Hôm Thứ Sáu, 13 tháng 9, trước khi ra phi trường quốc tế Changi để đáp máy bay về Rôma, Đức Thánh Cha đã thăm một nhóm người già và bệnh tật tại Nhà dưỡng lão Thánh Têrêxa, và lúc 10:00, ngài đã có cuộc gặp gỡ liên tôn với các thanh thiếu niên tại một trường trung học Công Giáo. Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha tại trường trung học này gây kinh ngạc cho nhiều người.
Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput, nguyên Tổng Giám Mục Philadelphia, có bài nhận định nhan đề “The Pope and Other Religions”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng và Các Tôn Giáo Khác”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thói quen, cho đến nay đã rất phổ biến, là nói những điều khiến người nghe bối rối và hy vọng ngài có ý gì đó khác với những gì ngài thực sự nói ra.
Vào cuối chuyến đi gần đây của mình đến Singapore, Đức Giáo Hoàng đã bỏ qua một bên bài phát biểu đã chuẩn bị trước của mình cho một nhóm thanh niên liên tôn và đưa ra một số suy nghĩ ứng khẩu chung về tôn giáo. Vì những bình luận của ngài là ứng khẩu, nên lẽ tự nhiên, chúng thiếu sự chính xác mà một văn bản đã chuẩn bị thường có, và do đó người ta lại một lần nữa cố gắng hy vọng những gì ngài nói không hoàn toàn là những gì ngài muốn nói.
Theo các bản tin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gợi ý rằng: “Các tôn giáo được coi là những con đường cố gắng để đạt đến Chúa. Nhưng Chúa là của tất cả mọi người, và do đó, tất cả chúng ta đều là con của Chúa.” Ngài nói tiếp: “Nếu các bạn bắt đầu đấu tranh: ‘Nhưng Chúa của tôi quan trọng hơn Chúa của các bạn!’. Điều này có đúng không? Chỉ có một Chúa, và các tôn giáo giống như những ngôn ngữ cố gắng thể hiện những cách để tiếp cận Chúa. Một số người theo đạo Sikh, một số người theo đạo Hồi, một số người theo đạo Hindu, một số người theo Kitô Giáo.” Ý định tích cực của Đức Thánh Cha ở đây là rõ ràng.
Sau đó, Đức Phanxicô thêm lời kêu gọi tham gia vào cuộc đối thoại liên tôn. Ngài nói về đối thoại như thể tự nó là mục đích. Ngài nói “Đối thoại liên tôn là thứ tạo ra một con đường.” Câu hỏi được đặt ra ở đây là: con đường đó dẫn đến đâu?
Việc mọi tôn giáo đều có trọng lượng ngang nhau là một ý tưởng cực kỳ sai lầm mà Người kế vị Thánh Phêrô hiện nay dường như ủng hộ. Đúng là tất cả các tôn giáo lớn đều thể hiện khát vọng của con người – thường là với vẻ đẹp và sự khôn ngoan – về một điều gì đó hơn cả cuộc sống này. Con người có nhu cầu thờ phượng. Khao khát đó dường như đã được lập trình sẵn trong DNA của chúng ta. Nhưng không phải tất cả các tôn giáo đều như nhau về nội dung hoặc hậu quả. Có những khác biệt đáng kể giữa các tôn giáo mà Đức Giáo Hoàng nêu tên. Họ có những quan niệm rất khác nhau về việc Chúa là ai và điều đó ngụ ý gì đối với bản chất của con người và xã hội. Như Thánh Phaolô đã rao giảng cách đây hai ngàn năm, việc tìm kiếm Chúa có thể có nhiều hình thức không hoàn hảo, nhưng mỗi hình thức không hoàn hảo đó phải là một cuộc tìm kiếm về một Thiên Chúa duy nhất, chân thật và ba ngôi trong Kinh thánh. Thánh Phaolô lên án các tôn giáo sai lầm; và ngài rao giảng Chúa Giêsu Kitô là hiện thực và sự viên mãn của Thiên Chúa vô danh mà người Hy Lạp tôn thờ (Công vụ 17:22–31).
Nói một cách đơn giản: Không phải tất cả các tôn giáo đều hướng tới cùng một Chúa, và một số tôn giáo vừa sai lầm vừa có khả năng nguy hiểm, về mặt vật chất lẫn tinh thần.
