Lưu trữPhanxicô

Thư của Đức Thánh Cha về việc làm mới lại việc nghiên cứu lịch sử Giáo hội

Thư của Đức Thánh Cha về việc làm mới lại việc nghiên cứu lịch sử Giáo hội

Nov 25 2024

933

Anh chị em thân mến, Qua bức thư này, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một số suy nghĩ về tầm quan trọng của việc nghiên cứu lịch sử của Giáo hội, đặc biệt là để giúp các linh mục giải thích thực tại của xã hội một cách chính xác hơn.

Đây là một vấn đề mà tôi mong được lưu tâm trong việc đào tạo các tân linh mục cũng như các tác nhân mục vụ khác.

Tôi biết rằng trong quá trình đào tạo các ứng viên linh mục cần phải chú trọng đến việc nghiên cứu lịch sử của Giáo hội. Tuy nhiên, điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là cách mời gọi phát huy một cảm thức về lịch sử đích thực nơi các sinh viên thần học trẻQua lối diễn đạt này, tôi không chỉ muốn đề cập đến một sự hiểu biết sâu sắc và chính xác về những sự kiện quan trọng nhất trong hai mươi thế kỷ đã qua của Kitô giáo, mà quan trọng hơn hết tôi muốn nói đến là mối liên hệ đã được hình thành giữa lịch sử Kitô giáo và lịch sử đặc thù của con người.Không ai có thể biết mình là ai và dự định sẽ ra sao trong tương lai nếu không hun đúc, nuôi dưỡng tình liên đới giữa mình với các thế hệ đi trước. Và điều này không chỉ áp dụng cho từng người riêng biệt mà còn áp dụng chung cho các cộng đồng. Thật vậy, việc nghiên cứu và thuật lại lịch sử giúp duy trì “ngọn lửa ý thức về tập thể” (1), nếu không thì tất cả những gì còn lại chỉ là ký ức riêng tư về những sự kiện liên quan đến lợi ích hay cảm xúc cá nhân, mà không có mối liên hệ đích thực nào với cộng đồng nhân loại và Giáo hội, nơi mà chúng ta đang sống.

Sự cảm nhận đúng đắn về lịch sử giúp mỗi người chúng ta có ý thức về sự cân đối, về chừng mực và có khả năng hiểu rõ thực tại theo đúng nghĩa của nó, mà không bị chi phối bởi những khái niệm trừu tượng nguy hiểm và quái gở, cũng như không biến chế thực tại theo trí tưởng tượng hay theo những mong muốn của mình. Như vậy, chúng ta có thể xây dựng được mối quan hệ giữa mình và thực tại, một mối quan hệ đòi hỏi trách nhiệm về mặt đạo đức, sự san sẻ và tình đoàn kết.

Theo truyền khẩu mà tôi không thể xác nhận qua các tài liệu lưu lại, một thần học gia nổi tiếng người Pháp đã nói với các học trò của mình rằng nghiên cứu lịch sử giúp chúng ta thoát khỏi “Thuyết nhất tính về Giáo hội” (monophysisme ecclésiologique), một quan niệm quá lý tưởng về Giáo hội, một Giáo hội không thực tế vì không có những vết nhơ và “nếp nhăn”. Và chúng ta phải yêu mến Giáo Hội như yêu thương một người mẹ, yêu mến Giáo hội như chính Giáo hội là, bằng không thì chúng ta không yêu mến Giáo hội chút nào, hoặc chỉ yêu một bóng ma theo trí tưởng tượng của chúng ta mà thôi. Lịch sử của Giáo hội giúp chúng ta nhận ra sự hiện hữu của một Giáo hội chân thực, để có thể yêu mến Giáo hội, một Giáo hội đã từng rút kinh nghiệm và vẫn tiếp tục cải thiện từ những sai lầm và vấp ngã của mình. Ý thức về những điều này, ngay cả trong những thời khắc tăm tối, Giáo hội đã vững mạnh vượt qua những khó khăn và có khả năng thấu hiểu được những vết nhơ và những vết thương của thế giới nơi mình đang sống, và nếu Giáo hội muốn chữa lành và giúp thế giới trưởng thành, Giáo hội sẽ thực hành điều đó theo phương cách mà Giáo hội đã nỗ lực tự chữa lành mình và giúp chính mình trưởng thành, mặc dù nhiều lần Giáo hội đã thất bại.

