ĐẠI LỘ MỚI
CẢI CÁCH GIÁO DỤC
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
Dẫn nhập
Kinh nghiệm lịch sử, hai cải cách đầu tiên, cần làm ngay, trong thời đại hòa bình và phát triển thịnh vượng. Đó là cải cách lãnh đạo và giáo dục. Trước đây tôi đã chia sẻ về cải cách lãnh đạo. Hôm nay tôi xin chia sẻ về giáo dục. Với những nội dung chính: Giáo dục trong Phúc Âm, tuyên ngôn giáo dục của Công đồng Vat. II, văn hóa và hội nhập giáo dục. Sau đó, Quí tôn giáo và Giáo hội chúng ta, có thể đóng góp gì trong lãnh vực này, thời hậu hiện đại với tầm nhìn “Hoàn vũ và Giáo dục là một ơn gọi”. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ: Đại lộ mới- ơn gọi Giáo dục.
Nhận thức
Theo nguyên ngữ Latin “Ex-Ducere”, có nghĩa là “dẫn ra ngoài” hoặc “dắt ra”. Cũng có thể có hiểu là “Khai phóng” tiềm năng. Là mở ra, truy tìm các tài năng sẵn có trong con người. Trong mỗi con người đều có rất nhiều tài năng, như kim cương thô dưới lòng đất. Ngày nay, có khoa truy tìm mãnh lực, làm cho chúng xuất hiện, rồi trui luyện, mài dũa với niềm tin, xác tín, đến độ trở thành “mãnh lực-đạt đích”. Ví dụ, trong việc Giáo dục “đức tin-cá vị” thời nay. Thiên Chúa đã gieo hạt giống đức tin vào sâu thẳm tâm hồn mỗi con người từ thuở đời đời. Đây là tiềm năng mà Thiên Chúa đã ban tặng, cần được khai mở và phát triển. Để hạt giống đức tin nảy mầm, cần có một thửa đất tốt, đó là lòng biết ơn và lòng hiếu thảo. Giáo dục đức tin là giúp người học ý thức về lòng biết ơn và hiếu thảo, tạo nền móng để đức tin phát triển vững chắc. Lòng biết ơn Thiên Chúa và hiếu thảo với cha mẹ, tổ tiên, con người và môi trường là nền tảng để đức tin – cá vị bén rễ, trưởng thành và sinh hoa trái.
Giáo dục không chỉ là nhồi nhét kiến thức vào đầu người học, mà là khai mở và khơi dậy tiềm năng có sẵn bên trong. Điều này đặt trọng tâm vào việc giúp người học tự khám phá và phát triển bản thân, thay vì chỉ truyền đạt kiến thức một chiều. Giáo dục phải là quá trình dẫn dắt từ sự thiếu hiểu biết đến sự sáng suốt, từ sự non nớt đến trưởng thành. Người dạy đóng vai trò như người đồng hành, hỗ trợ, truyền cảm hứng, hơn là người điều khiển hoặc áp đặt. Giáo dục theo tinh thần “Ex-Ducere” khuyến khích người học chủ động tìm tòi, học hỏi, phản biện, chứ không chỉ thụ động tiếp nhận. Điều này tạo nên những cá nhân tự lập, có khả năng tự học, tự suy nghĩ, tự quyết định. Không chỉ học lý thuyết suông, mà còn phải biết ứng dụng kiến thức vào cuộc sống. Giáo dục phải giúp người học nhìn thấy mối liên hệ giữa tri thức và thực tiễn xã hội, từ đó làm cho tri thức trở nên trí thức, sống động và hữu ích. Giáo dục không chỉ là việc truyền đạt tri thức, mà còn là một hành trình giúp con người phát triển toàn diện, về cả thể chất, trí tuệ, và tâm hồn. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sứ điệp giáo dục của Phúc Âm, tuyên ngôn giáo dục của Công đồng Vat., và đặc biệt, cái nhìn về giáo dục trong bối cảnh văn hóa Việt Nam.
Sứ điệp giáo dục của Phúc Âm
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu là người thầy vĩ đại, Ngài không chỉ dạy dỗ và truyền bá những giá trị cao đẹp của Thiên Chúa, mà còn chỉ cho chúng ta con đường về Nước Trời. Những lời dạy của Ngài không chỉ đơn giản là tri thức mà còn là hướng dẫn con người sống một đời sống thánh thiện, yêu thương và phục vụ. Chúa Giêsu không chỉ dạy lý thuyết, Ngài còn dạy qua hành động, qua cách sống của Ngài. Lời nói và việc làm của Ngài là một bài học sống động cho mỗi tín hữu. Như giáo dục về “Lãnh đạo – phục vụ”: “Ai muốn làm người lớn, thì phải làm người rốt hết và phục vụ mọi người”[1]. Đây chính là một giáo lý giáo dục về sự khiêm nhường và phục vụ trong cộng đồng. Và Người đã hứa sai Thánh Thần, Thầy dạy duy nhất, và là Đấng nhắc nhở chúng ta về những điều Chúa Giêsu đã dạy.
