ý thức về lịch sử ngày càng mất đi và ngày càng tan rã. Người ta nhận thấy sự thâm nhập về mặt văn hóa của một loại “phá bỏ cấu trúc” (déconstructionnisme), trong đó sự tự do của con người có tham vọng sẽ xây dựng mọi thứ từ số không. Nó chỉ để lại nhu cầu tiêu thụ không giới hạn và làm trầm trọng thêm nhiều hình thức chủ nghĩa cá nhân thiếu đi nội dung. [3]

Tầm quan trọng của việc kết nối với lịch sử

Cách tổng quát hơn, phải nói rằng ngày nay tất cả chúng ta – chứ không chỉ những ứng viên linh mục – cần canh tân sự nhạy cảm về lịch sử của mình. Trong bối cảnh này, có một lời khuyên mà tôi dành cho giới trẻ: “Nếu ai đó đưa ra cho bạn một lời đề nghị và bảo bạn bỏ qua lịch sử, không thừa nhận kinh nghiệm của người lớn tuổi, coi thường quá khứ và chỉ nhìn về tương lai mà người đó đề nghị cho bạn, thì đó chẳng phải là một cách dễ dàng để giăng bẫy bạn bằng lời đề nghị của người đó để bạn chỉ làm theo những gì người ấy bảo sao? Người này muốn bạn trống rỗng, bỏ cội nguồn, nghi ngờ mọi thứ, để bạn chỉ tin tưởng vào lời hứa và phục tùng kế hoạch của họ. Đây là cách hoạt động của các ý thức hệ thuộc mọi màu sắc, phá hủy (hoặc phá bỏ cấu trúc) tất cả những gì khác biệt và, bằng cách này, có thể thống trị mà không bị phản đối. Để làm được điều này, chúng cần những người trẻ coi thường lịch sử, bác bỏ sự phong phú về tinh thần và nhân bản đã được truyền qua nhiều thế hệ, phớt lờ mọi thứ có trước họ”. [4]

Để hiểu thực tại, cần phải đặt nó theo tính lịch đại (diachronie), trong khi xu hướng nổi trội là dựa vào những cách đọc các hiện tượng vốn san bằng chúng thành tính đồng đại (synchronie): tóm lại, thành một loại hiện tại không có quá khứ. Việc phớt lờ lịch sử thường có vẻ là một hình thức mù quáng khiến chúng ta bận tâm và lãng phí năng lượng cho một thế giới không tồn tại, bằng cách đặt ra những vấn đề sai lầm và hướng chúng ta đến những giải pháp không thỏa đáng. Một số lối đọc này có thể hữu ích cho các nhóm nhỏ, nhưng chắc chắn không hữu ích cho toàn thể nhân loại hay cộng đồng Kitô giáo.

Đây là lý do tại sao sự cần thiết phải có tính nhạy cảm nhiều hơn về lịch sử lại càng cấp bách hơn vào một thời đại đang gia tăng xu hướng muốn bỏ qua ký ức hoặc xây dựng một ký ức thích ứng với những đòi hỏi của các ý thức hệ thống trị. Đối mặt với việc xóa bỏ quá khứ và lịch sử hoặc với các trình thuật lịch sử “có dụng ý”, công việc của các nhà sử học, kiến ​​thức và sự phổ biến rộng rãi của công việc này có thể tạo thành một rào cản đối với sự lừa bịp, đối với chủ nghĩa xét lại vụ lợi và việc sử dụng công khai này, đặc biệt liên quan đến việc biện minh cho chiến tranh, các cuộc bách hại, việc sản xuất, buôn bán và tiêu thụ vũ khí và rất nhiều tệ nạn khác.

Ngày nay, chúng ta có đủ thứ ký ức, thường là sai lầm, giả tạo, thậm chí là dối trái, và đồng thời thiếu vắng lịch sử và ý thức lịch sử trong xã hội dân sự và ngay cả trong các cộng đồng Kitô hữu của chúng ta. Mọi thứ còn trở nên trầm trọng hơn nếu chúng ta nghĩ về những câu chuyện được dựng sẵn, một cách cẩn thận và bí mật, dùng để xây dựng nên những ký ức thích hợp, những ký ức về căn tính và những ký ức về sự loại trừ. Vai trò của các sử gia và kiến ​​thức từ công việc của họ ngày nay có tính quyết định và có thể là một trong những liều thuốc giải độc để đấu tranh chống lại chế độ hận thù chết người dựa trên sự thiếu hiểu biết và thành kiến ​​này.