Đây là một cách để điều chỉnh lại cách tiếp cận khủng khiếp, khiến chúng ta chỉ hiểu thực tại qua lăng kính bảo vệ một cách tự mãn chức năng hoặc vai trò của mình. Như tôi đã nhấn mạnh trong thông điệp Fratelli Tutti, chính cách tiếp cận này đã khiến người ta xem người bị thương trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu chỉ như một sự phiền toái, vì người ấy chỉ đơn thuần là một sự bất thường, một cá nhân không có chỗ đứng cụ thể nào. (2)

Việc đào tạo các ứng viên linh mục trong cách nhận thức về lịch sử rõ ràng là một nhu cầu thiết yếu. Trong đời sống hiện tại, khi mà “lịch sử không còn có ý nghĩa như trước đây nữa thì công việc đào tạo này càng cần thiết hơn. Chỉ cần quan sát kỹ qua văn hoá hiện tại, chúng ta có thể thấy sự xâm nhập của ‘chủ nghĩa giải cấu trúc’ (déconstructionnisme), một chủ nghĩa mà theo đó con người tự cho mình có thể xây dựng mọi sự từ con số không. Chủ nghĩa này chỉ đề cao nhu cầu tiêu thụ vô hạn và lợi ích cá nhân một cách vô nghĩa dưới mọi hình thức”. (3)

 

Tầm quan trọng của việc nối kết chúng ta với lịch sử

 

Nói chung, ngày nay tất cả chúng ta – không chỉ riêng các ứng viên linh mục – đều cần phải canh tân nhận thức về lịch sử của mình. Trong bối cảnh này, tôi đã khuyên các bạn trẻ rằng: “Nếu có một người đề nghị với các bạn là đừng quan tâm đến lịch sử, đừng học hỏi kinh nghiệm của những người lớn tuổi, coi thường quá khứ và chỉ nhìn về tương lai, các bạn có nghĩ rằng đây là một cách thật dễ dàng để họ lôi kéo các bạn đi theo xu hướng của họ với mục đích là các bạn sẽ bị mắc bẫy và làm những gì họ yêu cầu không? Người này muốn các bạn trở thành một người vô vị, mất gốc, hoài nghi tất cả mọi thứ, để các bạn chỉ tin tưởng vào những lời hứa hẹn của họ và áp dụng các kế hoạch mà họ đề ra. Đó chính là cách mà các ý thức hệ mang nhiều màu sắc khác nhau hoạt động, phá hủy (hoặc gỡ bỏ) mọi thứ khác biệt và từ đó có thể thống trị mà không gặp phải sự phản đối nào. Vì thế, họ cần những người trẻ xem thường lịch sử, từ chối sự phong phú về tinh thần và nhân văn đã được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác, và phớt lờ tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ”. (4)

Để hiểu thực tại, cần phải đặt nó trong tính lịch đại (diachronie), trong khi xu hướng phổ biến hiện nay là nhìn nhận các hiện tượng một cách phẳng lặng trong tính đồng đại (synchronie): nói cách khác, một kiểu hiện tại không có quá khứ. Tránh né lịch sử một cách mù quáng như vậy khiến chúng ta tiêu tốn năng lượng và công sức cho một thế giới ảo tưởng, tạo ra những vấn đề giả tạo và hướng chúng ta tới những giải pháp không phù hợp. Nhận thức về lịch sử theo phương thức này có thể lợi ích cho một nhóm nhỏ nào đó, nhưng chắc chắn không phù hợp cho toàn thể nhân loại và cho cộng đồng Kitô giáo.

