Lưu trữ

ĐỘNG TÁC LẠ ĐÁNH DẤU LỄ MỞ CỬA LẠI NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS

ĐỘNG TÁC LẠ ĐÁNH DẤU LỄ MỞ CỬA LẠI NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS

Chuyển ngữ: Lê Hưng

07/12/2024

TGPSG(07/12/2024): Nghi thức mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ bắt đầu vào ngày 7-12-2024 với một động tác lạ. Dùng gậy giám mục của mình, Đức cha Ulrich, Tổng giám mục Paris, sẽ gõ ba lần vào cửa nhà thờ chính tòa. Đây là một truyền thống, dựa vào Thánh Vịnh 23, biểu hiện việc Đức Kitô mở cửa Nước Trời.

Vì là mở cửa lại, nên nghi thức này tại Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ diễn ra ngay trước cửa nhà thờ vào ngày 7-12.

Như vậy, trước khi tiếng đàn đại phong cầm vang lên cùng với Phụng vụ Kinh Chiều và kinh Magnificat được xướng lên, Đức Tổng Giám mục Paris sẽ làm một “động tác lạ và hiếm” bên ngoài nhà thờ chính tòa.

Sau khi đưa ra lời công bố và đón nhận tượng trưng công trình thánh đường vừa được tái thiết từ tay những người xây dựng công trình, Đức cha Laurent Ulrich sẽ dùng gậy giám mục gõ lên cửa nhà thờ. Ngài sẽ gõ ba lần.


Phải hiểu sao về nghi thức này, một nghi thức theo định nghĩa, diễn tả một điều gì đó về mầu nhiệm Phục Sinh?

Lời giải thích nằm một phần trong sách Cựu Ước, nơi sách Thánh Vịnh:

“Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào. Đức Vua vinh hiển đó là ai? Là Đức Chúa mạnh mẽ oai hùng, Đức Chúa oai hùng khi xuất trận. Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào. Đức Vua vinh hiển đó là ai? Là Chúa Tể càn khôn: chính Người là Đức Vua vinh hiển.” (Thánh Vịnh 23, 7-10).

Mẩu đối thoại trên thoạt kỳ thủy được viết khi Hòm Bia Giao Ước được đưa vào trong Đền Thờ Giêrusalem, dười thời vua Đavít (xem 2S 6, 12-16). Khi ấy, tác giả sách thánh đã cảm nhận được sự Hiện diện của Thiên Chúa – trong một ngôi nhà do con người dựng nên – là môt biểu hiện trước về niềm hạnh phúc đạt được nhờ những “cánh cửa vĩnh cửu”, nơi ngôi nhà thực sự của Đấng Sáng Tạo không nằm dưới trần thế này.

Chỉ có Thánh Giá Chúa Kitô mới cho phép vượt qua trần thế đến thiên đàng

Truyền thống phụng vụ đã giữ lại ý nghĩa của Thánh Vịnh này khi sử dụng vào một ngày chính xác trong năm phụng vụ, đó là Chúa nhật Lễ Lá.

Một tập tục của nghi lễ cổ, vẫn còn thấy đây đó, cho thấy đoàn rước kiệu hôm đó chỉ tiến vào nhà thờ sau khi cha chủ tế gõ ba lần vào cửa nhà thờ bằng gậy thánh giá dẫn đầu đoàn rước.

Việc lặp lại mẩu đối thoại nơi những câu cuối của Thánh Vịnh 23, cho thấy rõ: chỉ có Thánh Giá Chúa Kitô mới giúp vượt qua được trần gian mà đến được thiên đàng.

Sau khi đã đón rước Con Người bằng những tiếng hoan hô ở bên ngoài, các tín hữu được nghe đọc về Cuộc Khổ Nạn của Chúa khi vào trong nhà thờ. Phải chờ đến lễ Phục Sinh để có thể hiểu rằng Chúa Giêsu không phải là một lãnh tụ chính trị nhưng là Đấng Cứu Độ, Đấng mở ra sự sống và tiêu diệt sự chết.

Ngày 7-12 sắp tới không phải là Chúa nhật Lễ Lá, nhưng là Chúa nhật thứ hai mùa Vọng. Với tư cách giám mục, Đức cha Ulrich sẽ không gõ cửa với cây Thánh giá, nhưng với gậy giám mục của mình. Đây là gậy mục tử nhắc nhớ rằng, ở giữa Giáo hội địa phương của mình, ngài là hình ảnh mục tử, hình ảnh bất toàn của Đấng Chăn Chiên Lành.

Đúng vậy, theo Phúc âm thánh Gioan, Chúa Giêsu cho thấy Ngài chính là vị mục tử hy sinh mạng sống để mở ra cánh cửa của cõi sống vĩnh hằng:

“Người đi qua cửa chuồng chiên mà vào, đó chính là vị mục tử, người chủ chiên. […] Quả thật, Ta nói với các ngươi, Ta chính là cửa chuồng chiên. Ai qua Ta mà vào, người đó sẽ được cứu thoát; người đó có thể đi vào; người đó có thể đi ra và tìm thấy đồng cỏ xanh tươi. […] Chính Ta là mục tử tốt lành, là người chăn chiên đích thật, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho đàn chiên” (xem Gioan 10).