Đồng thời, chính kiến ​​thức sâu rộng và được chia sẻ về lịch sử cho thấy rằng chúng ta không thể đề cập đến quá khứ bằng một lối giải thích nhanh chóng và không liên quan đến những hậu quả của nó. Thực tại, quá khứ hay hiện tại, không bao giờ là một hiện tượng đơn giản mà chúng ta có thể giảm thiểu thành những sự đơn giản hóa ngây thơ và nguy hiểm; và càng không thể thành những những mưu toan của những người tự coi mình là những vị thần hoàn hảo, toàn năng và muốn xóa bỏ một phần của lịch sử và của nhân loại. Đúng là trong nhân loại có thể có những thời điểm khủng khiếp và những con người rất đen tối, nhưng nếu sự phán xét chủ yếu được đưa ra bởi các phương tiện truyền thông, các mạng xã hội hay đơn giản là bởi lợi ích chính trị, thì chúng ta luôn phải hứng chịu sự thúc đẩy phi lý của sự tức giận hoặc cảm xúc. Cuối cùng, như người ta nói, “những gì nằm ngoài bối cảnh chỉ là một cái cớ.” Chính ở đó mà việc nghiên cứu lịch sử giúp ích cho chúng ta, vì các nhà sử học có thể đóng góp vào sự hiểu biết về tính phức tạp nhờ vào phương pháp chặt chẽ được sử dụng để giải thích quá khứ. Một sự hiểu biết mà không có nó thì việc biến đổi thế giới hiện tại vượt ra ngoài những biến dạng ý thức hệ là bất khả. [5]

Ký ức về toàn bộ sự thật

Chúng ta hãy nhớ lại gia phả của Chúa Giêsu, do thánh Matthêu kể lại. Không có gì được đơn giản hóa, bị xóa bỏ hoặc phát minh ra. Gia phả của Chúa được tạo thành từ một câu chuyện có thật, trong đó chúng ta tìm thấy những danh xưng ít nữa là có vấn đề và chúng ta nhấn mạnh đến tội lỗi của vua Đavít (x. Mt 1, 6). Nhưng mọi sự đều kết thúc và triển nở nơi Đức Maria và Chúa Kitô (x. Mt 1, 16).

Nếu điều này xảy ra trong Lịch sử Cứu độ, thì nó cũng xảy ra trong lịch sử Giáo hội: “Thật vậy, Giáo hội […], sau những khởi đầu hạnh phúc, đôi khi buộc phải lấy làm hối tiếc một lần nữa về một bước lùi, hoặc ít nhất là ở lại trong một tình trạng thiếu sót và không đầy đủ.” [6] Và “Giáo hội biết rất rõ rằng, trong suốt lịch sử lâu dài của mình, trong số các thành viên giáo sĩ và giáo dân của mình, không thiếu những người đã tỏ ra bất trung với Thánh Thần Thiên Chúa. Ngày nay cũng vậy, Giáo hội không phải là không biết được khoảng cách giữa sứ điệp mà Giáo hội biểu lộ và sự yếu đuối nhân loại của những người được giao phó Tin Mừng này. Dù sự phán xét của lịch sử về những thất bại này thế nào, nhưng chúng ta phải ý thức được chúng và khắc phụ chúng một cách quyết liệt để chúng không làm tổn hại đến việc loan truyền Tin Mừng. Để phát triển mối quan hệ của mình với thế giới, Giáo hội cũng biết mình phải liên tục học hỏi từ kinh nghiệm của các thế kỷ như thế nào”. [7]

Việc nghiên cứu lịch sử một cách chân thành và can đảm giúp Giáo hội hiểu rõ hơn mối quan hệ của mình với các dân tộc khác nhau, và nỗ lực này phải giúp giải thích và hiểu được những thời điểm khó khăn và bối rối nhất của các dân tộc này. Thật vậy, chúng ta không được quên, “chúng ta không thể cho phép các thế hệ hiện tại và tương lai đánh mất ký ức về những gì đã xảy ra, ký ức này được bảo đảm và khuyến khích để xây dựng một tương lai công bằng và huynh đệ hơn”. [8] Đây là lý do tại sao tôi nhấn mạnh sự kiện rằng “không được quên vụ Shoah (vụ tàn sát người Do Thái vào thời Đức quốc xã). […] Chúng ta không được quên vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. […] Chúng ta cũng không được quên những cuộc bách hại, buôn bán nô lệ và thảm sát sắc tộc đã và đang xảy ra ở một số quốc gia, cũng như tất cả những sự kiên lịch sử khác khiến chúng ta xấu hổ về nhân loại của mình. Chúng ta phải luôn ghi nhớ điều đó, không ngừng nghỉ, không mệt mỏi, không để mình bị mê hoặc. […] Ngày nay thật dễ dàng nhượng bộ cho cám dỗ sang trang này bằng cách nói rằng thời gian đã trôi qua rất nhiều và cần phải hướng về phía trước. Vì lòng yêu mến Chúa, không! Chúng ta không bao giờ tiến bộ nếu không có ký ức, chúng ta sẽ không tiến triển nếu không có ký ức đầy đủ và trong sáng. […] Tôi không chỉ đề cập đến ký ức về những nỗi kinh hoàng, mà còn đề cập đến ký ức về những người, trong bối cảnh không lành mạnh và sa đọa, đã có thể tìm lại được phẩm giá và, bằng những cử chỉ nhỏ hay lớn, đã đưa ra lựa chọn liên đới, tha thứ, tình huynh đệ. Việc ghi nhớ những điều tốt đẹp là rất lành mạnh. […] Tha thứ không có nghĩa là quên đi. […] Khi có điều gì đó mà chúng ta không thể quên được vì bất cứ lý do gì, chúng ta vẫn có thể tha thứ.” [9]