Vì vậy, trong một thời đại mà con người có xu hướng tìm cách làm giảm đi tầm quan trọng của ký ức hoặc xây dựng một ký ức phù hợp với những nhu cầu của các ý thức hệ đang khuynh đảo xã hội, thì nhu cầu về nhận thức lịch sử ngày càng trở nên cấp bách. Đối với việc xóa bỏ quá khứ và lịch sử, hoặc đối với những câu chuyện “thiên lệch” về lịch sử, công việc của các nhà sử học cũng như sự hiểu biết và việc phổ biến rộng rãi các kết quả nghiên cứu của họ có thể tạo nên một hàng rào chống lại những xuyên tạc, những cải biên lịch sử với mục đích là biện minh cho các cuộc chiến tranh, bách hại, việc sản xuất và buôn bán cũng như tiêu tiêu thụ các loại vũ khí và nhiều tệ nạn khác.

Ngày nay, trong xã hội cũng như ngay cả trong các cộng đồng Kitô giáo, chúng ta chứng kiến đầy rẫy những ký ức, thường là giả tạo, nhân tạo và thậm chí là dối trá, đồng thời lại thiếu tính cách lịch sử và ý thức lịch sử. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi chúng ta nghĩ đến những câu chuyện được chế tạo một cách tinh vi và bí mật nhằm xây dựng những ký ức với một mục đích riêng (ad hoc), những ký ức mang tính đồng nhất và mang tính loại trừ. Vai trò của các nhà sử học và sự hiểu biết về kết quả công trình của họ hiện nay rất quan trọng và có thể là một trong những phương thuốc để đối phó với chế độ thù hận nguy hiểm này, một chế độ dựa trên sự thiếu hiểu biết và những định kiến.

Đồng thời, chính việc hiểu biết sâu sắc và truyền đạt về lịch sử cho thấy rằng chúng ta không thể chỉ nhìn vào quá khứ với một lối giải thích vội vã mà không nghĩ đến những hậu quả của lối giải thích như vậy. Thực tại, dù là quá khứ hay hiện tại, luôn là một hiện tượng phức tạp không thể bị giảm thiểu trong cách đơn giản hóa một cách ngây ngô và nguy hiểm. Càng không thể là chấp nhận được đối với những toan tính của những người tự cho mình là những thần linh hoàn hảo và toàn năng, muốn xóa bỏ một phần lịch sử và nhân loại. Đành rằng trong lịch sử nhân loại có những thời khắc khủng khiếp và những con người xấu xa tồi tệ, nhưng nếu việc đánh giá chỉ dựa trên những phương tiện truyền thông, qua các trang mạng xã hội, hoặc chỉ vì lợi ích chính trị thì chúng ta rất dễ giận dữ hoặc có những cảm xúc phi lý. Cuối cùng, như người ta thường nói, “những gì nằm ngoài bối cảnh chỉ là cái cớ mà thôi”. Trong bối cảnh này, việc nghiên cứu lịch sử sẽ giúp chúng ta rất nhiều vì các nhà sử học có thể đóng góp vào việc hiểu biết về sự phức tạp này nhờ vào phương pháp nghiêm ngặt trong việc giải thích quá khứ của họ. Một sự hiểu biết mà nếu thiếu nó, việc biến đổi thế giới hiện tại vượt ra khỏi những sai lệch ý thức hệ sẽ khó thực hiện được. (5)

 

Ký ức về sự thật toàn vẹn

 

Chúng ta hãy nhớ lại gia phả của Chúa Giêsu, được thánh Matthêu kể lại. Các sự kiện được ghi lại đầy đủ, không bị xóa bỏ, thêm bớt hay bịa đặt. Gia phả của Chúa Giêsu được tạo thành từ một câu chuyện có thật, trong đó có những người có lắm vấn đề đã được đề cập tới, cũng như tội lỗi của vua Đavid cũng đã được nhấn mạnh (x. Mt 1, 6). Tuy nhiên, tất cả đều kết thúc và thăng hoa trong Đức Maria và trong Chúa Kitô (x. Mt 1, 16).