Tuyên ngôn giáo dục Kitô giáo[2]
Tuyên ngôn Giáo dục Kitô giáo nhấn mạnh giáo dục là quyền cơ bản của mọi người, giúp phát triển toàn diện nhân vị và chuẩn bị con người cho trách nhiệm trong xã hội và Giáo hội. Giáo dục Kitô giáo nhằm giúp tín hữu trưởng thành trong đức tin và sống theo Tin Mừng. Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của con cái, có trách nhiệm nuôi dạy đức tin trong gia đình, đồng thời hợp tác với các cơ sở giáo dục Công giáo. Giáo hội có quyền và bổn phận giáo dục, thiết lập các trường học từ tiểu học đến đại học, đào tạo toàn diện về nhân bản, đạo đức, tri thức và đức tin. Giáo dục Kitô giáo cần liên kết chặt chẽ giữa gia đình, giáo xứ và trường học, đối thoại với văn hóa hiện đại mà không đánh mất căn tính Kitô giáo. Các trường Công giáo phải đảm bảo chất lượng học thuật và đời sống đức tin, đào tạo những công dân có trách nhiệm và Kitô hữu dấn thân, đặc biệt chú trọng đào tạo các nhà lãnh đạo phục vụ Giáo hội và xã hội. Giáo dục Kitô giáo góp phần xây dựng xã hội công bằng, yêu thương, hiệp nhất theo tinh thần Phúc Âm, thúc đẩy giáo dân tham gia vào các hoạt động giáo dục và cộng đồng. Mục tiêu là tạo môi trường giáo dục lành mạnh, nơi mọi người cảm nhận sự hiện diện của Chúa, sống tình huynh đệ và thực hành các giá trị Kitô giáo trong đời sống. Những điểm nhấn: Nhân bản và Đức tin, phát triển nhân cách Kitô hữu, giúp học viên trưởng thành cả về tri thức lẫn tâm linh, hỗ trợ gia đình trong việc nuôi dạy đức tin và giá trị Kitô giáo, phát triển con người toàn diện: đạo đức, tâm linh, tri thức, xã hội. Liên kết chặt chẽ giữa giáo dục trong gia đình, giáo xứ và trường học. Đối thoại với văn hóa đương đại, khoa học kỹ thuật nhưng không đánh mất căn tính Kitô giáo. Các cơ sở giáo dục Công giáo cần chú trọng đào tạo các nhà lãnh đạo phục vụ Giáo hội và xã hội. Giáo dục Kitô giáo phải xây dựng tinh thần hiệp thông và hiệp hành, chuẩn bị cho các tín hữu biết sống tình huynh đệ trong cộng đoàn. Trong xã hội hiện đại, giáo dân có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục. Giáo hội không chỉ dạy giáo lý trong các buổi học, mà còn giúp đỡ mỗi tín hữu phát triển trong mối quan hệ với Thiên Chúa, với bản thân và với cộng đồng. Giáo hội luôn khuyến khích giáo dân tham gia vào các hoạt động giáo dục như học hỏi Kinh Thánh, tham gia các chương trình đào tạo về đức tin, và đặc biệt là các hoạt động thiện nguyện. Qua đó, giáo dân không chỉ học hỏi mà còn thực hành những giá trị Kitô giáo trong cuộc sống hằng ngày. Trong cộng đồng, mỗi người không chỉ học hỏi lý thuyết mà còn là những mẫu gương về tình yêu thương, sự tha thứ và phục vụ. Chúng ta cần tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, nơi mà mỗi người cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và được nuôi dưỡng trong tình yêu thương và sự tha thứ.