Với ký ức, việc tìm kiếm sự thật lịch sử là cần thiết để Giáo hội có thể khởi xướng – và giúp khởi xướng – trong xã hội những con đường chân thành và hiệu quả về hòa giải và hòa bình xã hội: “Những người đã đối đầu nhau một cách gay gắt phải đối thoại từ sự thật rõ ràng và trần trụi. Họ cần học cách trau dồi ký ức sám hối, có khả năng đảm nhận quá khứ để giải thoát tương lai khỏi những bất mãn, lộn xộn và phóng chiếu. Chỉ từ sự thật có tính lịch sử của các sự kiện mà họ mới có thể thực hiện nỗ lực bền bỉ và lâu dài để hiểu nhau và nỗ lực tạo ra một tổng hợp mới vì lợi ích của tất cả mọi người. [10]

Nghiên cứu lịch sử Giáo hội

Bây giờ tôi muốn thêm một vài nhận xét nhỏ liên quan đến việc nghiên cứu lịch sử Giáo hội.

Nhận xét đầu tiên liên quan đến nguy cơ loại nghiên cứu này chỉ duy trì một cách tiếp cận thuần túy theo thứ tự niên đại, hoặc thậm chí là một định hướng hộ giáo sai lầm, vốn sẽ biến lịch sử Giáo hội thành một sự hỗ trợ đơn giản cho lịch sử thần học hoặc linh đạo của các thế kỷ qua. Đây sẽ là một cách nghiên cứu và, do đó, là một cách giảng dạy lịch sử Giáo hội vốn không thúc đẩy sự nhạy cảm này đối với chiều kích lịch sử mà tôi đã đề cập lúc đầu.

Nhận xét thứ hai liên quan đến sự kiện rằng lịch sử Giáo hội được giảng dạy trên khắp thế giới dường như mắc phải não trạng giản lược khái quát, với sự hiện diện còn phụ trợ so với thần học, do đó vốn thường tỏ ra không có khả năng thực sự bước vào đối thoại với thực tại sống động và hiện sinh của con người trong thời đại chúng ta. Bởi vì lịch sử Giáo hội, được dạy trong khuôn khổ thần học, không thể tách rời khỏi lịch sử của các xã hội.

Nhận xét thứ ba liên quan đến sự kiện rằng chúng ta nhận thấy, trong việc đào tạo các linh mục tương lai, một sự đào tạo vẫn chưa đầy đủ về mặt các nguồn mạch. Ví dụ, các sinh viên hiếm khi được đặt vào hoàn cảnh đọc các bản văn cơ bản của Kitô giáo cổ đại như Thư gửi Diognète, sách giáo lý Didachè hoặc Chuyện các vị tuẫn đạo. Khi không biết đến các nguồn mạch, sinh viên sẽ không được trang bị đầy đủ để đọc chúng và thay vào đó phải sử dụng đến những bộ lọc ý thức hệ hoặc những định kiến về mặt lý thuyết vốn không cho phép một sự tiếp nhận sống động và đầy phấn khích.

Nhận xét thứ tư liên quan đến sự cần thiết “làm lịch sử” của Giáo hội – cũng như “làm thần học” – không chỉ với sự nghiêm túc và chính xác, mà còn với niềm đam mê và sự dấn thân: niềm đam mê và sự dấn thân này, cá nhân và cộng đồng, đặc biệt đối với những người, dấn thân vào công cuộc loan báo Tin Mừng, đã không chọn một quan điểm trung lập và vô trùng, bởi vì họ yêu mến Giáo hội và đón nhận Giáo hội như là một người Mẹ và như Giáo hội là.