Ý nghĩa của một động tác

Động tác có vẻ rất bình thường đó của vị Tổng Giám mục nói lên tòan bộ ý nghĩa của nó: khi đi qua cửa, theo Đấng Kitô và nghe lời của Ngài, được truyền tải nhờ Hội Thánh và trong các thánh đường, mọi người được mời gọi đến với “sự sống phong phú”.

Không có gì là hoàn toàn ngẫu nhiên, những lời này của Chúa Giêsu đã được phán ra ngay trước Đền Thánh, vào ngày trước lễ Cung hiến Đền thờ, nghĩa là khi dân tiến về Giêrusalem để ăn mừng ngày xây dựng tòa nhà – nơi ngự trị Vinh Quang Thiên Chúa. Đây cũng giống như Nhà thờ chính tòa Đức Bà, nơi bàn thờ sẽ được cung hiến vào ngày hôm sau, ngày 8 tháng 12, trong thánh lễ tạ ơn.

Nguồn gốc gậy giám mục

Nguồn gốc cây gậy dài, dấu chỉ của các giám mục, một dấu hiệu đặc biệt dành riêng cho các ngài, đến từ đâu?

Gậy giám mục không phải là không gợi nhớ đến cây gậy của mục đồng, dùng để hướng dẫn đàn cừu của mình đi về hướng đồng cỏ: gậy pedum hay gậy chăn cừu, gậy có một đầu uốn cong mà các mục đồng dùng để tóm cổ đàn vật nuôi.

Sự so sánh ở đây không hề tầm thường, vì cây gậy đó chính là nguồn gốc của gậy giám mục, kể từ lúc Chúa trao cây gậy cho ông Môisen để hướng dẫn dân của ông đi về Đất Hứa.

Mặt khác, trong nhiều nền văn hóa cổ, gậy chăn chiên được liên kết hoàn toàn với quyền năng siêu nhiên: đối với người Étrusques (thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ nhất trước Chúa Giáng Sinh), nó là biểu hiện cho điềm báo trong tín ngưỡng ngoại giáo. Khi ấy, cây gậy trở thành dấu chỉ của người dẫn đường hay người lãnh đạo, rồi trở thành cây gậy hợp xướng của ca trưởng trong các dòng tu, “tổ tiên” của cây đũa của vị chỉ huy dàn nhạc.

Hướng dẫn dân Chúa và đưa người lạc lối trở về với Chúa

Chỉ đến thế kỷ thứ 5 (sau Chúa Giáng Sinh), các vị giám mục mới sở hữu nó, trước khi trở thành một vật phẩm không thể thiếu của sứ vụ giám mục, cùng với nhẫn giám mục, mũ mitra và thánh giá trên ngực.

Gậy giám mục cũng biểu hiện quyền tài phán của các tu viện trưởng trên các tu viện của các ngài và lãnh thổ bao quanh.

Nếu nó có thể gợi nhớ đến vương trượng, thì nguồn gốc của nó có ý nghĩa khiêm tốn hơn: đây chỉ là gậy mục tử dùng để hướng dẫn đoàn chiên. Do đó, trong lễ phong chức giám mục, vị giám mục nhận gậy mục tử cùng với lời này: “Hãy nhận gậy mục tử, dấu chỉ sứ vụ của cha: hãy chăm sóc toàn thể đoàn chiên của Chúa, nơi đó Chúa Thánh Thần đã tấn phong cha như giám mục để cai quản Hội Thánh của Chúa”.

Như vậy, vị giám mục chỉ sử dụng gậy giám mục ở những buổi lễ trong khuôn khổ giáo phận của ngài, nhằm nhắc lại mối dây gắn kết ngài, vị chủ chăn với đoàn chiên đã được trao phó cho ngài cai quản: nếu nhiều vị giám mục cùng dâng một thánh lễ, thì chỉ có giám mục chủ sự mới được cầm gậy.

Trong nghi thức byzantin, hình dáng của cây gậy giám mục không hoàn toàn giống như vậy, vì gậy ấy có đầu trên là hai con rắn đối diện nhau, ngăn cách bởi một thập giá để tượng trưng cho đức tính mạnh mẽ và khôn ngoan, cũng như những con rắn bị Môisen làm cho bẽ mặt.

Gậy của Đức Giáo hoàng thì lại có hình thánh giá. Hai phần của nó cũng nhắc đến nhiệm vụ biểu tượng của gậy:

– phần gậy biểu hiện sứ vụ cai quản giáo hội của một vị có bổn phận dẫn đưa các tín hữu đến ơn cứu độ,

– phần uốn cong tượng trưng cho nghĩa vụ đem những những tội nhân và những ai lầm đường lạc lối trở về cùng Chúa, như người mục tử tìm lại con chiên mà không làm nó bị thương.

Cây gậy ở đây, nhắc nhớ Thánh Vịnh 22 cách chính xác:

“Chúa là mục tử tôi: tôi không còn thiếu chi. […] Dù đi qua vực sâu tử thần, tôi cũng không sợ hãi gì, vì Chúa ở cùng tôi: cây gậy của Ngài dẫn tôi đi, khiến tôi an lòng”.

Chuyển ngữ: Lê Hưng
Chuyển ngữ từ: fr.aleteia.org
Nguồn: tgpsaigon.net

Related Articles

Back to top button