Nếu điều này đã xảy ra trong Lịch sử Cứu độ thì điều này cũng đã xảy ra trong lịch sử của Giáo hội : “Thực vậy, sau những khởi đầu tốt đẹp, Giáo hội […] có lúc cũng phải đau đớn chấp nhận tình trạng thụt lùi, hoặc ít là đã bị rơi vào tình trạng thiếu sót, không toàn hảo” (6). Và “trong suốt lịch sử lâu dài của mình, Giáo hội nhận thức trong số các con cái của Giáo hội, có những người đã tỏ ra bất trung với Thánh Thần của Thiên Chúa. Ngày nay cũng vậy, Giáo hội luôn ý thức về khoảng cách giữa sứ điệp mà Giáo hội công bố và sự yếu đuối phận người của những người được giao phó Tin Mừng. Dù lịch sử có đánh giá thế nào đi chăng nữa về những sai lầm đó, thì chúng ta vẫn phải ý thức về điều này, và chúng ta chiến đấu một cách kiên cường để những sai lầm đó không làm tổn hại đến công cuộc loan báo Tin Mừng. Cũng vậy, Giáo hội hiểu rất rõ rằng mình phải liên tục trưởng thành, học hỏi từ kinh nghiệm của các thế hệ đã qua, trong cách thức thiết lập mối quan hệ với thế giới” (7).

Nghiên cứu lịch sử một cách chân thật và dũng cảm giúp Giáo hội hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa Giáo hội với các dân tộc khác; nỗ lực này phải góp phần vào việc làm sáng tỏ cũng như giải thích những thời điểm khó khăn và mơ hồ trong lịch sử của các dân tộc đó. Chúng ta không được mời gọi quên đi, vì “chúng ta không thể để các thế hệ hiện tại và tương lai quên đi những gì đã xảy ra, ký ức đó là sự bảo đảm và là động lực để xây dựng một tương lai công bằng và huynh đệ hơn” (8). Vì lẽ đó, tôi nhấn mạnh rằng “Nạn tàn sát người Do Thái do Đức quốc xã gây ra (Shoah) không thể quên đi. […] Không thể quên đi những cuộc đánh bom hạt nhân vào Hiroshima và Nagasaki. […] Cũng không thể quên đi những cuộc bách hại, buôn bán nô lệ và các cuộc thảm sát sắc tộc đã và đang xảy ra tại nhiều quốc gia, và nhiều sự kiện lịch sử khác khiến chúng ta thấy xấu hổ khi mình là con người. Chúng ta phải luôn ghi nhớ, luôn nhắc lại, không mệt mỏi và không bị mê hoặc. […] Ngày nay con người rất dễ bị cám dỗ quay lưng với quá khứ và thường nói rằng mọi chuyện đã chìm vào quá khứ từ lâu và thời điểm hiện tại là lúc cần phải nhìn về phía trước. Vì tình yêu đối với Thiên Chúa, chúng ta không thể làm như vậy được! Không có ký ức thì không thể tiến bước, không có một ký ức trọn vẹn và sáng suốt thì không thể trưởng thành. […] Tôi không hàm chỉ đến ký ức về những điều xấu xa tồi tệ, nhưng là ký ức của những con người, mà ngay trong một bối cảnh độc hại và mục nát nhất, vẫn có thể tìm lại được phẩm giá, và với những hành động dù nhỏ hay lớn mà họ đã làm, họ đã chọn lựa sự đoàn kết, sự tha thứ và tình huynh đệ. Thật xứng đáng khi ghi nhớ những điều tốt đẹp […]. Tha thứ không có nghĩa là quên hết.[…] Lắm khi có những điều mà chúng ta không thể nào quên được nhưng chúng ta vẫn có thể tha thứ.” (9)

Việc tìm kiếm sự thật về lịch sử bằng ký ức là điều cần thiết để Giáo hội có thể khởi xướng – và giúp vạch ra cho xã hội – những lối đi chân thật và hiệu quả hầu hướng đến sự hòa giải và hòa bình trong xã hội : “Những ai đã từng trải qua những cuộc đối đầu gay gắt thì cần phải trao đổi với nhau về những gì đã xảy ra một cách chân thật, rõ ràng và đầy đủ. Họ cần học hỏi để có được một ký ức biết hoán cải, một ký ức có khả năng biết chấp nhận quá khứ để giải thoát tương lai của mình ra khỏi những bất mãn, những bối rối và những ảo tưởng. Chỉ từ sự thật lịch sử của các dữ kiện và với sự kiên trì trong một thời gian lâu dài, họ mới có thể nỗ lực để hiểu nhau hơn và để cố gắng đạt được một sự ổn thỏa cân bằng vì lợi ích chung”.(10)