Văn hóa
Liên Hiệp Quốc: Học để biết (Learning to know): Nhấn mạnh việc tích lũy kiến thức và phát triển khả năng tư duy. Giúp con người hiểu biết thế giới, khám phá và phát triển trí tuệ. Đòi hỏi học sinh, sinh viên phải tự học, tư duy phê phán và tìm kiếm tri thức mới. Học để làm (Learning to do): Tập trung vào việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển các kỹ năng nghề nghiệp và khả năng thích ứng với thay đổi. Khuyến khích khả năng hợp tác, làm việc nhóm và sáng tạo trong lao động. Học để chung sống (Learning to live together): Nhấn mạnh việc xây dựng mối quan hệ hài hòa. Đào tạo con người biết thấu hiểu, chia sẻ và làm việc chung trong một thế giới đa dạng văn hóa. Giúp phát triển kỹ năng giao tiếp, giải quyết xung đột và xây dựng cộng đồng bền vững. Học để làm người (Learning to be): Nhấn mạnh việc phát triển cá nhân toàn diện và toàn thể: thể chất: mạnh mẽ; tinh thần: trí tuệ, khôn ngoan, minh mẫn; tâm hồn: cảm xúc, thẩm mỹ. Giúp con người khám phá bản thân, phát triển nhân cách, và hoàn thiện đạo đức. Định hướng xây dựng nhân cách mạnh mẽ, có khả năng tự chủ và biết chịu trách nhiệm với chính mình và cộng đồng.
Giáo dục Việt Nam
Giáo dục luôn được coi là một giá trị trọng yếu. Truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam đã có từ rất lâu đời. Văn hóa Việt Nam coi trọng giáo dục truyền thống, không chỉ trong gia đình mà còn trong cộng đồng. Gia đình là nơi truyền bá những giá trị đầu tiên. Bố mẹ dạy con cái không chỉ về học hành, mà còn về đạo đức và nhân cách. Cha mẹ là những người thầy đầu tiên, dạy con cái biết yêu thương, tôn trọng người khác và sống có trách nhiệm. Cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, với những truyền thống lễ hội, hoạt động văn hóa và tín ngưỡng. Đây là nơi con người học cách sống hòa thuận và gắn kết với nhau. Văn hóa Việt Nam chú trọng đến những giá trị gia đình, tình làng nghĩa xóm. Giáo dục không chỉ là về kiến thức mà còn là sự rèn luyện về nhân cách và phẩm hạnh.
Hội nhập văn hóa về giáo dục
Ở Hoa Kỳ, có cả hàng 100 viện nghiên cứu về Việt Nam. Họ hiểu con người VN hơn cả mình hiểu về Dân tộc mình. Câu chuyện: Viện Dân tộc học VN gặp viện Dân tộc học Hoa Kỳ, 1995. Họ cho biết 2 đặc trưng của Dân tộc VN: “Thông minh” và “Chịu đựng gian khổ giỏi”. Nhưng huy chương bao giờ cũng có mặt: phải và trái. Mặt phải: Thông minh; mặt trái: thường hay linh lợi, linh hoạt, khôn lỏi, len lỏi (sông nước). Mặt phải “chịu đựng gian khổ giỏi; mặt trái: “sớm thỏa mãn”. Thích nghỉ hưu sớm. Mất ý thức “Cây cao bóng cả”; ”Một mẹ già bằng ba hàng dậu”.
Vào sáng ngày 31/3/2025, diễn ra cuộc gặp mặt trực tiếp giữa đại diện 21 trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ và 30 trường đại học lớn Việt Nam trong khuôn khổ chương trình trao đổi Học thuật Quốc tế (IAPP). Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Marc E. Knapper, cùng đại diện các trường đại học Hoa Kỳ đánh giá cao chiến lược phát triển giáo dục của Việt Nam và bày tỏ sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước. Đã có 10 thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục và tập đoàn giáo dục của Việt Nam và Hoa Kỳ. Những hoạt động này thể hiện cam kết mạnh mẽ của cả hai quốc gia trong việc thúc đẩy hợp tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu, đặc biệt trong các lĩnh vực mới và tiềm năng như không gian ngầm, nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đóng góp vào sự phát triển bền vững của cả hai nước. Như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật cao, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học và nông nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn và doanh nghiệp hai bên. Đa dạng hóa hợp tác: Mở rộng trao đổi sinh viên, giảng viên, liên kết đào tạo và nghiên cứu chung giữa các trường. Đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao: Đặc biệt nhấn mạnh phát triển các ngành liên quan đến không gian – bao gồm không gian biển, không gian vũ trụ và đặc biệt là “không gian ngầm”, một lĩnh vực hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu và ứng dụng. Chú trọng hai phương tiện hỗ trợ việc toàn dân tự học: máy tính lượng tử và AI. Đề xuất mở rộng các chương trình học bổng và ưu đãi về học phí nhằm thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành công nghệ tiên tiến. Thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược: Góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu. Những nội dung này đã khẳng định cam kết của cả hai bên trong việc phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng giáo dục, hướng tới sự phát triển bền vững của cả hai quốc gia.
