ĐẠI LỘ MỚI
NGƯỜI MẸ NHÂN HẬU
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
Dẫn nhập
Trong một thế giới đầy biến động, con người khát khao một nơi nương náu an toàn, một tình yêu vô điều kiện và một vòng tay dịu dàng – hình ảnh đó chính là “Người Mẹ Nhân Hậu”. Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, là biểu tượng tuyệt đối của tình yêu hiền mẫu, nhân hậu. Hơn bao giờ hết, thế giới – và Giáo Hội – cần tái khám phá khuôn mặt của người Mẹ Nhân Hậu – người cưu mang, chữa lành và dẫn dắt con cái trở về với lòng thương xót Thiên Chúa. Sau đây, tôi xin chia sẻ: Đại lộ mới-người mẹ nhân hậu.
(Nhạc nền nhẹ nhàng Ave Maria. Hình ảnh: Đức Mẹ La Vang – giữa khói lửa chiến tranh).
Nhận thức
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kể về một người cha nhân hậu – người cha chờ đợi, chạy ra ôm con, tha thứ và mở tiệc mừng. Nhưng Phúc Âm không kể gì về người mẹ. Phải chăng vì người mẹ không cần kể? Bởi mẹ là người đã luôn ở đó. Không cần nói nhiều. Không cần chạy ra. Không cần hỏi gì cả. Người Mẹ Nhân Hậu – nơi Đức Maria – chính là khuôn mặt dịu dàng và gần gũi nhất của lòng thương xót.
Phúc Âm ưu tiên hình ảnh Người Cha – vì sao? Chúa Giêsu thường gọi Thiên Chúa là “Cha” để mặc khải tình yêu vô điều kiện, quyền uy sáng tạo, và mối tương quan gắn bó thân tình. Dụ ngôn Người Cha nhân hậu (Lc 15) là cao điểm trong việc mặc khải lòng thương xót. Nhưng tại sao không có “Người Mẹ nhân hậu”? Vì trong bối cảnh Do Thái, hình ảnh người cha mang tính đại diện (patriarchal), phù hợp với ngôn ngữ thời đó. Tuy nhiên, các nét đặc trưng mẫu tử cũng hiện diện trong Cựu Ước: “Như mẹ hiền ấp ủ con thơ, Ta cũng sẽ ấp ủ ngươi như vậy” (Is 66,13). Khi người ta không dám quay về với Cha, thì lại có thể tìm về nơi Mẹ – âm thầm, hiền từ, không xét đoán. “Người Mẹ Nhân Hậu” là hình ảnh sống động của lòng thương xót Thiên Chúa, qua Đức Maria. Để tái khám phá và sống tinh thần nhân hậu trong đời sống cá nhân, gia đình, giáo xứ và xã hội, chúng ta có sẵn hình tượng: Biển, Mẹ dịu dàng – Mẹ mạnh mẽ – Mẹ lặng thầm – Mẹ hành động. Người Mẹ nhân hậu là ai? Là người sẵn sàng lắng nghe – không chỉ bằng tai, mà bằng trái tim. Là người không lên tiếng chỉ trích, nhưng hiện diện để chữa lành… Dịu dàng nhưng mạnh mẽ. Thinh lặng nhưng hành động. Nhẫn nại nhưng kiên quyết. Hiệp hành – luôn đồng hành.