 

Nghiên cứu lịch sử của Giáo hội

 

Bây giờ tôi muốn thêm vài nhận xét nhỏ liên quan đến việc nghiên cứu lịch sử của Giáo hội.

Nhận xét đầu tiên là nguy cơ mà việc nghiên cứu như thế này có thể duy trì một lối tiếp cận thuần túy trình tự thời gian (chronologique), hoặc thậm chí theo hướng hộ giáo sai lầm, giản lược lịch sử của Giáo hội thành một sự hỗ trợ cho lịch sử thần học hoặc linh đạo của các thế kỷ đã qua. Đó sẽ là một cách nghiên cứu và cách giảng dạy lịch sử của Giáo hội không thúc đẩy được cảm thức về lịch sử mà tôi đã đề cập từ đầu.

Nhận xét thứ hai của tôi liên quan đến việc lịch sử của Giáo hội được dạy trên toàn thế giới dường như đang chịu ảnh hưởng của một sự giản lược tổng thể, với sự hiện diện phụ thuộc vào thần học, vốn thường tỏ ra thiếu khả năng thực sự đối thoại với thực tại sống động và hiện sinh của con người trong thời đại của chúng ta. Bởi vì lịch sử của Giáo hội, khi được giảng dạy như là một phần của môn thần học, thì không thể tách rời khỏi lịch sử của các xã hội.

Nhận định thứ ba là, trong việc đào tạo các linh mục tương lai, sự tiếp cận với các nguồn tài liệu cơ bản vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn, rất hiếm khi các sinh viên được đặt trong tình huống đọc những văn bản quan trọng của Kitô giáo thời kỳ đầu như Thư gửi DiognèteSách Didachè, hoặc Hoạt động của các vị tử vì đạo. Khi không biết nguồn gốc các tài liệu, sẽ thiếu các công cụ để đọc các tài liệu này mà không bị ảnh hưởng bởi những bộ lọc ý thức hệ hoặc sự hiểu biết về mặt lý thuyết có sẵn, điều này khiến cho việc tiếp nhận các tài liệu ấy không được sống động và kích thích cho lắm.

Nhận định thứ tư liên quan đến nhu cầu phải “làm lịch sử” Giáo hội (faire de l’histoire) – giống như “làm thần học” (faire de la théologie) – không chỉ với sự nghiêm túc và chính xác, mà còn phải làm với niềm đam mê và với sự tham gia một cách tích cực : với niềm đam mê và với sự tham gia tích cực đó của từng cá nhân và của cộng đồng, khi dấn thân trong công cuộc loan báo Tin Mừng, những người này đã không chọn một vị trí trung lập và vô cảm, vì họ yêu mến Giáo hội và đón nhận Giáo hội như người Mẹ của mình.

Liên quan đến điều vừa được đề cập ở trên, một nhận định khác nói về mối liên hệ giữa lịch sử của Giáo hội và khoa Giáo hội học. Việc nghiên cứu lịch sử mang lại một đóng góp không thể thiếu trong việc xây dựng một khoa Giáo hội học có tính lịch sử và huyền nhiệm. (11)

Nhận định kế chót mà tôi đặc biệt lưu tâm liên quan đến việc xóa bỏ dấu vết của những người không thể cất lên tiếng nói của mình trong nhiều thế kỷ đã qua, điều này khiến việc việc tái tạo một lịch sử trung thực trở nên khó khăn. Và như vậy tôi lại tự thắc mắc : phải chăng đó có phải là một lãnh vực nghiên cứu đặc biệt dành cho các nhà nghiên cứu về lịch sử của Giáo hội? Việc làm sáng tỏ càng nhiều càng tốt gương mặt của những con người thấp cổ bé họng, việc tái dựng lại lịch sử về những thất bại và sự áp bức mà họ phải chịu đựng, cũng như sự phong phú về mặt nhân bản và tâm linh của họ sẽ cung cấp những công cụ để hiểu những hiện tượng, những trường hợp bị gạt ra ngoài lề xã hội và những trường hợp bị loại trừ trong xã hội hôm nay ?