Minh họa
Có một số quốc gia đã áp dụng thành công các mô hình giáo dục hiệu quả, mang lại những kết quả tích cực. Một số quốc gia như Phần Lan, Singapore, Nhật Bản có hệ thống giáo dục rất tiên tiến, không chỉ tập trung vào việc giảng dạy lý thuyết mà còn chú trọng đến sự phát triển toàn diện của con người, từ phẩm hạnh, khả năng xã hội, đến tình yêu thương và cộng đồng. Phần Lan: Giáo dục ở Phần Lan chú trọng đến việc tạo môi trường học tập thân thiện và sáng tạo, giúp học sinh phát triển khả năng tư duy độc lập và kỹ năng sống. Singapore: Singapore có hệ thống giáo dục phát triển mạnh mẽ với phương pháp giảng dạy tiên tiến, giúp học sinh không chỉ học kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng sống và làm việc nhóm. Nhất là đào luyện người lãnh đạo từ ghế nhà trường. Phát hiện con người học sinh có tố chất lãnh đạo. Tuyển chọn vào trường chuyên lãnh đạo. Học tập rèn luyện toàn diện và cử xuống thực tập lãnh đạo từ cơ sở, địa phương. Nhật Bản: Giáo dục ở Nhật Bản coi trọng kỷ luật và tinh thần làm việc nhóm, và họ đặc biệt chú trọng đến việc giảng dạy đạo đức và nhân cách từ những năm đầu.
Áp dụng
Tư duy. Tầm nhìn hoàn vũ, ếch ngồi miệng giếng. Nhìn trời bằng trời, nên đạo đức và trí thức đương nhiên mở rộng và phát triển. Tâm trí khoáng đạt, có sức thu hút, mời gọi những nước có khả năng đến trợ giúp. Trọng tình: “Có trước có sau”. Không bao giờ kể công, nổi hứng đòi lại những gì đã cho. “Hoàng Thiên hữu nhãn” Trời có mắt, Người sẽ trả lại gấp nhiều lần cho những con người như vậy. Sống và phổ biến triết lý “Tâm linh và khoa học” bổ sung cho Tây phương, xây dựng toàn cầu là một và mọi người là anh em.
Tổ chức. “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Truyền thống và hiện đại. Cân bằng hài hòa, đôi bên đều có lợi. Chỉ số lợi nhuận: 8,7,6. Lấy 6, sẽ qui tụ thương nhân ồ ạt làm ăn với mình. Nhiều dòng sông chảy về một dòng sông, sẽ trở nên trù phú, thịnh vượng rất nhanh. Soạn thảo và ký kết theo luật pháp quốc tế. Sử dụng AI truy quét chính trị, kinh tế, sao kê ngân hàng minh bạch công khai.
Ứng xử. Phát huy uy tín. Ký thì giữ. Thiệt hại cũng không phàn nàn, kỳ kèo. Loại trừ tham lam: “Ghen ăn tức ở”; “trâu buộc ghét trâu ăn”; “không được ăn thì đạp đổ”. Khi thấy người ta được ăn thì muốn: Phá vỡ hợp đồng. Chỉ khi nào đụng tới nền “Độc lập chủ quyền Dân Tộc, gia đình” mới thương lượng lại, chịu thiệt, đền bù.
Kết luận
Giáo dục là một ơn gọi làm người và có sứ mạng quan trọng trong đời sống Kitô hữu và trong mỗi cộng đồng. Chúng ta không chỉ học kiến thức mà còn phải học cách sống đức tin, yêu thương và phục vụ cộng đồng xung quanh. Trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, chúng ta cần tôn vinh và phát huy truyền thống hiếu học, đồng thời chú trọng giáo dục về đạo đức và nhân cách. Đặc biệt hội nhập văn hóa về giáo dục như đã đề cập trên. Chúa Thánh Thần là Thầy dạy duy nhất, sẽ giúp chúng ta luôn biết trân trọng và phát huy giá trị của giáo dục trong đời sống, giúp chúng ta trở thành những con người không chỉ có tri thức, trí thức mà còn có đức hạnh và tình yêu thương trong cuộc sống hằng ngày. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
Truyền thông TGP/SG và HVCG/VN tháng Tư 2025
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
[1] Mc 9,35
[2] Gravissimum Educationis, 1965 của Công đồng Vat. II