Phúc Âm chỉ nói về Người Cha nhân hậu (Lc 15), mà không nói về Người Mẹ nhân hậu. Vậy đâu là tầm quan trọng về thần học và mục vụ trong sự chuyển hướng này – khi chúng ta suy niệm và giới thiệu Đức Maria như “Người Mẹ Nhân Hậu”? Thần học: Mở rộng hình ảnh Thiên Chúa từ “Người Cha” đến tình mẫu tử nơi Mẹ Maria. Đức Maria: Hình ảnh mẫu tử đỉnh cao của lòng nhân hậu Thiên Chúa. Đức Maria không thay thế Chúa Cha, nhưng thể hiện chiều kích mẫu tử của Thiên Chúa trong tương quan cứu độ. Như người Mẹ nhân hậu, Mẹ: Lắng nghe. Hiện diện âm thầm. Đồng hành với nhân loại – ngay cả dưới chân Thập Giá. Thần học của lòng thương xót Trong Đức Mẹ La Vang, chúng ta gặp một người Mẹ hiện ra giữa khổ đau, giữa rừng sâu, giữa thời kỳ bách hại. Mẹ không trách, không buộc điều kiện – Mẹ chỉ hiện diện. Phúc Âm Lc 1,39-56: Mẹ Maria thăm viếng – biểu lộ tình yêu nhân hậu, mau mắn và phục vụ. Ga 2,1-11: Tiệc cưới Cana – Mẹ quan tâm đến nhu cầu thực tế của con người. Ga 19,25-27: Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá – trung thành, yêu thương đến cùng.
Công đồng Vatican II & Thượng Hội đồng Giám mục 2023–2024. Lumen Gentium, chương VIII: Đức Maria là Mẹ của Giáo Hội, đồng hành với hành trình đức tin. Vatican II mời gọi toàn thể Giáo Hội học nơi Mẹ tinh thần đối thoại và hòa giải với Thiên Chúa và với con người và môi trường; tinh thần hiệp hành – đồng hành, lắng nghe, chia sẻ. “Công đồng Vatican II gọi Đức Maria là Mẹ của Giáo Hội. Mẹ không chỉ là hình ảnh, mà là hiện diện sống động – trong từng bước đi hiệp hành của Giáo Hội hôm nay…” Thượng Hội đồng 2023–2024 nêu bật vai trò phụ nữ và mẫu gương “lắng nghe bằng trái tim” – một nét đặc biệt của người mẹ. Thánh Gioan Phaolô II – cần mở rộng sang thần học về Mẹ Maria như khuôn mặt nhân hậu gần gũi nhất với con người tội lỗi hôm nay. Người Mẹ nhân hậu – cánh tay dịu dàng đưa người ta trở về. Tâm lý người tội lỗi: Sợ bị xét xử. Xa lánh Giáo Hội vì cảm thấy không còn xứng đáng. Đôi khi, họ không quay về với Cha được, nhưng họ có thể quay về với Mẹ trước. Mẹ Maria trong mục vụ: Là cửa ngõ của lòng thương xót. Là Đấng “trước khi Giáo Hội mở lời, Mẹ đã khóc thay”. Đức Mẹ La Vang – hình ảnh điển hình: Không xét xử. Không hỏi “tại sao các con bỏ đạo”, nhưng hiện ra giữa khổ đau, nâng đỡ, và chữa lành. Người Mẹ nhân hậu – phù hợp với tâm thức Á Đông. Người Việt Nam gần gũi với mẹ hơn là cha trong đời sống cảm xúc vì trọng tình. Văn hóa Á Đông trọng hiếu nghĩa, kính mẹ – nên: Khi truyền giảng Tin Mừng, hình ảnh Người Mẹ nhân hậu dễ gợi mở đức tin. Đức Mẹ La Vang là biểu tượng cho một Giáo Hội hiền mẫu, gần dân, đồng hành trong đau khổ.