Người Công Giáo tin rằng Chúa Giêsu Kitô, một lần và mãi mãi, đã tiết lộ cho toàn thể nhân loại biết Chúa là ai. Ngài đã cứu chuộc chúng ta bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài, và Ngài đã trao cho chúng ta sứ mệnh đưa toàn thể nhân loại đến với Ngài. Như đức tin của chúng ta dạy rất rõ ràng, chỉ có Chúa Giêsu Kitô mới có khả năng cứu rỗi chúng ta. Chúa Kitô không phải chỉ là một trong số những bậc tôn sư hay các nhà tiên tri vĩ đại khác. Mượn một suy nghĩ của CS Lewis, nếu Chúa Giêsu chỉ là một trong số những người như thế, thì Ngài cũng sẽ là một kẻ nói dối, bởi vì chímh Ngài đã tuyên bố một cách dứt khoát rằng, “Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Ta” (Ga 14:6). Một Thiên Chúa yêu thương có thể chấp nhận sự tôn thờ của bất kỳ tấm lòng chân thành và bác ái nào—nhưng sự cứu rỗi chỉ đến qua người con duy nhất của Ngài, là Chúa Giêsu Kitô.
Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu không nói: “Hãy tiếp tục con đường của anh em và chúng ta hãy nói về điều đó sau nhé.”
Chúng ta được gọi là Kitô hữu vì chúng ta tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa, là ngôi thứ hai trong Ba Ngôi. Ngay từ khi đức tin của chúng ta bắt đầu, những người theo Chúa Kitô là duy nhất trong số các tôn giáo trên thế giới vì họ chấp nhận lời tuyên bố phi thường của Chúa Kitô khẳng định Ngài là Thiên Chúa thực—một phần vì những phép lạ của Người, một phần vì lời rao giảng của Người, nhưng cuối cùng là vì cái chết và sự phục sinh của Người. Kitô hữu cũng luôn tin rằng thực tế này làm cho Kitô giáo hoàn toàn khác biệt với tất cả các tôn giáo khác, và ngược lại đòi hỏi chúng ta phải cam kết toàn bộ cuộc sống của mình. (Đối với Kitô học của Giáo hội, hãy xem: Tân Ước, Công đồng Nixê, Công đồng Êphêsô, Công đồng Chalcedon, Công đồng Trentô, Công đồng Vatican II, Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, tài liệu Dominus Jesus của Vatican, tất cả, trong số nhiều tài liệu khác, đều dạy rõ ràng về thiên tính của Chúa Kitô và vai trò độc nhất của Người trong lịch sử cứu độ.)
Việc gợi ý, thậm chí là một cách lỏng lẻo, rằng người Công Giáo đi trên một con đường ít nhiều giống với con đường đến với Chúa của các tôn giáo khác làm mất đi ý nghĩa của sự tử đạo. Tại sao lại từ bỏ cuộc sống của bạn vì Chúa Kitô khi những con đường khác có thể đưa chúng ta đến cùng một Chúa? Một sự hy sinh như vậy sẽ là vô nghĩa. Nhưng chứng tá của các vị tử đạo vẫn quan trọng ngày nay như bao giờ hết. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự tôn thờ bản thân ngày càng trở nên một thứ tôn giáo thống trị. Chúng ta cần các vị tử đạo—và mỗi người chúng ta với tư cách là người tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô—phải nhắc nhở một thế giới không tin rằng con đường đến một cuộc sống thực sự phong phú là hiến dâng trọn vẹn bản thân cho người khác.
Giám mục của Rôma là nhà lãnh đạo về mặt tinh thần và thể chế của Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới. Điều này có nghĩa là, trong số những điều khác, ngài có nhiệm vụ giảng dạy đức tin một cách rõ ràng và rao giảng đức tin một cách truyền giáo. Những bình luận lỏng lẻo chỉ có thể gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, quá thường xuyên, sự nhầm lẫn lây nhiễm và làm suy yếu thiện chí của vị giáo hoàng này.
Người theo Kitô giáo cho rằng chỉ có Chúa Giêsu là con đường dẫn đến Thiên Chúa. Việc gợi ý, ám chỉ hoặc cho phép người khác suy ra điều ngược lại là một sự thất bại trong tình yêu vì tình yêu đích thực luôn mong muốn điều tốt cho người khác, và điều tốt cho tất cả mọi người là biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô, và qua Người, Chúa Cha, Đấng đã tạo ra chúng ta.
Source:First Things