Qua nhận định cuối cùng sau đây, tôi muốn nhắc lại rằng lịch sử của Giáo hội có thể giúp chúng ta tái khám phá toàn bộ kinh nghiệm về việc tử vì đạo, với ý thức chắc chắn rằng lịch sử của Giáo hội gắn liền với việc tử vì đạo, và chúng ta không bao giờ được đánh mất ký ức quý báu này. Ngay cả trong lịch sử đau khổ của mình, “Giáo hội thừa nhận rằng, chính từ những chống đối của kẻ thù và của những kẻ bách hại mình, mà Giáo hội đã rút ra được những lợi ích lớn lao” (12). Chính lúc mà Giáo Hội không dành được chiến thắng dưới con mắt thế gian, thì Giáo hội lại đạt được vẻ đẹp lớn lao nhất của mình.

*

Để kết thúc, tôi muốn nhắc lại là chúng ta đang nói đến việc nghiên cứu học hỏi, chứ không phải là chúng ta đang đề cập đến việc nói nhảm nhí, những cách đọc hời hợt, hoặc những bản sao chép cắt dán từ các tóm tắt trên internet. Ngày nay, nhiều người “thúc đẩy chúng ta chạy theo sự thành công dễ đạt được, làm giảm đi giá trị của sự hy sinh, cấy vào đầu chúng ta ý tưởng rằng việc học chỉ có ích khi nó mang lại điều gì đó cụ thể và ngay lập tức. Không, học tập là để đặt vấn đề, để không để bị tê liệt u mê trong sự tầm thường, mà là để tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống. Chúng ta cần đòi lại quyền không để cho những lời mời gọi của chủ nghĩa tiêu thụ văn hóa làm lệch hướng cuộc tìm kiếm này. […] Đây chính là nhiệm vụ cao cả của anh chị em : đáp trả lại điệp khúc gây tê liệt của chủ nghĩa tiêu thụ văn hóa bằng những chọn lựa năng động và mạnh mẽ, bằng việc nghiên cứu, bằng kiến thức, và bằng sự chia sẻ của anh chị em.” (13)

 

Thân ái,

PHANXICÔ

 

Ban hành tại Roma, gần Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 21 tháng 11, Lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria dâng mình trong Đền Thờ, năm 2024, năm thứ mười hai trong Triều đại Giáo hoàng của tôi.

 

— — —

(1) Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 53, 01/01/2020 (08/12/2019), số 2; L’Osservatore Romano13/12/2019, tr. 8.

(2) x. Thông điệp Fratelli Tutti, số 101.

(3) Ibid., số 13.

(4) Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Christus Vivit (25/03/2019), số 181.

(5) x. Thông điệp Fratelli Tutti, các số 116, 164, 165.

(6) Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 6.

(7) Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 43.

(8) Diễn văn tại Đài tưởng niệm Hòa bình, Hiroshima – Nhật Bản (24/11/2019): L’Osservatore Romano, 25-26/11/2019, tr. 8.

(9) Thông điệp Fratelli Tutti, các số 247, 248, 249, 250.

(10) Thông điệp Fratelli Tutti, số 226.

(11) x. Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, số 1.

(12) Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 44.

(13) Diễn văn tại buổi gặp gỡ với sinh viên và giới học thuật ở Bologna (01/10/2017): AAS 109 (2017), 1115.

Linh mục Giuse Gp. Xuân Lộc, chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp.

Nguồn: https://press.vatican.va

 

Chi tiết bản tiếng Pháp tại :

https://press.vatican.va/content/salastampa/it/bollettino/pubblico/2024/11/21/0911/01826.html#fr

Related Articles

Back to top button