Văn hóa Việt Nam coi trọng lòng nhân ái, biểu tượng “Lưỡng Long chầu Nguyệt”. Cặp Rồng qui phục Mặt trăng. Lòng nhân ái là gốc của đạo đức. Mẹ là gốc của lòng nhân, của đức –“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, dạt dào”; “mẹ hiền như nước trong nguồn chảy ra”. Lòng hiếu thảo và tình mẫu tử là nền tảng luân lý xã hội Việt Nam. Và như thế, Mẹ mở ra một con đường trở về cho muôn người – cách nhẹ nhàng, cách âm thầm, cách nhân hậu. Hình ảnh: Mẹ Maria, cùng với Con Mẹ, Chúa Giêsu, vội vã lên đường, vượt núi đồi thăm viếng, chia sẻ Hạnh phúc với gia đình bà Êlisabét; tiệc cưới Cana, Mẹ đã nói với Chúa Giêsu, can thiệp vào hạnh phúc gia đình; dưới chân Thánh Giá. “Kinh Thánh không chỉ kể chuyện về Mẹ – mà còn mặc khải một trái tim. Trái tim của một người mẹ biết quan tâm, mau mắn phục vụ, và yêu thương đến tận cùng… Hình ảnh: Mẹ ru con, mái nhà tranh quê Việt, hình Đức Mẹ La Vang. “Người Việt Nam ai cũng có một người mẹ trong tim – và với người Công giáo, đó còn là Mẹ La Vang. Giữa khổ đau, Mẹ vẫn hiện diện, an ủi, chữa lành…”
Tóm lại – tầm quan trọng của sự chuyển hướng: “Cha nhân hậu –Mẹ nhân hậu”.
Cấp độ Từ Người Cha nhân hậu (Lc 15) Đến Người Mẹ nhân hậu (Đức Maria)
Thần học Tình yêu quyền uy, tha thứ của Thiên Chúa Tình yêu dịu dàng, đồng hành, chữa lành
Mục vụ Gọi mời trở về Ôm lấy con trước cả khi trở về
Văn hóa Hình ảnh mạnh mẽ Hình ảnh gần gũi, dễ cảm nhận
Đào luyện
“Chúng ta cần đào luyện những trái tim nhân hậu như Mẹ. Những người mẹ trong gia đình. Những nữ tu trong đời dâng hiến. Những linh mục -Mẹ- trong tòa giải tội, trong mục vụ…”
Mời gọi giáo dân, đặc biệt phụ nữ và các bà mẹ, học hỏi mẫu gương Mẹ Maria trong cầu nguyện, phục vụ và đồng hành. Đào luyện người mục tử có trái tim “người mẹ”: thinh lặng, ít nói, lắng nghe, kiên nhẫn, chữa lành. Thăng tiến lòng thương xót trong việc giải tội, đồng hành thiêng liêng, và mục vụ gia đình. Đây là một vấn đề, vừa thần học, vừa mục vụ, và cũng rất tiên tri – đặt nền cho việc đào luyện những “người mẹ nhân hậu” như là linh hồn của một Giáo Hội mới, sau thời kỳ chuyển biến lớn lao của cả Giáo Hội và dân tộc.
Để Giáo Hội có thể trở nên “hiền mẫu”. Và để người Việt có thể trở về trong lòng Mẹ sau biến động lịch sử – “trong Mẹ anh hùng”. Ai là “người mẹ nhân hậu” trong Giáo Hội hôm nay? Không chỉ là người nữ. Không nhất thiết là người đã sinh con. Nhưng là những con người (nam hoặc nữ) sống được với những đặc nét “mẫu tử của Thiên Chúa”. Như Đức Maria – không giảng nhiều, nhưng hiện diện sâu sắc. Như Mẹ La Vang – không xét xử, nhưng ôm lấy mọi đau khổ của con cái.
Những đức tính cần đào luyện
Đức tính Cụ thể hóa
Lắng nghe thinh lặng Không vội lên tiếng. Nghe bằng trái tim, chứ không chỉ bằng tai.
Đồng cảm và nâng đỡ Chia đau với người khác mà không phán xét, giống như Mẹ dưới chân Thập Giá.
Kiên trì trong âm thầm Như Mẹ ẩn mình 30 năm ở Nazareth – không cần được công nhận, chỉ cần trung tín.
Bảo vệ sự sống yếu đuối Giống như mẹ ôm lấy thai nhi hay người con lạc lối – dấn thân vì những ai dễ tổn thương.
Hiền mẫu trong lãnh đạo Lãnh đạo không phải bằng mệnh lệnh, mà bằng sự chăm sóc và hy sinh.
