ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
Ngay trước giờ Kinh Truyền Tin, Đức Phanxicô đã gặp gỡ các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ và chủng sinh có mặt tại Corse vào Chúa Nhật, ngày 15/12/2024, tại nhà thờ chính tòa Ajaccio. Ngài mời gọi mỗi người dành thời gian suy ngẫm về sứ mạng của mình với tư cách là “những người cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa”, để duy trì sự gắn kết nội tâm, điều cần thiết cho việc loan báo Tin Mừng.
Trong mười giờ ở đảo Corse, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chia sẻ một thời gian với hàng giáo sĩ địa phương. Các giám mục từ khắp nước Pháp, cũng như từ Sardaigne và Sicile, các linh mục, phó tế, tu sĩ và chủng sinh đã tập trung tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời, ở trung tâm Ajaccio, để gặp Đức Phanxicô.
Sự nghèo khó của Giáo hội, một phúc lành
Đức Thánh Cha bắt đầu bằng lời cảm ơn họ: “Cảm ơn vì công việc của các bạn, vì sự dấn thân hàng ngày của các bạn; cảm ơn các bạn vì các bạn là dấu chỉ của tình yêu thương xót của Thiên Chúa và là chứng nhân của Tin Mừng.” Lưu ý đến khó khăn trong bối cảnh châu Âu trong việc truyền bá đức tin, với nguồn nhân lực ít ỏi, Đức Thánh Cha cho rằng “sự nghèo khó là một phúc lành”. Không phải vì chính nó mà bởi vì nó “dạy cách coi sứ mệnh Kitô giáo như một điều gì đó không phụ thuộc vào sức mạnh con người, nhưng trước hết là vào công trình của Chúa”.
Thật vậy, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tính ưu việt của ân sủng Thiên Chúa, mời gọi mỗi người thánh hiến, mỗi ngày khi thức dậy, hãy lặp lại với chính mình: “Không phải con là trung tâm, mà là Thiên Chúa”. Nhưng điều này không được làm giảm bớt trách nhiệm của chúng ta trong việc loan báo Chúa Kitô, và coi mình là “những người cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa”, Đức Phanxicô nhấn mạnh như thế khi trích dẫn lời thánh Phaolô.
“Tôi sống chức linh mục của tôi, sự thánh hiến của tôi như thế nào?”
Bằng cách chất vấn thính giả về cuộc sống của họ với tư cách là những người thánh hiến hay linh mục, Đức Phanxicô đã đưa ra một lời mời gọi kép: “Hãy chăm sóc các bạn và chăm sóc người khác”. Trước hết, là linh mục từ 55 năm qua, Đức Thánh Cha biết rằng chức linh mục hay đời sống độc thân thánh hiến là một sự hiến dâng bản thân. Do đó, ngài cũng đảm bảo rằng “một linh mục, một tu sĩ càng trao hiến chính mình, tiêu hao bản thân, làm việc cho Nước Thiên Chúa, thì càng cần phải chăm sóc bản thân mình”, nếu không sẽ có nguy cơ bỏ bê chính mình và những người khác.
Chính vì thế mà ngài, một người gia nhập Dòng Tên ở tuổi 22, đề xuất một “quy luật sống” rất đơn giản, bên cạnh bất kỳ quy luật tu trì nào quy định về thời gian cầu nguyện và làm việc. Đức Phanxicô khuyến khích mỗi người đã hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa hãy “giữ một vài khoảnh khắc cô tịch; có một người anh em hay một người chị em mà chúng ta có thể thoải mái chia sẻ những gì chúng ta ấp ủ trong lòng; trau dồi điều gì đó khiến chúng ta say mê”, không phải để giết thời gian mà để “nghỉ ngơi lành mạnh sau sự mệt mỏi của sứ vụ”.
Đức Thánh Cha cảnh báo: “Phải sợ những người luôn hoạt động, luôn ở trung tâm, những người, có lẽ vì quá nhiệt tình nên không bao giờ nghỉ ngơi”. Ngài cũng nói thêm tầm quan trọng của tình huynh đệ giữa các anh chị em thánh hiến, để chuyển đổi, như Đức Hồng y Bustillo đã nói, “từ Sách Ai Ca” đến “Sách Diễm Ca”.
Tiêu hao chính mình trong việc dâng hiến chính mình cho những người được giao phó cho chúng ta
Tiếp đến, Đức Giáo hoàng lấy lại trọng tâm thừa tác vụ của những người thánh hiến: “Mang Chúa Giêsu đến cho người khác, mang lại cho các tâm hồn niềm an ủi của Tin Mừng”, theo hình ảnh thánh Phaolô khi trở về từ Côrintô, đã nói : “Phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí tiền của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em” (2 Cr 12, 15).
Để bảo đảm lợi ích thiêng liêng của các tín hữu và “sự khao khát về niềm hy vọng” của họ, chúng ta phải tìm ra “những con đường mục vụ hiệu quả nhất để loan báo Tin Mừng”. Trong khi chuyến tông du của Đức Thánh Cha dành cho lòng đạo đức bình dân, thì Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích chúng ta đừng ngại “thay đổi, xem xét lại những khuôn mẫu cũ, đổi mới ngôn ngữ đức tin, đồng thời học biết rằng sứ mạng không phải là một vấn đề về những chiến lược nhân loại, nhưng trên hết là một vấn đề đức tin, vấn đề đam mê Tin Mừng và Nước Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách chúc mỗi người hiện diện “một thừa tác vụ tràn đầy hy vọng và niềm vui”, và trong những giây phút mệt mỏi và chán nản, hãy quay về với Chúa.
Ngay trước khi bắt đầu đọc Kinh Truyền Tin, Đức Phanxicô đã phó thác cho “Đức Mẹ Madunnuccia”, rất được tôn kính ở đảo Corse, tất cả các dân tộc đang có chiến tranh, đặc biệt là ở Ucraina và Trung Đông.
Tý Linh
(theo Jean-Benoît Harel – Vatican News)
Tags: Phanxicô-I, Pháp
Trackback from your site.