Một nhận xét khác, gắn liền với nhận xét trước, liên quan đến mối liên hệ giữa lịch sử Giáo hội và Giáo hội học. Việc nghiên cứu lịch sử có một đóng góp không thể thiếu được trong việc xây dựng một Giáo hội học thực sự mang tính lịch sử và bí tích. [11]

Nhận xét áp chót, mà tôi rất tha thiết, liên quan đến việc xóa bỏ dấu vết của những người không thể được lắng nghe trong nhiều thế kỷ, điều này khiến việc tái xây dựng lịch sử một cách trung thực trở nên khó khăn. Và ở đó, tôi tự hỏi: đó chẳng phải là một lĩnh vực nghiên cứu đặc quyền, đối với sử gia của Giáo hội, khi đưa ra ánh sáng càng nhiều càng tốt bộ mặt bình dân của những người rốt hết, và xây dựng lại lịch sử về những thất bại của họ và áp bức mà họ phải chịu, nhưng cả sự phong phú về mặt nhân bản và tinh thần của họ, cung cấp các công cụ để hiểu các hiện tượng bị gạt ra ngoài lề và bị loại trừ ngày nay?

Trong nhận xét cuối cùng này, tôi muốn nhắc lại rằng lịch sử Giáo hội có thể giúp tái khám phá toàn bộ kinh nghiệm tuẫn đạo, với ý thức rằng không có lịch sử Giáo hội nào không có sự tuẫn đạo và không bao giờ được đánh mất ký ức quý giá này. Ngay cả trong lịch sử về những đau khổ của mình, “Giáo hội thừa nhận rằng, ngay cả từ sự chống đối của những kẻ thù và những kẻ bách hại mình, Giáo hội đã rút ra được những lợi ích to lớn”. [12] Chính ở nơi mà Giáo hội đã không chiến thắng trước con mắt thế gian mà Giáo hội đã đạt được vẻ đẹp lớn lao nhất của mình.

*

Để kết thúc, tôi muốn nhắc anh chị em rằng chúng ta đang nói về việc nghiên cứu, chứ không phải về việc nói ba hoa, đọc hời hợt, “sao chép và dán” các bản tóm tắt trên Internet. Ngày nay, nhiều người “thúc đẩy [chúng ta] theo đuổi những thành công rẻ tiền, hạ thấp sự hy sinh, gieo rắc tư tưởng rằng việc nghiên cứu là vô nghĩa nếu nó không mang lại điều gì đó cụ thể ngay lập tức. Không, việc nghiên cứu được dùng để đặt ra cho mình những câu hỏi, để không bị mê hoặc bởi sự tầm thường, để tìm kiếm một ý nghĩa cho cuộc sống. Cần phải yêu cầu quyền không cho phép vô số tiếng còi ngày nay làm xao lãng nghiên cứu này chiếm ưu thế. […] Đây là bổn phận cao cả của anh chị em: đáp lại những điệp khúc gây tê liệt của chủ nghĩa tiêu thụ văn hóa bằng những lựa chọn năng động và mạnh mẽ, bằng nghiên cứu, kiến ​​thức và chia sẻ.” [13]

Thân ái,

PHANXICÔ

Ban hành tại Rôma, gần Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, vào ngày 21 tháng 11, Lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào Đền Thánh, năm 2024, năm thứ mười hai Triều đại giáo hoàng của tôi.

————————————-

[1] Sứ điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 53, 1/1/2020 (8 /12/ 2019), số 2 : Osservatore Romano, 13/12/2019, tr. 8.

[2] Cf. Thông điệp Fratelli tutti, số 101.

[3]  Ibid., số 13.

[4] Tông huấn Christus vivit (25/3/2019), số 181.

[5] Cf. Thông điệp Fratelli tutti, các số 116164165.

[6] Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad gentes, số 6.

[7] Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, số 43.

[8] Diễn văn tại Đài tưởng niệm Hòa Bình, Hiroshima – Nhật Bản (24/11/2019): Osservatore Romano, 25-26/11/2019, số 8.

[9] Thông điệp Fratelli tutti, số 247248249250.

[10] Thông điệp Fratelli tutti, số 226.

[11] Cf. Công đồng Vatican II, Hiến chế Tin lý Lumen gentium, số 1.

[12] Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, số 44.

[13] Discours Diễn văn dịp gặp gỡ các sinh viên và thế giới hàn lâm ở Bologne (1/10/2017)AAS 109 (2017), 1115.

———————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: 

Trackback from your site.

Related Articles

Back to top button