Phương pháp đào luyện
Phương pháp Mô tả
Chiêm niệm đời sống Đức Mẹ Cầu nguyện trước Thánh Thể với Mẹ – học sự thinh lặng, lắng nghe và tin tưởng tuyệt đối.
Huấn luyện đồng hành Đào tạo mục tử, tu sĩ, giáo dân biết đồng hành như người mẹ, không như quan tòa.
Chạm tới nỗi đau đời sống thực Thăm viếng, lắng nghe người nghèo, người bị bỏ rơi, người mẹ đơn thân…
Học hỏi về “thần học mẫu tử” Nghiên cứu chiều kích mẫu tử trong mạc khải, phụng vụ, lịch sử Giáo Hội.
Phụng vụ và nghệ thuật Sáng tác thánh ca, thiết kế không gian, cử hành phụng vụ diễn tả gương mặt hiền mẫu.
Áp dụng
Mẹ Anh Hùng – linh hồn của Giáo Hội hậu chuyển biến. Giáo Hội và dân tộc Việt Nam sẽ đi qua những giai đoạn biến động sâu sắc. Sau những khổ đau, chia cắt, lưu đày và thất vọng – người dân không cần một toà án, mà cần một vòng tay. Họ cần một Giáo Hội như Mẹ – không chối bỏ chân lý, nhưng diễn tả chân lý bằng nhân hậu. Những “người mẹ nhân hậu” – không chỉ là phụ nữ – mà là một thế hệ môn đệ biết khóc với người khóc, hy vọng với người tuyệt vọng.
Đó là những người sẽ lãnh đạo Giáo Hội bằng thương xót, chứ không bằng quyền lực.
Ban mục vụ giáo phận. Hội dòng nữ. Chủng viện (để đào tạo linh mục cũng biết “mẫu tử”)
Các cộng đoàn giáo dân
Vai trò trong sứ vụ truyền giáo và mục vụ sau thời kỳ biến động. Hình ảnh chủ đạo: Mẹ La Vang che chở – cảnh người trẻ nâng đỡ người khác – linh mục quỳ cầu nguyện trước Thánh Thể – giáo dân ôm người bị bỏ rơi. “Mẹ đứng đấy– không nói một lời. Nhưng tình yêu của Mẹ thấu cả đất trời. Chúng ta hãy sống như Mẹ – và hãy để Giáo Hội mang khuôn mặt của Người Mẹ Nhân Hậu – cho hôm nay.” “Nếu bạn đang khát khao được yêu thương, hãy đến với Mẹ. Nếu bạn đang tổn thương, hãy để Mẹ ôm bạn vào lòng…” Nhà thờ như nơi chữa lành, cộng đoàn như vòng tay Mẹ. “Hãy để giáo xứ trở thành ‘nhà của Mẹ’ – nơi mọi người được chào đón, được tha thứ, và được yêu thương…” Cổ võ lòng kính mến, biệt tôn Đức Mẹ không chỉ bằng hình thức, mà bằng việc noi gương lòng nhân hậu của Mẹ. Giáo xứ – cộng đoàn – cần trở thành “Nhà của Mẹ”: chỗ dừng chân, nâng đỡ, chữa lành. Thăng tiến vai trò người mẹ và phụ nữ trong Giáo Hội và xã hội – “tế bào yêu thương” của lòng thương xót. Hình tượng Người Phụ nữ, người Mẹ Việt bồng con, chờ chồng, đã hóa đá trong tâm hồn người Việt. Nhà thờ quê, hình Mẹ trong tượng đá. “Giữa những nỗi lo toan, những vết thương của cuộc đời… Có một vòng tay luôn mở rộng. Có một trái tim luôn thổn thức cùng nhân loại…Người Mẹ ấy không ở xa… Người Mẹ ấy đang cùng chúng ta bước đi, như đã từng hiện ra giữa khói lửa tại La Vang…Mẹ không lên án, không trách móc…Nhưng Mẹ hiện diện, lặng lẽ – và nhân hậu… Hôm nay, chúng ta xin dừng lại đôi chút…
để ngắm nhìn, cảm nhận…và bước theo Người Mẹ nhân hậu của chúng ta.
Kết luận
Thế giới hôm nay cần một trái tim từ mẫu – Giáo Hội cần trở thành người mẹ nhân hậu, như Đức Maria. Chúng ta hãy để Mẹ dạy ta “sống nhân hậu” – một cuộc sống bắt đầu từ lắng nghe, hiện diện, và hy sinh. Trong một xã hội khép kín, khắc nghiệt, lòng nhân hậu là con đường truyền giáo mới. Khi nói đến Giáo Hội, nhiều người nghĩ đến một cơ chế, một hệ thống. Nhưng với Thánh Gioan Phaolô II, Giáo Hội là Mẹ – Mẹ thiêng liêng của chúng ta. Ngài nói: ‘Giáo Hội là Mẹ: sinh ra, nuôi dưỡng, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời đời trong Đức Kitô.’ Vậy, Giáo Hội là Mẹ theo nghĩa nào? Và tại sao hình ảnh này lại quan trọng cho người Kitô hữu hôm nay?”. “Giáo Hội không phải là một tổ chức vô cảm. Giáo Hội là Mẹ. Và mỗi người chúng ta, nếu thực sự sống với Giáo Hội, sẽ cảm nhận được vòng tay hiền hậu, ánh mắt nhân từ và trái tim rộng mở của Mẹ.” Tóm lại: Giáo Hội là Mẹ theo Tin Mừng – từ thập giá. Theo Huấn quyền – đặc biệt nơi Thánh Gioan Phaolô II: Hôm nay, ta cần trở lại với trái tim của Giáo Hội – là một người Mẹ. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô: “Giáo Hội, trong mầu nhiệm của mình, noi gương Mẹ Thiên Chúa: Giáo Hội cũng là Mẹ.” (Redemptoris Mater, số 44). Ngoài ra, trong Tông huấn “Ecclesia in Europa” (Giáo Hội tại châu Âu – 2003), ngài viết: “Giáo Hội là mẹ: mẹ của các dân tộc, vì từ nơi Giáo Hội mà các dân tộc được tái sinh trong Đức Kitô.” (Ecclesia in Europa, số 114). Và cũng trong Tông huấn “Catechesi Tradendae” (Về việc giảng dạy giáo lý – 1979), ngài nhấn mạnh: “Giáo Hội là Mẹ dạy dỗ đức tin.” (số 6). “Giáo Hội là Mẹ. Giáo Hội sinh ra chúng ta trong đức tin, nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời Chúa và các bí tích. Giáo Hội không ngừng giáo dục, sửa dạy, và đồng hành như một người Mẹ hiền.” (Ý tưởng tóm lược từ Redemptoris Mater, số 44 & Catechesi Tradendae, số 6 – Gioan Phaolô II). Thánh Gioan Phaolô II thường gọi Giáo Hội là “Mẹ hiền của nhân loại đau khổ.”Chính ngài đã sống như người con của Mẹ Giáo Hội, để rồi cũng trở thành “cha” cho thế giới.
Câu hỏi tự vấn:
Cho cá nhân:
Bạn có đang để cho Giáo Hội “làm mẹ” bạn không? Có đến với Lời Chúa, các Bí tích, và sự hướng dẫn của Hội Thánh không?
Cho cộng đoàn:
Làm sao để chúng ta – là thành viên của Giáo Hội – phản ánh khuôn mặt hiền mẫu của Hội Thánh? Hiền hòa hơn, kiên nhẫn hơn, mang tinh thần “nuôi dưỡng” thay vì “xét xử”.
Cho người lãnh đạo và giáo lý viên:
Cần tập nhìn người khác như “con cái của Giáo Hội”, cần đồng hành như một người mẹ: Dẫn dắt nhưng không áp đặt. Nuôi dưỡng nhưng không làm hư. Dạy dỗ nhưng vẫn đong đầy yêu thương.
Truyền thông TGP/SG và HVCGVN tháng Tư 2025
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
.